LẼ
SỐNG 10
01 Tháng Mười
Chợ Hoa
Trong những thập niên vừa qua, đã có rất nhiều hội
chợ hoa được tổ chức khắp nơi. Nhưng vĩ đại nhất
có lẽ là hội chợ hoa Osaka, Nhật Bản, khai mạc dạo
đầu tháng Tư và kết thúc ngày cuối tháng Chín năm 1990
vừa qua.
Hội chợ hoa này được tổ chức tại thị xã Tsurumi,
một vùng đất đang phát triển theo kế hoạch xây dựng
cho thế kỷ 21. Trên một khoảng đất rộng 140 mẫu tây,
3 triệu loại hoa và thảo mộc khác nhau trên khắp thế
giới đã tề tựu về để khoe sắc tranh hương chào đón
du khách.
Vừa bước vào trung tâm hội chợ, một bức tường
lớn đan bằng đủ loại hoa, màu sắc rực rỡ đập ngay
vào mắt du khách. Khuôn viên phía tây dành cho các loại
hoa cần chăm sóc trong nhà kiếng, cùng với các loại hoa
điện tử nhân tạo. Khách được xem các loại hoa lớn
nhất thế giới từ Nam Dương đưa sang. Du khách cũng có
thể say mê với những loại hoa nhân tạo mà hình dạng
và màu sắc biến đổi không ngừng, tạo nên hình ảnh
của thế giới thần tiên.
Vắng người hơn, ở phía đông, là khuôn viên dành cho
các loại hoa: tất cả các loại hoa đều được trồng
giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.
Giữa hai khuôn viên là một con sông nhỏ, dưới lòng
sông có thiết kế những vòi phun nước. Nước lên mạnh
yếu tùy thuộc theo điệu nhạc phát ra từ dàn âm thanh
nổi tuyệt hảo ở hai bờ sông. Cứ nửa tiếng đồng
hồ, có một câu chuyện thần thoại được dòng sông kể
lại bằng hệ thống phun nước, hòa với tiếng nhạc và
ánh đèn màu về đêm, tạo nên một khung cảnh rất nên
thơ và thanh bình.
Hoàng đế Nã Phá Luân của nước Pháp đã có lần
phát biểu như sau: "Nơi nào hoa tàn, nơi đó con người
không thể sống...". Ai trong chúng ta cũng yêu hoa, ai
trong chúng ta cũng thích sống với sự hiện diện của
hoa. Vui, chúng ta thích ngắm hoa, buồn, chúng ta cũng thích
nhìn hoa. Hoa dường như gần gũi và thông cảm với con
người... Nhìn hoa sen, chúng ta tưởng tượng ra cảnh gió
mát trên bờ hồ. Ngắm hoa mai, chúng ta như muốn đi vào
mùa Xuân bất tận. Nhìn hoa hồng, chúng ta như thấy dậy
lên những tình cảm thanh cao. Ngắm hoa huệ giữa đồng,
chúng ta chợt nghĩ đến cảnh đời sớm nở tối tàn...
Tháng Mười hằng năm, cùng với những cánh hoa dâng lên
Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Mẹ. Mẹ là đóa hoa đẹp nhất
của vũ trụ. Nhìn lên Mẹ, chúng ta hưởng nếm được
tất cả mọi hương sắc của thánh thiện...
Mẹ là đóa hoa luôn gần gũi và cảm thông với chúng ta.
Lúc nào Mẹ cũng có thể nở nụ cười của khích lệ,
cổ vũ cho chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể hướng ánh
mắt cảm thông, tha thứ về phía chúng ta...
Chạy đến với Mẹ, chiêm ngắm hương thơm thánh thiện
của Mẹ, chúng ta hãy xin Mẹ biến chúng ta thành những
cánh hoa để giúp cho đời thêm tươi thắm... Giữa sa mạc
khô cằn tình người, xin Mẹ luôn làm nở lên trong chúng
ta những cánh hoa của yêu thương, bác ái, cảm thông, tha
thứ, phục vụ... Giữa sa mạc khô cằn niềm tin và hy
vọng, xin Mẹ làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của
tin tưởng, phó thác, cậy trông...
02 Tháng Mười
Những Lá Thư Của Người Mẹ
Trong trận đệ nhị thế chiến, có một văn sĩ Hungari
gốc Do Thái bị Đức Quốc Xã bắt làm tù binh, trong khi
tham gia trong quân đội Pháp. Qua những tác phẩm chống
Đức Quốc Xã, văn sĩ gốc Do Thái này khó mà che dấu
được tung tích của mình. Một người lính Pháp cùng bị
bắt làm tù binh đã đề nghị là hai người nên sử dụng
chung một tên và lý lịch, bởi vì họ sẽ bị thuyên
chuyển đến các trại khác nhau. Quân Đức Quốc Xã khó
mà nhận ra sự kiện hai người cùng đồng tên và có
chung một lý lịch. Người lính Pháp đã trao cho văn sĩ
gốc Do Thái thẻ bài cũng như một số thư của mẹ anh.
Anh dặn dò văn sĩ gốc Do Thái như sau: "Nếu có ai
điều tra anh về lý lịch, anh hãy cho họ xem những lá
thư này".
Sau này, người văn sĩ gốc Do Thái có dịp đọc những
lá thư của người mẹ lính Pháp. Nhìn những tờ giấy
viết thư nhàu nát, dòng chữ yếu ớt, ông đoán được
rằng người mẹ này có lẽ là một người đàn bà nhà
quê già yếu, nhưng thương con với tất cả sự đậm đà
của tình mẫu tử. Chung quy những lá thư ấy đều có
dặn dò giống nhau như: "Con hãy giữ gìn sức khỏe...
Cố gắng đắp chăn cho thật ấm nghe con... Xin Chúa chúc
lành cho con và chóng đưa con về đến nhà bình an".
Mang lấy tên tuổi và lý lịch của người lính Pháp,
người văn sĩ gốc Do Thái đọc lên những lời dặn dò
trên đây như chính người mẹ ruột thịt của mình. Cũng
chính những dòng chữ nguệch ngoạc nhưng dạt dào tình
mẹ ấy đã trở thành một bảo chứng cứu thoát ông.
Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta. Ngài đã cho chúng ta
mang lấy tên tuổi và lý lịch của Ngài. Người cũng
trao ban cho chúng ta chính người Mẹ của Ngài. Tâm tình
của một người Mẹ đã cưu mang, đã cho bú mớm, đã
dõi theo từng bước chân của con, đã câm lặng bên thập
giá, đã đón lấy tấm thân không hồn của người con:
tâm tình ấy của Mẹ Maria, Chúa Giêsu cũng muốn trao cho
chúng ta. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là người mẹ trọn vẹn
của mỗi người trong chúng ta.
"Hỡi Bà, đây là con Bà!". Trao ban thánh Gioan cho
Mẹ, Chúa Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ.
Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông
minh hay đần độn, khỏe mạnh hay bệnh tật: mỗi người
chúng ta đều được Mẹ đón nhận như người con trọn
vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ dành
cho tất cả tâm tình mà Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu.
Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy tin tưởng điều đó...
Người lính trận đã luôn mang những lời dặn dò của
mẹ anh như một báu vật, như một hành trang giữa những
nguy ngập của cuộc chiến. Chúng ta cũng hãy mang lấy tâm
tình của Mẹ. Hãy luôn chạy đến với Mẹ. Hãy luôn ôn
lại những lời dặn dò của Mẹ, nhất là mỗi khi chúng
ta gặp thử thách, u buồn trong cuộc sống.
03 Tháng Mười
Báu Vật Cuối Cùng
Ngày 10 tháng 3 năm 1615, tại Glasgow bên Tô Cách Lan, một
vị thừa sai lừng danh là cha Ogilvie bước lên máy chém
vì tội rao giảng Phúc Âm.
Trong giây phút cuối đời, đứng trên đoạn đầu đài
thấy hàng ngàn người đứng coi, muốn để lại cho họ
một kỷ niệm và một bảo đảm đức tin, vị tử đạo
lấy ra vật cuối cùng còn lại trong mình: đó là một cỗ
tràng hạt... Ngài cố sức ném tràng chuỗi vào giữa biển
người. Tràng chuỗi đã rơi xuống trúng một ông hoàng
xứ Hungary đang trên đường chu du học hỏi, tình cờ ghé
qua Glasgow.
Chuỗi tràng hạt này đã bám riết ông
khắp nơi, mãi đến ngày ông quyết định rời bỏ giáo
phái Calvin để quay trở lại với Công
Giáo.
Những mẩu chuyện trên đây không phải là ít trong
lịch sử Giáo Hội. Việc sám hối luôn gắn liền với
kinh Mân Côi. Đó là mệnh lệnh mà Mẹ Maria đã ban bố
tại Fatima năm 1917: "Hãy năng lần hạt Mân Côi".
Thánh Grêgoriô thành Nysse thường dùng thí dụ sau đây
để nói về ảnh hưởng của kinh Mân Côi trong đời sống
Kitô của chúng ta: "Mỗi người chúng ta được ví
như một họa sĩ, linh hồn chúng ta là một khung vải còn
nguyên vẹn, màu sắc được dùng là các nhân đức Kitô
giáo, hình ảnh phải họa theo là chính Chúa Giêsu Kitô,
hình ảnh sống động của Chúa Cha. Họa sĩ nào càng muốn
hình ảnh họa lại được giống hình mẫu, càng phải
năng ngắm nhìn mẫu khi đặt bút vẽ".
Mẹ Maria là mẫu gương của đời sống Kitô. Qua kinh Mân
Côi, chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời
của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhờ ôn đi, đọc lại nhiều
lần, các biến cố đó sẽ thấm nhập tâm hồn chúng ta
để dần dần biến chúng ta theo khuôn mẫu của các Ngài.
Kinh Mân Côi không những là hình thức đạo đức có tính
cách cá nhân, nhưng còn là chất keo nối kết mọi người
trong gia đình lại với nhau. Còn hình ảnh nào được ghi
đậm trong tâm khảm chúng ta cho bằng những giờ kinh Mân
Côi đọc chung trong gia đình... Gần đây, người ta phát
động việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình với khẩu
hiệu: "Một gia đình cầu nguyện chung với nhau là
một gia đình đứng vững".
"Nơi nào có hai hay ba người ngồi lại với nhau vì
danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ". Mà nơi nào có Thiên
Chúa, nơi đó cũng sẽ có Tình Yêu. Vì Tình Yêu là chất
men liên kết mọi người trong gia đình lại với nhau.
Việc cầu nguyện trong gia đình, nhất là với kinh Mân
Côi, là yếu tố bảo đảm sự bền vững của hôn nhân
và khơi dậy ơn gọi trong gia đình.
Trong tông huấn về việc tôn kính Mẹ Maria, Đức Phaolô
VI đã nhắn nhủ chúng ta như sau: "Những điều kiện
sinh sống đổi thay của ngày nay khiến việc hội họp
gia đình không được dễ dàng và dù khi sum họp được
thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho cuộc họp mặt khó biến
thành một dịp nguyện cầu. Các gia đình muốn sống trọn
vẹn ơn gọi và tinh thần của gia đình Công Giáo phải
tận lực lướt thắng những áp lực cản trở gia đình
không thể hội họp và cầu nguyện chung".
Tinh thần đạo đức của các phần tử trong gia đình
được thể hiện và tăng triển trong những giờ cầu
nguyện chung, gồm cả việc đọc kinh hay đọc sách Thánh,
chia sẻ lời Chúa, nhưng thuận lợi hơn cả đối với
các gia đình Việt Nam đó là việc đọc kinh Mân Côi.
Cũng chính Đức Cố Giáo Hoàng VI khuyên nhủ chúng ta:
"Sau việc đọc kinh Nhật Tụng thì việc đọc kinh
Mân Côi được coi như một trong những kinh cầu nguyện
chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công
Giáo được khuyến khích đọc".
04 Tháng Mười
Bí Quyết Trẻ Trung
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Phanxicô Assisi.
Sống cách chúng ta trên 7 thế kỷ, thánh Phanxicô Assisi
vẫn mãi mãi để lại một hình ảnh trẻ trung. Chưa có
vị thánh nào trong Giáo Hội được nhắc nhở, yêu mến
như thánh nhân. Chưa có vị thánh nào đã gợi lên nhiều
cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật cho bằng thánh
nhân. Chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị,
các nhà cách mạng ca tụng cho bằng thánh nhân.
Sứ điệp của thánh nhân siêu việt thời gian, bởi vì
con người của thánh nhân là hiện thân của tuổi trẻ.
Thật thế, suốt cả cuộc đời của mình, thánh Phanxicô
Assisi luôn biết giữ một tâm hồn tươi trẻ. "Tuổi
tác không phải là điều kiện thể lý cho bằng bầu khí
của tâm hồn". Có lẽ thánh nhân không phải là người
đã nói lên châm ngôn ấy, nhưng hẳn ngài đã sống theo
châm ngôn ấy.
Ngài biết giữ mãi cho tâm hồn tươi trẻ bằng cách
hạn chế tối đa các nhu cầu, bằng cách chống cự lại
các ước muốn. Ngài đón nhận mọi sự. Không thắc mắc,
không lo lắng, không buồn giận.
Những khám phá của khoa học tâm lý ngày nay, thánh
Phanxicô Assisi đã từng biết và sống một cách trọn
vẹn. Thật thế, để có một thể xác lành mạnh, một
tâm hồn tươi trẻ, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta
như sau:
- Hãy tập yêu thích những gì không quá đắt giá.
- Hãy tập yêu thích việc đọc sách, chuyện vãn, nghe
nhạc.
- Hãy tập yêu thích những thức ăn thanh đạm.
- Hãy tập yêu thích tiếng chim hót, sự hiện diện của
thú vật, tiếng cười đùa rộn rã của trẻ em.
- Hãy tập yêu thích trồng trọt, làm việc tay chân.
- Hãy tập yêu thích ánh bình minh cũng như hoàng hôn,
tiếng mưa rơi trên mái nhà cũng như cảnh tuyết rơi.
- Hãy tập yêu thích những nhu cầu đơn giản nhất.
- Hãy tập yêu thích công việc và cảm nhận được
niềm vui khi làm tốt một công việc.
- Hãy tập yêu người, dù người không giống ta.
Không khí, ánh sáng, mặt trời, niềm vui, hạnh phúc,
cuộc sống, con người: đó là những yếu tố cần thiết
để tạo cho bầu không khí tươi trẻ trong tâm hồn. Phải
chăng đó không là những yếu tố mà người ta cũng bắt
gặp trong bài ca vạn vật của thánh Phanxicô Assisi?
Một tâm hồn luôn luôn tươi trẻ: đó không chỉ là một
bí quyết để được hạnh phúc trên đời này, nhưng còn
là một đòi hỏi đối với người Kitô. Chúa Giêsu đã
nói với chúng ta: "Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta,
vì Nước Trời thuộc về những ai giống chúng. Ta nói
thật với các con: nếu các con không đón nhận nước
Trời như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước
Trời".
05 Tháng Mười
Sứ Điệp Của Một Người Tàn Tật
Hằng năm tổ chức có tên là "Tự nguyện chịu
đau khổ" hành hương đến Lộ Đức để chia sẻ
kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm
1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của
Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt.
Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi
đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn
và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho
tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã
nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói
được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn
là một người không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã
không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi
xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ
của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu
căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự an vui
và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu
trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau
khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được,
xin cho con khỏi uống chén này", nhưng liền sau đó,
Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha". Sau
thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu
nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta
cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là
chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất
bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh,
tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Điều
mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn
Chúa tôi đã chịu được.
Như lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến
để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với
những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được
lời Chúa phán: "Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho
những kẻ đau khổ".
Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn
toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng
nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ
cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài
thơ có tựa đề "Nụ cười".
Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị
điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường
bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã
thốt lên như sau: "Tôi đã trải qua một cuộc đời
tốt đẹp".
Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một
người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi
đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia
lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi
lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể
nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và
hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu
lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên
Chúa hằng sống. Đức Kitô đã sống lại".
Đã có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi
nhận tại Lộ Đức, trong số này chỉ có 64 vụ được
Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể
nhất của Lộ Đức cũng như của những trung tâm Thánh
Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những
phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm
tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc quan của chính những
người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác
cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy
được ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu cao cả của
Chúa. Đó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực
hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép
lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa thực hiện.
Nhìn lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ
Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được tiếp
tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục
sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng
ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người
đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn
của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm
được niềm tin.
06 Tháng Mười
Chờ Đợi
Theo tâm lý thông thường, ai cũng sợ phải chờ đợi,
ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự
chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn
thay, chúng ta lại thường biến cuộc đời thành một thứ
đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên...
Cả tuần lễ, ai cũng mong được đến ngày thứ Bảy,
Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến,
chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này
đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm này đến, chúng ta
lại chờ năm sau...
Lên xe, chúng ta mong đến đích điểm. Khi đến nơi,
chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng,
nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi
cuốn phim chấm dứt: họ làm như thể vào rạp chiếu
bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Đi dự thánh
lễ, dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng
lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà thờ để mong
cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ
mong để quay trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi
đến lúc đi ra.
Với sự nóng lòng chờ đợi giây phút sẽ tới này,
chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ
với những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời
thành một thứ phòng đợi, đợi hết cái này đến điều
kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.
Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria
với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu
nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.
Ơn cứu rỗi không là một biến cố của quá khứ hoặc
là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang
diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria
quả thực là mẫu gương cho chúng ta trong thái độ tiếp
nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là
những tháng ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của
từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với hai tiếng
"Thưa, xin vâng!", Mẹ đón nhận giây phút hiện
tại như một món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.
Cùng với Mẹ sống lại mầu nhiệm của ơn cứu rỗi,
chúng ta hãy đón nhận Đấng đang đến, Đấng hôm qua,
hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài
trong phút giây hiện tại này đây với tất cả tin tưởng
phó thác.
Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi hành trong
phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả
cố gắng của chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui
của phút giây này đây, hãy tận hưởng như thể sẽ
không còn một niềm vui nào khác.
07 Tháng Mười???
08 Tháng Mười
Bức Tượng Người Mù
Cũng như tại bất cứ một trung tâm hành hương nào,
tại Lộ Đức, du khách và khách hành hương có thể đọc
được không biết bao nhiêu lời cảm tạ dâng lên Đức
Mẹ cũng như không biết bao nhiêu kỷ vật khác mà những
người thọ ơn muốn cho thiết lập để ghi nhớ ơn Mẹ...
Trong muôn nghìn kỷ vật tạ ơn ấy, người ta thấy có
một bức tượng diễn tả một người mù vừa được
chữa lành. Dĩ nhiên, được sáng mắt là một trong những
phép lạ đầu tiên được ghi trong sách những phép lạ
tại Lộ Đức. Nhưng bức tượng người mù sáng mắt ở
đây lại tượng trưng cho một biến cố khác, một phép
lạ theo đúng nghĩa bởi vì đó là phép lạ của một
người tìm lại được ánh sáng Đức Tin.
Bức tượng này được một người đàn bà quý phái
cho dựng lên để ghi nhớ ánh sáng Đức Tin mà bà đã
tìm lại được tại Lộ Đức. Tuy là người Công Giáo,
nhưng kể từ khi chồng qua đời, người đàn bà không
còn một chút tin tưởng gì nơi Chúa Mẹ nữa. Và dĩ
nhiên, cũng giống như những người khô đạo khác, người
đàn bà chỉ tìm kiếm có mỗi một điều: đó là thú
vui trong cuộc sống.
Một mùa hè nọ, trên đường đi đến một trung tâm
nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Pháp, người đàn
bà phải đi qua Lộ Đức. Thấy đám đông tấp nập tại
trung tâm Thánh Mẫu, bà ta tò mò dừng lại xem. Bà không
ngờ rằng chính Chúa đang tìm kiếm và đeo đuổi bà. Từ
thái độ bàng quang của một người hiếu kỳ, người
đàn bà đã tìm lại ánh sáng Đức Tin. Để tạ ơn Chúa
và Đức Mẹ, bà đã cho dựng lên bức tượng của người
mù với hàng chữ như sau: "Tìm lại Đức Tin là một
phép lạ vĩ đại hơn là được sáng mắt".
Trên vạn nẻo đường của chúng ta, lúc nào Thiên Chúa
cũng có mặt. Thật ra, không phải con người đi tìm kiếm
Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đeo đuổi kiếm tìm
con người.
Trong mọi biến cố của cuộc sống, lúc nào Thiên Chúa
cũng có mặt. Trong an vui hạnh phúc, hay trong thất bại
khổ đau, Ngài luôn ở bên cạnh ta để mời gọi ta tin
tưởng ở Tình Yêu của Ngài. Ngay cả khi con người muốn
khước từ và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống, Thiên
Chúa vẫn tiếp tục đeo đuổi con người.
Thánh Kinh đã ví Thiên Chúa như một người tình chung
thủy, lúc nào cũng chờ đợi, lúc nào cũng nài nỉ, lúc
nào cũg vỗ về, lúc nào cũng tha thứ.
Tin ở một sự hiện diện trung thành như thế của Thiên
Chúa, thái độ của chúng ta phải là thức tỉnh, chờ
đợi và tin tưởng không ngừng. Trong an vui thịnh đạt,
chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa. Trong thất bại khổ đau,
chúng ta cũng hãy tin tưởng phó thác. Và ngay cả những
lúc vấp ngã vì yếu đuối, chúng ta cũng hãy tin tưởng
ở lòng tha thứ vô bờ của Ngài. Thiên Chúa sẽ không
bao giờ bỏ mặc con người
09 Tháng Mười
Cầu Nguyện Là Hơi Thở Của Linh Hồn
Thời Cách Mạng Pháp 1789, những người xây dựng chế
độ mới muốn đánh đổ tất cả những gì mà họ gọi
là tàng tích của mê tín dị đoan. Họ hỏi những người
nông dân có muốn từ bỏ tôn giáo của họ không. Một
người dân quê mùa chất phác đã trả lời như sau: "Bao
giờ các ông làm cho sao trời rơi xuống thì chúng tôi sẽ
thôi cầu nguyện".
Tự đáy tâm hồn mình, con người luôn luôn khát khao và
đi tìm Thiên Chúa. Cầu nguyện, dưới hình thức này hay
hình thức khác, là hơi thở của tâm hồn. Người ta có
thể trói buộc tay chân con người, người ta có thể khóa
chặt miệng lưỡi con người, nhưng không ai có thể ngăn
cản con người cầu nguyện.
Cầu nguyện là nhựa sống của tâm hồn. Con người có
thể chết dần trong thân xác vì bệnh tật, đau đớn hay
bị hành hung, nhưng chính sự cầu nguyện nối kết tâm
hồn con người với Thiên Chúa và đem lại cho con người
sức sống vượt lên trên mọi thử thách và chết chóc.
10 Tháng Mười
Trần Như Nhộng
Trần Bình vốn là một mưu thần đời nhà Hán, thời
Hán Sở tranh hùng. Một hôm, khi trốn Sở về đầu Hán,
Trần Bình phải đi qua một con sông lớn. Người lái đò
đưa khách qua lại vốn là một tay cướp giật, giết
người khét tiếng. Hắn nghĩ Trần Bình là một người
giàu có, định ra tay hãm hại để thâu đoạt tiền của.
Biết ý định của tên lái đò, trước khi xuống đò,
Trần Bình đã cởi bỏ hết quần áo. Mình trần như
nhộng, Trần Bình lại đến xin tên lái đò cho chèo phụ
giúp hắn. Nghĩ rằng một người trần truồng như thế
không phải là một người giàu có, tên lái đò đã để
yên cho Trần Bình. Thế là ông thoát nạn.
Đôi khi phải chấp nhận một vài nhục nhã, cắt bỏ đi
một phần của cải hay cả một phần thân thể, chúng ta
mới có thể thoát khỏi hiểm nguy đe dọa đến tính
mạng. Trong bất cứ một cuộc di tản nào, để bảo đảm
cho mạng sống, đôi khi người ta phải bỏ lại đằng
sau nhà cửa, ruộng vườn, tài sản và ngay cả bà con
thân thuộc của mình. Chúng ta có một sự sống giá trị
gấp bội phần sự sống trên trần gian này. Sự sống ấy
đòi hỏi chúng ta phải hy sinh tất cả mọi sự trong cuộc
sống tạm bợ này. Lời sau đây của Chúa Giêsu đã đánh
động không biết bao nhiêu người trong lịch sử nhân
loại: "Lời lãi cả thế gian để được ích gì nếu
mất linh hồn mình?"
11 Tháng Mười
Một Cách Truyền Giáo
Tuần báo Midnight-Globe xuất bản tại Hoa Kỳ, gần đây
có thuật lại một phương thức làm việc tông đồ của
một tín hữu Kitô như sau: mỗi ngày, trừ ngày Chúa Nhật,
ông Jewel Pierce đều ra bờ sông Coosa, gần chỗ ông ở,
tại bang Alabama. Ông ném xuống sông hai chai không, trong đó
ông để một mảnh giấy ghi lại một câu kinh thánh nói
về tình thương, hay một sứ điệp tương tự, kèm theo
đó là lời đề nghị sẵn sàng giúp đỡ tất cả những
ai cần đến sự giúp đỡ của ông về tinh thần cũng
như vật chất. Những chai không đó được bít kín lại
và theo dòng sông chạy ra biển khơi cách đó 15 cây số.
Trong vòng 40 năm, ông Jewel Pierce đã gửi đi được
27,000 sứ điệp tình thương Kitô như thế, kèm theo địa
chỉ của ông. Đã có hơn 2,000 người thuộc 30 quốc gia
khác nhau đã viết thư trả lời và rất nhiều người đã
đọc được những lời đầy hy vọng của sứ điệp
Kitô.
Một vị giám mục Việt Nam đã thuật lại chứng từ sau
đây. Tại một làng nhỏ ở miền thượng du Bắc Việt,
toàn dân làng là người Công Giáo, nhưng từ 20 năm qua,
họ không có linh mục coi sóc. Dù vậy, các tín hữu vẫn
tổ chức các buổi đọc kinh và hát thánh ca tại nhà
thờ. Đây cũng là nơi họ tổ chức các lễ cưới và
rửa tội một cách trọng thể. Dù gặp nhiều khó khăn,
nhưng dân làng vẫn sống trong an vui và bình thản.
Tiếng đồn về niềm vui của dân làng này đến tai một
làng sơn cước. Do đó, dân làng sơn cước này yêu cầu
những người Công Giáo cho người đến dạy họ các bài
kinh và thánh ca để họ cũng tìm được niềm vui.
Nhưng dân làng Công Giáo không tìm được ai: người lớn
thì phải đi làm việc đồng áng, trẻ em thì phải đi
học, còn người già cả thì không đủ sức băng rừng
leo núi để đến giúp người sơn cước. Chỉ có một
người thuộc kinh bổn, thánh ca và biết các nghi thức
tôn giáo. Người đó lại là một người mù.
Sau khi bàn bạc với nhau, dân làng sơn cước đã đồng ý
sai người dẫn hai con ngựa đi rước người mù. Người
tín hữu tàn tật này đã ở lại với dân làng 4 tháng.
Cứ mỗi tối, sau khi làm việc trở về, dân làng tụ họp
với nhau, nay nhà này, mai nhà khác, để tập đọc kinh và
hát thánh ca. Sau một thời gian, người giảng viên giáo
lý mù khảo sát và làm phép rửa cho người dân làng đầu
tiên. Và người tân tòng này lại rửa tội cho những
người khác và cứ như thế cho đến người cuối cùng.
Phương pháp làm việc tông đồ của làng Công Giáo trên
đây là phương pháp đơn sơ, nhưng cốt yếu của Kitô
giáo: đó là rao giảng bằng chính chứng từ của cuộc
sống, nhất là cuộc sống an bình và vui tươi.
12 Tháng Mười
Người Nữ Tu Khó Tính
Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu được trao phó cho
công việc trông coi một chị nữ tu già bị bất toại.
Người nữ tu già này nổi tiếng là một người khó tính
trong nhà dòng. Têrêxa phải dìu bà đi từng bước. Một
chút thiếu sót cũng đủ cho Têrêxa bị trách móc. Bà
không một lần nói lên một tiếng cám ơn. Thế nhưng
Têrêxa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng
tất cả vì thánh nữ yêu mến Chúa và vì Tình Yêu Chúa,
thánh nữ yêu mến người nữ tu già đáng thương này.
Tình yêu đối với Chúa thường không tỏ hiện bên
ngoài. Dấu hiệu bên ngoài của tình yêu mến đối với
Chúa chính là yêu mến tha nhân. Và chúng ta chứng tỏ
tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói
nhưng nhất là bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục,
tha thứ và cảm thông.
13 Tháng Mười
Mặt Trời Múa
Hôm nay 13 tháng 10, là kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần
thứ sáu cho ba em Lucia, Phanxicô và Giacinta tại làng Fatima
bên Bồ Đào Nha.
Đây là lần hiện ra có đông đảo dân chúng chứng
kiến nhất. Mặc dù thời tiết xấu, ngay từ ngày 12, có
trên mười ngàn người Bồ Đào Nha từ khắp nơi trong
nước đổ xô về Fatima để chờ đợi phép lạ như Đức
Mẹ đã hứa trong các lần hiện ra trước. Người lo lắng
nhất trong suốt mấy ngày hôm đó chính là bà mẹ của
Lucia. Bà khuyên cô con gái hãy đi xưng tội để nhỡ nếu
không có phép lạ xảy ra, thì khi bị giết chết, họ
cũng an tâm vì đã xưng tội. Cô Lucia trả lời: con sẽ
đi xưng tội, nhưng không phải vì sợ phép lạ không xảy
ra... Đức Mẹ sẽ giữ lời hứa.
Buổi sáng sớm ngày 13/10, người ta đã thấy đám đông
đứng phủ đầy ngọn đồi Cova da Iria, nơi Đức Mẹ hứa
sẽ hiện đến. Dưới cơn mưa lất phất của những ngày
đầu mùa thu, ai cũng cảm thấy lạnh cóng, nhưng đều
hiệp ý với nhau trong lời kinh Mân Côi kính Mẹ. Mọi
người đều chăm chú hướng nhìn về ba em bé mục đồng,
trong y phục rách rưới và bê bết những bùn.
Lucia bắt đầu đọc kinh Mân Côi, bỗng cô hô lớn:
"Xin mọi người hãy xếp dù lại". Với hai em
Phanxicô và Giacinta, cô ra lệnh: "Hai em hãy quỳ xuống,
vì Đức Mẹ đang hiện đến".
Cùng với ba em, nhiều người đã nhìn thấy vệt sáng
trên nền trời. Trong một cái nhìn vừa cảm thông và u
buồn, Đức Mẹ nói với ba em bé: "Ta là Đức Mẹ
Mân Côi... Ta muốn người ta xây một nhà nguyện tại đây
để kính nhớ Ta. Các con hãy tiếp tục lần hạt mỗi
ngày". Và Đức Mẹ đã hứa sẽ nhận lời cầu xin
của một số người mà Lucia đại diện trình lên Mẹ.
Nhưng Mẹ cảnh cáo: "Đừng xúc phạm đến Chúa nữa,
người ta đã xúc phạm quá đỗi rồi". Nói xong những
điều đó, Đức Mẹ chỉ tay về hướng mặt trời...
Trong cơn ngây ngất, Lucia đã thốt lên: "Xin mọi
người hãy nhìn về mặt trời".
Lạ lùng thay, ai cũng có thể nhìn về mặt trời mà
không bị lóa mắt. Như một bánh xe cuồn cuộn lửa đỏ,
ánh thái dương bỗng quay lượn, nhảy múa và toát ra
những tia sáng muôn màu sắc. Rồi thình lình, từ trời
cao, mặt trời bỗng đổ xuống như một trái bóng da
khổng lồ. Trong cơn hốt hoảng, mọi người cảm thấy
như mặt trời sắp rơi xuống, ai ai cũng nằm rạp xuống
trên bãi cỏ và đấm ngực ăn năn như để chờ đợi
giây phút cuối cùng của vũ trụ... Hiện tượng mặt
trời nhảy múa và sa xuống mặt đất kéo dài trong vòng
hai phút. Khi mặt trời đã trở lại trạng thái bình
thường, mọi người đều nhận thấy rằng, bãi cỏ ướt
đẫm trong cơn mưa bỗng trở nên khô ráo.
Việc Đức Mẹ hiện ra và hiện tượng mặt trời nhảy
múa đi kèm như được mô tả trên đây, mang nhiều ý
nghĩa.
Chính phủ cách mạng tại Bồ Đào Nha vào năm 1917 muốn
đánh đổ những thứ mà họ gọi là huyền thoại tôn
giáo, cũng như dẹp bỏ mọi thứ cuồng tín. Buổi sáng
ngày 13/10 hôm đó, cả một lực lượng vũ trang hùng hậu
đã được gửi đến đồi Cova da Iria để ngăn cản mọi
cuộc tập họp của dân chúng. Báo chí thì tung ra lời
tuyên đoán rằng phép lạ sẽ không bao giờ xảy ra và
huyền thoại tôn giáo sẽ cáo chung từ hôm đó.
Thế nhưng tất cả những sức ép trên đây đã không
đánh đổ được lòng tin của người tín hữu.
Phép lạ mặt trời múa vừa là một thể hiện của quyền
năng của Thiên Chúa vừa là một lời mời gọi sám hối.
Đệ nhất chiến tranh đã phát sinh nhiều làn sóng vô
thần chủ trương tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực. Bên
cạnh những chế độ độc tài chối bỏ quyền sống của
con người, nhiều người cũng buông thả trong đời sống
luân lý.
Thế giới chỉ có thể cứu vãn được nếu con người
biết hoán cải: đó là sứ điệp mà Đức Maria đã không
ngừng lặp đi lặp lại tai Fatima. Và phương tiện để
giúp con người hoán cải trước tiên đó là cầu nguyện.
Cầu nguyện không những là quay trở lại với Chúa, nhưng
còn là một cải đổi tương quan đối với người anh
em.
Lịch sử đang lập lại không ngừng. Quyền sống của
con người đang bị chối bỏ nhiều nơi trên thế giới.
Con người cũng chối bỏ và chà đạp chính Thiên Chúa
trong những sa đọa về luân lý. Đức Maria đang tha thiết
kêu mời chúng ta hãy sám hối, siêng năng cầu nguyện với
kinh Mân Côi... Đó là phương thế duy nhất để cứu vãn
thế giới của chúng ta.
14 Tháng Mười
Lời Trăn Trối Của Người Mẹ
Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một
khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục: đó là
đại úy Laly.
Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins đi khắp nơi để
reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã
kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội
ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng của người khác đều
vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh
đạm và những lời lẽ thô tục.
Thế nhưng một hôm, khi mọi người tưởng như không
còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh mục
để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó ông
đã thú nhận: "Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một
kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước
khi chết".
Có những câu ca dao, có những bài hát, có những bài học
làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi trên gối
mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để
lĩnh hội ý nghĩa sâu xa của những bài học đó. Nhưng
dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta biết suy
nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng
trong kiến thức của chúng ta. Có lẽ người mẹ nào cũng
hiểu được giá trị của câu: "Dạy con từ thuở
còn thơ...".
Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, vừa là một mẫu gương
vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Đức Tin. Lời
kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là
bài ca dao đẹp nhất không ngừng ngân vang trong cuộc sống
Kitô chúng ta. Có thể, đôi lúc chúng ta cũng ngâm nga một
cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi,
ấp ủ chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.
15 Tháng Mười
Người Đàn Bà "Rất
Đàn
Bà"
Hôm nay là ngày kính nhớ thánh nữ Têrêxa Avila.
Vị nữ tiến sĩ hội thánh này đã sống trong một
giai đoạn có nhiều xáo trộn nhất đối với Giáo Hội.
Thánh nữ chào đời khi cuộc cải cách của người Tin
Lành bắt đầu và qua đời khi Công Đông Trento vừa chấm
dứt. Ngài đã được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội như một
đóa hoa đẹp đẽ nhất giữa những gái góc đang ụp phủ
trên Giáo Hội. Nhưng Têrêxa Avila cũng chỉ là một người
đàn bà giống như rất nhiều người đàn bà khác. Đẹp,
có nhiều năng khiếu, đảm đang, đa tình... Têrêxa lại
là một người đàn bà "rất đàn bà". Thế nhưng
nơi người đàn bà này, người ta thấy có nhiều tương
phản: thông minh nhưng lại thực tế; biết nhiều nhưng
không xa vời với kinh nghiệm sống; thần bí nhưng lại
đầy nghị lực để trở thành một nhà cải cách.
Têrêxa là một người đàn bà hoàn toàn sống cho Chúa,
nghĩa là một người đàn bà cầu nguyện, kỷ luật và
biết cảm thông. Trái tim của Têrêxa hoàn toàn thuộc về
Chúa. Đã thách thức tất cả mọi chống đối của người
cha để gia nhập dòng kín, Têrêxa cũng tiếp tục đương
đầu với không biết bao nhiêu chống đối khác khi muốn
cải tổ dòng kín. Người đàn bà yếu đuối này chỉ
còn một nơi nương tựa duy nhất: đó là Thiên Chúa.
Là một người sống cho Chúa hoàn toàn, Têrêxa cũng
hoàn toàn sống cho người khác. Canh tân cuộc sống của
mình, Têrêxa cũng không ngừng đi khắp đó đây để giúp
người khác canh tân cuộc sống.
Suốt cuộc đời trải qua trong gian lao và thử thách,
về cuối đời, Thánh nữ đã thốt lên: "Ôi lạy
Chúa, tất cả những ai làm việc cho Chúa đều được
đpá trả bằng gian lao, khốn khó. Nhưng cao quý thay phần
thưởng dành cho những ai yêu mến Chúa, nếu họ hiểu
được giá trị của nó".
Hiện nay, người ta nói đến rất nhiều thứ giải phóng,
trong đó có giải phóng người phụ nữ.
Có lẽ tất cả những ai đang tranh đấu cho nữ quyền
nên nhìn vào mẫu gương của thánh nữ Têrêxa Avila. Một
người đàn bà đã có thể thực hiện được nhiều việc
vĩ đại, nhưng bản chất đàn bà vẫn không hề thay đổi
trong con người ấy. Phải chăng người đàn bà có thể
đóng trọn vai trò của họ trong Giáo Hội và trong xã hội
khi họ biết trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa
đã trao ban qua nữ tính của họ!
Người nữ có phúc nhất trong những người nữ, người
nữ cũng đã sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là
Đức Maria. Bí quyết để người nữ ấy thể hiện trọn
vẹn ơn gọi làm người nữ và làm người của mình
chính là hai tiếng "Xin vâng". Thiên Chúa đã tạo
dựng con người và đã quy định cho con người một định
mệnh: định mệnh đó chính là sống cho Chúa. Đức
Maria, thánh nữ Têrêxa và bao nhiêu vị thánh nam nữ khác,
đã thực hiện được định mệnh đó qua một cuộc sống
hoàn toàn vâng phục ý Chúa. Chỉ có một sự bình đẳng
duy nhất: đó là sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
Đức Maria đã minh chứng được sự bình đẳng đó qua
sự cộng tác của Mẹ vào công cuộc cứu rỗi của Đức
Kitô.
Trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ
đứng. Không có chỗ đứng nào cao trọng hơn chỗ đứng
khác. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc ở sự đáp trả
của chúng ta đối với tiếng gọi của Chúa.
16 Tháng Mười
Xin Cho Chúng Con Lương Thức Hằng Ngày
Hôm nay là ngày quốc tế về lương thực do tổ chức
Lương Nông của Liên Hiệp Quốc đề xướng.
Nói đến lương thực, nhất là trong một quốc gia nghèo đói như Việt Nam, có lẽ tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến cái đói trên thế giới.
Nói đến lương thực, nhất là trong một quốc gia nghèo đói như Việt Nam, có lẽ tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến cái đói trên thế giới.
Đói không chỉ là một trạng thái cần
ăn uống, nhưng được các chuyên
viên về thực phẩm và sức khỏe định nghĩa như là một
tình trạng thường xuyên của một người không đủ ăn
để có thể có một cuộc sống lành mạnh. Danh từ
chuyên môn thường được dùng để chỉ tình trạng này
là dưới mức dinh dưỡng. Nạn nhân dễ thấy nhất của
tình trạng này là các trẻ em của những nước nghèo.
Mỗi năm người ta tính có đến 15 triệu trẻ em chết
vì nhiều nguyên do có liên quan đến tình trạng thiếu
dinh dưỡng. Mỗi ngày, trên khắp thế giới, có khoảng
40 ngàn trẻ em chết vì đói. Số người chết vì đói ăn
cũng tương đương với số thương vong nếu cứ ba ngày
có một trái bom hạt nhân được ném xuống một vùng
đông dân cư.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến nạn đói kém.
Người ta cho rằng nguyên nhân chính nằm trong chính sách
kinh tế, chế độ chính trị, xã hội. Nhưng tựu trung,
căn rễ sâu xa nhất vẫn là sự ích kỷ của con người.
Nếu một phần mười những người giàu có trên thế
giới biết san sẻ cho những người nghèo, thì có lẽ thế
giới này không còn có những trẻ em chết đói mỗi ngày
nữa. Nếu ngay cả trong một quốc gia, người ta biết
dùng tiền bạc để mua cơm bánh cho con người hơn là đầu
tư vào khí giới, thì chắc chắn sẽ không còn cảnh
người chết đói nữa.
Tại một vài quốc gia kỹ nghệ đang chuyển mình để
bước vào cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ ba, người
ta thường nói đến kỷ nguyên điện toán, thụ thai trong
ống nghiệm... Thế nhưng, tại rất nhiều nơi trên thế
giới, mỗi ngày vẫn có đến 40 ngàn trẻ em chết vì đói
ăn... Thế giới của chúng ta quả là một nhân thể bệnh
hoạn. Một nơi nào đó trong cơ thể, một số bộ phận
phát triển một cách dư dật, một nơi khác, nhiều cơ
phận đang chết dần chết mòn vì thiếu tiếp tế.
Có lẽ nhân loại chúng ta không chết đói cho bằng vì
thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là
những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của
đồng loại. Những người dư dật nhưng không biết san
sẻ cũng là những người đang chết dần trong ích kỷ.
Con người cần có cơm bánh để sống đã đành, nhưng
con người cũng cần có tình thương để tồn tại. Kẻ
đón nhận tình thương cũng được sống mà người san sẻ
tình thương cũng được sống.
Chúng ta phải làm gì để được sống? Dĩ nhiên, chúng
ta phải có đủ cơm bánh hằng ngày. Nhưng câu trả lời
mà mỗi người Kitô phải tự nói với mình là: để được
sống, tôi cần phải làm cho người khác được sống. Đó
là sự sống đích thực của chúng ta. Bởi vì ai sống
trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.
17 Tháng Mười
Lòng Nhân Từ Cảm Hóa
Dưới từa đề "Lòng nhân từ cảm hóa", người
ta thuật lại một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ kia lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi
nhà thờ nữa, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn
tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm
mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả
đều vô ích. Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy ra một ý
tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: "Con làm ơn
giúp mẹ một chuyện. hãy đem gói đồ này đến cho gia
đình ở căn nhà trong khu phố dối diện với chúng ta.
Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ
quấy rầy con nữa".
Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy,
chàng thanh niên đã nhận làm điều mà mẹ anh ta yêu cầu.
Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn
nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám
phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc
xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang
than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước
rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại,
và qua giọng yếu ớt bà thều thào: "Cậu ơi! Cậu
không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu.
Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin
Ngài trả ơn cho cậu".
Chàng thanh niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh.
Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm
với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà
anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà,
anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.
Chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân
hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc
sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chúng ta đã đi nửa đoạn đường của tháng Mân Côi,
đây là khoảng thời gian chúng ta âu yếm dâng lên Mẹ
Maria những tràng chuỗi Mân Cô với hàng triệu lời chào:
"Kính Mừng Maria, đầy ơn phước". Nhưng, ước
gì xen lẫn với những lời kinh tiếng hát, chúng ta cũng
biết lắng nghe những lời Mẹ khuyên qua những mầu nhiệm
thuật lại các biến cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.
Chú tâm nghe lời Mẹ khuyên nhủ, chắc chắn qua mầu
nhiệm thứ hai của Năm Sự Vui: "Đức bà đi viếng
thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu người". Mẹ
Maria, cũng như bà mẹ trong câu chuyện trên, cũng muốn
nhờ chúng ta làm cho Mẹ một chuyện: đó là hãy thể
hiện lòng yêu người qua những hành động cụ thể để
tinh thần phục vụ Mẹ đã thể hiện qua sự giúp đỡ
bà chị họ Ysave cũng được con cái Mẹ tiếp tục làm
lại.
18 Tháng Mười
Lòng Đầy Miệng Mới Nói Ra
Người ta thường bảo: "Lòng đầy miệng mới nói
ra" hay "Văn tức là người". Hai câu nói này
có thể áp dụng rất đúng vào vị thánh Giáo Hội mừng
kính hôm nay: thánh Luca, thánh sử.
Chúng ta không có được những sử liệu để biết về
cuộc đời của thánh Luca ngoài danh hiệu thánh Phaolô nói
về ngài: "Luca, vị y sĩ rất thân mến của chúng
tôi...". Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu về con người
của thánh Luca qua hai tác phẩm ngài biên soạn, nhất là
qua sách Phúc Âm, thường được trao tặng những biệt
hiệu sau đây:
1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Lòng Thương Xót:
Thánh Luca đặc biệt nêu bật lòng ưu ái và sự kiên
nhẫn của Chúa Giêsu đối với những tội nhân và những
kẻ đau khổ. Ngài luôn mở rộng đôi tay để đón nhận
họ: những người xứ Samaria, những kẻ bị bệnh phong
hủi, những người thu thuế, những kẻ phạm tội công
khai, những người nghèo cũng như các mục đồng thất
học.
Ngụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình, về một con
chiên lạc, một đồng tiền bị đánh mất, về đứa con
hoang đàng và người trộm lành chỉ được ngòi bút của
thánh Luca ghi lại rất linh động và xúc tích.
2. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Ơn Cứu Rỗi phổ
quát và đại đồng: Chúa Giêsu dang rộng đôi cánh tay,
chết treo trên thập giá là cho tất cả mọi người.
Trong luồng tư tưởng này, thánh Luca ghi lại gia phả của
Chúa Giêsu ngược lại đến nguyên tổ Ađam chứ không
phải chỉ ghi lại Chúa Giêsu là con vua Đavit, con ông
Abraham như thánh sử Matthêu. Và trong lúc Chúa Giêsu hoạt
động rao giảng Tin Mừng, nhiều người dân không phải
là Do Thái cũng được Ngài ân cần tiếp đón và thi ân.
3.Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của những người
nghèo, trong đó những người đơn sơ, nhỏ bé, đóng một
vai trò quan trọng, như: ông Giacaria và bà Ysave, Đức
Maria và thánh Giuse, những người mục đồng, ông Simêon
và bà góa Anna.
4. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của sự cầu nguyện
và của Chúa Thánh Thần: Luca thường mở đầu đoạn
Phúc Âm với lời ghi nhận: "Chúa Giêsu đang cầu
nguyện" và Thánh Thần mang Giáo Hội đến chỗ hoàn
hảo cuối cùng.
5. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui: thánh
Luca thành công trong việc phác họa hình ảnh Giáo Hội sơ
khai tràn đầy niềm hân hoan vì cảm nghiệm được mầu
nhiệm Phục Sinh, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và
Ơn Cứu Rỗi.
Mừng lễ kính thánh Luca, chúng ta hãy cùng nhau đọc đoạn
cuối của Phúc Âm, gồm những dòng có thể so sánh như
chiếc gạch nối liên kết sách Phúc Âm với sách Tông Đồ
Công Vụ để diễn tả một sinh hoạt rất quan trọng của
Giáo Hội và của mọi tín hữu Kitô: "Đoạn Chúa dẫn
các môn đệ đi về phía làng Bêtania. Chúa giơ tay chúc
phúc cho họ. Đang khi Chúa phán, Chúa rời khỏi họ mà
lên trời. Các môn đệ thờ lạy Chúa rồi trở về
Giêrusalem, lòng đầy hân hoan. Họ có mặt luôn luôn trong
đền thờ để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa".
Dõi theo gương của các môn đệ tiên khởi của Chúa
Giêsu, chúng ta hãy luôn dâng lời ca tụng và cảm tạ
Thiên Chúa.
19 Tháng Mười
Ôi Giêsu, Ôi Giêsu!
Jeanne D'Arc, một cô gái quê, đã nghe theo tiếng gọi từ
trời cao để cầm quân đánh đuổi người Anh ra khỏi
đất Pháp. Nhờ chiến thắng này, hoàng tử Charles đã
được đăng quang làm vua nước Pháp.
Nhưng sau đó trong một trận chiến khác, Jeanne D'Arc bị
bại trận, cô bị người Anh bắt giữ và kết án hỏa
thiêu. Trong những giờ phút cuối cùng cô chỉ còn trơ
trọi một mình: người mẹ thân yêu ở cách xa ngàn dặm,
vua Charles không muốn bỏ tiền ra để chuộc cô, các
tướng lãnh và binh lính đã từng sát cánh bên cô cũng
đã bỏ chạy trốn hết. Chỉ còn lại âm thanh lúc nào
cũng trung thành với cô: đó chính là tiếng kêu của cô.
Trong cơn đau đớn cùng cực, người thiếu nữ đã kêu
lớn: "Ôi Giêsu, ôi Giêsu!". Quả thật, dù lòng
người có bội bạc phôi pha, Chúa Giêsu vẫn luôn ở với
cô và luôn an ủi đỡ nâng cô.
Tin tưởng là tiếp tục yêu mến cho dù trong từng phút
giây ta có bị người đời bỏ rơi, phản bội. Yêu là
tin rằng ta có thể trung thành trước những bất trung của
người khác và những thăng trầm của cuộc sống. Chúng
ta đứng vững trong niềm tin vì cho dù xung quanh ta không
còn một bóng người, Thiên Chúa vẫn luôn ở đó
20 Tháng Mười
Làm Trai Nên Chết Ở Biên Thùy
Gần một nửa thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh, một
danh tướng nhà Đông Hán là Mã Viện đã nói một câu
bất hủ: "Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy
da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm xó giường mà chết
trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì".
Tại thành Sparte thuộc Cổ Hy Lạp, mỗi khi tiễn con ra
trận, người mẹ thường đưa cho con một cái mộc và
bảo con rằng: cùng với nó hay nằm trên nó. Cùng với
nó, con đắc thắng trở về. Nằm trên nó, xác con được
mọi người kính nể khiêng vác trên vai.
Người Kitô chúng ta cũng đã nhận lấy một chiếc mộc.
Đó là chiếc mộc của bí tích Rửa Tội. Qua cửa ngõ
của bí tích này, chúng ta như được gửi ra chiến
trường.
Cái chết từng ngày là điều đang chờ đợi chúng ta.
Nhưng cái chết đó là con đường dẫn đến vinh quang
Phục Sinh. Đức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, đã đi
qua con đường ấy. Ngài cũng đang có mặt trong cuộc
chiến của chúng ta để dìu dắt chúng ta trong từng phút
giây. Nếu có một lúc nào đó, chúng ta chán nản muốn
đào ngũ và bỏ cuộc, chúng ta hãy nhìn lên thập giá của
Ngài. Thập giá đó phải là ánh sáng soi dẫn những đoạn
đường tăm tối trong cuộc chiến của chúng ta.
21 Tháng Mười
Hai Cha Con Và Con Lừa
Một trong những câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ
thường kể cho con cái nghe nhất đó là câu chuyện: "Hai
cha con và con lừa". Có hai cha con dắt con lừa ra chợ
bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người
đi đường thấy thế bèn nói: "Cha gì mà không biết
thương con! Ngồi trễm trệ trên lưng lừa, trong khi con
phải đi bộ!". Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống
khỏi lưng lừa và nhường cho con cưỡi lừa. Đi được
một chốc, hai cha con lại nghe người hai bên đường chỉ
trích: "Đồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng
lừa, trong khi cha lại đi cuốc bộ". Nghe như vậy,
hai cha con mới bảo nhau: "Chỉ còn một cách để cho
thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa".
Thế là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được
một quãng, họ lại bắt đầu nghe một lời phê bình
khác: "Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa
chịu đựng cả một sức nặng như thế".
Nghe thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng
lừa. Lần này thì cũng có người phê bình: "Đồ dại
dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ".
Hai cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng
con lừa đến chợ.
Đôi khi chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những
lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng ta cần phải
biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người
có thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta
không nên để mình bị "rung động" bởi những
lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.
Trong Giáo Hội cũng có những người mắc phải chứng
bệnh thích chỉ trích phê bình người khác. Họ quên rằng
mình cũng chỉ là những con người đầy khiếm khuyết.
Họ là những gai nhọn hoặc dấm chua trong Giáo Hội. Sự
hiện diện của họ thường gây sứt mẻ hơn là góp phần
xây dựng Giáo Hội trong tình yêu thương và hiệp nhất.
22 Tháng Mười
Hòn Vọng Phu
Giữa Nha Trang và Tuy Hòa, khoảng xa lộ 21 và sông Hinh,
gần quận Khánh Dương có một ngọn núi tên là Vọng
Phu, có nghĩa là trông đợi chồng.
Theo tục truyền trong dân gian thì thuở xưa có một gia
đình sống hạnh phúc ở gần chân núi. Khi giặc giã nổi
lên ở biên thùy, người chồng theo lệnh vua, tòng quân
ra ngoài biên ải để chống quân thù, để lại người
vợ trẻ và đứa con đang còn bú mớm. Người vợ trẻ ở
nhà chờ chồng, mỗi ngày bế con trèo lên ngọn núi ngóng
về phía biên cương xem có dáng chồng trở về hay không.
Thời gian trôi qua nhưng đoàn quân chưa thấy về, người
vợ và đứa con chờ đợi mãi hóa thành đá. Người đời
biết chuyện nên gọi đó là Hòn Vọng Phu.
Có lẽ đây chỉ là một ngọn núi được cấu tạo
bởi nhiều loại đá khác nhau. Theo thời gian, mưa gió sói
mòn loại đá mềm, để lại hình dạng mường tượng
như một người bồng con ngồi trông ra phía biển. Người
dân ta đa sầu đa cảm, lại thêm cảnh nước luôn loạn
ly, đã mượn hình dạng của núi để diễn tả tâm sự
trông đợi chồng của người thiếu phụ Việt Nam.
Điều làm cho xao xuyến cảm động ở đây là lòng
chung thủy của một thiếu phụ, dù đói no, đau yếu hay
mạnh khỏe, vẫn trước sau một lòng thương yêu chồng,
xem chồng như là lẽ sống của cuộc đời.
Rung động trước dạ trung kiên của người thiếu phụ
Việt Nam qua hình ảnh Hòn Vọng Phu, chúng ta không khỏi
không cảm động trước Tình Yêu của Thiên Chúa đối
với chúng ta. Dù núi dời, dù đồi chuyển, dù con người
có bội bạc phôi pha, Thiên Chúa vẫn luôn chung thủy
trong Tình Yêu của Người. Càng thấm thía tình thương
của Chúa, chúng ta càng cảm thấy Người là lẽ sống và
là tất cả của cuộc sống.
23 Tháng Mười
Cùm Chân Chó
Sách Lã Thị Xuân Thu có chép một câu chuyện như sau:
Nước Tề có người xem tướng chó rất giỏi. Một người
hàng xóm tới nhờ anh ta tìm cho một con chó biết bắt
chuột. Ít lâu sau, anh mang đến một con chó và nói: "Con
chó này tốt lắm, ông cứ dùng sẽ vừa ý".
Người hàng xóm tin theo, nhưng mấy năm qua, con chó
không bắt được con chuột nào cả. Người hàng xóm phàn
nàn, anh ta liền nói: "Con chó này tốt, nhưng nó chỉ
có tài săn bắt hươu nai, bây giờ muốn nó bắt chuột
thì phải buộc chân sau nó lại". Người hàng xóm đã
nghe theo và quả nhiên con chó bắt chuột rất hay.
Có cùm một chân lại, con chó mới có thể bắt được
chuột. Phải chăng, đó không phải là hình ảnh của rất
nhiều người thành công trong những địa hạt lớn, trong
những công tác xã hội, trong những việc làm ở quy mô
lớn, nhưng lại thất bại trong gia đình hay trong chính
cuộc sống cá nhân của mình. Người ta nghĩ rằng chỉ
có những công việc vĩ đại mới có giá trị. Người ta
phân bua rằng việc trong nhà, việc ở xó bếp là việc
của đàn bà.
Thế nhưng có ai nghĩ rằng hạnh phúc của
gia đình tùy thuộc rất nhiều vào những công việc xó
bếp ấy. Và những công việc vô danh ấy cũng đòi hỏi
nhiều hy sinh, nhẫn nhục và tình yêu hơn tất cả những
đại cuộc khác. Công việc càng nhỏ nhặt, càng vô danh
thì càng nhiều phiền toái và càng đòi hỏi nhiều phấn
đấu hơn. Nếu không bióêt cùm chân lấy một chân, nếu
không biết hy sinh, nhẫn nhục, một người mẹ trong gia
đình không thể chịu đựng năm kia tháng nọ tất cả
những phiền toái ấy.
24 Tháng Mười
Ngày Liên Hiệp Quốc
Vào năm 1945, ba quốc gia gây chiến Đức, Italia, Nhật
mang bộ mặt tan tác tả tơi của những nước bại trận.
Đa số những thành phố lớn tại Đức, cũng như hai
thành phố Hiroshima và Nagasaki tại Nhật chỉ còn là những
đống gạch vụn, những thành phố chết.
Hình ảnh của thế giới, nhất là tại các quốc gia
bị chiến tranh tàn phá trong những năm "39-45" có
lẽ không khác gì bộ mặt của trái đất sau trận lụt
Đại Hồng Thủy, khi trận lụt vĩ đại gây ra do những
trận mưa lũ kéo dài 40 ngày đêm đã giết hại mọi sinh
vật, như tác giả sách Khởi Nguyên viết: "Mọi loài
xác thịt động đậy trên đất đều tắt thở: chim
chóc, thú vật, mãnh thú... tất cả các vật trên cạn
đều bị xóa sạch trên mặt đất từ người cho đến
xúc vật, côn trùng và chim trời...".
Từ đống tro tàn của thế chiến thứ hai, một ý
nghĩa đã được manh nha và Liên Hiệp Quốc đã thành
hình với mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa
bình. Vì như một chính trị gia đã phát biểu: "Nếu
con người không hủy diệt chiến tranh, chiến tranh sẽ
hủy diệt con người".
Nhưng từ ngày tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành
lập vào năm 1945 đến nay không biết bao nhiêu cuộc chiến
song phương cũng như nội bộ đã xảy ra. Những bàn tay
con người vẫn được dùng để giơ gươm, để lảy cò,
để bấm nút nhữntg khí giới giết người. Vì thế súng
vẫn nhả đạn và máu tươi vẫn tuôn rơi, lòng đất mẹ
vẫn thấm máu con người.
Ngày 24 tháng 10 hằng năm, bao nhiêu lá cờ của mọi quốc
gia đã được trưng lên trong những buổi lễ kỷ niệm
ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập, bao nhiêu sinh hoạt
đã được tổ chức để nhắc nhở con người, không
phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt tín ngưỡng
hay quan niệm về thể chế chính trị, ý nghĩa của tổ
chức mang mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa
bình.
Nhưng thiết nghĩ, hòa bình thế giới không thể được
thiết lập nếu lòng người chưa đạt được sự an
bình, vì nếu những tâm tình ganh ghét, ghen tuông, nghi kỵ,
nếu những tư tưởng lợi dụng, đàn áp, bóc lột vẫn
còn âm ỉ cháy trong lòng chúng ta, thì ngọn lửa chiến
tranh vẫn còn có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.
25 Tháng Mười
Con Chim Sáo
Trong một tập thơ mang tựa đề "Có muôn nghìn lý
do để sống", Đức Cha Helder Camera, vị giám mục
người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người
nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh
nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống
giữa trời... Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó.
Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó
ngạc nhiên trả lời: "Có chứ!... Màn là trời, chiếu
là đất. Có bao giờ thiếu đâu".
Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới
hỏi nó: "Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở
đâu". Nó nhanh nhẩu trả lời: "Bộ ông nghĩ là
thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?" Tôi hỏi
nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: "Điều
mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà...".
Và nó cất tiếng hót như sau: "Hỡi loài người kiêu
ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết
sao?".
Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu:
đó là một ít bánh mì có thịt... Chú sáo lại được
dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: "Ông
không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và
thịt như các ông sao?".
Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó
không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả
lời: "Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng
tôi bay đi, tôi cười và tôi hót".
Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh
viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và
chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ
là một con chim.
Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Đức Cha Helder
Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con
người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều
phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai
cũng muốn người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành
động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào
cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác
ngay cả bằng bạo lực.
Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa
diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng chính
trị, của các tôn giáo... Sự trưởng thành của nhân
loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp
nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng
của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người
ngày nay đang cần hơn bao giờ hết
26 Tháng Mười
Xin Cho Con Được Thay Đổi Chính Con
Một triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quãng đời đi
của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có
đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi
dâng lên Thượng Đế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị
lực để thay đổi thế giới.
Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một
nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được
một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với
Thượng Đế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải
tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất
là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con
mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng
còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận
thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này,
tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban
cho con ơn được thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu,
thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Người xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia,
trị quốc, bình thiên hạ... Theo trật tự của cuộc cạch
mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.
Một nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người
như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới
sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị
thánh nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Ai trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên
một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.
Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình,
nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn
của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo
hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có
gì để cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món
quà nhỏ mọn, có khi vô danh của chúng ta. Một giọt nước
nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu
không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại
dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc khô cằn.
27 Tháng Mười
Bất Ngờ
Như một chuyện khó tin mà có thật: đó là chuyện của
một chàng thanh niên Tây Đức một mình lái chiếc Cessna
cánh quạt nhỏ, vượt qua hành lang 400 dặm trên lãnh thổ
Liên Xô, rồi an toàn đáp xuống Quảng Trường Đỏ, gần
điện Cẩm Linh... Trước khi đáp xuống vào lúc 7 giờ
tối, phi cơ còn lượn 3 vòng chung quanh mộ của chủ tịch
Lênin.
Người thanh niên Tây Đức tên là Matthias Rust này đã
điềm tĩnh bước ra khỏi phi cơ, ký sổ lưu niệm cho một
số khách hiếu kỳ và khâm phục. Sau đó, công an Liên Xô
đã đến tóm cổ anh đưa đi mất.
Trong suốt một cuộc hành trình dài, anh chỉ bị phi cơ
tuần thám của Liên Xô theo dõi mà không làm cản trở.
Có thể họ cho phi cơ của anh định làm chuyện kỳ lạ
khác người cho nên không bắt anh đáp xuống nửa đường.
Phi cơ lại bay rất thấp cho nên đã tránh được sự
kiểm soát của các dàn Radar. Dù sao đây cũng là một
chuyện khó tin chưa từng xảy ra trên một lãnh thổ có
một hệ thống phòng thủ chặt chẽ như Liên Xô.
Sự thành công của chiếc phi cơ nhỏ này đã khiến
cho nhà cầm quyền Liên Xô e ngại và giật mình về sự
phòng thủ sơ sót của mình. Sau một cuộc họp khẩn cấp
của Bộ Chính Trị, Tổng Trưởng Quốc Phòng và Bộ
Trưởng Không Quân đã bị cách chức. Trong khi đó thì
chủ tịch Gorbachov lại nói một câu khôi hài như sau:
"Chúng ta phải cám ơn anh chàng Tây Đức này vì nhờ
có anh ta mà chúng ta mới cải tổ hệ thống phòng thủ
của chúng ta chặt chẽ và cẩn thận hơn".
Nhiều người đã xem lời phát biểu trên đây phản
ánh tinh thần phục thiện và cởi mở của chủ tịch
Gorbachov.
Sự thành công của chàng thanh niên Matthias Rust khi đáp
xuống Quảng trường Đỏ có thể được xem như một tai
nạn trong hệ thống phòng thủ của Liên Xô.
Tai nạn là một bất ngờ mà con người không bao giờ
lường trước được... Không ai học được chữ ngờ
trong cuộc sống. Có một cái gì đó luôn ở ngoài tầm
tay, ở ngoài khả năng của con người. Bài học thông
thường nhất mà ai cũng có thể học được từ một tai
nạn: đó là không ai làm chủ được chính sự sống của
mình.
Người Kitô luôn được mời gọi để tìm ra ý nghĩa của
các biến cố. Biến cố nào xảy đến trong cuộc sống
cũng là một lời ngỏ của Thiên Chúa đối với con
người. Ngài nhắc nhở cho con người biết rằng Chủ Tế
của sự sống chính là Ngài. Ngài kêu mời con người
luôn sẵn sàng để đến với Ngài trong cuộc gặp gỡ
tối hậu. Ngài cho con người thấy những giới hạn của
mình để biết hướng về Ngài với tất cả tin tưởng
phó thác.
28 Tháng Mười
Chuyến Xe Cuộc Đời
Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt vừa mới
được phát minh, nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành
trướng, một văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của xe
lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho
hành khách. Trong một chương có tựa đề "Những lời
khuyên trước khi lên đường", ông đã đưa ra vài
căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc hành
trình, hành khách nên quyết định: mình sẽ đi đâu, sẽ
lên chuyến xe lửa nào và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi
tàu...".
Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành khách như
sau: "Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao
nhiêu càng tốt... Riêng với các bà, các cô, không được
phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ".
Những lời khuyên trên đây xem chừng như không có chút
giá trị nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại
ở Việt Nam. Chen chúc nhau để có được một chỗ ngồi
thích hợp, đã là quá lắm rồi, còn chỗ đâu để xác
định số hành lý phải mang theo.
Nhưng dù thanh thản trong một con tàu đầy tiện nghi,
hay chen chúc nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi
khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời
gọi để tưởng nghĩ đến chuyến đi của cuộc đời...
Đời cũng là một chuyến đi.
Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai trong chúng
ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình
bằng một số câu hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về đâu? Tôi
phải mang những gì cần thiết cho cuộc hành trình?
Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại Phi Luật
Tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một
bảng hiệu có thể làm cho họ phải giật mình suy nghĩ:
có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật ra,
ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ
người ta nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ
đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại
với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ.
Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại
trong Tin Mừng của Ngài: đó là "Các con hãy tỉnh
thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con
người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một
phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một
cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Giá như ai trong chúng ta cũng biết rằng: công việc ta
đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng
trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý
nghĩa và một mục đích khác hẳn.
29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật
Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ
bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả
thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác
trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày
nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của
chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi
chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu
trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ triết thuyết
và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con
người… Sau cùng họ sẽ điều tra về những người
Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu
Kitô… Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại
giữa họ và những người Kitô.
- Ông Giêsu Kitô là ai?
Một người Kitô sẽ trả lời:
- Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân
trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri
để cứu thoát trần thế.
- Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta?
- Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự.
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm:
- Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả
như ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ
khác… Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến
ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta
hằng mong ước sẽ được thực hiện… Thực là đáng
tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một
tai nạn đáng tiếc.
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối:
- Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở
đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ
hành tinh khác sẽ phát biểu:
- Vậy thì các ông là những quái vật.
Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là
những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến
để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài
đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì
chúng ta là những quái vật.
Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự
sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể
cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của
nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn
nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao?
Nhưng thập giá của Đức Kitô không chỉ là một mặc
khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là
một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người.
Đó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình.
Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập
giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để
nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.
Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn
nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên
Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình
với tất cả những người xung quanh
29 Tháng Mười
Viên Đá Quý
Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà
chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến
viếng thăm lần thứ hai của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô
II tại Tây Đức năm 1987.
Stein theo tiếng Đức có nghĩa là đá. Đây không phải
là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc
quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù,
chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và
nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của
những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào
Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có
chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi
con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con
người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi
đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể
vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài
ra để nâng con người lên. Đó là điều đã xảy ra cho
Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một
người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi
người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Đức
Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử
thách... Edith Stein thú nhận: Thập giá của Đức Kitô đã
đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do
đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Đức Kitô, Edith Stein đã
tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người
Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc
đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những
đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại
được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được
gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della
Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập giá của Đức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái
chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung
Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có
giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu
mến.
Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Đã mang
tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc
sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao
Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi
dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu
giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ
đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải
đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống
lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường
dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy thập giá và theo
Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá
với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy
ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá,
chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy
thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và
thất vọng.
31 Tháng Mười
Một Ngày Để Nhớ Đến Thần Dữ
Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng
10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của
Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.
Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ
ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước
Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm
ma quái.
Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một
khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với
một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng
xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng
được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn
ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa
số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản,
kinh dị. Buổi tối ngày Halliween, thanh niên thiếu nữ
thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát
và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.
Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc
nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng
liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và
sự tác động củ thần dữ không?
Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: "Sự thành
công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng
nó không hiện hữu".
Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như
bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ
ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm
lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên
nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã
loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.
Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những
vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy
nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được
một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi
kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn
nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh
nghiệm của mỗi người: "Điều thiện tôi muốn làm
thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi
lại làm". Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn
khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác... Thánh
Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của
Chúa Giêsu: "Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta".
Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo
Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: "Hãy tỉnh thức luôn.
Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét
lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự
và kiên vững trong Đức Tin".
Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng
chính lời Kinh của Chúa Giêsu: "Xin cứu chúng con khỏi
ác thần". Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng
ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống
của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi
sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng
với và bằng chính sức mạnh của Đấng đã nói: "Đừng
sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian".
*********************
Đăng nhận xét