Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Hoà Giải (giải tội)
"Cử hành Bí Tích Hòa Giải có nghĩa là được ôm ấp trong
một vòng tay ấm áp: là vòng tay của lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha... mỗi
khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm chúng ta, Thiên Chúa cũng ăn mừng!"
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày
19 tháng 2 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường
Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC dạy về Bí Tích Hoà Giải
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Qua các Bí Tích khai tâm Kitô giáo, Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức
và Thánh Thể, con người nhận được đời sống mới trong Đức Kitô. Giờ đây, tất cả
chúng ta đều biết, chúng ta mang đời sống này "trong những bình bằng
sành" (2 Cor 4:7), chúng ta vẫn có thể bị khuất phục bởi cám dỗ, đau khổ,
và cái chết, vì tội lỗi, chúng ta thậm chí có thể bị mất đời sống mới của mình.
Vì lý do đó mà Chúa Giêsu đã muốn rằng Hội Thánh sẽ tiếp tục công việc cứu độ của
Người cho ngay cả những phần tử của mình, đặc biệt với Bí Tích Hòa giải và Bí
Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là hai Bí Tích có thể được kết hợp dưới danh hiệu các
"Bí Tích Chữa Lành." Bí Tích Hòa Giải là một Bí Tích Chữa Lành. Khi
tôi đi xưng tội là để được chữa lành, chữa lành linh hồn tôi, chữa lành trái
tim tôi và điều gì đó tôi đã làm khiến tôi không được khẻo mạnh. Hình ảnh Thánh
Kinh diễn tả hai Bí Tích này cách tốt nhất trong mối liên hệ sâu xa của chúng,
là tình tiết về sự tha thứ và chữa lành người bất toại, trong đó Chúa Giêsu tỏ
ra Người là thầy thuốc của cả linh hồn lẫn thể xác (x. Mc 2:1-12; Mt:,1-8, Lc
5:17-26).
1. Bí Tích Thống Hối và Hòa Giải phát sinh trực tiếp từ mầu
nhiệm Phục Sinh. Thực ra, cùng buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa đã hiện ra với
các môn đệ trong phòng tiệc ly (phòng trên lầu) được đóng kín cửa, và sau khi
chào các ông: "Bình an cho các con!" Người thổi hơi vào các ông và
nói, "Hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được
tha" (Ga 20:21-23). Đoạn này cho thấy động năng rất sâu xa hàm chứa trong
Bí Tích Hoà Giải. Trước hết, bởi vì ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta không phải
là một điều mà chúng ta có thể tự ban cho mình. Tôi không thể nói rằng: tôi tự
tha tội cho tôi. Ơn tha thứ phải được xin, phải xin người khác, và trong việc
xưng tội, chúng ta xin Chúa Giêsu tha thứ. Việc tha tội không phải là kết quả của
những cố gắng của chúng ta, nhưng là một hồng ân, một hồng ân của Chúa Thánh Thần,
Đấng đổ tràn đầy trên chúng ta ơn tẩy rửa của lòng thương xót và ân sủng, là những
điều không ngừng chảy ra từ trái tim rộng mở của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục
Sinh. Thứ đến, nó nhắc nhở chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta được hòa giải với
Chúa Cha trong Đức Chúa Giêsu Kitô và với anh chị em mình, thì chúng ta mới có
thể thực sự được bình an. Và tất cả chúng ta đã cảm thấy điều này trong tâm hồn
khi chúng ta đi xưng tội, với một gánh nặng đè trên tâm hồn, một chút buồn rầu;
nhưng khi chúng ta nhận được ơn tha thứ của Chúa Giêsu, chúng ta được bình an,
với một sự bình an của tâm hồn quá đẹp mà chỉ một mình Chúa Giêsu có thể ban,
chỉ một mình Người mà thôi.
2. Theo thời gian, việc cử hành Bí Tích này được chuyển từ một
hình thức công cộng - bởi vì lúc đầu là công khai - qua hình thức xưng tội cá
nhân và riêng tư. Tuy nhiên, điều này không được làm cho nó mất khuôn mẫu Hội
Thánh, là bối cảnh sống còn của nó. Thực ra, chính cộng đồng Kitô hữu là nơi có
sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới tâm hồn chúng ta trong tình yêu
của Thiên Chúa và làm cho tất cả anh chị em chúng ta nên một trong Đức Kitô
Giêsu. Đó là lý do tại sao chúng ta không chỉ xin ơn tha thứ của Chúa trong
trí khôn và tâm hồn của mình, nhưng cần phải thú nhận tội lỗi của mình cách tin
tưởng và khiêm tốn với một thừa tác viên của Hội Thánh. Trong việc cử hành Bí
Tích này, vị linh mục không chỉ đại diện cho Thiên Chúa, mà còn đại diện cho cả
cộng đồng, nhận ra mình trong sự yếu đuối của mỗi người trong các phần tử của cộng
đồng, cảm động lắng nghe lòng thống hối chân thành của người ấy, hòa giải với
người ấy, khuyến khích và đồng hành với người ấy trên cuộc hành trình hoán cải
và trưởng thành về con người và Kitô hữu. Một người có thể nói: "Tôi chỉ
xưng tội với Thiên Chúa." Vâng, anh chị em có thể thưa cùng Thiên Chúa,
"Xin Chúa tha thứ cho con" và xưng cùng Người các tội lỗi của mình,
nhưng tội lỗi của chúng ta cũng phạm đến anh chị em mình, cũng phạm đến Hội
Thánh. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải xin Hội Thánh và anh chị em tha
thứ, trong con người của linh mục. "Nhưng thưa cha, con xấu hổ...."
Ngay cả xấu hổ cũng là điều tốt, có một chút "xấu hổ" là điều lành mạnh,
vì xấu hổ là lành mạnh. Khi một người không biết xấu hổ, ở nước tôi, chúng tôi
gọi là một "người trơ trẽn." Nhưng xấu hổ là tốt, bởi vì nó làm cho
chúng ta khiêm tốn hơn, và linh mục đón nhận lời thú tội này với tình yêu và
lòng ân cần cùng nhân danh Thiên Chúa mà tha thứ. Ngay cả theo quan điểm con
người, việc "trút bầu tâm sự," tức là nói ra với anh em mình và với vị
linh mục những điều đang đè nặng tâm hồn mình là điều rất tốt. Và người ta cảm
thấy được cởi trói trước mặt Thiên Chúa, với Hội Thánh, với anh chị em mình. Đừng
sợ xưng tội! Khi một người xắp hàng chờ xưng tội, người ấy cảm thấy tất cả những
điều này, kể cả xấu hổ, nhưng sau đó khi xưng tội xong, người ấy ra đi tự do,
cao quý, đẹp đẽ, được tha thứ, trong trắng và hạnh phúc. Và đó là vẻ đẹp của
việc xưng tội! Tôi muốn hỏi anh chị em - nhưng đừng trà lời lớn tiếng, tất cả mọi
người trả lời trong lòng mình - lần cuối cùng anh chị em xưng tội là khi nào? Tất
cả mọi người hãy suy xét... Có thể hai ngày, hai tuần, hai năm, hai mươi năm, bốn
mươi năm? Mỗi người tự đếm, nhưng tất cả mọi người đều nói, lần cuối cùng tôi đã
đi xưng tội là khi nào? Và nếu đã lâu rồi, thì đừng chần chờ thêm một ngày nào
nữa, hãy đi xưng tội, vị linh mục sẽ tốt. Và Chính Chúa Giêsu ở đó, và Chúa
Giêsu là vị linh mục tốt hơn, Chúa Giêsu đón nhận anh chị em, đón nhận anh chị
em với rất nhiều tình yêu. Hãy can đảm lên và đi xưng tội!
3. Các bạn thân mến, cử hành Bí Tích Hòa Giải có nghĩa là được
ôm ấp trong một vòng tay ấm áp: là vòng tay của lòng thương xót vô cùng của
Chúa Cha. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn rất đẹp này về người con bỏ nhà ra đi với
số tiền thừa kế; anh ta đã phung phí tất cả số tiền ấy, và sau đó, khi không
còn gì nữa, anh ta quyết định trở về nhà, không phải như một người con, mà như
một đầy tớ. Trong lòng chất đầy tội lỗi và nhiều hổ thẹn. Điều ngạc nhiên là
khi anh bắt đầu lên tiếng để xin được tha thứ, thì người cha không để cho anh
nói, mà ôm chầm lấy anh, hôn anh, và cho dọn một bữa tiệc ăn mừng. Nhưng tôi
nói với anh chị em, mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm chúng ta,
Thiên Chúa cũng ăn mừng! Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này. Nguyên xin
Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!
Phao lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
http://giaoly.org/vn/
Đăng nhận xét