(29-6) (c. 64?)
Thánh Phêrô: Thánh sử Máccô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một tuyệt đỉnh thắng lợi. Sau khi ghi lại nhiều sự hồ nghi, hiểu lầm và chống đối Ðức Giêsu, giờ đây Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Ðấng Thiên Sai” (Máccô 8:29b). Ðó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phêrô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Galilê để trở thành kẻ lưới người.
https://stspeterpaulandstursula.org |
Và Phêrô là người duy nhất được Ðức Giêsu nói, “Này Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Bởi thế, Thầy bảo với anh: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mátthêu 16:17b-19).
Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phêrô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phêrô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Ðức Giêsu.
Phêrô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (x. Mt 19:27). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Ðức Kitô khi chống đối ý tưởng của một Ðấng Thiên Sai đau khổ: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt. 16:23b).
Phêrô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Ðức Giêsu, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Ðức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Ðức Giêsu bằng cách chém đứt tai tên Man-khô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các tông đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Ðức Giêsu đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
Thánh Phaolô: Nếu giả như có nhà truyền giáo Hoa Kỳ kêu gọi phải chấp nhận chủ nghĩa Mác-xít chứ đừng tôn trọng Hiến Pháp, thì phản ứng tức giận sẽ giúp chúng ta hiểu cuộc đời Thánh Phaolô hơn khi ngài bắt đầu rao giảng là chỉ có Ðức Kitô mới cứu chuộc được chúng ta. Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo.
Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối: chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người — ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất — có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Ðể được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.
Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Ðức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại biết rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là những người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.
Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ. Ngày tháng này có từ năm 258, dưới thời bách hại của Valerian, khi các tín hữu tìm cách lấy xác của hai ngài để khỏi rơi vào tay các kẻ bách hại.
Kinh Thánh không ghi lại cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô, hoặc bất cứ vị Tông Ðồ nào, ngoại trừ Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê (TVCÐ 12:2), nhưng qua các bài đọc và truyền thuyết có từ thời Giáo Hội tiên khởi, các ngài đã tử đạo ở Rôma dưới thời Hoàng Ðế Nêrô, và được chôn cất ở đây. Là một công dân Rôma, có lẽ Thánh Phaolô bị chặt đầu. Còn Thánh Phêrô, được biết ngài bị treo ngược đầu trên thập giá.
Đăng nhận xét