CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – C | GIÁO XỨ LỘC THỦY
12 Thánh tông đồ Audio suy niệm Audio truyện Công giáo Âm nhạc Bài Giảng mp3 Bạn có biết bạn trẻ xa nhà Bảo vệ sự sống Blog tips Ca kịch công giáo Các bài giáo lý của ĐTC Phanxicô Các hội đoàn Các mục chính Các Thánh Các thánh địa Công giáo Các thánh khác Các Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ Các vấn nạn xã hội Cắm hoa nghệ thuật Câu chuyện Giáng Sinh Châm ngôn công giáo Chiêm ngắm Chúa Chuyện phiếm đạo đời Chuyện về Giáo Lý và Giáo Dục Công Giáo đó đây Cửu Nhật Kinh Nguyện Danh Danh bạ website các giáo xứ - giáo họ việt nam Danh bạ website công giáo Di sản thế giới Du Lịch Đẹp + Để sống đạo hôm nay Đôi nét về Giáo xứ Đời sống cầu nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Đức Mẹ Lama Đức Thánh Cha phanxico Đức Tin và Khoa Học Đường Hy Vọng Gia đình Giải đáp thắc mắc cuộc đời Giao hat Vang Mai Giáo hạt Vàng Mai Giáo Hội Đông Phương Giáo lý - dân ca Giáo lý - kinh thánh Giáo sử Giáo xứ Media góc học tập Góc khám phá Góc nghệ thuật Góc thư giãn Góp nhặt Hạt Giống Lời Chúa Hình ảnh cổ xưa Hình ảnh Giáo xứ Lộc Thủy học tiếng anh Hướng dẫn sử dụng webblog Kết nối websites Kiến thức phổ thông Kính Đức Mẹ Kinh thánh tiếng anh Lẽ sống Lịch sử các Dòng tu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam Lịch sử hình thành Giáo xứ Lộc Thủy Lòng Thương xót Chúa Lộc Thủy Lời Chúa qua bài hát Lời chúa theo chủ đề Mùa Vọng - Advent Năm thánh Lòng Thương Xót Nghe và suy gẫm Nghệ thuật Công Giáo Nghệ thuật sống Ơn gọi-tận hiến Phim công giáo Quỳnh lưu Radio Công Giáo Sách Công giáo sách tháng đức bà Sắc màu cuộc sống Sổ tay sinh hoạt suy gẫm Suy gẫm và Cầu nguyện Suy niệm Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mùa Phục Sinh Suy niệm Lời Chúa mùa TN A Suy niệm Lời Chúa năm A Suy niệm mùa chay Sức khỏe - ẩm thực Tài liệu Công Giáo tổng hợp Tài liệu dạy Giáo Lý Tài liệu Tuần Thánh Thánh ca Thánh ca cầu nguyện Thánh Ca Hoàng Diệp Thánh Mẫu học Thánh Mẫu La vang Thế giới Công Giáo Thơ - Truyện Công Giáo Thơ Công Giáo Thơ và cuộc sống Thủ thuật blog Thủ thuật facebook Thủ thuật google + Thư Viện Công Giáo Tiếng anh qua Lời Chúa Tiêu điểm Tìm hiểu phụng vụ Tin Công Giáo Tin Giáo xứ Tin tức Giáo xứ Lộc Thủy Tin Việt Nam và Thế Giới Tổ chức kỳ thi Giáo lý Tông huấn Giáo hội Công giáo Trang Trí Giáng Sinh Trắc nghiệm Giáo lý Trắc nghiệm Kinh Thánh Trắc nghiệm năm đức tin Truyện Công Giáo Truyện về Mẹ Tư liệu Giáo hội Công giáo việt nam Tư liệu Giáo phận Vinh Tư liệu Giáo xứ Lộc Thủy Từ vựng công giáo Anh-việt Tv Công giáo TVs và Radios khắp nơi Vấn đáp đức tin công giáo Videos Đặc Sắc Vietnamese English Prayers Vinh Quang Đức Maria Website Công Giáo bổ ích

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – C



SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – C




Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 21, 1 – 19)
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Điđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy"].

Đó là lời Chúa.

MỤC LỤC 

Mầu nhiệm Giáo Hội
Sự Phục Sinh của Phêrô
Cảm thông với nhau
Tình Mẹ trong Tin Chúa Giê-su
Con có yêu Mến Thầy không?
Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi


MẦU NHIỆM GIÁO HỘI


Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu quan tâm đến việc thiết lập Giáo Hội để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Người trên trần gian. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hình ảnh về Giáo Hội mà Người mong muốn khi thiết lập.

Hình ảnh về một Giáo Hội có nền tảng là yêu thương. Chúa Giêsu không thiết lập một cơ chế, nhưng thiết lập một gia đình. Người đứng đầu Giáo Hội không phải là người chỉ huy ra lệnh, nhưng là người chăm sóc. Sức mạnh của Giáo Hội vì thế không phải ở kỷ luật, uy quyền, nhưng ở tình yêu thương. Mọi người yêu thương nhau vì lẽ là anh chị em trong một gia đình. Để duy trì tình yêu thương, người đứng đầu phải là người yêu thương nhiều nhất. Chính vì thế, trước khi tuyển chọn thánh Phêrô làm Giáo hoàng. Chúa Giêsu đã 3 lần hỏi: “Phêrô, con có mến Thầy không?”. Có yêu mến Chúa thì mới biết yêu mến anh chị em mình. Tình yêu mến là nền tảng của Giáo Hội. Bao lâu tình yêu mến còn, Giáo Hội còn vững vàng. Khi nào tình yêu mến suy giảm, Giáo Hội sẽ suy yếu.

Hình ảnh về một Giáo Hội có sức sống truyền giáo. Giáo Hội như con thuyền của ngư phủ. Ngư phủ sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm cá. Sức sống của Giáo Hội là truyền giáo, là đánh bắt các linh hồn như Chúa Giêsu, khi kêu gọi các Tông đồ đầu tiên đã nói: “Hãy theo Thầy, Thầy sẽ đào tạo anh em thành những tay chài lưới linh hồn người ta”. Muốn đánh bắt được tôm cá, ngư phủ không được neo thuyền, ngồi trên bờ mà nghỉ ngơi nhàn nhã, nhưng phải dong buồm ra khơi, ra chỗ nước sâu mới có nhiều cá. Cũng vậy, muốn cứu được nhiều linh hồn, Giáo Hội không được ngồi yên ngơi nghỉ, mà phải lên đường, phải ra đi đến những nơi xa xôi, phải nỗ lực tìm kiếm. Ra khơi là phải mệt nhọc, phải làm việc và nhất là phải đương đầu với sóng to gió lớn, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Cũng vậy, lên đường truyền giáo là phải vất vả, khổ cực và chấp nhận những nguy hiểm, rủi ro. Phải ra đi vì đó là ước nguyện của Chúa. Phải lên đường vì đó chính là sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội.

Hình ảnh về một Giáo Hội hoạt động có hiệu quả nhờ tuân theo Lời Chúa. Giáo Hội quy tụ những con người. Giáo Hội hoạt động với những cố gắng của con người. Nhưng chỉ với sức con người. Giáo Hội không làm được việc gì. Phêrô và các bạn mệt nhọc suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào là hình ảnh của những hoạt động không có Chúa hướng dẫn. Khi nghe Lời Chúa dạy, các ngài đã đánh được một mẻ cá lớn lạ lùng. Hôm nay Chúa không còn ở với các Tông đồ. Không còn ngồi chung thuyền với các ngài. Không còn dẹp yên sóng gió cho các ngài. Chúa đã về trời. Chúa đứng ở một bến bờ khác. Nhưng Chúa vẫn theo dõi những hoạt động của các ngài. Chúa sẽ đưa ra những chỉ dẫn để hoạt động của các ngài có kết quả tốt đẹp. Tuy không hữu hình, nhưng Chúa vẫn hiện diện bên Giáo Hội như lời Người hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Giáo Hội thật là một mầu nhiệm vì xét theo bề ngoài chỉ gồm những con người hữu hình, nhưng thật sự bên trong có sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình. Sự vững mạnh của Giáo Hội không nhờ luật lệ, quân đội, hay vũ khí, nhưng nhờ tình yêu thương. Càng yêu thương, càng tha thứ thì Giáo Hội càng mạnh mẽ. Hiệu quả của Giáo Hội không ở tại việc ổn định, yên vị, nhưng ở tại mạo hiểm ra đi. Chính khi ra đi, Giáo Hội thâu lượm được nhiều kết quả. Càng gặp khó khăn, Giáo Hội càng vững mạnh vì Chúa hằng ở với Giáo Hội luôn mãi.

Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
  1. Bạn có nghĩ rằng Giáo Hội mạnh nhờ có nhiều tiền bạc, có nhiều người tài giỏi không? Bạn suy nghĩ thế nào về bài Tin Mừng hôm nay?
  2. Trong đời sống đạo, bạn có bao giờ quan tâm làm cho người khác biết và yêu mến Chúa không?
  3. Giáo Hội đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng vẫn bền vững qua 2000 năm. Bạn nghĩ gì về điều này?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt



SỰ PHỤC SINH CỦA PHÊRÔ

Chương 21 của Phúc Âm Gio-an được các nhà Thánh Kinh học cho là đã được các đồ đệ của tông đồ Gio-an thêm vào sau này; vì tự nó kết luận toàn cuốn Tin Mừng thứ tư đã trọn vẹn ở ngay cuối chương 20 rồi. Dầu vậy tôi vẫn thấy rằng việc thêm chương 21 này, không những hợp lý, mà còn cần thiết nữa là đàng khác. Cần phải đề cập tới một Phê-rô - thủ lãnh đã phục sinh như thế nào, sau khi đã gục ngã trong tội chối bỏ Thầy. Cần phải biết một Phê-rô - tuyên tín đã trở lại’ như thế nào, sau khi bị Sa-tan sàng như người ta sàng gạo (Lc 22, 31-32). Nếu đây là suy tư của các môn đệ tông đồ Gio-an… thì tôi lại càng thấy Hội Thánh thời sơ khai đã có một tầm hiểu biết sâu sắc và cụ thể như thế nào về biến cố phục sinh.

Lần hiện hình của Đấng Phục Sinh trên bờ hồ Ti-bê-ri-a diễn ra trong một khung cảnh rất ư là tầm thương. Hình như tác giả vẫn lưu tâm độc giả mình tới vai trò lãnh đạo của Phê-rô, kể cả trong các công việc vặt vãnh. Các môn đệ khác vẫn tôn trọng vai trò làm đầu của ông, thậm chí trong cả việc đi đánh cá. Thế rồi Đức Ki-tô phục sinh hiện nguyên hình, cũng trong một hình dạng rất đời thường tới độ các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su”. Như một gợi ý để nhận ra mình, Đức Giê-su đã dùng tới sự kiện đánh cá, một công việc không những thiết thân với bốn môn đệ đầu tiên, mà còn liên quan tới niềm tin của các ông, cách riêng Phê-rô, vì nó gợi nhớ mẻ cá lạ ngày nào đã làm cho các ông nhận ra con người tội lỗi thấp hèn của mình (Lc 5,4-11). Lần này môn đệ Gio-an đã phát hiện ra điều đó, nhưng trong một nội dung mới mẻ và sâu sắc hơn nhiều.

Nhờ một mẻ cá lạ cũng trên mặt hồ này, Phê-rô năm nào đã khởi đầu ơn gọi môn đệ của mình bằng lời tuyên xưng đầy khiêm tốn: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!Nhưng rồi dần dà ông hầu như đã quên bẵng đi điều này. Những lần tuyên xưng sau đó lại sặc mùi tự mãn, mang nặng tính chủ quan quyết đoán chắc nịch. Ông cam đoan mình sẽ trung thành bảo vệ Thầy đến cùng. Tông đồ Phê-rô hùng hổ ngăn cản thày ra đi chịu chết; ông sắm gươm để chiến đấu vì thầy; ông nặng lời tuyên thệ: dầu có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng. Đúng là Sa-tan đang sàng sẩy ông. Cạm bẫy mất lòng tin lớn nhất mà ông đang rơi vào chính là để mình bị cuốn trôi xa khỏi lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Và hậu quả là ông đã chìm ngập, đã chết trong sự phản bội chối bỏ Thầy.

Đức Ki-tô Phục Sinh hiện hình trên bờ hồ, cũng với một mẻ cá lạ, chính là lời mời gọi Phê-rô hãy phục sinh; tức là hãy quay trở về từ thái độ tự phụ ‘sẽ trung kiên’ dẫn đến ngã quị trong cái chết chối bỏ Thầy, để khiêm cung chỗi dậy đón nhận tình yêu tha thứ đầy nhân ái của Thầy Chí Thánh. Và may mắn thay, Phê-rô đã chỗi dậy và thực sự phục sinh! Gio-an cho thấy cuối cùng thì Phê-rô đã nhận ra điều này cách sâu xa hơn hết thảy mọi môn đệ khác. Cái tánh bộc trực của một Simon, con ông Gioan (nghĩa là một Phê-rô trần tục) vẫn còn đó: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Nhưng tới lần thứ ba thì ông chỉ dám đáp lại câu hỏi: Anh có yêu mến thầy hơn các anh em này không? bằng lời khiêm tốn: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ông đã nhận ra con người yếu đuối tột cùng của mình. Nhưng chính lúc đó, phải chỉ lúc đó mà thôi, vai trò lãnh đạo tối cao của Phê-rô mới chính thức được phê chuẩn: Hãy chăm sóc các cừu mẹ của Thầy”; nói cách khác: hãy làm cho (lòng tin của) anh em của anh nên vững mạnh”.

Thế mới rõ, phục sinh phải là cuộc trở lại tận căn của mọi môn đệ Đức Ki-tô, bắt đầu từ các thủ lãnh trong Hội Thánh, kể cả các đấng giữ vai trò kế vị Phê-rô ‘chăm sóc các cừu mẹ’. Tất cả mọi Ki-tô hữu chúng ta đều cần phải được phục sinh ngay từ bây giờ, bởi vì Phục sinh chính là nhận biết tội chết của mình, để được quyền năng Chúa cho ‘vượt qua’ tới sự sống trọn hảo trong lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Hết thảy Ki-tô hữu chúng ta đều phải là đoàn dân phục sinh trong nội dung này.

Lạy Thiên Chúa giầu lòng xót thương, cảm tạ Chúa đã cho con học biết bài học phục sinh của Phê-rô, bài học làm con thấm thía, trong tư cách linh mục, tuyên xưng đức tin thực sự hệ tại ở điều gì, và thế nào là cũng cố niềm tin của anh em con. Nếu việc sa ngã của Phê-rô đã trở thành một đại phúc cho ông, thì xin Chúa cũng đưa những khuyết điểm, sa ngã và lỗi phạm của con vào trong sự Phục Sinh của Chúa; để chính con, và nhiều người khác nữa, thâm tín hơn về lòng thương xót cứu độ Chúa hằng trao ban. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB



CẢM THÔNG VỚI NHAU

Có một lời tâm sự viết như sau: “Hôm qua, bị ngã rất đau, muốn khóc lắm, nhưng không dám khóc”. Và cũng không thể khóc, vì cảm giác đau đã trôi qua nhanh, nhường chỗ cho cảm giác xấu hổ.
Tất cả mọi người nhìn vào, hình như đâu đó có tiếng ai đó chê bai: “Lớn thế rồi mà đi đứng còn ngã”. Đâu đó còn có cái nhếch môi cười, và đâu đó còn có cả cái xuýt xoa . . .
Tự dưng ước mình chỉ là một đứa trẻ, là trẻ con thì được ngã, ngã thoải mái, khóc thoải mái. Tiếc là đã lớn, lớn không được ngã. Ngã người cười chê . .”
Ngã là chuyện thường tình. Nhưng xem ra nguời ta chỉ chấp nhận cho trẻ con được ngã, còn người lớn thì hình như không được phép ngã. Dẫu biết rằng: “Ai nên khôn mà không dại một lần”; và: “Một lần ngã là một lần bớt dại – Cho thêm khôn chút nữa trong đời”. Nhưng xem ra người ta dễ xem thường nhau mỗi khi ai đó vấp ngã trong đời.

Đôi khi chúng ta vẫn chê trách, đàm tiếu với nhau về những lầm lỗi, khiếm khuyết của người này, người nọ. Đôi khi chúng ta ít cảm thông với những yếu đuối, thiếu sót của tha nhân. Dẫu biết rằng không ai hoàn hảo. Nhưng chúng ta vẫn thích bỉu môi, xuýt xoa về những lầm lỗi của tha nhân.

Người lớn không nên ngã. Ngã bị người đời cười chê, bị người đời xem thường. Ngã là biểu hiện sự vô ý tứ hay bồng bột. Ngã là dấu chỉ của sự chưa cứng rắn hay trưởng thành. Thế là, người ta thường kết án nặng lời với những cái ngã của anh em. Người ta ít cảm thông cho cái ngã của tha nhân. Người ta thường xem thường những ai lớn rồi mà còn ngã. Xem ra, người bị ngã đã đau còn đau hơn bởi sự thiếu cảm thông của anh em mình. Họ bị cô đơn trong nỗi quặn đau không nói thành lời, vì chẳng ai hiểu mình, chẳng ai cảm thông với mình.

Có người còn nói rằng: đau nhất là ngã hai lần cùng một lỗi. Ngã một lần, lần sau lại ngã. Có dại mới ngã, có ngã mới bớt dại, mỗi lần ngã thêm một lần bớt dại, mỗi lần ngã là một lần đau đớn. Nhưng có cái dại nào giống cái dại nào đâu! Thế nên, làm người thường vấp ngã về thể xác và tinh thần không chỉ một lần mà có khi rất nhiều lần. Không chỉ khi còn trẻ mà có khi vào tuổi gần đất xa trời vẫn vấp ngã vì dại! Nhưng nếu mỗi lần vấp ngã mà có ai đó cầm tay, nâng đỡ thì có lẽ cái đau sẽ bớt đi và tinh thần đứng lên làm lại sẽ mạnh mẽ hơn.

Phê-rô đã từng vấp ngã. Tuy đối tượng khác nhau nhưng hoàn cảnh vẫn không thay đổi. Thế mà ông ngã đến ba lần. Ông vấp ngã không ai nâng đỡ ông. Không ai kéo ông đứng lên. Vì ông phạm tội chẳng ai biết. Ông té chẳng ai hay. Thế nhưng, có một người biết hết mọi sự. Có một người vẫn nhìn theo ông. Đó là Thầy Giê-su. Ngài không nói. Nhưng ánh mắt như một lời nhắc nhở, động viên Phê-rô hối cải và làm lại cuộc đời. Ánh mặt biểu lộ tấm lòng. Ánh mắt bày tỏ tấm lòng nhân ái mà Chúa dành cho Phê-rô. Ánh mắt ấy không xét tội của Phê-rô. Ánh mắt ấy chỉ nhắc nhở Phê-rô đã ngã đến ba lần mà là cái ngã mà Thầy đã cảnh báo trước nhưng ông vẫn xem thường.

Xem ra Chúa cũng nhìn Phê-rô như một học trò cần được yêu thương vỗ về hơn luận phạt. Phê-rô ngã Chúa nâng đỡ. Phê-rô sai đường Chúa uốn nắn. Chúa không nói với Phê-rô: “lớn thế còn ngã”. Chúa cũng không xem thường Phê-rô, nhưng Chúa chỉ mời gọi Phê-rô: “Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin”.

Hôm nay, sau khi Chúa sống lại, Ngài đã không tìm Phê-rô để luận tội. Ngài chỉ đòi Phê-rô nói lên tình yêu của mình với Thầy Chí Thánh Giê-su. Chúa đã hỏi Phê-rô đến ba lần: “con có yêu mến Thầy không”. Ba lần công khai nói lên tình yêu để xoa dịu nỗi đau dằn vặt lương tâm sau ba lần ông vấp ngã đến chối Chúa ba lần.

Phê-rô hiểu tình yêu của Thầy. Phê-rô hiểu Thầy luôn yêu Phê-rô. Và Thầy cũng hiểu tấm lòng chân thành của Phê-rô. Phê-rô có té nhưng không chủ ý. Phê-rô té vì yếu đuối. Phê-rô té vì nhu nhược. Nhưng Phê-rô không té vì phản bội. Phê-rô vẫn yêu Thầy và gắn bó với Thầy. Thế nên, khi được hỏi: “con có yêu mến Thầy không?”. Phê-rô đã mạnh dạn thưa: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”

Cuộc đời hôm nay, có lẽ có nhiều lần chúng ta cũng từng vấp té, nhưng chẳng ai cảm thông, nâng đỡ. Đôi khi còn bàn tán, xem thường. Mỗi lần vấp té đã đau lại càng đau hơn khi không nhận được sự cảm thông nâng đỡ từ anh em. Một mình ta quặn đau. Một mình ta phải đương đầu với khó khăn. Một mình phải gượng đứng dậy. Đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chán trường muốn buông xuôi mặc cho dòng đời đưa đẩy. Nhưng không Chúa biết mọi sự. Chúa vẫn nhìn chúng ta như Ngài đã từng trìu mến nhìn Phê-rô. Chúa đã từng hứa: “cho dù người mẹ có bỏ con, Ta vẫn không bỏ các ngươi”. Chúa vẫn ân cần vực dậy khi chúng ta váp té trên đường.

Xin Chúa cho chúng ta luôn nhận ra Chúa luôn yêu thương để không bao giờ thất vọng về bản thân mình, nhưng luôn đứng dạy làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã. Xin cho chúng ta cũng biết học nơi Chúa để luôn nâng đỡ nhau, và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền




TÌNH MẸ TRONG TIM CHÚA GIÊSU

Thánh Gioan tông đồ giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và qua bốn sách Tin Mừng, Chúa Giê-su mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha yêu thương. Người dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha bằng tiếng “Áp-ba” rất thân thương, đó là tiếng bập bẹ của đứa con thơ gọi cha mình.
Tuy nhiên, điều đặc biệt là Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta bằng tấm lòng bao la của một người cha mà còn bằng trái tim dịu hiền của một người mẹ nữa. Chính Thiên Chúa đã hé mở cho chúng ta thấy khối tình từ mẫu của Người qua miệng ngôn sứ I-sa-i-a:
Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,13) và sau nầy, qua thánh sử Mát-thêu, Chúa Giê-su phán: “Giê-ru-sa-lem… đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Mát-thêu 23,37)

Trích đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay phác họa rõ nét hơn mối tình từ ái của người mẹ được biểu lộ qua tấm lòng của Chúa Giê-su.
Khi biết các môn đệ phải thức thâu đêm chài lưới giữa biển khơi, vừa phải chịu đói lạnh, vừa mệt nhoài, mối tình từ mẫu nơi Chúa Giê-su đã khiến Người dấn bước đến với đàn con để chia sẻ sự nhọc nhằn vất vả của họ, ngay lúc trời vừa hừng sáng.
Sở dĩ Chúa Giê-su đến sớm như vậy vì Người không muốn để cho các môn đệ phải chịu đói lạnh lâu hơn. Như người mẹ hiền, Chúa Giê-su mang đến cho họ sự chăm sóc giúp đỡ ngay khi họ đang cần.
Biết rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Người dạy họ thả lưới đúng nơi để bắt được nhiều cá.
Đối với người đi biển vừa mới lên bờ còn đang đói và lạnh thì không gì sung sướng bằng được thưởng thức ngay những miếng bánh và những con cá nướng còn nóng hổi và thơm ngon. Chính vì thế, khi đến với các môn đệ, ngoài những thực phẩm khô, Chúa Giê-su còn mang theo than để nướng bánh và cá.
Rồi Chúa Giê-su ngồi trên bãi biển như một người mẹ gia đình, nhóm lửa lên, đem cá và bánh nướng trên than hồng cho sẵn, để khi các môn đệ vừa bước lên bờ là có ngay bữa ăn sáng còn đang nóng.
Sau đó, Chúa Giê-su còn gọi các môn đệ mang thêm cá mới bắt được, để Người tiếp tục phục vụ như người mẹ gia đình, tiếp tục nướng những con cá còn tươi rồi trao cho từng đứa con đang đói. Thật đầm ấm như người mẹ hiền giữa đàn con ngoan, dạt dào tình mẫu tử.
***
Sự chăm sóc ân cần mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ hôm xưa, nay cũng được dành cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục chăm sóc và dọn bữa hằng ngày cho chúng ta.
Nơi bàn tiệc thánh, Chúa Giê-su đem Lời hằng sống của Thiên Chúa để ban tặng chúng ta. Nhờ Lương Thực tuyệt vời nầy, tâm hồn chúng ta được dưỡng nuôi và được dồi dào sức sống. Cũng nơi bàn tiệc yêu thương nầy, Chúa Giê-su phục sinh trao chính thân mình Người làm bánh nuôi dưỡng chúng ta, để chúng ta được hiệp thông nên một với Người, và qua đó, Người thông ban sự sống thần linh của Người cho chúng ta.
Hôm nay, Thiên Chúa còn tiếp tục nhờ Mẹ Maria để trao ban tình từ mẫu của Người cho chúng ta. Như mặt trăng đón nhận ánh sáng mặt trời rồi phản chiếu xuống mặt đất làm cho trái đất được chiếu sáng, thì Mẹ Maria cũng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và trao lại cho chúng ta. Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa yêu thương ấp ủ chúng ta bằng một tình mẹ rất dịu dàng, dìu dắt chúng ta như đứa con thơ bé, vượt qua biển đời sóng gió về bến an bình.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng tình Cha bao la lẫn tình Mẹ dịu dàng. Ước gì chúng ta cũng biết đền đáp lại mối tình cao cả ấy với tất cả tấm lòng hiếu thảo của một người con ngoan.

Lm.Inhaxiô Trần Ngà




CON CÓ YÊU MẾN THẦY KHÔNG?

Chúa Giêsu hỏi Phêrô, "Con có yêu mến Thầy không?". Một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để trả lời một cách dễ dàng như thánh Phê-rô đã thưa, "Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy".

Một buổi sáng chủ nhật, người mẹ bảo người con trai rằng, hôm nay mẹ muốn con chở mẹ đi tham dự Thánh lễ, vì lâu nay anh ta không đến nhà thờ. Trong lúc đang buồn ngủ và mệt mỏi, vì đêm qua anh ta đi chơi về rất khuya.Vả lại, anh ta cũng chẳng tha thiết gì với đạo nghĩa. Trong lúc bực tức vì mất giấc ngủ, nên anh ta trả lời với người mẹ rằng: "Mẹ đi theo Chúa của mẹ đi. Nếu mẹ có thấy Chúa thì hãy chỉ cho con? Con có thấy Chúa đâu?”. Người mẹ đau buồn và lặng lẽ đi. Phải chăng câu hỏi của chàng thanh niên ấy cũng là câu hỏi của nhiều người trong chúng ta hôm nay? Chúng ta cũng đang hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa trong thế giới này?. Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta hãy trở lại với trang Tin mừng hôm nay qua biến cố Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ tại bờ biển Tibêria.

Sau một đêm dài vất vả mệt nhọc, các tông đồ đã thất vọng vì không bắt được con cá nào, thì lúc trời rạng sáng Chúa Giêsu hiện đến với các ông trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết đó là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và được đầy cá. Sau khi các ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Đây là lần thứ ba Chúa Giê-su hiện ra với các tông đồ sau khi từ cõi chết sống lại.

Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là nền tảng cho đời sống của đức tin chúng ta, vì Ngài chiến thắng sự chết và đã mở ra cho chúng ta con đường hướng đến cuộc sống mới. Chúng ta được tái sinh bởi nước và máu của Ngài. Ngài là Cha yêu thương và tha thứ cho chúng ta ngay cả khi chúng ta là tội nhân. Như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong bài giáo lý về Kinh Tin Kính trong Năm Đức Tin như sau: "Giờ đây, chúng ta xem xét lại ý nghĩa sự phục sinh của Chúa Kitô đối với chúng ta và đối với ơn cứu độ dành cho chúng ta..." Thật vậy, chúng ta đang sống trong niềm vui mừng Chúa phục sinh. Nếu trong lòng của chúng ta không có niềm tin thì trở nên vô ích. Hơn nữa, lòng yêu mến của chúng ta không chỉ giữ các giới răn, mà là sự sống mới với niềm vui Chúa phục sinh. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn Thiên Chúa. Niềm tin và hy vọng của chúng ta đặt trên nền tảng chứng thực của các tông đồ, và niềm tin đó được nuôi dưỡng hằng ngày bằng cách nghe Lời Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích và thực hành các công việc bác ái. Để nhận biết và gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta cần có thái độ cộng tác và cảm nghiệm đức tin qua biến cố trong cuộc đời của chúng ta.

Nếu bạn hỏi có thấy Thiên Chúa không? Vậy bạn từ đâu đến? Bạn sẽ đi về đâu? Nếu bạn trả lời thắc mắc này, thì tôi sẽ chỉ cho bạn Thiên Chúa ở đâu?. Trong lớp giáo lý, cô giáo hỏi một bé gái: Con tin có Thiên Chúa không? Cô bé mở tròn đôi mắt và trả lời: Thưa cô, có chứ! Con luôn tin có Thiên Chúa. - Sao con biết có Thiên Chúa mà tin? Cô bé vô tư trả lời: "Hãy nhìn bầu trời, cảnh vật núi rừng, biển khơi, thì chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên những thứ đó. Qua đó, con tin có Thiên Chúa. - Con chỉ cho cô biết Thiên Chúa của con ở đâu ? Cô bé tiếp tục trả lời: Thưa cô, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi không có chỗ nào mà không có Thiên Chúa, và Chúa ở trong tâm hồn của con nữa.

Với thân phận yếu đuối và giới hạn của con người, chúng ta tìm kiếm Chúa trong đức tin và lòng yêu mến của chúng ta qua Bí tích Thánh thể được tái diễn trên bàn thờ. Ngài đang hiện diện và chờ đợi chúng ta đến với Ngài. Ngài là người Cha yêu thương đang mong chờ chúng ta trở về với Ngài. Vì nơi Ngài, chúng ta được sống trong nguồn yêu thương, niềm vui và được đổi mới trong Chúa phục sinh.

Lạy Chúa, chúng con luôn yêu mến Ngài vì Ngài là nguồn ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng con. Amen.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.



CÙNG NGƯ PHỦ PHÊRÔ RA KHƠI

Tàu Titanic dài 269m và rộng 28m. Trọng tải 46.328 tấn, và chiều cao từ mặt nước tới boong tàu là 18m. Titanic có thể chở tổng cộng 3.547 người, gồm cả thủy thủ đoàn. Vào đầu thế kỷ 20, Titanic được coi là một đỉnh cao của  kiến trúc hàng hải, một tiến bộ công nghệ vượt bực, mà tạp chí The Shipbuilder tấm tắc ca ngợi là con tàu "không thể chìm".

Tàu bắt đầu được đóng vào năm 1909  và được hạ thủy năm 1912. Là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng nhất lúc đó, Titanic mang theo tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của công ty sở hữu nó, hãng vận tải biển The White Star Line. Tuy nhiên, trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó vào tháng 4 năm 1912, Titanic đã đắm do đâm vào một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người tử nạn. Vụ đắm tàu này đã đi vào lịch sử như là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình. (Wikipedia)

Tuy nhiên, con thuyền đánh cá mong manh của ngư phủ Phêrô và quý đồng nghiệp lại ra khơi ròng rã suốt 21 thế kỷ. Đến nay vẫn đang tiếp tục phiêu lưu cùng Chúa Giêsu. Thuyền vẫn hăng say lướt song, dù trải qua biết bao phong ba bão táp. Đó chính là con thuyền Hội Thánh đầy thánh thiện, tình yêu và phục vụ.

Con Thuyền Thánh Hóa
Nhọc nhằn, mệt mỏi thâu đêm, tất cả sáu môn đệ theo thuyền trưởng Phêrô lão luyện, đều phờ phạc trắng tay. Nhưng khi các ông tuân theo Thánh Ý Chúa, thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì không sao kéo nổi, vì lưới đầy những cá. (Ga 21, 6) Mặc dù trời đã sáng, không còn là thời điểm thích hợp đánh cá, theo như luật tự nhiên. Nhưng Thiên Chúa quyền năng và siêu việt, không hề bị những quy luật của tạo vật chi phối.

Sau khi ĐGH Biển Đức XVI từ nhiệm, giới truyền thông quốc tế đua nhau dự đoán người kế vị qua danh sách 10 vị Hồng Y nổi danh. Thậm chí, họ còn tung ra lời tiên báo của thánh Malachi với viễn tượng thật u tối, đau buồn cho Hội Thánh. Nhưng chẳng ai có thể ngờ được rằng, Đức Hồng Y Argentina, Jorge Mario Bergoglio nhận sứ vụ kế vị thánh Phêrô thứ 266, trở thành Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Một bất ngờ thật lớn cho mọi người và toàn thể Dân Chúa, vì đó chính là tác động trực tiếp của Đức Chúa Thánh Thần trên Cơ Mật Viện, trong một thế giới đang đắm chìm vào tà thuyết duy vật và khuynh hướng tục hóa.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã tâm sự cùng các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em .. Thật vậy, nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em” (Ga 16, 7). Như thế nhờ Đức Chúa Thánh Thần bảo trợ, Con Thuyền Hội Thánh mới có thể bền vững tồn tại, sau hơn hai ngàn năm ra khơi, dẫu luôn bị vùi dập bể dâu.

Con Thuyền Tình Yêu
Sau mẻ cá lạ lùng, Chúa Phục Sinh thân mật và ân cần chia sẻ bánh và cá với các môn đệ. Người không nhắc lại ba lần ông Phêrô phản bội chối Người, cũng như không hạch tội đã qua, mà chỉ hỏi ba lần ông Phêrô có yêu mến Người không. Ba lần ông Phêrô đều mạnh dạn khẳng định tình yêu dành cho Người. Ba lần Chúa Giêsu thương yêu trao sứ vụ mục tử, săn sóc đoàn chiên của Người. Một quyết định dứt khoát, minh bạch và công khai sự ủy quyền.

Như thế, vì yêu Chúa Giêsu thực tình, tông đồ Phêrô điều khiển, lèo lái con thuyền Hội Thánh với cả một Tình Yêu nồng nàn, chứ không phải với quyền lực thô bạo, hắc ám, phong kiến, hay độc tài theo thế gian. Di sản Tình Yêu của Chúa Giêsu được lưu truyền muôn đời và trở thành dấu ấn sáng chói của Con Thuyền Hội Thánh, vì Người đã phán: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!” (Mt 28, 20). Sau này ông Phêrô đã chịu tử hình để minh chứng tình yêu cháy bỏng đó.

Chúa Giêsu đã tin tưởng hoàn toàn ông Phêrô, khi trao phó sứ vụ cao cả đó:  “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi…” (Mt 16, 17-19)

Con Thuyền phục vụ
Trước khi chịu cuộc khổ nạn, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, kể cả người sắp mưu phản, nộp người cho quân dữ, để dạy các môn đệ biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, mà Người trao phó. Hôm nay, Chúa Phục Sinh còn đích thân làm bếp, nhóm than, nướng bánh và cá phục vụ các môn đệ, vừa đói khát đi đánh cá trở về. Người còn lên tiếng mời gọi: Anh em đến mà ăn!” (Ga 21, 12)

Nhưng không chỉ là phục vụ trong nội bộ, mà Con Thuyền Hội Thánh ra khơi thả lưới khắp nơi, hầu quy tụ mọi dân tộc, sắc tộc, mọi người trong gia đình nhân loại vào một Giáo Hội duy nhất. Thời xa xưa, các nhà vạn vật học Hy Lạp đã thống kê tất cả có 153 loài cá trên thế giới. Như vậy, Thánh Ý Chúa muốn mời gọi mọi người trên dương gian về với Con Thuyền Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô.

Phêrô, con là đá, Ta xây Hội Thánh Ta trên đá này, và cửa hỏa ngục mở tung không thắng nổi!” Hai mươi thế kỷ qua, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu biến động, nội công ngoại kích, lắm giai đoạn đến mức tuyệt vọng, nhưng “Hội Thánh Chúa” không phải hội của loài người. (Đường Hy Vọng, 249)

Con tin Hội Thánh, vì Chúa Giêsu đã lập Hội Thánh, và chỉ lập Hội Thánh ấy thôi. Con đau khổ vì những bất toàn nơi bộ mặt nhân loại của Hội Thánh, nhưng con liên đới với những bất toàn ấy. Con nỗ lực để tẩy luyện và thực hiện ý Chúa Giêsu nơi Hội Thánh. (Đường Hy Vọng, 268)

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và phục vụ mọi người, để cùng hợp tác với Hội Thánh rao truyền hồng ân cứu độ.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Sao Biển dẫn dắt chúng con đang lênh đênh, lao đao, vất vả giữa giông tố bão bùng cuộc đời, luôn tin yêu vào Giáo Hội và cùng ra khơi với Con Thuyền Hội Thánh. Amen.

AM Trần Bình An

Đăng nhận xét

[blogger][facebook][disqus]

Author Name

{picture#https://1.bp.blogspot.com/-E9BgdfTl7Ug/Xpa2B9OupwI/AAAAAAAAA1U/PnbaR3h3-jE-jQ5GwdNpEvZGUfRWCLz6gCLcBGAsYHQ/s1600/Ch%25C6%25B0a%2B%25C4%2591%25E1%25BA%25B7t%2Bt%25C3%25AAn-1.png} {facebook#https://www.facebook.com/giaoxulocthuygpvinh} {twitter#https://twitter.com/giaoxulocthuy} {youtube#https://www.youtube.com/@giaoxulocthuy}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.