NHỮNG ĐIỀU CẦN DẠY CON TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN
Bỏ bảng cửu chương hay tiếng Tây tiếng Tàu xuống, những bài học từ cuộc sống mới là điều mẹ cần dạy con.
ảnh:http://media.doisongphapluat.com |
1. Người lạ không phải ai cũng tốt
Bài học muôn thủa nhưng không bao giờ là thừa với trẻ con, những cô bé cậu bé mà “ai cho kẹo là yêu”. Trẻ con ở mọi lứa tuổi cần được dạy cách nhận thức được môi trường xung quanh và hiểu rằng người lạ cần phải được tránh.Việc giảng dạy cho trẻ về người lạ nguy hiểm nên bao gồm cảnh báo về những người lạ yêu cầu bé giúp đỡ, xin tiền, nhờ dẫn đường hoặc cho kẹo, bánh. Tôi thưởng thủ thỉ với con “Nếu có ai cho Bi bánh mà mẹ không có ở đấy thì Bi có nhận không?” hay “Nếu Bi bị lạc mẹ mà có người nhờ dắt Bi đi thì Bi có đi cùng không hay đứng yên đợi mẹ?”. Những lúc đấy, con trai tôi luôn trả lời dõng dạc “Con chỉ theo mẹ thôi”.
2. Biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”
Hai từ đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với trẻ. Dạy bé biết nói “cám ơn” và “xin lỗi” không chỉ là dạy con cách cư xử thông thường. Chính từ những phép tắc lịch sự này, trẻ sẽ phát triển thành sự kính trọng đối với người hơn tuổi và sẽ giúp mẹ thiết lập cho bé một thái độ kỹ luật tốt khi lớn lên. Trẻ biết nói “cám ơn” và “xin lỗi” thường sau này cũng sẽ là những đứa trẻ điềm đạm, biết suy trước nghĩ sau trước mỗi vấn đề, mỗi tình huống trong cuộc sống. Tôi luôn dặn con, phải biết “cám ơn” khi một ai đó giúp đỡ mình, thể hiện sự quan tâm, lòng tốt của họ với mình. Và từ “xin lỗi”, nó không có nghĩa là con có lỗi. Nó có nghĩa là con tôn trọng mỗi quan hệ của con với người đó.
3. Làm việc nhà và trách nhiệm
Làm việc nhà là một vô cùng quan trọng trong việc giáo dục trẻ nhỏ mà ngày này, vì quá yêu chiều con cái, các bậc cha mẹ thường hiếm khi để trẻ phải đụng tay vào việc gì. Một đứa bé 5 tuổi chưa biết tự lau nhà, lau bàn ghế, bọn bàn ăn giúp mẹ, gấp quần áo giúp bố…thì không hề là một việc đáng tự hào. Trẻ nhỏ học được nhiều thứ qua những việc nhà vụn vặt như vậy. Làm việc nhà không chỉ giúp bé có thêm kỹ năng sống, tránh thành những chú “gà công nghiệp” mà qua đó, tôi còn dạy được con về trách nhiệm – một thứ vô hình nhưng ai cũng cần phải có.
4. Khi bị bắt nạt phải làm thế nào?
Làm gì có bậc cha mẹ nào không xót xa khi nhìn thấy cô bé, cậu bé đáng yêu của mình trở về nhà với vài vết bầm tím trên tay hay giọt nước mắt còn chưa khô trên má vì bị bạn giật mất đồ chơi, sách vở, bút thước. Bắt nạt bạn bè, dù là trực tiếp (đánh đập, cấu xé..) hay gián tiếp (sỉ nhục, trêu đùa, cô lập)… đều là hành vi không thể chấp nhận được. Tuy nhiên ngày nay, nó lại dường như càng trở nên phổ biến trong lứa tuổi học sinh 9x, 10x. Hành xử thế nào khi con bị bắt nạt là một câu hỏi mà rất nhiều bậc phụ huynh đặt ra. Nhiều phụ huynh khuyên con “tẩn” lại cho bạn một trận, thậm chí họ còn nóng lòng muốn ra mặt giùm con, song theo tôi, cách làm này chưa thực sự hoàn hảo.
Tôi luôn chú ý tới biểu hiện của con khi đến trường và từ nhà về. Tâm sự với con để giúp con ứng phó, biết cách cư xử với những đứa bạn hay bắt nạt bé sao cho phù hợp với hoàn cảnh.
5. Sự tự tin
Thế hệ tôi, thế hệ chúng ta đã nhút nhát, đã cúi đầu đủ rồi. Bây giờ, điêu tôi muốn dạy con, chính là sự tự tin. Tôi luôn đưa con đến những lớp học, những khu vui chơi, những nơi có đông người và khuyến khích bé tự tin giao tiếp, tự tin phát biểu suy nghĩ, ý kiến và tự tin vào chính bản thân mình. Một trong những cách tốt nhất để xây dựng sự tự tin ở trẻ, đó là người mẹ phải cho con thấy được bản thân bé là người có ích, có tài năng và khả năng.
6. Giá trị của đồng tiền
Không bao giờ là quá sớm để dạy con về chuyện tiền bạc – những thứ sẽ tiếp xúc với trẻ ngay từ khi mới 3,4 tuổi. Thay vì để con cầm tiền lì xì, cầm tiền của người lớn cho đi mua bán lung tung và vô tư đòi hỏi suốt ngày. Tôi lên kế hoạch dạy con biết giá trị của đồng tiền bằng cách chỉ cho con tiền tiêu vặt khi bé lao động và tự kiếm ra được nó. Bé cũng cần phải học cách tiết kiệm, cách chi tiêu sao cho hợp lý và biết phân biệt giữa cái mình CẦN và cái mình MUỐN. Ngoài ra, muốn trẻ hiểu rõ giá trị của đồng tiền, không gì thiết thực hơn người lớn phải là tấm gương sáng cho con.
7. Tầm quan trọng của vận động và thể dục thể thao
Trẻ em ngày nay béo phì ngày càng nhiều. Điềm toán thì 10 mà điểm thể dục thì 1. Tôi biết rõ điều đó. Để tránh đi vào “vết xe đổ” của những bậc phụ huynh đi trước, tôi luôn cố ý rủ rê con mình bỏ bàn học, bỏ tivi đứng dậy để ra ngoài trời và tham gia vận động, bất kể chỉ là đi bộ loanh quanh hay tham gia hẳn một lớp học bơi. Vận động cũng sẽ giúp bé cao lớn, thêm tự tin và nhanh nhẹn.
8. Không phán xét sự khác biệt
Phân biệt giàu nghèo, phân biệt giới tính, phân biệt vẻ bề ngoài…đều là những thứ trẻ không bao giờ hiểu lý do vì sao nhưng lại vô tình bị ảnh hưởng bởi những người lớn xấu xí. Tôi luôn dạy con không bao giờ được phán xét người khác chỉ vì họ không giống mình. Một bạn nhỏ ở lớp thích ngồi học hơn chạy nhảy vào giờ ra chơi không phải là người “quái dị”. Một cô bé lớp 1 nhưng 40kg cũng không phải là kẻ “tham ăn” hay đáng xấu hổ. Mỗi người có một cá tính riêng, sở thích riêng và con phải tôn trọng điều đó.
9. Được là chính mình là điều quan trọng
Có thể bé thích ca hát hơn thích học toán, thích làm cầu thù bóng đá hơn là doanh nhân kiếm tiền …đó là sở thích thuần túy tự nhiên của trẻ. Tôi không bao giờ gượng ép con phải sống như những gì bố mẹ mong muốn. Bố mẹ cần dạy trẻ hiểu được rằng sở thích, đam mê của bé chính là năng khiếu, là điều khiến trẻ trở nên đặc biệt, khuyến khích trẻ để bé được hoạt động, được nói lên bản thân và sáng tạo. Nhưng trên hết, điều tôi muốn dạy nhất, đó là truyền cho con lòng can đảm để theo đuổi những lựa chọn của riêng mình.
Đăng nhận xét