(27-12)
Chính Thiên Chúa là người mời gọi, và nhân loại đáp lời. Trong Phúc Âm, lời mời gọi ông Gioan và ông Giacôbê (James), người anh của ông, được bắt đầu rất đơn giản, cũng như lời mời gọi ông Phêrô và Anrê: Ðức Giêsu gọi họ; và họ theo Ngài. Sự đáp ứng mau mắn được miêu tả rõ ràng. Các ông Giacôbê và Gioan “đang ở trên thuyền, cùng với người cha là ông Zêbêđê vá lưới. Ðức Kitô gọi họ, và ngay lập tức họ bỏ thuyền và từ giã người cha mà theo Ngài” (Mátthêu 4:21b-22).
Ðức tin của ba ngư dân — Phêrô, Giacôbê và Gioan — đã được phần thưởng, đó là được làm bạn với Ðức Giêsu. Chỉ ba vị này được đặc ân là chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của con gái ông Giairút, và sự thống khổ trong vườn Giệtsimani của Ðức Giêsu. Nhưng tình bằng hữu của ông Gioan còn đặc biệt hơn nữa. Truyền thống coi ngài là tác giả cuốn Phúc Âm Thứ Tư, dù rằng hầu hết các học giả Kinh Thánh thời nay không cho rằng vị thánh sử và tông đồ này là một.
Phúc Âm Thánh Gioan đề cập đến ngài như “người môn đệ được Ðức Giêsu yêu quý” (x. Gioan 13:23; 19:26; 20:2), là người được ngồi cạnh Ðức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, và là người được Ðức Giêsu ban cho một vinh dự độc đáo khi đứng dưới chân thánh giá, là được chăm sóc mẹ của Ngài. “Thưa bà, đây là con bà… Ðây là mẹ con” (Gioan 19:26b, 27b).
Vì ý tưởng thâm thuý trong Phúc Âm của ngài, Thánh Gioan thường được coi như con đại bàng thần học, cất cánh bay cao trong một vùng mà các thánh sử khác không đề cập đến. Nhưng các cuốn Phúc Âm thật bộc trực ấy cũng tiết lộ một vài nét rất nhân bản. Ðức Giêsu đặt biệt hiệu cho ông Gioan và Giacôbê là “con của sấm sét.” Thật khó để hiểu được ý nghĩa chính xác của biệt hiệu này, nhưng chúng ta có thể tìm thấy chút manh mối trong hai biến cố sau.
Biến cố thứ nhất, như được Thánh Mátthêu kể lại, bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan xin cho hai con của bà được ngồi chỗ danh dự trong vương quốc của Ðức Giêsu — một người bên trái, một người bên phải. Khi Ðức Giêsu hỏi họ có uống được chén mà Ngài sẽ uống và chịu thanh tẩy trong sự đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu không, cả hai ông đều vô tư trả lời, “Thưa có!” Ðức Giêsu nói quả thật họ sẽ được chia sẻ chén của Ngài, nhưng việc ngồi bên tả hay bên hữu thì Ngài không có quyền. Ðó là chỗ của những người đã được Chúa Cha dành cho. Các tông đồ khác đã phẫn nộ trước tham vọng sai lầm của người anh em, và trong một dịp khác Ðức Giêsu đã dạy họ về bản chất thực sự của thẩm quyền: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20:27-28).
Một dịp khác, những “người con của sấm sét” hỏi Ðức Giêsu rằng họ có thể khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt những người Samaritan lạnh nhạt không, vì họ không đón tiếp Ðức Giêsu đang trên đường đến Giêrusalem. Nhưng Ðức Giêsu đã “quay lại và khiển trách họ” (x. Luca 9:51-55).
Vào ngày đầu tiên của biến cố Phục Sinh, bà Mađalêna “chạy đến ông Simon Phêrô và người môn đệ mà Ðức Giêsu yêu dấu, và bà bảo họ, ‘Người ta đã đem Chúa ra khỏi trong mộ; và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?” (Gioan 20:2). Gioan nhớ rằng, chính ngài và Phêrô cùng đi cạnh nhau, nhưng “người môn đệ kia chạy nhanh hơn ông Phêrô nên đến mộ trước nhất” (Gioan 20:4b). Ông không bước vào mộ, nhưng đợi ông Phêrô và để ông này vào trước. “Sau đó người môn đệ kia mới bước vào, và ông đã thấy và đã tin” (Gioan 20:8).
Sau biến cố Sống Lại, ông Gioan đang ở với ông Phêrô thì phép lạ đầu tiên xảy ra — chữa một người bị tật từ bẩm sinh — và việc đó đã khiến hai ông bị cầm tù. Cảm nghiệm kỳ diệu của biến cố Sống Lại có lẽ được diễn tả hay nhất trong sách Công Vụ Tông Ðồ: “Nhận thấy sự dũng cảm của ông Phê-rô và ông Gio-an và biết rằng hai ông là những người bình dân, không có học thức, nên họ rất ngạc nhiên, và họ nhận ra rằng hai ông là những người theo Ðức Giêsu” (CVTÐ 4:13).
Thánh Sử Gioan đã viết cuốn Phúc Âm vĩ đại, cũng như các lá thư và Sách Khải Huyền. Cuốn Phúc Âm của ngài là một công trình độc đáo. Ngài nhìn thấy sự vinh hiển và thần thánh của Ðức Giêsu ngay trong các biến cố ở trần gian. Trong bữa Tiệc Ly, ngài diễn tả Ðức Giêsu với những lời phát biểu như thể Ðức Giêsu đã ở thiên đàng. Ðó là cuốn Phúc Âm về sự vinh hiển của Ðức Giêsu.
Lời Bàn
Quả thật, đó là một hành trình thật dài để thay đổi từ một người khao khát muốn có uy quyền và muốn sai lửa từ trời xuống thiêu đốt, cho đến một người đã viết những dòng chữ sau: “Phương cách để chúng ta biết được tình yêu là Ngài đã hy sinh mạng sống vì chúng ta; do đó, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống mình vì anh em” (1 Gioan 3:16).
Lời Trích
Có câu chuyện người ta thường kể, là “các giáo dân” của Thánh Gioan quá chán chường với bài giảng của ngài vì ngài luôn luôn nhấn mạnh rằng: “Hãy yêu thương nhau.” Dù câu chuyện này có thật hay không, đó là nền tảng của văn bút Thánh Gioan. Những gì ngài viết có thể được coi là tóm lược của Phúc Âm: “Chúng ta đã biết và đã tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ” (1 Gioan 4:16).
Đăng nhận xét