Bàn về Linh thao của thánh Inhaxiô và vấn đề lương tâm | GIÁO XỨ LỘC THỦY
12 Thánh tông đồ Audio suy niệm Audio truyện Công giáo Âm nhạc Bài Giảng mp3 Bạn có biết bạn trẻ xa nhà Bảo vệ sự sống Blog tips Ca kịch công giáo Các bài giáo lý của ĐTC Phanxicô Các hội đoàn Các mục chính Các Thánh Các thánh địa Công giáo Các thánh khác Các Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ Các vấn nạn xã hội Cắm hoa nghệ thuật Câu chuyện Giáng Sinh Châm ngôn công giáo Chiêm ngắm Chúa Chuyện phiếm đạo đời Chuyện về Giáo Lý và Giáo Dục Công Giáo đó đây Cửu Nhật Kinh Nguyện Danh Danh bạ website các giáo xứ - giáo họ việt nam Danh bạ website công giáo Di sản thế giới Du Lịch Đẹp + Để sống đạo hôm nay Đôi nét về Giáo xứ Đời sống cầu nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Đức Mẹ Lama Đức Thánh Cha phanxico Đức Tin và Khoa Học Đường Hy Vọng Gia đình Giải đáp thắc mắc cuộc đời Giao hat Vang Mai Giáo hạt Vàng Mai Giáo Hội Đông Phương Giáo lý - dân ca Giáo lý - kinh thánh Giáo sử Giáo xứ Media góc học tập Góc khám phá Góc nghệ thuật Góc thư giãn Góp nhặt Hạt Giống Lời Chúa Hình ảnh cổ xưa Hình ảnh Giáo xứ Lộc Thủy học tiếng anh Hướng dẫn sử dụng webblog Kết nối websites Kiến thức phổ thông Kính Đức Mẹ Kinh thánh tiếng anh Lẽ sống Lịch sử các Dòng tu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam Lịch sử hình thành Giáo xứ Lộc Thủy Lòng Thương xót Chúa Lộc Thủy Lời Chúa qua bài hát Lời chúa theo chủ đề Mùa Vọng - Advent Năm thánh Lòng Thương Xót Nghe và suy gẫm Nghệ thuật Công Giáo Nghệ thuật sống Ơn gọi-tận hiến Phim công giáo Quỳnh lưu Radio Công Giáo Sách Công giáo sách tháng đức bà Sắc màu cuộc sống Sổ tay sinh hoạt suy gẫm Suy gẫm và Cầu nguyện Suy niệm Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mùa Phục Sinh Suy niệm Lời Chúa mùa TN A Suy niệm Lời Chúa năm A Suy niệm mùa chay Sức khỏe - ẩm thực Tài liệu Công Giáo tổng hợp Tài liệu dạy Giáo Lý Tài liệu Tuần Thánh Thánh ca Thánh ca cầu nguyện Thánh Ca Hoàng Diệp Thánh Mẫu học Thánh Mẫu La vang Thế giới Công Giáo Thơ - Truyện Công Giáo Thơ Công Giáo Thơ và cuộc sống Thủ thuật blog Thủ thuật facebook Thủ thuật google + Thư Viện Công Giáo Tiếng anh qua Lời Chúa Tiêu điểm Tìm hiểu phụng vụ Tin Công Giáo Tin Giáo xứ Tin tức Giáo xứ Lộc Thủy Tin Việt Nam và Thế Giới Tổ chức kỳ thi Giáo lý Tông huấn Giáo hội Công giáo Trang Trí Giáng Sinh Trắc nghiệm Giáo lý Trắc nghiệm Kinh Thánh Trắc nghiệm năm đức tin Truyện Công Giáo Truyện về Mẹ Tư liệu Giáo hội Công giáo việt nam Tư liệu Giáo phận Vinh Tư liệu Giáo xứ Lộc Thủy Từ vựng công giáo Anh-việt Tv Công giáo TVs và Radios khắp nơi Vấn đáp đức tin công giáo Videos Đặc Sắc Vietnamese English Prayers Vinh Quang Đức Maria Website Công Giáo bổ ích

Bàn về Linh thao của thánh Inhaxiô và vấn đề lương tâm

07:36:00

Bàn về Linh thao của thánh Inhaxiô và vấn đề lương tâm

3 bài liên quan tới Giáo hoàng Phanxicô
Với những tư tưởng độc đáo, mới lạ.
Rất đáng suy tư... 


thánh Inhaxiô
Ảnh từ: http://www.hdgmvietnam.org/

1.  Bàn về Linh thao của thánh Inhaxiô và vấn đề lương tâm2.  Chìa khóa để hiểu Đức Giáo hoàng Phanxicô3.  Bản dịch cuộc phỏng vấn ĐGH Phanxicô của báo Corriere della Sara


Lời người dịch: Đức Giáo hoàng Phanxicô và Giáo triều Rôma vừa kết thúc kỳ tĩnh tâm hằng năm tại tại Trung Tâm “Thầy Chí Thánh” của dòng thánh Phaolô ở Aricchia, cách Rôma khoảng 30 cây số về phía Đông Nam từ Chúa Nhật 9/3 đến thứ sáu 14/3. Đây là sáng kiến của Đức Phanxicô vì trước đây Giáo triều vẫn thường tĩnh tâm tại Vatican.

Nhân dịp này, hãng tin Zenit đã có cuộc trao đổi với cha Mark Rotsaert, SJ, bề trên của Trung tâm Linh đạo Inhaxiô kiêm giáo sư Đại học Gregoriana Rôma về ý nghĩa của Linh thao Inhã và về vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên.
 

* * * 


Thưa cha, tĩnh tâm là gì? Các cuộc tĩnh tâm là do thánh Inhaxiô nghĩ ra hay chúng đã có trước đó rồi?
 
Cách tĩnh tâm mà chúng ta gọi là Các cuộc thao luyện thiêng liêng (ở Việt Nam quen gọi là Linh thao-ND) do thánh Inhaxiô khai sinh còn các cuộc tĩnh tâm đã có trước đó nhưng chúng không có cấu trúc giống như Linh thao. 

Thánh Inhaxiô viết sách Linh thao khởi từ 2 kinh nghiệm nền tảng:
thứ nhất là kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa sau cuộc hoán cải của ngài ở Loyola khi ngài đọc sách cuộc đời Chúa Giêsu và hạnh các Thánh, v.v.;
và thứ hai là kinh nghiệm giúp đỡ các linh hồn khi ngài ở Manresa khoảng 11 tháng.
Lúc đó thánh Inhaxiô vẫn là một giáo dân và không còn là một chàng hiệp sĩ phục vụ vua Tây Ban Nha nữa nhưng là một người khách hành hương tìm kiếm Đức Giêsu. Vì thế, ngài đã đến Barcelona để từ đây đi hành hương Thánh địa. Ngài viết sách Linh thao là để cho những người hướng dẫn Linh thao chứ không phải cho những người làm Linh thao vì ai làm Linh thao cũng phải có người hướng dẫn. Linh thao được viết ra không phải để cá nhân tự áp dụng. 

Chính vì thế mà cách tĩnh tâm này được gọi là các cuộc thao luyện?
 
Linh thao là một cách tĩnh tâm khá mới mẻ khi xuất hiện vào thế kỷ 16. Tôi đã tìm hiểu và không thấy có bất cứ cách tĩnh tâm nào tương tự trước đó. Linh thao được làm trong vòng 1 tháng, gồm 4 giờ cầu nguyện mỗi ngày, đôi khi thêm 1 giờ nữa vào nửa đêm. Nét độc đáo nằm ở khoa sư phạm của Linh thao vì qua bốn tuần cầu nguyện, người làm Linh thao được giúp đỡ để quyết định về đời sống của mình theo cách tốt nhất. 

Một trong những điểm mới mẻ của Linh thao là việc xét nguyện, tức là việc nhìn lại giờ cầu nguyện của mình. Sau 1 giờ cầu nguyện, thao viên phải nhìn lại điều gì đã xảy ra trong suốt giờ cầu nguyện vừa qua. Điều gì đã đánh động tâm hồn tôi? Điều đó có làm cho tôi cảm thấy hoan hỷ không? Cảm xúc nào đang khuấy động tâm hồn tôi? Những động lực nội tâm này là cách mà Thiên Chúa dùng để ngỏ lời với chúng ta và cũng là cách để chúng ta lắng nghe Ngài. Đó là lý do tại sao phải có người hướng dẫn để giúp thao viên làm Linh thao, giải thích cho họ những khoảng khắc an ủi và vui mừng tích cực, vốn sẽ gợi mở ra hướng đi sắp tới sau khi kết thúc Linh thao. 

Việc xét nguyện có thể được thực hiện ở 2 mức độ: thứ nhất – biết được lý do tại sao giờ cầu nguyện không tốt; thứ hai, quan trọng nhất – biết được cách Lời Chúa tác động đến mình. Đó là lý do tại sao thánh Inhaxiô khuyên người hướng dẫn Linh thao không nên giải thích Tin mừng quá nhiều và để cho thao viên tự khám phá trong giờ cầu nguyện của mình, vì điều chính yếu không phải là hiểu biết nhưng là cảm nếm cách trọn vẹn.


Người ta thấy nơi Đức Phanxicô một mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu đúng không, thưa cha?
 
Vâng, quả là thế! Và một điều khác nữa có thể thấy đó là điều mà thánh Inhaxiô nhắn nhủ rằng cần phải tâm sự với Chúa Giêsu như hai người bạn vào cuối giờ cầu nguyện. 

Linh thao trải dài trong 4 tuần.

Tuần thứ nhất là để bước vào tương quan với Thiên Chúa, cầu nguyện với Ngài, phản tỉnh về tội lỗi của mình và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ai càng cảm nghiệm sâu xa tội lỗi của mình nhiều người đó càng cảm kích lòng thương xót của Thiên Chúa nhiều. Thao viên kết thúc tuần I với lời tự vấn: tôi đang làm  cho Đức Kitô và sau đó kết thúc Linh thao với thao thức tôi phải làm gì cho Đức Kitô? 

Tuần thứ hai là để chiêm niệm, nhìn ngắm các nhân vật trong Kinh Thánh, lắng nghe những điều họ nói với nhau và nhìn xem điều họ làm. Khi làm như thế, thao viên đi vào chính kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Inhaxiô nghĩa là thao viên bước vào một mối tương quan cá vị với Chúa Kitô không phải là Chúa Kitô của cách đây 2000 năm nhưng của hôm nay. Đây là tuần dài nhất, được dành để chiêm ngắm đời sống công khai của Chúa Giêsu.

Tuần ba là về cuộc Thương khó và tuần bốn là về Phục sinh.
Các tu sĩ Dòng Tên làm Linh thao mấy lần trong đời?
 
Trong năm thứ nhất nhà tập, và lần thứ hai trong năm tập thứ ba sau khi đã kết thúc việc học triết học và thần học v.v. Thánh Inhaxiô gọi năm tập thứ ba này là “trường huấn luyện con tim”
 
Các cuộc Linh thao đều được tổ chức bên ngoài nơi làm việc của mình, như cuộc tĩnh tâm ở Ariccia phải không, thưa cha?
 
Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng khuyến khích làm thế bởi vì khi người ta tĩnh tâm trong chính nơi làm việc của mình người ta dễ bị cuốn vào những công việc mình đang làm. Nhưng cũng có một phương pháp khác vốn cho phép một người làm Linh thao suốt cả năm, theo đó mỗi ngày người đó cầu nguyện tại nhà và phản tỉnh bằng việc xét nguyện và bằng hướng dẫn được đưa ra mỗi tuần một lần. Thánh Inhaxiô đã cho phép điều này. Đã có lúc cách thức này đã biến mất và đã được cha bề trên tỉnh Dòng Bỉ của tôi khôi phục lại vào đầu thập niên 60 và đã được cha Cusson cũng như trường Đại học này nghiên cứu sâu xa hơn khá thành công. Tuy nhiên, khi ai đó nhất nhất làm theo tất cả những gì ghi trong sách Linh thao thì người đó đã không tuân theo hướng dẫn của thánh Inhaxiô vì đối với ngài Linh thao phải luôn được thích nghi tùy theo từng cá nhân. 

Cũng có người chỉ trích Linh thao của thánh Inhaxiô như một kiểu “tẩy não”
 
Tôi thấy buồn cười về điều này. Tôi đã viết một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Pháp về Linh thao và trong phần dẫn nhập tôi đã nhấn mạnh đến sự đối nghịch  rõ ràng giữa vấn đề thể dục thể chất và thao luyện tâm linh và cũng về cái gọi là “một nỗ lực tẩy não.” - Cởi bỏ quan niệm của con ngươi cũ , mặc lấy quan niệm  của con người mới.

Ở đây có 2 nhân tố: đối với một nhà thuyết giảng và với một người bình thường làm linh thao thì sẽ khác nhau. Tuy nhiên không thể nghi ngờ rằng thánh Inhaxiô đã tìm thấy cách mà theo đó đức tin của một người có thể đóng vai trò khá quyết định để người đó có thể chọn lựa theo tự do của mình. 

Đức Phanxicô thường nói về vấn đề lương tâm như là cách mà một người lắng nghe tiếng Chúa. Điều này có nghĩa là gì đối với một tu sĩ Dòng Tên?
 
Giáo hội luôn nói rằng lương tâm là một tiêu chuẩn tối hậu trong việc đưa ra quyết định. Trong nhiều vấn đề khác cũng thế, vì dụ như trong hôn nhân chẳng hạn, chúng ta phải tìm hiểu Giáo hội dạy như thế nào mặc dù quyết định cuối cùng phải xét đến lương tâm. Điều này khiến ngôn từ của Đức Giáo hoàng mang chiều kích mục vụ nhiều hơn. Nó không có nghĩa là Ủy ban Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh không cần phải đưa ra những chỉ dạy cần thiết, nhưng Đức Giáo hoàng chỉ nêu lên sự thật hiển nhiên này, được xác định rất thần học, điều vốn dĩ mỗi cá nhân phải đối diện.

Giáo lý và luật Tự nhiên không hề mâu thuẫn. Liệu một lương tâm ngay thẳng có đưa đến việc hiểu giáo lý không?
 
Quả thực, trong lịch sử Dòng Tên, các tu sĩ của Dòng đã hơn một lần có một cái nhìn mở về thần học liên quan đến Pascal và những trường phái cứng rắn. Thánh Inhaxiô cũng đưa ra tiêu chuẩn về điều này và Dòng Tên phải biết cách làm thế nào để áp dụng chúng cho từng cá nhân, từng nơi, từng thời điểm thích hợp. Ngài cũng đưa ra những quy định đối với ứng viên muốn gia nhập Dòng nhưng cũng để ngỏ cho những khả thể ngoại lệ nếu có lý do thật sự quan trọng hơn. 

Khi Đức Giáo hoàng ngỏ lời với mọi người, người ta có ấn tượng rằng ngài đang nhìn vào khía cạnh tốt lành nơi lương tâm của họ ngay cả những người sẽ nói rằng chẳng có gì cả…
 
Đúng thế, ở một mức độ thiêng liêng.
 
Nói về chuyện lương tâm, các tu sĩ Dòng Tên vốn có một lời khấn là vâng phục Đức Giáo hoàng, sẽ không thể làm như thế.  Phải chăng vấn đề tự do lương tâm đã thấm nhập trong người Đức Giáo hoàng?
 
Trong Dòng Tên, chúng tôi khấn 3 lời khấn cộng thêm lời khấn thứ tư là vâng phục Đức Giáo hoàng, cũng như một số lời hứa về nghèo khó và tham vọng chức tước. Vì thánh Inhaxiô đã nhìn thấy rằng đây là 2 cám dỗ thường thấy ở Rôma và rất nguy hiểm cho Giáo hội. Chúng tôi cam kết không thay đổi luật về nghèo khó như thánh Inhaxiô muốn, trừ khi làm cho chúng thêm ngặt hơn. Rõ ràng là việc thay đổi chưa từng xảy ra. Về chuyện tham vọng, chúng tôi từ chối việc làm giám mục và các chức vụ khác. Dĩ nhiên trong lịch sử, Dòng có một số giám mục vì trong một số sứ vụ do một tu sĩ Dòng Tên khởi xướng, không thể tìm thấy ai khác đảm đương chức vụ này. Và rõ ràng thánh Inhaxiô chưa bao giờ nghĩ đến việc một tu sĩ Dòng Tên làm giáo hoàng khi họ không thể làm giám mục… 

Nhưng ĐHY Bergoglio đã chấp nhận làm Giáo hoàng. Ngài đã xin được miễn trừ chăng?
 
Ngài đã được miễn trù khi được phong làm giám mục rồi, phần sau này chỉ là hệ quả mà thôi. 

Đôi khi trong đời tu có một thái độ “tốt” nào đó vốn khiến cho tu sĩ gặp khó khăn để trả lời “không.” Đức Giáo hoàng Phanxicô thì không như thế. Trong quyết định cư ngụ tại Nhà khách Thánh Mácta có liên hệ gì với “agere contra” (làm điều ngược lại ước muốn-ND) không? 

Rất quan trọng để có thể nói không. Trong khi nguyên tắc “làm ngược lại” là một cụm từ cần được hiểu trong bối cảnh của nó. Trong Linh thao, đây là cách để bước theo Chúa Giêsu và rõ ràng nếu một người có quyền chọn lựa, người đó sẽ chọn giàu hơn nghèo. Nhưng sau khi cầu nguyện và trò chuyện với Chúa Giêsu, người đó ao ước làm ngược lại, thế nhưng nếu là điều cá nhân đã xin thì không nói đến chuyện chủ tâm nữa. 

Đức Giáo hoàng và Giáo triều đang tĩnh tâm theo phương pháp Linh thao do một linh mục hướng dẫn?
 
Hoàn toàn thì không, nhưng có lẽ có chút gì đó mang dấu ấn của phương pháp Inhaxiô. 

Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J. 
Nguồn: Zenit




Chìa khóa để hiểu Đức Giáo hoàng Phanxicô


 James Martin là một linh mục Dòng Tên, chủ bút của tạp chí America và tác giả của cuốn sách mới được xuất bản “Chúa Giêsu: một người hành hương”

Cách đây 1 năm, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio trở thành Giáo hoàng Phanxicô. Kể từ lúc đó, các tu sĩ Dòng Tên khắp thế giới cùng có chung một thắc mắc: “Liệu ngài có con là một tu sĩ Dòng Tên nữa không?” Nếu có ai đó trở thành Giáo hoàng cũng có nghĩa là trở thành người đứng đầu của tất cả các dòng tu Công Giáo như: Phanxicô, Đaminh, Biển Đức, Dòng Tên v.v. vậy thì người ấy có còn là thành viên của hội dòng mình nữa không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời câu hỏi này nhiều lần. Trong những lần gặp gỡ với các anh em cùng dòng của ngài, ngài đã nói rằng “Chúng ta là những tu sĩ Dòng Tên.”

Căn tính Dòng Tên của Đức Giáo Hoàng là một phương thế quan trọng giúp hiểu vị giáo hoàng được xem là hiện tượng của thế giới này. Quả thực, nhiều lời nói và cử chỉ vốn gây nhiều ngỡ ngàng cho thế giới của ngài bắt nguồn một cách tự nhiên từ nền tảng Dòng Tên của ngài. Chúng ta hãy nhìn vào 5 đặc điểm của ngài:


Khiêm nhường

Có ai không để ý đến lòng khiêm nhường của Đức Phanxicô chăng? Cử chỉ đầu tiên trước công chúng của ngài trong tư cách Giáo hoàng không phải là ban phép lành cho đám đông khổng lồ tại quảng trường thánh Phêrô nhưng là xin sự sự chúc lành của đám đông. Vài ngày sau, ngài từ chối căn hộ giáo hoàng tại Dinh Tông tòa đồ sộ và chọn căn phòng đơn sơ tại một nhà khách của Vatican.

Ngay trong tuần này, một bức hình chụp các thành viên của Giáo triều tĩnh tâm năm đã cho thấy Đức Giáo Hoàng ngồi giữa họ, cùng với các Hồng Y và giám mục, như những người tĩnh tâm khác.

Đức Giáo Hoàng ngồi giữa các giám mục và Hồng Y tại kỳ tĩnh tâm hàng năm như tất cả mọi người.



Dĩ nhiên, khiêm nhường là một nhân đức Kitô giáo nhưng cũng là điều mà thánh Inhaxiô Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên vào thế kỷ 16 đặc biệt yêu cầu các linh mục và tu huynh Dòng Tên hằng ấp ủ trong lòng. Thánh Inhaxiô đã nói đến 3 bậc khiêm nhường.

Bậc thứ nhất được minh họa bằng hạng người không làm gì trái với luân lý.
Bậc thứ hai là người khi đối diện với danh dự và ô danh vẫn giữ được sự “bình tâm.”
Bậc thứ ba là người chọn con đường khiêm hạ để nên giống Chúa Giêsu hơn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh họa cho “Bậc khiêm nhường thứ ba” này.

Nghèo khó

Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và cũng là Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ một dòng tu kể từ năm 1831. Điều đó có nghĩa ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên sống dưới “lời khấn nghèo khó” kể từ giữa thế kỷ 19. Tất cả các linh mục có nghĩa vụ phải sống giản dị nhưng thành viên của các dòng tu tuyên khấn sống nghèo khó cụ thể. “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu…” là lời mở đầu công thức khấn của Dòng Tên. Nói cách khác, phần tử của các hội dòng thề hứa với Thiên Chúa sống đơn giản.

Vì thế, hầu hết thời niên thiếu – cho đến khi trở thành giám mục và được miễn trừ khỏi lời khấn ấy, Jorge Mario Bergoglio chẳng sở hữu điều gì cho riêng mình. Như mọi thành viên của các dòng tu, ngài sinh sống bằng một ngân sách nghiêm ngặt. Ngài phải chuyển lại cho cộng đoàn của mình mọi thứ ngài kiếm được và được tặng. Ngài phải xin tiền mặt khi mua sắm những thứ nhiều tiền như một bộ áo vét chẳng hạn. Điều này làm cho Bergoglio quen với một đời sống giản dị mà nhiều người ghi nhận như là một trong những phương diện lôi cuốn nhất của ngài. Nó cũng làm gia tăng lòng thương xót của ngài không phải dành cho những người sống nghèo khó tự nguyện như ngài, nhưng cho những người bị đẩy vào cảnh nghèo như những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề. 



Quản trị

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm cho một số nhà Vatican học (Vaticanologists) gãi đầu bối rối khi ngài bổ nhiệm nhóm 8 Hồng Y tư vấn và trợ giúp cho ngài trong việc cải cách Giáo triều hay bộ máy làm việc trung ương. Nhóm “G8” gồm những vị Hồng Y có tiếng đã thực hiện những thay đổi trong những lãnh vực phức tạp như ngân hàng Vatican. Nhiều người đã tự hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng không dựa vào những vị lãnh đạo các văn phòng đặc trưng của Vatican cho loại hình tham vấn chặt chẽ này. Tại sao “G8” không phải là những vị tổng trưởng các bộ của Vatican?

Tuy nhiên, đối với các tu sĩ Dòng Tên, “cung cách hành xử” của ngài, điều mà thánh Inhaxiô thích nói đến, quá quen thuộc. Trước khi trở thành Tổng Giám mục Buenos Aires, cha Bergoglio đã là “giám tỉnh” hay bề trên miền của Argentina. Như cách mà mọi giám tỉnh Dòng Tên làm, ngài đã chọn “các tư vấn” cho giám tỉnh, những người sẽ tư vấn cho giám tỉnh về tất cả các cách thức quyết định. Vì họ thường không làm việc trực tiếp trong việc quản trị của tỉnh, giám tỉnh có thể dựa vào họ để nói chuyện một cách cởi mở và chân thành. Với nhóm “G8”, Đức Giáo Hoàng đang dựa theo khuôn mẫu quản trị quen thuộc của Dòng Tên.

Cầu nguyện

Bạn sẽ thường nghe thấy Đức Giáo Hoàng nói điều gì đó tương tự như những gì ngài đã nói trong một bài giảng lễ tại một giáo xứ ở Rôma khi ngài đề nghị giáo dân nhắm mắt lại và tưởng tượng họ đang ở trong bối cảnh của Tin mừng, trong trường hợp này là tại sông Jordan, nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa. “Bây giờ [các bạn] hãy trò chuyện với Chúa Giêsu,” Đức Giáo Hoàng nói.

Lễ Phục sinh năm ngoái, ngài đã yêu cầu người nghe tưởng tượng mình như những người nữ môn đệ đang đến gần mộ của Chúa Giêsu trong ngày Chúa Nhật Phục sinh. Đây là nét đặc trưng chính yếu của lối cầu nguyện của các tu sĩ Dòng Tên: yêu cầu người ta sử dụng trí tưởng tượng của mình và thông qua đó để Thiên Chúa làm việc.

Trong những bài giảng, suy tư và diễn văn của mình, Đức Phanxicô

thường không nói cho người nghe điều họ phải suy nghĩ
cho bằng mời gọi họ tưởng tượng và suy nghĩ về chính bản thân mình. 
Không phải bạn được mời đến gặp Chúa Giêsu của giáo hoàng
nhưng là được mời đến gặp Chúa Giêsu của chính bạn.

Sự cởi mở

Các tu sĩ Dòng Tên được yêu cầu “tìm thấy Chúa trong mọi sự.” Một lần nữa, điều này không đơn thuần là phẩm hạnh của Dòng Tên nhưng còn là của một Kitô hữu. Tuy nhiên, châm ngôn ngắn gọn này là cách trích dẫn thường thấy để tóm tắt linh đạo Dòng Tên. Và “mọi sự” có nghĩa là mọi người.

Điều này bao gồm những người cảm thấy bị loại trừ, hoặc không được chào đón trong Giáo Hội. Vì thế, dẫu cho sứ điệp của ngài dựa trên trên lòng thương xót Kitô giáo nhưng thế giới đã chứng kiến Đức Giáo Hoàng liên tục mời gọi Giáo Hội kinh nghiệm về Thiên Chúa ở những nơi mà một vài vị lãnh đạo Công Giáo có thể bỏ qua hoặc lờ đi. Những người vô thần, những người ly dị và tái hôn, những người đồng tính nam cũng như nữ, tất cả đã nhìn thấy Đức Giáo Hoàng đang tiếp cận với họ.

Đức Phanxicô không phải nhọc công để tìm thấy Thiên Chúa ở đó bởi vì ngài biết rằng Thiên Chúa đã ở đó khi ngài nhắc nhở người khác tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống của tất cả những người này.

Những đặc nét Dòng Tên khác có thể được thêm vào danh sách như tính linh hoạt, tự do và ưu tư cho công bình xã hội. Nhưng trên hết, khi các tu sĩ Dòng Tên nhìn ngắm Giáo Hoàng, chúng tôi thường gật đầu với nhau và nói, “Đó đích thực là một tu sĩ Dòng Tên.”

Suốt một năm qua, các tu sĩ Dòng Tên bị chỉ trích là quá tự hào về Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi là kẻ tội lỗi. Vì thế trước nguy cơ kiêu ngạo, tôi sẽ nói rằng tôi nghĩ ngài là một Giáo hoàng, một linh mục và một tu sĩ Dòng Tên tuyệt vời. Và tôi sẽ đánh cuộc thánh Inhaxiô hẳn cũng sẽ tự hào hoặc ngài sẽ tự hào trong giới hạn cho phép.

Chỉnh Trần, S.J. chuyển ngữ



Bản dịch cuộc phỏng vấn ĐGH Phanxicô
của báo Corriere della Sara



“Trong cuộc phỏng vấn do báo Corriere della Sara thực hiện, Đức Bergoglio đã nói về cuộc cách mạng năm đầu tiên của ngài tại trung tâm Giáo Hội.”

“Sự thật là tôi không cảm thấy quá luyến nhớ Argentina”.

By Ferruccio de Bortoli

Một năm đã trôi qua kể từ khi lời “chào buổi tối” đơn sơ làm lay động thế giới. Những sai sót của 12 tháng qua không thể vùi lấp được một lượng lớn những điều mới mẻ và những dấu chỉ sâu sắc về đổi mới mục vụ của Đức Phanxicô. Chúng tôi gặp nhau trong một căn phòng nhỏ của nhà thánh Martha. Cánh cửa sổ duy nhất trông ra ngoài sân mở ra chỉ đủ để thấy một góc rất nhỏ của bầu trời xanh. Đức Giáo Hoàng đột nhiên xuất hiện với một khuôn mặt thanh thản và trìu mến. Ngài trông có vẻ thích thú khi thấy những thiết bị ghi âm khác nhau đã được chuẩn bị sẵn trên bàn. “Chúng hoạt động tốt cả chứ? Vâng! Tạ ơn Chúa”. Đánh giá một năm vừa qua chăng? Không, Đức Thánh Cha không thích điều đó. “Tôi lượng giá mỗi 2 tuần với Cha giải tội của tôi”.

Thưa Đức Thánh Cha, đôi khi ngài gọi điện cho những người xin ngài giúp đỡ. Và có khi nào họ không tin đó là ngài không?

Vâng, điều đó đã xảy ra với tôi. Khi có ai đó gọi điện, đó là vì anh ta muốn trò chuyện, có điều gì đó cần hỏi, muốn một lời khuyên. Khi còn làm linh mục ở Buenos Aires tôi thực hiện điều này dễ dàng hơn. Và tôi vẫn giữ thói quen đó. Đó là một việc phục vụ và nó cần được thể hiện như thế. Nhưng thú thực bây giờ làm điều đó quả là không dễ vì lượng thư từ mà người ta viết cho tôi.

Ngài có nhớ cuộc liên lạc nào với một tình cảm đặc biệt không?

Một góa phụ 80 tuổi, bà đã mất một đứa con. Bà đã viết thư cho tôi. Và bây giờ tôi gọi điện cho bà ấy mỗi tháng. Bà vui lắm. Tôi đang thi hành [vai trò của một] linh mục. Tôi thích thế.

Về mối quan hệ với vị tiền nhiệm của ngài, ngài đã bao giờ xin lời khuyên từ Đức Bênêđictô XVI chưa?

Có chứ, “nguyên Giáo hoàng” không phải là một bức tượng trong viện bảo tàng. Đó là một định chế (institution) mà lâu rồi chúng tôi không sử dụng. Cách đây 60 hoặc 70 năm, tên gọi “nguyên Giám mục” không hề có. Nó chỉ có từ sau Công đồng Vatican II và bây giờ nó là một thiết chế. Tên gọi nguyên Giáo hoàng cũng tương tự như thế. Đức Bênêđictô là người đầu tiên và có lẽ sẽ có những người khác nữa. Chúng ta không biết được. Đức Bênêđictô là người khôn ngoan, khiêm nhường, ngài không muốn làm phiền ai cả. Chúng tôi đã nói về điều đó và cùng quyết định rằng sẽ tốt hơn nếu ngài nhìn thấy mọi người, cùng tham gia vào đời sống Giáo Hội. Có lần ngài đã đến đây dịp làm phép tượng Tổng lãnh Thiên thần Micae, sau đó dùng bữa trưa tại nhà thánh Martha và sau Giáng sinh tôi đã đến mời ngài tham dự Công nghị phong Hồng Y và ngài đã nhận lời. Sự khôn ngoan của ngài là một quà tặng của Thiên Chúa. Một số người muốn ngài nghỉ hưu tại đan viện Biển Đức cách xa thành Vatican. Và sau đó tôi nghĩ đến những bậc cao niên. Sự khôn ngoan và lời khuyên của họ đem lại sức mạnh cho gia đình và không đáng bị kết thúc tại viện dưỡng lão.

Chúng tôi nghĩ rằng cách ngài quản trị Giáo Hội giống như thế này: ngài lắng nghe mọi người và sau đó quyết định một mình – phần nào giống Bề trên Tổng quản Dòng Tên. Giáo hoàng có phải là một người đơn độc không?

Có và không. Nhưng tôi hiểu bạn muốn nói với tôi điều gì. Giáo hoàng không đơn độc trong sứ vụ của ngài bởi vì ngài được nhiều người tư vấn. Và ngài sẽ là một người đơn độc nếu ngài quyết định mà không hề lắng nghe bất cứ ai hay giả vờ lắng nghe. Tuy nhiên, khi đến thời điểm phải quyết định, khi phải đặt bút ký, lúc đó ngài (quyết định) một mình cùng với tinh thần trách nhiệm.

Ngài đã canh tân, đã phê bình một số thái độ của hàng giáo sĩ. Ngài đã cách mạng hóa Giáo triều và gặp phải một số phản kháng và chống đối. Liệu Giáo Hội đã thay đổi như ngài mong muốn cách đây một năm chưa?

Tháng ba năm ngoái tôi không hề có kế hoạch thay đổi Giáo Hội. Tôi cũng không mong đợi cuộc chuyển giao giáo phận này (từ Buenos Aires đến Rome), có thể nói như thế.

Tôi bắt đầu quản trị và cố gắng đưa vào thực hành mọi điều đã nổi lên từ những cuộc thảo luận giữa các Hồng Y trong nhiều phiên họp khác nhau. Và tôi chờ đợi Chúa linh hứng để hành động.
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ: (Công nghị Hồng Y) đã bàn luận về tình trạng thiêng liêng của những người đang phục vụ tại Giáo triều và sau đó họ đã bắt đầu đi tĩnh tâm. Quan trọng hơn nên làm Linh thao hàng năm. Mọi người đều có quyền dành 5 ngày để thinh lặng và suy niệm,
trong khi trước đây tại Giáo triều họ thường được nghe 3 bài giảng trong 1 ngày và sau đó vẫn tiếp tục làm việc.

Có phải lòng nhân từ và thương xót là bản chất của thông điệp mục vụ của ngài?

Và là bản chất của Tin mừng nữa chứ. Những điều này là trung tâm của Tin Mừng. Nếu không, người ta thể không hiểu Đức Giêsu Kitô, lòng nhân từ của Chúa Cha, Đấng đã sai ngài đến để lắng nghe chúng ta, chữa lành chúng ta và cứu độ chúng ta.

Nhưng đã có ai hiểu thông điệp này? Ngài đã nói rằng hội chứng “mê Giáo hoàng Phanxicô” sẽ không kéo dài lâu. Có hình ảnh nào của ngài trước công chúng mà ngài không thích không? 

Tôi thích ở giữa mọi người, ở với những ai đang gặp đau khổ, đi thăm các xứ đạo. Tôi không thích những lối diễn giải mang tính ý thức hệ, một huyền thoại nào đó về Giáo hoàng Phanxicô. Chẳng hạn khi người ta đồn rằng tôi đã rời Vatican vào ban đêm để phát thức ăn cho những người vô gia cư trên phố Via Ottaviano. Ý tưởng này chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Sigmund Freud từng nói rằng sự lý tưởng hóa nào cũng có sự khiêu khích. Mô tả Giáo hoàng như một kiểu siêu nhân hay ngôi sao hình như xúc phạm đến tôi đó. Giáo hoàng là người biết cười, biết khóc, biết đánh một giấc ngủ ngon và có bạn bè như bao người khác. Ngài là một con người bình thường.

Ngài có nhớ quê hương Argentina không?

Sự thật là tôi không thấy nhớ nhà. Tôi chỉ muốn thăm người em gái đang bị bệnh; bà ấy là em út trong số anh em chúng tôi. Tôi rất muốn gặp bà ấy nhưng điều này không thể biện minh cho một cuộc viếng thăm Argentina. Tôi đã gọi điện cho bà ấy và thế là đủ rồi. Tôi không nghĩ sẽ đi (Argentina) trước năm 2016 vì tôi đã ở Châu Mỹ Latinh khi đến Rio rồi. Bây giờ tôi phải đến Thánh địa, Á Châu và sau đó là Phi Châu.

Ngài vừa mới gia hạn hộ chiếu Argentina. Nhưng ngài vẫn là một nguyên thủ quốc gia.

Tôi vừa mới gia hạn vì nó đã hết hạn rồi.
Ngài có cảm thấy khó chịu khi bị một số người, đặc biệt là ở Hoa kỳ, cáo buộc là người Mácxít sau khi công bố tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” không?

Không hề. Tôi chưa bao giờ chia sẻ ý thức hệ Mácxít bởi vì nó là sai lầm, nhưng tôi biết nhiều người tốt xưng mình theo chủ nghĩa Mác.

Những vụ bê bối làm xáo trộn đời sống Giáo Hội may thay bây giờ đã lui vào quá khứ. Có một đề nghị đã được gửi tới ngài liên quan đến vấn đề tế nhị là việc lạm dụng trẻ vị thành niên, được xuất bản bởi báo Il Foglio, có kèm chữ ký của các triết gia Besancon, Scruton và một số người khác muốn ngài lên tiếng chống lại sự cuồng tín và lương tâm bất chính của một thế giới bị tục hóa vốn không hề tôn trọng trẻ em.

Tôi muốn nói hai điều. Các vụ lạm dụng thật khủng khiếp vì chúng để lại những vết thương sâu. Đức Bênêđictô XVI đã rất can đảm và đã mở ra một con đường (để giải quyết vấn nạn này). Và, tiếp nối con đường đó, Giáo Hội đã làm được rất nhiều điều, có lẽ nhiều hơn bất cứ ai khác. Các thống kê về hiện tượng bạo lực chống lại trẻ em thật sự gây sốc, nhưng chúng cũng cho thấy rằng phần lớn những vụ lạm dụng đến từ môi trường gia đình và từ những người gần gũi với các em. Giáo Hội Công Giáo có lẽ là tổ chức công duy nhất đã hành động với tinh thần trách nhiệm và minh bạch. Không có ai làm được nhiều hơn thế. Tuy nhiên, Giáo Hội lại là đối tượng duy nhất bị công kích.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã từng nói rằng “người nghèo Phúc âm hóa chính chúng ta.” Quan tâm đến đói nghèo, điểm nhấn mạnh mẽ nhất trong thông điệp của ngài được một số nhà quan sát xem như một lời tuyên xưng về (tinh thần) nghèo khó. Tin Mừng không lên án sự giàu có. Chính Giakêu cũng là một người giàu có và bác ái.

Tin Mừng lên án việc tôn sùng sự giàu có. Nghèo khó là một những diễn giải quan trọng. Vào thời Trung cổ, có nhiều trào lưu sống nghèo khó. Thánh Phanxicô [thành Assisi] đã tài tình đưa chủ đề sống nghèo khó vào trong hành trình loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu dạy rằng người ta không thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa và tiền của. Và khi chúng ta chịu phán xét trong ngày chung thẩm (Mt, 25), chúng ta sẽ được hỏi về sự gần gũi của chúng ta với nghèo khó. Sự nghèo khó tách chúng ta ra khỏi việc tôn thờ ngẫu tượng và mở ra cánh cửa với Đấng Quan phòng. Ông Giakêu đã trao phân nửa tài sản cho người nghèo. Và đối với những ai nắm giữ kho thóc cho tính ích kỷ của mình, Đức Chúa, vào ngày chung thẩm sẽ tính sổ với người ấy. Tôi nghĩ rằng tôi đã diễn tả suy nghĩ của tôi về sự nghèo khó trong tông huấn “Niềm vui Phúc Âm.”

Ngài đã cho thấy rằng trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt là về tài chính, có một số tệ nạn làm cho nhân loại đau khổ. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã làm cho hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói. Nó đã mang lại hy vọng, một sự truyền cảm hiếm có mà không được nhầm lẫn với chủ nghĩa lạc quan.

Đúng vậy, toàn cầu hóa đã cứu nhiều người thoát khỏi nghèo đói, nhưng nó đã khiến cho nhiều người khác chết đói vì với hệ thống kinh tế này nó trở thành (một cơ chế) mang tính chọn lọc. Toàn cầu hóa mà Giáo Hội nghĩ về không giống như một quả cầu mà trong đó mỗi điểm cách đều tâm và vì thế, tính cá vị của con người bị mất đi. Thay vào đó, toàn cầu hóa mà Giáo Hội nghĩ đến là một khối đa diện với nhiều khuôn mặt khác nhau trong đó mỗi quốc gia gìn giữ nét văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và căn tính của chính mình. Toàn cầu hóa kinh tế “hình cầu” hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, chỉ sản sinh ra một lối suy nghĩ, một lối suy nghĩ yếu ớt. Và con người không còn là trung tâm nữa nhưng chỉ là tiền bạc.

Chủ đề gia đình là trọng tâm của các hoạt động của Hội đồng 8 Hồng Y. Kể từ tông huấn “Familiaris Consortio” của Đức Gioan Phaolô II, nhiều thứ đã thay đổi. Những điều mới mẻ đang được mong đợi. Và ngài đã nói rằng những người ly dị không đáng bị lên án và họ phải được giúp đỡ.

Đó là một con đường dài mà Giáo Hội phải hoàn tất, một tiến trình mà Chúa muốn. Ba tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, tôi đã nhận được các đề tài cho Thượng Hội đồng Giám mục và chúng tôi đã quyết định thảo luận về những đóng góp của Chúa Giêsu cho con người hôm nay. Tuy nhiên, cuối cùng, như dấu chỉ của ý Chúa, chúng tôi đã quyết định thảo luận về chủ đề gia đình vốn đang trải qua một cuộc khủng khoảng nghiêm trọng. Thật là khó để hình thành một gia đình. Rất ít người trẻ kết hôn. Có quá nhiều gia đình đổ vỡ, kế hoạch chung sống của họ thất bại. Trẻ em phải chịu nhiều đau khổ. Và chúng ta phải đưa ra lời giải đáp. Tuy nhiên, chúng ta phải phản tỉnh thật sâu xa về điều này. Đây là điều mà Công nghị Hồng Y và Thượng Hội đồng Giám mục đang làm. Chúng ta phải tránh việc chỉ dừng lại ở bề nổi của vấn đề. Cám dỗ muốn giải quyết mỗi vấn đề với những lý lẽ ngụy biện là một sai lầm, một sự đơn giản hóa những điều sâu xa. Đó chính là những gì mà các Pharisêu đã làm: một nền thần học rất thiển cận. Và chính trong ánh sáng của phản tỉnh sâu xa này, những tình huống cụ thể, trong đó có những người ly dị, sẽ được bàn đến một cách nghiêm túc.

Tại sao bài phát biểu của Đức Hồng Y Walter Kasper trong Công nghị vừa qua (một vực thẳm phân cách giữa giáo lý về hôn nhân gia đình và cuộc sống thực tế của nhiều Kitô hữu) lại gây ra nhiều phân rẽ giữa các Hồng Y? Ngài có nghĩ rằng Giáo Hội có thể vượt qua hai năm hành trình vất vả để đi đến một sự đồng thuận rộng rãi và ổn định?

Đức Hồng Y Kasper trình bày một bài thuyết trình thật sâu sắc và tốt đẹp. Chẳng bao lâu nữa bài thuyết trình này sẽ được xuất bản bằng tiếng Đức. Ngài đề cập đến 5 điểm, điểm thứ năm là về kết hôn lần thứ hai. Tôi sẽ thật sự lo lắng nếu không hề có một cuộc thảo luận sôi nổi trong Công nghị vì như thế họp Công nghị cũng chẳng có lợi ích gì.

Các Hồng Y biết rằng họ có thể nói những gì họ muốn và họ đã trình bày nhiều quan điểm khác nhau vốn luôn luôn làm phong phú (cho vấn đề). Một cuộc tranh luận cởi mở và đầy tình huynh đệ giúp cho các tư tưởng về thần học và mục vụ được phát triển. Điều này không làm tôi lo sợ. Hơn thế, tôi lại tìm kiếm điều này.

Trong thời gian gần đây nổi lên thói quen tham chiếu đến “những giá trị bất khả thương thảo,” đặc biệt là các vấn đề về đạo đức sinh học và luân lý tính dục. Ngài đã không dùng công thức đó. Phải chăng sự lựa chọn của ngài là dấu chỉ về một phong cách ít giáo điều hơn và tôn trọng lương tâm cá nhân hơn?

Tôi chưa bao giờ biết về diễn tả (gọi là) “những giá trị bất khả thương thảo.” Giá trị là giá trị và nó là thế. Tôi không thể nói ngón tay trong một bàn tay hữu ích hơn các ngón còn lại vì thế tôi không hiểu ý nghĩa của điều gọi là những giá trị có thể thương thảo. Những gì tôi phải nói về chủ đề sự sống đã được viết trong tông huấn “Niềm vui Phúc Âm” rồi.

Nhiều nước đã đưa ra quy định về kết hôn dân sự. Đây có phải là đường hướng mà Giáo Hội có thể chấp nhận không? Và điều đó sẽ đi về đâu?

Hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Những nhà nước thế tục muốn biện minh cho những kết hợp dân sự để quy định những tình huống chung sống khác nhau, cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu đưa ra quy định về những phương diện kinh tế giữa những người sống chung, như bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe chẳng hạn. Mỗi trường hợp phải được nhìn nhận và đánh giá trong tính đa dạng của chúng.

Vai trò của người nữ trong Giáo Hội sẽ được thúc đẩy như thế nào ?

Những lý lẽ để biện minh cũng chẳng giúp được gì trong trường hợp này nữa. Sự thật là phụ nữ có thể và phải hiện diện nhiều hơn trong những vị trí vốn phải đưa ra quyết định trong Giáo Hội. Nhưng tôi sẽ không gọi điều này là một sự thăng tiến chức năng. Chỉ duy điều này, người ta chẳng tiến được bao nhiêu. Đúng hơn, chúng ta phải suy nghĩ rằng từ Giáo Hội có mạo từ “la”: chính là nữ tính. Nhà thần học Urs von Balthasar đã làm việc cật lực về chủ đề này: nguyên tắc Maria hướng dẫn Giáo Hội bên cạnh nguyên tắc Phêrô. Đức Trinh nữ Maria thì quan trọng hơn bất cứ giám mục và bất cứ Tông đồ nào. Suy tư thần học này đã và đang được đào sâu. Đức Hồng Y [Stanislaw] Rylko [chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân] cùng với Hội đồng Giáo dân đang làm việc theo hướng này cũng với nhiều nữ chuyên viên khác nhau.

Nửa thế kỷ đã trôi qua để từ thông điệp “Humanae Vitae” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Giáo Hội có thể bàn lại chủ đề điều hòa sinh sản không? Đức Hồng Y [Carlo Maria] Martini [Nguyên Tổng Giám mục Milan], một người anh em cùng dòng với ngài, tin rằng giờ đã đến lúc.

Tất cả phụ thuộc vào cách mà thông điệp “Humanae Vitae” được diễn giải. Chính Đức Phaolô VI đến phút chót đã khuyên các cha giải tội nên thể hiện lòng thương xót và quan tâm nhiều hơn đến các trường hợp cụ thể. Nhưng, sự khôn ngoan của ngài mang tính tiên tri khi ngài can đảm đi ngược dòng với đa số để bảo vệ nguyên tắc luân lý, để chặn đứng một trào lưu, để chống lại chủ thuyết tân Malthus (hạn chế sinh đẻ để phát triển kinh tế) hiện nay và trong tương lai. Vấn đề không phải là thay đổi giáo thuyết nhưng cần đi sâu vào vấn đề và bảo đảm rằng

sứ vụ mục vụ phải lưu tâm đến hoàn cảnh của từng cá nhân
và những gì người đó có thể làm.
Điều này cũng sẽ được thảo luận trên lộ trình tiến tới Thượng Hội đồng Giám mục.

Khoa học mở ra và vẽ lại ranh giới của sự sống. Liệu nó có ý nghĩa đối với việc kéo dài sự sống trong tình trạng sống thực vật chăng?

Tôi không phải là một chuyên gia về đạo đức sinh học và tôi e rằng sẽ nói sai. Giáo lý truyền thống của Giáo Hội nói rằng không ai bị buộc phải sử dụng những phương pháp ngoại thường khi bệnh nhân đang sống trong giai đoạn cuối. Về mục vụ, trong trường hợp này tôi luôn khuyên sử dụng các biện pháp xoa dịu cơn đau. Về những trường hợp cụ thể hơn, tốt hơn hết là tìm lời khuyên từ các chuyên gia.

Chuyến thăm Thánh địa của ngài sẽ mang đến một thỏa thuận liên hiệp với Giáo Hội Chính thống như Đức Phaolô VI, đã ký với [Đức Thượng phụ] Athenagoras cách đây 50 năm chứ?

Tất cả chúng tôi đều nôn nóng có được những kết quả đã được cam kết. Nhưng con đường tiến đến hiệp nhất với Giáo Hội Chính thống trướt hết là phải cùng bước đi và cùng làm việc với nhau.

Ở Buenos Aires, nhiều người Chính thống giáo đã đến dự các khóa giáo lý. Tôi thường mừng Giáng sinh và ngày 1 tháng 6 với các giám mục của họ, những người đôi khi cũng nhờ văn phòng giáo phận của chúng tôi tư vấn.
Tôi không biết liệu câu chuyện liên quan đến việc Đức Thượng phụ Athenagoras đề nghị Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cùng đi dạo và gửi tất cả các thần học gia của hai bên đến một hòn đảo để cùng thảo luận với nhau có đúng không.
Có vẻ là một chuyện đùa nhưng điều quan trọng là chúng tôi cùng sánh bước. Nền thần học Chính thống giáo rất phong phú.

Và tôi tin rằng lúc này đây họ có những nhà thần học tầm cỡ. Tầm nhìn của họ về Giáo Hội và tính hiệp đoàn thật tuyệt vời.
Vài năm nữa Trung Quốc sẽ là nước có quyền lực nhất thế giới thế mà Vatican không có mối liên hệ nào. Matteo Ricci cũng là một linh mục dòng Tên giống như ngài.

Chúng tôi gần gũi với Trung Quốc. Tôi đã gửi thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông được bầu sau tôi ba ngày. Ông ấy đã hồi âm. Có mối quan hệ chứ. Họ là một dân tộc vĩ đại và tôi yêu mến họ.

Thưa Đức Thánh Cha, tại sao ngài chưa bao giờ đề cập đến Âu Châu? Dự án về Âu Châu không thuyết phục được ngài?

Ông có nhớ cái hôm tôi nói về Á Châu không? Tôi đã nói gì? Tôi không nói gì về Á Châu, Phi Châu hay Âu Châu. Tôi chỉ nói về Mỹ Latinh khi tôi ở Brazil và khi tôi tiếp kiến Ủy ban Châu Mỹ Latinh. Chưa có dịp để tôi nói về Âu Châu. Điều đó sẽ đến thôi.

Ngài đang đọc sách gì trong những ngày này?

“Phêrô và Madalêna” của Damiano Marzotto bàn về chiều kích nữ tính của Giáo Hội. Một cuốn sách tuyệt vời.

Ngài đã từng xem bộ phim hay nào chưa? “La Grande Bellezza” vừa đạt giải Oscar. Ngài sẽ xem phim này chứ?

Tôi không biết. Phim gần đây nhất mà tôi xem đó là “Cuộc đời tươi đẹp” của Benigni. Và trước đó, tôi đã xem “La Strada” của Fellini. Một kiệt tác. Tôi cũng thích Wajda nữa…

Thánh Phanxicô có một thời trẻ khá vô tư. Xin hỏi ngài đã từng yêu chưa?

Trong cuốn sách có tựa đề Tu sĩ Dòng Tên, tôi đã kể rằng tôi đã có bạn gái lúc 17 tuổi. Và tôi cũng đề cập đến điều này trong cuốn Trời và Đất, một tác phẩm mà tôi viết chung với Abrâhm Skorka. Thời học ở chủng viện, một cô gái đã làm đầu óc tôi quay lòng vòng suốt 1 tuần.

Và nếu ngài không ngại kể, chuyện đó đã kết thúc thế nào?

Chúng là những chuyện của tuổi trẻ. Tôi đã xưng với cha giải tội của tôi về chuyện này [ngài cười lớn]

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha

Cảm ơn ông.                                            Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J.Nguồn ZENIT

Đăng nhận xét

[blogger][facebook][disqus]

Author Name

{picture#https://1.bp.blogspot.com/-E9BgdfTl7Ug/Xpa2B9OupwI/AAAAAAAAA1U/PnbaR3h3-jE-jQ5GwdNpEvZGUfRWCLz6gCLcBGAsYHQ/s1600/Ch%25C6%25B0a%2B%25C4%2591%25E1%25BA%25B7t%2Bt%25C3%25AAn-1.png} {facebook#https://www.facebook.com/giaoxulocthuygpvinh} {twitter#https://twitter.com/giaoxulocthuy} {youtube#https://www.youtube.com/@giaoxulocthuy}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.