Suy niệm Lời Chúa và thơ Chúa Nhật II Mùa Chay A
+++
“Lời
Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường
con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 17, 1-9)
Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và
Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt
các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.
Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông
Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì
tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và
một cho Êlia".
Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và
có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng
Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp
xuống, và hết sức sợ hãi.
Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con
hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra
một mình Chúa Giêsu.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các
ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con
Người từ cõi chết sống lại". Đó là lời Chúa.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY - A
Mắt đức tin – Mắt của trái tim
Có nhiều điều ta nhìn mà
không thấy. Ví dụ:
tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử. Ta chỉ thấy những dấu hiệu của tình yêu như:
sự âu yếm, quà tặng, sự quên mình. Còn chính tình yêu thì ta không thấy. Điều
chính yếu thì vô hình. Ta chỉ thấy được bằng trái tim.
Có nhiều điều ta chỉ thấy
bề mặt mà không thấy bề sâu. Ví dụ như con người. Khi nhìn một người, ta chỉ thấy diện mạo, hình dáng
bên ngoài. Ít khi ta thấy được tâm tư tình cảm của người khác, kể cả những
người thân yêu sống kề cận bên ta. Linh hồn người ta không ai thấy bao giờ. Vì
linh hồn thiêng liêng. Ta chỉ thấy được bằng đức tin.
Chúa Giêsu xuống thế làm người đã trở nên
giống như một người phàm. Người che giấu thần tính vinh quang sáng láng trong
một thân xác nghèo hèn, bình thường. Không ai nhận ra thần tính của Người. Ngay
cả các môn đệ luôn luôn kề cận bên Người.
Hôm nay, khi Chúa tỏ mình ra các ông chới với
ngỡ ngàng. Lòng các ông tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy vinh quang của Chúa
Giêsu. Thần tính vinh quang phát lộ rực sáng. Và nhân tính được tôn vinh. “Diện mạo Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng
tinh như ánh sáng”. Thần
tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo
đơn sơ của bác thợ mộc che giấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tấm thân dân dã
nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang.
Ánh sáng thần tính rọi vào nhân tính đem lại
cho ta bao niềm hi vọng. Vì nhân tính của Chúa Giêsu gánh lấy cả nhân loại trên
mình, nên ánh sáng thần linh cũng soi rọi cả vào chúng ta, vào thế giới tăm tối
của tội lỗi, yếu hèn, vào thân xác rã rời mệt mỏi của ta.
Ánh sáng ấy cho tôi hiểu rằng, Thiên Chúa đang
ẩn tàng trong vạn vật. Người ở nơi thâm sâu nhất của hữu thể tôi như thánh
Augustinô đã cảm nghiệm: “Người
ở bên trong, còn tôi ở bên ngoài”.
Người ẩn tàng trong mọi quan hệ, trong mọi
niềm vui, trong mọi tình bạn, trong mọi tình yêu. Bởi vì hạnh phúc là gì nếu
không phải đi tìm cái cốt lõi, là nguồn mạch của hạnh phúc, là chính Thiên Chúa
hằng sống.
Ánh sáng ấy ngầm nói với tôi rằng: Vinh quang
Thiên Chúa như hạt giống đang vùi chôn trong lòng tất cả mọi anh em sống quanh
tôi. Vinh quang ấy đang bị che khuất đàng sau những mái tranh thô sơ, những
thân thể gầy guộc, những ánh mắt mệt mỏi lờ đờ.
Nhận thức ấy thôi thúc tôi trở về tìm Chúa
trong đáy lòng mình. Càng bóc đi lớp vỏ tội lỗi, dung nhan Thiên Chúa càng hiện
rõ. Càng chìm sâu vào nội tâm thinh lặng, tôi càng tới gần Chúa.
Nhận thức ấy giúp tôi kính trọng anh em vì anh
em là những cung thánh đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị, là những vườn ươm hạt
mầm thần linh, là những bình sành chứa đựng kho tàng cao quý.
Như thế, sống Mùa Chay là thực hiện một hành
trình nọi tâm: trở về đáy lòng mình để gặp được Chúa. Ăn chay là đến với anh em
bằng thái độ kính trọng, là bảo vệ hạt mầm thần linh đang đâm chồi nảy lộc
trong các tâm hồn.
Chương trình hành động trong Mùa Chay là tiếp
tay đem ánh sáng thần linh của Chúa Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tăm tối,
những thân phận hẩm hiu. Sao cho dung nhan nhân loại chói ngời ánh sáng nhân
phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.
Như thế ta đang công tác vào việc biến hình
thế giới. Như thế ta đang bước theo chân Chúa Kitô, đưa nhân loại vào hành
trình phục sinh.
Lạy Chúa Kitô, xin ban cho con đức tin mạnh mẽ
để con nhìn thấy Chúa trong anh em. Xin ban cho con trái tim bén nhạy để con
nhìn thấy những thực tại vô hình. Amen.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Núi Tabor
hôm nay
Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đi Giêrusalem. Trên
đường, Chúa lên một ngọn núi để cầu nguyện. Có lẽ đó là núi Tabor ở Galilê. Có
ba môn đệ thân tín theo Chúa. Chúa đã hiển dung trước mặt các ông.
Trước núi Tabor, Chúa Giêsu đã từng lên hai
ngọn núi khác. Trước hết là Chúa giảng Hiến Chương Nước Trời trên núi quen gọi
là núi Bát Phúc. Sau khi cho hoá bánh ra nhiều nuôi dân, họ muốn tôn Chúa làm
vua, Chúa đã lên núi cầu nguyện một mình. Sau núi Tabor, Chúa cũng lên hai ngọn
núi khác: núi Sọ là nơi Chúa chịu chết trên thập giá và núi Ôliu là nơi Chúa từ
biệt các môn đệ mà lên trời. Có thể nói núi Tabor đã được chuẩn bị bằng hai
ngọn núi trước và chuẩn bị cho hai ngọn núi sau. Hiển Dung là cao điểm của cuộc
đời rao giảng và là khởi điểm của cuộc Vượt Qua.
Người xưa tin rằng Thiên Chúa ở trên trời; núi
cao, nên gần trời; vì thế người ta lên núi sẽ dễ gặp Chúa hơn. Tổ phụ Abraham
lên núi hiến tế Isaac. Ông Môsê lên núi nhận bia giao ước. Ngôn sứ Êlia lên núi
gặp Thiên Chúa. Thực tế là lên núi dễ gặp Chúa hơn thật:
Thanh
vắng, yên tĩnh, xa gia đình, bạn bè, phố chợ;
Trên
cao, thấy rõ công trình của Thiên Chúa trong thiên nhiên hùng vĩ hơn: mặt trời,
bầu trời, trăng sao, núi sông, bình minh, hoàng hôn...
Trên
cao, thấy công trình của con người nhỏ bé hơn, vì thế dễ từ bỏ hơn.
Lên núi là điều không dễ, nhưng đem lại cho
chúng ta những niềm vui mà chỉ những ai lên núi mới cảm nghiệm được. Hôm nay
Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta lên núi để chiêm ngắm Chúa hiển dung: ngay bên
cạnh chúng ta, Chúa vẫn đang yêu thương người đau khổ, tha thứ cho kẻ tội lỗi,
hy sinh cho người mình yêu. Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta trở nên núi
Tabor mới để Chúa hiển dung. Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu mặc lấy Đức Kitô,
trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Trong cuộc Vượt Qua, khuôn mặt thể lý
của Chúa không còn hình dạng con người, nhưng khuôn mặt của Thiên Chúa tình yêu
lại chói sáng trước mắt mọi người trong mọi thời đại.
Một thường dân Nhật Bản được Nhật Hoàng mời
vào hoàng cung dùng cơm chung vì đã lấy máu mình vẽ chân dung Nhật Hoàng. Chúa
Giêsu lấy máu mình để vẽ chân dung Thiên Chúa và được hưởng vinh quang Phục
Sinh. Xin Chúa giúp chúng ta dùng cuộc sống của mình để vẽ chân dung Chúa trong
thế giới hôm nay.
ĐGM. Cosma Hoàng Văn
Đạt
Chúa hiển dung bộ mặt nào?
Tôi được biết: trong phụng vụ của Giáo Hội
Đông Phương thì biến cố hiển dung (‘sự hóa thân’ theo như cách nói của họ)
chiếm vị trí hàng đầu, và được coi là sự kiện thâu tóm tất cả mạc khải Tân ước.
Xét cho cùng tôi thấy họ không sai chút nào, vì Hiển Dung với tất cả sự hoành
tráng của nó (bao bì) phải gói ghém trong đó một thực tế (sản phẩm) có tầm mức
quan trọng vượt bậc. Hiển Dung chắc chắn không phải là biến cố vinh quang hào
nhoáng nhằm che đậy một thực tại đau đớn là cuộc khổ nạn, như nhiều khi chúng
ta được nghe giải thích: Chúa biến hình để củng cố các tông đồ khỏi vấp ngã vì
cuộc khổ nạn ê chề. Nếu đúng là như thế thì việc biến hình đã thất bại, vì
trong thực tế, các tông đồ nói chung, cách riêng Phê-rô - một trong ba chứng
nhân trực tiếp, đã vấp ngã. Hiển dung không nhằm mục đích che đậy bất cứ một
thực tế đau thương nào, ngược lại nó phải làm lộ rõ nội dung vinh quang đích
thực của Thập Giá.
Theo lối suy nghĩ tự nhiên của định luật
nhân-quả, người ta luôn có khuynh hướng tách vinh quang ra khỏi đau khổ: đau
khổ chỉ là tiền đề, là điều kiện để đạt tới vinh quang. ‘Per crucem ad lucem’,
người ta thường quan niệm thế, phải qua thập giá đau thương mới tới được vinh
quang phục sinh. Nói như thế thì tự nó Thập giá không bao giờ là vinh quang,
vinh quang chỉ lộ diện như một phần thưởng sau thập giá, trong ánh sáng phục
sinh. Thông thường người ta quan niệm, thập giá chỉ là phương tiện chứ không
thể là mục tiêu, tương tự như đau khổ là con đường dẫn tới thành công. Do đó
người ta chỉ có thể ôm ấp vinh quang phục sinh chứ không thể yêu thích thập
giá, và diện mạo cũng như sức mạnh đích thực của Thiên Chúa chỉ tỏ hiện trong
ánh sáng Phục sinh chứ không thể trong đau khổ thập giá.
Ngược hẳn với lối suy nghĩ trên, các thánh sử,
khi mô tả biến cố Hiển Dung, đều cho thấy vinh quang Thiên Chúa tỏ rõ nơi biến
cố Thập Giá. Hai ông Ê-li-a và Mô-sê, hiện thân tột đỉnh của mạc khải Cựu Ước,
hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su “về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại
Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,31). Để thấu hiểu biến cố hiển dung thì phải lồng nó
trong cuộc khổ nạn - phục sinh của Đức Giê-su. “Đừng nói cho ai hay thị kiến
ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy”. Theo tác giả Gio-an thì
chính cái chết tự hiến (chứ không phải Phục sinh) mới được Đức Giê-su coi như
mục tiêu chính của mạc khải Người, là ‘giờ của Người’, là sự tôn vinh’ của
Thiên Chúa Cha và của chính Người nữa (xem Ga 12,20-33). Chỉ có Đức Giê-su của
hiển dung - thập giá mới được Chúa Cha từ trời giới thiệu: “Đây là Con yêu
dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”
Hiểu được vinh quang Thiên Chúa nằm trong
chính thập giá quả là điều khó. Ngay cả Phê-rô cũng còn lâu mới chấp nhận nổi
điều này (xem Mc 8,31-33). Điều đó cho thấy chiêm ngắm và tin vững chắc vào một
Thiên Chúa giầu lòng từ nhân và hay thương xót không phải là dễ. Chấp nhận một
Thiên Chúa oai hùng và công thẳng còn dễ hơn nhiều. Các tôn giáo đều muốn tôn
vinh Thiên Chúa và ca ngợi sự uy nghi cao cả của Ngài mà không bị bóng thập giá
phủ mờ. Trong khi đó Đức Giê-su, bằng trọn cuộc sống trần thế, và nhất là qua
cái chết thập giá, chỉ muốn hé mở một điều duy nhất: vinh quang vĩ đại nhất của
Thiên Chúa, và yếu tính đặc sắc nhất của Ngài chính là tự hiến và cứu độ, là
tha thứ và xót thương. Thập giá là mạc khải toàn diện nhất về Thiên Chúa, đồng
thời cũng biểu lộ tột cùng vinh quang tình yêu của Ngài.
Vì vậy đối với Ki-tô hữu chúng ta, mùa chay
phải là thời gian của Hiển Dung. Hình như Hội Thánh muốn nhắc nhở chúng ta điều
đó: đây chính là thời gian mời gọi mọi Ki-tô hữu hãy say sưa chiêm ngắm thập
giá, để phát hiện ra vinh quang và quyền lực lớn lao nhất của Thiên Chúa, một
thứ quyền lực không hề tạo sợ hãi, nhưng chất đầy vui mừng và hy vọng đích thực
của Tin Mừng. Trung tâm của mùa chay phải là Thập giá, nhưng không phải thứ
thập giá thuần khổ đau và chết chóc, mà là Thập giá ánh lên vinh quang của tình
yêu trao hiến và cứu độ của Thiên Chúa là Cha nhân lành. Hoặc tôi chiêm ngắm
vinh quang Thiên Chúa như thế, hoặc như Phê-rô, tôi chối bỏ vinh quang Thập
Giá, để đáng bị Đức Giê-su xua đuổi như Sa-tan, tức là kẻ phản nghịch chối bỏ
vinh quang tình yêu tha thứ của Thiên Chúa.
Mùa chay vì thế không chỉ là thời gian hãm
dẹp, nhưng phải là dịp để khám phá và củng cố niềm tin. Tôi có ý thức điều đó
không?
Lạy
Chúa, khi mời gọi con vác thập giá theo chân Chúa là Chúa muốn dành cho con
vinh dự được tham gia vào vinh quang vĩ đại nhất của Chúa. Xin cho con, một
Ki-tô hữu và Linh mục của Chúa, không còn coi Thập Giá là biểu hiện của khổ
nhục và đau đớn, nhưng đã trở thành biểu tượng của tình yêu vinh quang. Chính
vì thập giá hiển dung cho con diện mạo yêu thương tự hiến của Chúa mà con xin
được say mê Thánh Giá. Xin cho Thánh Giá từ nay trở thành gia nghiệp duy nhất
của đời con. A-men
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
“Bản tính khó dời”
Tiếng đứa em lanh lảnh nói: Chị hai sao lại bỏ anh rể?
Vì anh
ấy cờ bạc, rượu chè nên chị không chịu được.
Nhưng
anh ấy đã có tật cờ bạc, rượu chè trước khi lấy chị mà.
Vì chị
tưởng là thời gian anh ấy sẽ biến đổi, ai ngờ càng ngày càng tệ hơn!
Người xưa thường có câu: “Bản
tính khó dời”, “chứng nào tật ấy” đều nói
lên tính cách của một con người khó mà thay đổi được. Thay đổi một thói quen
của con người thì có thể, nhưng rất khó lòng thay đổi bản tính một khi đã ăn
sâu trong con người của họ.
Thói hay chửi của Chí Phèo là một điển hình. Chí Phèo đã được Nam Cao phác
họa như một tên vô lại, tối ngày say sỉn, chỉ làm được một việc duy nhất là
chửi khống và ăn vạ. Về tài chửi của hắn, Nam Cao tả: Hắn vừa đi vừa chửi. Bao
giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi Trời. Có hề gì? Trời có
của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng
chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Ðại. Nhưng cả làng Vũ Ðại ai
cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này
thì tức thật! Tức chết đi được mất!
Ðã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không
ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không
biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải
đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái
thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.
Xem ra ở đời ai cũng có tật xấu. Ai cũng có điều phải sửa, vì “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng
thời gian đã biến chúng ta ra xấu xa bởi biết bao thói hư tật xấu. Sự khôn ngoan
nhắc nhở chúng ta phải cố gắng biến mình trở lại hình ảnh ban đầu, đừng ngoan
cố sống trong tội lỗi, hãy sửa mình nên hoàn thiện theo hình ảnh của Chúa. Một
hình ảnh tinh tuyền không để dục vọng làm chủ. Một hình ảnh trong sáng không để
vẩn đục bằng những thói hư tật xấu.
Hôm nay, Chúa biến hình trở về với căn tính Thiên Chúa của Ngài. Phê-rô đã
ngây ngất khi chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giê-su. Phê-rô cùng các môn đệ
càng thêm xác tín về Thiên tính trong con người của Thầy Giê-su. Phê-rô cảm
thấy toại nguyện và chỉ còn mong muốn một điều duy nhất là được ở bên Chúa mãi
mãi.
Sứ điệp ngày lễ Chúa hiển dung như nhắc nhở chúng ta nhớ mình là họa ảnh
của Thiên Chúa. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thế nên con
người phải giữ mãi vẻ đẹp tinh tuyền của phẩm giá con người. Nếu có những đam
mê tật xấu làm chúng ta biến chất thì đây là dịp Chúa nhắc nhở chúng ta phải
biến hình mỗi ngày trở về với căn tính của chúng ta là hình ảnh của Chúa? Là
hình ảnh của Chúa thì không thể làm tôi cho ma quỷ ? Là hình ảnh của Chúa thì
không thể để cho dục vọng lôi kéo chúng ta làm điều xấu? Là hình ảnh của Chúa
chúng ta phải luôn hướng về sự thiện, luôn có những ước mơ thanh cao, luôn sống
vị tha và phục vụ mọi người.
Tiếc rằng, con người hôm nay đã để mình biến chất trong dòng đời lắm cám dỗ
bon chen. Nhiều người đã bán rẻ phẩm giá làm người để đổi lấy chút danh lợi thú
trần gian. Nhiều người đã không chỉ biến chất mà còn biến dạng khi lao mình tìm
kiếm và thỏa mãn dục vọng đến nỗi xem thường luân thường đạo lý làm
người. Đôi khi còn vì danh lợi thú mà làm hại đồng
loại, mà gây nên biết bao đau thương cho nhân thế.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết mình là hình ảnh của Thiên Chúa thật tốt
đẹp biết bao, để biết trân trọng, gìn giữ nét đẹp đó trong cuộc sống của mình.
Đồng thời cũng biết trân trọng vẻ đẹp ấy nơi tha nhân qua đời sống bác ái, vị
tha. Xin Chúa giúp chúng ta biết biến đổi mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn
trong suy nghĩ và hành động hầu xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen
Lm.
Jos Tạ Duy Tuyền
Hiển dung
Khi nhập thể làm người, Chúa Giê-su mang dung
mạo con người, mang bản tính và khuôn mặt con người, hoàn toàn trở nên người
phàm, ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, người đồng hương Na-da-rét gọi Ngài là “Bác
thợ” (Mác-cô 6,3) hay là “con Bác thợ Giu-se, con bà
Maria” (Luca 4, 22, Mat-thêu 13, 55) Ngoài ra, hầu hết người Do-thái đồng thời
với Chúa Giê-su chỉ nhìn thấy khuôn mặt nhân loại của Chúa Giê-su mà thôi nên
cho rằng Ngài chỉ là người phàm.
Nhờ cuộc hiển dung trên núi, ba môn đệ mới
nhận ra Đức Giê-su là Thiên Chúa.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su
báo trước cho các môn đệ biết Ngài sẽ lên Giê-ru-sa-lem để hiến thân chịu chết.
Lời tiên báo nầy làm cho các môn đệ bấn loạn tinh thần.
Để củng cố tinh thần sa sút của các ông, nhằm giúp các ông vượt qua thử
thách đau thương sắp đến và bền chí theo mình đến cùng, Chúa Giê-su bộc lộ cho
ba môn đệ thân tín thấy chân tướng của Ngài: Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha.
Sự kiện nầy được thánh sử Mat-thêu thuật lại
như sau:
“Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và
Gio-an …tới một ngọn núi cao. Rồi Ngài biến đổi hình
dạng trước mặt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài
trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a
hiện ra đàm đạo với Ngài.” … “Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và
có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!”
Vậy là nhờ biến cố hiển dung nầy, các môn đệ
không chỉ nhìn thấy Chúa Giê-su là người phàm mà còn thấy Ngài là Thiên Chúa.
Tương tự như Chúa Giê-su, bên ngoài chúng ta
mang thân xác phàm trần như bao nhiêu người khác, dung mạo bên ngoài của ta,
những thói hư tật xấu của ta như một lớp vỏ bọc dày che khuất dung mạo người
con Thiên Chúa nơi chúng ta. Trước mắt mọi người, chúng ta chỉ là người phàm
không hơn không kém. Ngay cả bản thân ta đôi khi cũng không nhận ra có gì cao
đẹp nơi mình. Tuy nhiên, tự bản chất chúng ta là những người con của Thiên
Chúa. Tiếc rằng bản chất người con Thiên Chúa chưa được biểu lộ nơi ta.
Sự kiện hiển dung của Chúa Giê-su hôm xưa nhắc
nhở mỗi người chúng ta nhớ rằng chúng ta không chỉ là thụ tạo thấp hèn, nhưng
còn là con Thiên Chúa nữa. Ước gì đến một lúc nào đó, phẩm chất người con Thiên
Chúa nơi chúng ta được hiển dung, để mọi người chung quanh có thể nhận ra những
nét đẹp toả sáng trong đời ta, như ba môn đệ xưa thấy Chúa Giê-su toả sáng.
Ý thức mình là con Thiên Chúa để vươn lên.
Một người thợ săn bắt gặp một ổ trứng phượng
hoàng trong khu rừng nguyên sinh. Anh đem ổ trứng ấy về nhà, trộn chung vào ổ
trứng của gà mẹ đang ấp. Mấy tuần sau, một chú phượng hoàng con xinh đẹp chào
đời và được gà mẹ dẫn đi ăn chung với đàn gà con bé nhỏ.
Phượng hoàng con lớn lên bên cạnh những con gà khác, luôn nghĩ rằng mình
cũng thuộc nòi giống gà như những con gà cùng lứa, cùng cào bới rác rến kiếm ăn
như những con gà khác.
Cho đến một ngày kia, phượng hoàng mẹ từ trên cao thình lình đáp xuống
khiến cả đàn gà hoảng hốt chạy tán loạn. Phượng hoàng mẹ tiến đến gần phượng
hoàng con, tìm cách dạy cho nó biết nó không phải là chú gà tầm thường, nhưng
thuộc giống nòi phượng hoàng oai phong lẫm liệt.
Thế là từ hôm đó, phượng hoàng con ngẩng cao
đầu, vươn cao cổ, bắt đầu xoè cánh tập bay và chẳng bao lâu, nó xoải rộng đôi
cánh, phóng mình vút lên, bay lượn giữa khung trời cao xanh lộng gió, trông
thật oai hùng.
Ban đầu, phượng hoàng con không ý thức mình là
phượng hoàng mà tưởng mình chỉ là gà, nên nó sinh hoạt như những con gà khác,
suốt ngày quanh quẩn trong sân gà vịt, moi móc rác rến kiếm ăn, nhưng một khi
nó phát hiện ra mình không phải là thứ gà tầm thường mà là thuộc nòi giống
phượng hoàng oai vệ, thì nó từ bỏ góc sân gà vịt, từ bỏ việc moi móc bới rác để
xoải cánh bay lượn trên khung trời cao rộng, thì chúng ta cũng cần phải phát
hiện ra mình là người con Thiên Chúa, không để mình bị vùi dập bởi những thói
hư tật xấu, không đắm mình trong lối sống ươn hèn, nhưng chuyên chăm tập rèn
những đức tính tốt, trau dồi cho mình những phẩm chất cao đẹp, để sống xứng tầm
với người con Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Khi Chúa tỏ cho các môn đệ thấy vinh quang
sáng ngời của Chúa trong tư cách Người Con Một Thiên Chúa lúc ở trên núi cao,
các môn đệ hết sức phấn khởi vui mừng và thêm vững tin vào Chúa.
Xin Chúa cho chúng con cố gắng tu thân sửa
mình để cho dung mạo người con Thiên Chúa nơi chúng con được toả sáng, bằng đời
sống bác ái huynh đệ, bằng hành vi phục vụ và yêu thương, nhờ đó, mọi người sẽ
nhận ra chúng con tốt đẹp hơn, cao cả hơn, thánh thiện hơn, xứng với tầm vóc
người con Thiên Chúa.
Lm.
Inhaxiô Trần Ngà
Rực rỡ Ánh Sáng công chính
Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy ghi chép những lời này,
vì dựa trên chính những lời này mà Ta đã lập giao ước với ngươi và với Israel.” Ông ở đó với Đức Chúa bốn
mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các
điều khoản của giao ước, tức là Mười Điều Răn.
Ông Môsê từ trên núi Sinai
xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi. Ông Mô sê
không biết rằng da mạt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. Khi ông
Aharon và toàn thể con cái Israel thấy ông
Môsê, thì này đây da mạt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông.
Ông Mô sê gọi họ. Ông Aharon và
các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và ông nói chuyện với họ. Sau đó,
toàn thể con cái Israel lại gần
ông, và ông truyền cho họ tất cả những ddieuf Đức Chúa đã phán với ông trên núi
Sinai.
Nói với họ xong, ông lấy khăn che mạt đi. Khi vào trước nhan Đức
Chúa để đàm đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc trở ra, ông trở ra và
nói lại với con cái Israel những mệnh
lệnh ông đã nhận được. Con cái Israel nhìn mặt
ông Môsê thấy da mạt ông sáng chói, ông Môsê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi
vào đàm đạo với Thiên Chúa (Xh 34, 27 – 34)
Ông Môsê sau khi gặp Thiên Chúa, đã biến hình
đổi dạng, qua khuôn mặt chói sáng. Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh Mathêu
trình bày Đức Giêsu biến hình sáng láng huy hoàng trên núi cao, trước mặt ba vị
tông đồ thân cận, ông Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Đức Giê su đã mặc khải cho ba môn đệ biết
Thiên tính của Người qua sự kiện biến hình trên núi. Người muốn trao ban ánh
sáng sự sống cho các tông đồ, môn đệ, con chiên và cho mọi người trần.
Ánh sáng sự sống
“Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” (Ga 1.
9). Đức Giêsu xuống trần đem ánh sáng sự sống đến cứu loài người thoát khỏi tăm
tối sự chết. Trong suốt cuộc rao giảng ba năm, Người không ngừng công khai
khẳng định quyết liệt điều đó, khiến cho các thế lực sự dữ không ngừng chống
báng, toan dập tắt đi ánh sáng cứu rỗi, ánh sáng sự sống cao quý siêu việt đó.
“Tôi là ánh sáng thế gian.
Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem
lại sự sống.” (Ga 8, 12)
Ánh sáng sự sống, ánh sáng công chính siêu
phàm của Đức Giêsu xua đuổi tà thần, tội lỗi, gian manh, dối trá, thói chuộng
hình thức, tệ nạn háo danh, háo của, bóc lột. Với ánh sáng sự sống, Đức Giêsu
kịch liệt lên án thói giả hình, qua lời ngôn sứ Isaia: “Dân này tôn kính Ta
bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc 7, 6)
Với ánh sáng sự thật, Đức Giêsu không ngại nêu đích danh, chỉ tận
mặt những bộ mặt đạo mạo lệch lạc, háo danh, tham lam, bất công, bất chính:
“Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo
thụng, thishc được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế
danh dự trong hội đường, thishc ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài
sản của bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ
bị kết án nghiêm khắc hơn.” (Mc 12, 38 – 40)
Ánh sáng chứng nhân
Sau khi đàm đạo với Thiên Chúa, da mặt ông
Môsê trở nên sáng chói, khiến dân chúng kinh hãi. Thiên Chúa đã cảm biến, thánh
hóa ông Môsê trở nên phát ngôn viên chánh thức, rao truyền Lề Luật. Sau này,
những môn đệ, tông đồ của Đức Giêsu, và tất cả Kitô hữu cũng đều được vinh hạnh
nhận nhiệm vụ ngôn sứ, một khi đã thấm nhuần Tin Mừng: “Chính
anh em là ánh sáng cho trần gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 14)
Từ chốn lao tù, thánh Phaolô đã giải thích
minh bạch về bóng tối thế gian và ánh sáng vĩnh cửu: “Xưa
anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh
em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương
thiện, công chính và chân thật.” (Ep 5, 8-9)
Với ánh sáng chứng nhân, Đức Giêsu muốn người
Kitô hữu phản ảnh, chiếu giãi ánh sáng công chính, hầu mọi người được ơn cứu
rỗi. Ánh sáng trung thực, rực rỡ, không thể mờ ảo, hay nhiễm sắc xanh đỏ tím
vàng, xu thời, mỵ dân.
“Anh em đừng mang một ách
với những kẻ không tin. Thật thế, làm sao sự công chính lại liên kết được với
sự bất chính? Làm sao ánh sáng lại dung hòa với bóng tối?” (2Cr 6, 14)
“Sự ly dị giữa cuộc sống đạo
ở nhà thờ và ngoài xã hội, là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta. (Đường Hy Vọng, số 622)
Lạy Chúa Giêsu, kính xin Người canh tân, cải
hóa, đổi mới, biến hình tâm hồn, tư tưởng, tình cảm chúng con trở nên trong sáng,
tẩy xóa đi những lỗi lầm đen đúa, lem nhem, tì ố, những thiếu sót bổn phận,
trách nhiệm, để có thể thành ánh sáng chứng nhân cho Người.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp đỡ, cầu bầu chúng
con biến cải, sám hối, ăn năn, hãm mình chay tịnh, chuyên tâm cầu nguyện, thực
hành Lời Chúa, hầu chúng con có thể sẵn sàng đón nhận ánh sáng cứu độ, cùng
phản chiếu lại tha nhân. Amen.
AM Trần Bình An
THƠ TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY - A
Hiển Dung
Chúa
Nhật 2MCA – (Mt 17, 1 – 9)
Tình yêu đòi hỏi, bước hy
sinh,
Sự sống thiêng liêng, vững
đức tin.
Hạnh phúc Tabor, bừng
thánh ý,
Khổ đau Núi Sọ, tỏa quang
vinh.
Con đường thập giá, đường
hy tế,
Chính lộ tình yêu, lộ thắm
tình.
Diện mạo Thần Linh, Ngài
tỏ hiện,
Hồn con biến đổi, quyết
trung trinh.
Hạt Nắng
Hồi Sinh
Chúa Nhật 2MCA – (Mt 17, 1 – 9)
Bụi trần gian che mờ, con lạc bước,
bã vinh hoa phủ lấp, lối tâm linh.
Say quyền uy, lạc thú, dạ thuận tình,
trong vòng xoáy, cuộc đời con hoen ố.
Dòng đời trôi gập ghềnh bao gian khó,
con ngại ngùng lên Núi Thánh Chúa ơi!
Thú đam mê cứ cuốn hút gọi mời,
chân nặng trĩu, tâm hồn con biến dạng.
Đỉnh Tabor ánh hào quang chiếu sáng,
mở mắt con nhận ra Chúa Tình Yêu.
Thân xác phàm, ẩn chứa nét huyền siêu,
Con Thiên Chúa gánh tội tình nhân thế.
Hồn tỉnh thức dẫu tình đời dâu bể,
quyết quay về bên lòng Chúa xót thương.
Suối tình thương gội sạch bụi dặm trường,
tòa cáo giải cho con nguồn sống mới.
Phận bụi tro, Chúa vẫn hằng mong đợi,
chờ con về ban sức mạnh thần linh.
Biến đổi con tìm lại được chính mình,
can đảm chiến đấu trước bao phen cám dỗ.
Có Chúa đồng hành giữa đêm đen giông tố,
hồn an bình theo lối bước Chúa đi.
Đường Can-vê phía trước chẳng ngại gì,
vui xuống núi, vào đời, ca bài nhân chứng.
Chúa gọi con, dẫu đời con bất xứng,
dung mạo Ngài đã biến đổi đời con.
Bâng Khuâng Chiều Tím
Hiến Dâng
Chúa Nhật
2MCA – (Mt 17, 1- 9)
Chút tàn
tro mong manh,
con về
bên nhan Chúa.
Như loài
hoa héo úa,
Chúa xót
thương chữa lành.
Đường đời con chơi vơi,
khi màn đêm buông vội
Thuyền đời con lạc lối,
giữa sóng dồn biển khơi.
Chúa là ánh sao, giữa đêm tối lao đao,
như đỉnh trời Tabor, năm nào Ngài tỏa sáng.
Chúa là ánh sáng, xua tan những đêm dài,
dẫn lối con về, tim rộn ràng lao xao.
Đường đời con hôm nay,
can
trường theo chân Chúa.
Đường
tình yêu rướm máu,
hiến
dâng tấm thân gầy.
Bụi tàn
tro long lanh,
tâm hồn
nay biến đổi.
Vào đời,
không lạc lối,
trung
tín, nguyện xứng danh.
M.
Madalena Hoa Ngâu
Huyền Nhiệm Đức Tin
Chúa Nhật II MCA– Mt (17, 1 – 9)
Thiên Chúa ẩn hình trong vạn vật,
nơi thâm sâu nhất của con người.
Âm thầm Ngài sống trong tôi,
trong mọi quan hệ trong lời yêu thương.
Tình yêu Chúa dẫn đường chỉ lối,
vinh quang Ngài chiếu rọi khắp nơi.
Nhận ra dung mạo Ngôi Lời,
tiềm tàng ẩn náu nơi người chung quanh.
Đỉnh Tabor trong xanh, rực rỡ,
thần tính Ngài biểu lộ quyền năng.
Uy nghi tựa cõi vĩnh hằng,
biến hình chói lọi ngỡ ngàng môn sinh.
Thân xác Ngài uy linh sáng chói,
yêu trần gian gánh tội nhân sinh.
Con đường dẫn tới hiển vinh,
khổ đau thập giá hành trình hiến thân.
Lòng sám hối bao lần trót dại,
xin giúp con tìm lại niềm tin.
Niềm tin gặp Đấng Phục Sinh,
nơi người cùng khổ bóng hình Giêsu.
AP. Mặc Trầm Cung
Đăng nhận xét