Quỳnh Lưu là một vùng đất cổ có cư dân sinh sống từ rất lâu đời. Bằng chứng là di chỉ văn hoá Quỳnh Văn. Ngoài Quỳnh Văn, các di chỉ cồn sò, điệp thuộc loại hình văn hoá Quỳnh Văn còn có ở các xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Hậu, Quỳnh Xuân, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hồng, Mai Hùng,… Niên đại văn hoá Quỳnh Văn được xác định là ít nhất ở thời kỳ đồ đá, tức là cách ngày nay khoảng 6000 năm. Cư dân nguyên thuỷ ở Quỳnh Lưu sinh sống thành từng bộ lạc ở vùng lõm, đồng lầy dọc bờ biển. Chính bằng lao động của mình, những chủ nhân cổ xưa trên mảnh đất Quỳnh Lưu đã “khai thiên phá thạch”, vật lộn với thiên nhiên, tạo nên một kỳ tích hình thành vùng đất và hình thành cộng dân cư thời xa xưa. Tên Quỳnh Lưu xuất hiện vào thế kỷ XV thời Nhà Lê (1430) ở cương vực từ biển Đông lên tận Quỳ Châu gồm 7 tổng phía trên (thuộc đất huyện Nghĩa Đàn hiện nay) và 4 tổng phía dưới (thuộc đất huyện Quỳnh Lưu ngày nay). Từ năm 1430 trở về trước, cương vực Quỳnh Lưu hiện nay thuộc đất Hàm Hoan (tên của vùng Nghệ Tĩnh từ thế kỷ I đến thế kỷ III). Từ cuối thể ký III đầu thế kỷ IV, Hàm Hoan đổi tên thành Đức Châu. Đến giữa thế kỷ VII (năm 650) thời Bắc thuộc, Nghệ Tĩnh hiện nay được gọi là Hoan Châu, rồi đến nửa cuối thể kỷ VIII (năm 764), Hoan Châu tách ra thành Hoan Châu và Diễn Châu. Diễn Châu lúc bấy giờ bao gồm các huyện ngày nay của Nghệ An như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Thời nhà Lý, Diễn Châu là một châu, sau đổi thành một lộ và sau nữa đổi thành phủ, tức là một đơn vị hành chính thuộc chính quyền trung ương từ năm 1010 đến 1225, Quỳnh Lưu lúc bấy giờ nằm trong châu, lộ hoặc phủ Diễn Châu. Đến thời Trần, vùng Hoan Châu và Diễn Châu được đổi tên là trại, sau là lộ, phủ; năm 1397, Diễn Châu được gọi là trấn với tên là Vọng Giang. Thời nhà Hồ, trấn Vọng Giang được đổi thành phủ Linh Nguyên (nghĩa là đất linh thiêng) gồm đất Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn ngày nay. Đến thời Lê, Diễn Châu chỉ là một phủ của Nghệ An. Phủ Diễn Châu thời kỳ này bao gồm hai huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu. Như vậy, tên “Quỳnh Lưu” lần đầu tiên xuất hiện ở thời nhà Lê với niên đại được xác định là năm 1430. Từ mốc thời gian thành lập huyện Quỳnh Lưu trở đi tức là đến thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thừ 12 (1831), cả nước chia thành 29 tỉnh, trong đó tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh được lập riêng. Quỳnh Lưu là đơn vị hành chính thuộc phủ Diễn Châu của tỉnh Nghệ An gồm 11 tổng. Từ năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), 7 tổng ở vùng trên được tách thành huyện Nghĩa Đường (sau đổi tên thành Nghĩa Đàn), 4 tổng còn lại (Quỳnh Lâm, Hoàng Mai, Hoàn Hậu, Thanh Viên) là huyện Quỳnh Lưu như hiện nay thuộc phủ Diễn Châu. Đến thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta, năm 1919, chính quyền thực dân phong kiến bỏ cấp phủ, Quỳnh Lưu trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh không còn là cấp dưới thuộc Diễn Châu nữa. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ công hoà ra đời (2/9/1945), địa giới huyện Quỳnh Lưu cho đến nay về cơ bản không có gì thay đổi lớn. Tuy nhiên một số làng phía bắc huyện Diễn Châu và huyện Yên Thành được sáp nhập vào huyện Quỳnh Lưu. Từ đó đến nay, một số tên xã cũng được thay đổi. Theo đà phát triển của kinh tế - xã hội, các đơn vị hành chính cấp xã trong huyện Quỳnh Lưu có thể còn thay đổi theo hướng lập ra những đơn vị mới trên cơ sở tách ra từ những đơn vị cũ. Nguồn: http://www.nghean.gov.vn |
Đăng nhận xét