Hôm nay, trong buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, buổi triều kiến cuối cùng của Năm 2013, ĐTC Phanxicô đã tạm ngưng loạt bài giáo lý chủ đề của ngài mới được ngài bắt đầu từ tuần trước, để chia sẻ về mầu nhiệm và ý nghĩa Giáng Sinh. Những chia sẻ này của ngài cũng đã được ngài ít nhiều đề cập đến ở 5 câu đầu tiên của cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa. Chúng ta cùng theo dõi nhé.
Giáng Sinh: Trái Đất là nơi Thiên Chúa gặp gỡ loài người
Xin chào Anh Chị Em thân mến buổi sáng!
Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra trong bầu khí linh thiêng của Mùa Vọng, lại càng mạnh mẽ hơn bởi Tuần Chín Ngày Thánh Mừng Giáng Sinh mà chúng ta đang sống trong những ngày này và là thời điểm dẫn chúng ta đến việc cử hành Giáng Sinh.
Bởi thế tôi muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay về ngày sinh của Chúa Giêsu, một lễ của niềm tin tưởng và hy vọng, một niềm tin tưởng và hy vọng thắng vượt những gì là bất định và bi quan.
Và lý do chi niềm hy vọng của chúng ta ở chỗ Thiên Chúa ở với chúng ta và Thiên Chúa lại tin tưởng chúng ta một lần nữa!
Thế nhưng, hãy suy nghĩ kỹ về điều này:
Thiên Chúa ở với chúng ta và Thiên Chúa lại tin tưởng chúng ta một lần nữa.
Vị Thiên Chúa là Cha này là Đấng quảng đại! Ngài đến để ở với con người, chọn trái đất này như là nơi cư ngụ của mình với con người, và tỏ mình ra vào những lúc họ vui buồn trong ngày sống của họ.
Vì thế, trái đất này không còn chỉ là "một thung lũng nước mắt" nữa mà là nơi chính Thiên Chúa đã cắm lều; nó là nơi cho cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với loài người, là nơi Thiên Chúa liên kết với loài người.
Thiên Chúa đã muốn chia sẻ với thân phận làm người của chúng ta cho đến độ trở thành một người trong chúng ta nơi bản thân của Chúa Giêsu, Đấng là người thật là là Thiên Chúa thật.
Tuy nhiên, vẫn còn có một điều gì đó thậm chí còn lạ lùng hơn thế nữa. Sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa nhân loại không được thực hiện ở một thế giới lý tưởng thơ mộng mà là ở thế giới thực sự này, một thế giới đầy những sự lành lẫn dữ, đầy những chia rẽ, bại hoại, bần cùng, ngạo mạn và chiến tranh.
Ngài đã chọn ở với lịch sử thật sự của chúng ta, với tất cả sức nặng của hạn hẹp và thảm cảnh. Khi làm như thế là Ngài đã chứng tỏ cho thấy một cách vượt mức chiều hướng Ngài tỏ lòng nhân hậu đầy những thương yêu đối với loài người tạo vật.
Ngài là vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Anh chị em có tin điều ấy hay chăng?
Vậy chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng đức tin rằng Thiên Chúa đã "liên kết" bản thân của Ngài một lần vĩnh viễn với con người, để cứu độ chúng ta, để nâng chúng ta lên từ bụi đất khốn cùng của chúng ta, từ những khó khăn của chúng ta, từ các tội lỗi của chúng ta.
Nhờ đó mới có đại "hồng ân" Thơ Nhi Bê-Lem: Người mang đến cho chúng ta nghị lực thêng liêng, một nghị lực giúp chúng ta không bị chìm vào những cạm bẫy của chúng ta, chìm vào những thất vọng của chúng ta, chìm vào những buồn đau của chúng ta, vì nó là một nghị lực sưởi ấm và biến đổi tâm can.
Thật vậy, việc sinh ra của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta tin mừng đó là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô biên và cá biệt, không những Ngài tỏ tình yêu này ra cho chúng ta mà còn ban nó cho chúng ta và thông truyền nó cho chúng ta nữa!
Từ việc hân hoan chiêm ngưỡng mầu nhiệm Con Thiên Chúa hạ sinh cho chúng ta, chúng ta có thể đi đến hai điều cần suy nghĩ sau đây.
Điều thứ nhất đó là với Giáng Sinh Thiên Chúa tỏ mình ra không phải như là một Đấng ở Trên cao và là Đấng cai quản vũ trụ này, nhưng là một Đấng hạ mình xuống, Đấng xuống trần gian một cách nhỏ bé và nghèo hèn, nghĩa là để nên giống Ngài chúng ta không được coi mình hơn kẻ khác mà là hạ mình xuống, biến thân thành bé mọn để phục vụ người bé mọn và nghèo khó để phục vụ người nghèo khó. Nhưng chẳng đẹp đẽ gì khi thấy một Kitô hữu không muốn hạ mình xuống, không muốn phục vụ. Một Kitô hữu lên mặt ở khắp mọi nơi là một con người xấu xa: không phải là Kitô hữu mà là một kẻ tà đạo. Một Kitô hữu phục vụ thì hạ mình xuống. Chúng ta hãy hoạt động để những người anh chị em này của chúng ta không cảm thấy lẻ loi cô độc!
Thành quả thứ hai: nếu Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, gắn bó với loài người đến độ trở nên một người trong chúng ta, tức là bất cứ những gì chúng ta làm cho một người anh chị em là chúng ta làm cho Ngài. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta về điều này: ai cho ăn, tiếp đón, viếng thăm, yêu thương một trong những người bé mọn nhất và bần cùng nhất là họ làm cho Con Thiên Chúa.
Chúng ta hãy phó mình cho việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu cũng là Mẹ của chúng ta, để Mẹ giúp chúng ta trong Giáng Sinh này, giờ đây đã gần đến, nhận ra nơi gương mặt của tha nhân mình, nhất là những con người yếu kém nhất và bị quên lãng nhất hình ảnh Con Thiên Chúa làm người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/text-of-pope-francis-weekly-general-audience
Đăng nhận xét