Sự ra đời và tan hợp của các thôn xóm xã Quỳnh Lộc | GIÁO XỨ LỘC THỦY
12 Thánh tông đồ Audio suy niệm Audio truyện Công giáo Âm nhạc Bài Giảng mp3 Bạn có biết bạn trẻ xa nhà Bảo vệ sự sống Blog tips Ca kịch công giáo Các bài giáo lý của ĐTC Phanxicô Các hội đoàn Các mục chính Các Thánh Các thánh địa Công giáo Các thánh khác Các Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ Các vấn nạn xã hội Cắm hoa nghệ thuật Câu chuyện Giáng Sinh Châm ngôn công giáo Chiêm ngắm Chúa Chuyện phiếm đạo đời Chuyện về Giáo Lý và Giáo Dục Công Giáo đó đây Cửu Nhật Kinh Nguyện Danh Danh bạ website các giáo xứ - giáo họ việt nam Danh bạ website công giáo Di sản thế giới Du Lịch Đẹp + Để sống đạo hôm nay Đôi nét về Giáo xứ Đời sống cầu nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Đức Mẹ Lama Đức Thánh Cha phanxico Đức Tin và Khoa Học Đường Hy Vọng Gia đình Giải đáp thắc mắc cuộc đời Giao hat Vang Mai Giáo hạt Vàng Mai Giáo Hội Đông Phương Giáo lý - dân ca Giáo lý - kinh thánh Giáo sử Giáo xứ Media góc học tập Góc khám phá Góc nghệ thuật Góc thư giãn Góp nhặt Hạt Giống Lời Chúa Hình ảnh cổ xưa Hình ảnh Giáo xứ Lộc Thủy học tiếng anh Hướng dẫn sử dụng webblog Kết nối websites Kiến thức phổ thông Kính Đức Mẹ Kinh thánh tiếng anh Lẽ sống Lịch sử các Dòng tu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam Lịch sử hình thành Giáo xứ Lộc Thủy Lòng Thương xót Chúa Lộc Thủy Lời Chúa qua bài hát Lời chúa theo chủ đề Mùa Vọng - Advent Năm thánh Lòng Thương Xót Nghe và suy gẫm Nghệ thuật Công Giáo Nghệ thuật sống Ơn gọi-tận hiến Phim công giáo Quỳnh lưu Radio Công Giáo Sách Công giáo sách tháng đức bà Sắc màu cuộc sống Sổ tay sinh hoạt suy gẫm Suy gẫm và Cầu nguyện Suy niệm Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mùa Phục Sinh Suy niệm Lời Chúa mùa TN A Suy niệm Lời Chúa năm A Suy niệm mùa chay Sức khỏe - ẩm thực Tài liệu Công Giáo tổng hợp Tài liệu dạy Giáo Lý Tài liệu Tuần Thánh Thánh ca Thánh ca cầu nguyện Thánh Ca Hoàng Diệp Thánh Mẫu học Thánh Mẫu La vang Thế giới Công Giáo Thơ - Truyện Công Giáo Thơ Công Giáo Thơ và cuộc sống Thủ thuật blog Thủ thuật facebook Thủ thuật google + Thư Viện Công Giáo Tiếng anh qua Lời Chúa Tiêu điểm Tìm hiểu phụng vụ Tin Công Giáo Tin Giáo xứ Tin tức Giáo xứ Lộc Thủy Tin Việt Nam và Thế Giới Tổ chức kỳ thi Giáo lý Tông huấn Giáo hội Công giáo Trang Trí Giáng Sinh Trắc nghiệm Giáo lý Trắc nghiệm Kinh Thánh Trắc nghiệm năm đức tin Truyện Công Giáo Truyện về Mẹ Tư liệu Giáo hội Công giáo việt nam Tư liệu Giáo phận Vinh Tư liệu Giáo xứ Lộc Thủy Từ vựng công giáo Anh-việt Tv Công giáo TVs và Radios khắp nơi Vấn đáp đức tin công giáo Videos Đặc Sắc Vietnamese English Prayers Vinh Quang Đức Maria Website Công Giáo bổ ích

Sự ra đời và tan hợp của các thôn xóm xã Quỳnh Lộc

Sự ra đời và tan hợp của các thôn xóm xã Quỳnh Lộc


1. Vị trí , duyên cách và dân số.

Xã Quỳnh lộc có diện tích 1500 ha: cách đường QL 1A 2 km về phía Đông và cách cửa lạch Cờn 2 km về phía Bắc. Xã Quỳnh lộc là địa đầu phía Bắc huyện Quỳnh Lưu, nơi tiếp giáp giữa hai tĩnh: Nghệ Tĩnh- Thanh Hóa. Phía Bắc giáp xã Trường lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh hóa), phía Nam giáp hai xã: Quỳnh Phương, Quỳnh Dỵ. Phía Đông giáp xã Quỳnh lập. Phía Tây giáp hai xã: Quỳnh Thiện, Quỳnh Vinh. Sau lưng dựa vào dãy Rú Xước: kéo dài từ Truông Hổ (Tĩnh Gia,Thanh Hóa) đến Rú Đồ (xã Quỳnh Lập), trước mặt là dãy lèn đá vôi nhấp nhô liên tục từ Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đến tận đê Nông Đoàn (Hoàng Mai); dưới chân về phía Đông dãy lèn là kênh Khe Son - một đoạn của kênh Nhà Lê (1) tiếp nối từ Tĩnh Gia đến giáp đê Nông Đoàn hết lèn thì ngược về phía Đông để các xóm Đồng quanh, Dỵ Lệ, chợ Trẹ, Tân An soi mình rồi gặp sông Hoàng Mai ở hạ lưu nơi giáp ranh ba xã: Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, cách cửa Trắp (cửa Càn) 2 km .

Danh xưng Quỳnh lộc có từ năm 1953 khi Đảng cộng sản phát động giảm tô chia xã Hữu-Lộc thành hai xã: Quỳnh-Lộc, Quỳnh-Lập (thời phong kiến, ba xã: Quỳnh-Lộc, Quỳnh-Lập, Quỳnh-Phương là một xã với tên gọi “Hương- Cần”, sau cách mạng tháng Tám đổi tên lã “Duy-tân” rồi đổi tiếp tên thành “Hữu-lộc”); Xã Quỳnh-Lộc gồm: làng Hải-Lệ, xóm Tân-An, xóm Đồng-Quanh (Dỵ Nậu), xóm Dỵ-Lệ, làng Đông-Lý và làng Vĩnh-Lộc.

Ngược dòng lịch sử về trước: bên cạnh làng Hải Lệ (kẻ Sòi và kẻ Trẹ) còn có làng Hải-Đà (tức Hói Già), cạnh làng Đông Lý có làng Đông Liên (làng Sen), bên cạnh làng Vĩnh Lộc (làng Dọc) có làng Vĩnh Lại. Tai bay vạ gió đã làm cho những làng này (Hải Đà, Đông Liên, Vĩnh Lại) phiêu tán từ lâu: một số người ở các làng này lánh nạn sang các làng: Hải Lệ, Đông Lý, Vĩnh Lộc; đất đai các làng đó cũng được sát nhập theo. Về sau làng Đông Lý và làng Vĩnh Lộc cũng phiêu tán dần. Dân hai làng này cho rằng “Đất đuổi người” nên họ chuyển cư dần đi nơi khác, cho đến khi hợp xã năm 1946, hai làng này chỉ còn lại một số ít người; ông Lê Ngươn phản ánh lại bằng mấy câu sau:

Nhân danh Đông Lý làng ta
Ông Phùng, ông Thái xin ba môi hoành
Mục Sừu, ông Trịnh, ông Thoanh
Cả làng Đông Lý nhân danh mấy người
Nỗi chìm trong cuộc sống đã gắn bó các thôn xóm hẻo lánh lại với nhau. Trước những đe dọa từ mọi phía, tuy có người phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi, nhưng nói chung họ đã dựa vào nhau bám trụ trên mảnh đất thiêng liêng của cha ông để lại. Họ đã chiến thắng thú giữ, bạo lực, cường quyền, phong ba bảo táp để tồn tại đến ngày nay.
--------------------------------------------------
(1):Tục truyền: Kênh Son, kênh Sắt trên sông đào Thanh – Nghệ có từ thời Cao Biền (năm 865) cai trị nước ta: Lịch sử VN quyển thượng của Đào duy Anh, tr 78-79

Từ ngày có Đảng, nhân dân Quỳnh Lộc sát cánh cùng nhân dân trong huyện trong tỉnh, cùng đồng bào cả nước làm nên những thắng lợi vẻ vang trên các mặt trận chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm do Hồ Chủ tịch phát động nhất là trong quá trình bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Dân số Quỳnh Lộc có 6549 người: trong đó lương có 6134 người, giáo có 415 người (Theo điều tra dân số tháng 4 năm 1989).

Toàn xã có 18 đội sản xuất, chia thành hai hợp tác xã: Từ đội 1 giáp Quỳnh Lập đến đội 8 ở khe Chùa là HTX Sơn Hải, còn từ Hồng Long ra Mà Đa sát đất Thanh Hóa là HTX Trung Hải; trải dài 12 km. Mật độ dân số 437 người/km2. Diện tích canh tác bình quân là 1 sào/người.

xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai


2. Sự ra đời và tan hợp của các thôn xóm.

Dân cư xã Quỳnh Lộc, bộ phận có mặt sớm nhất là dân Kẻ Sòi(1). Cái nôi của Kẻ Sòi là dải sườn đồi phía Nam Rú Sòi. Rú Sòi là hòn “rú sót” nổi lên giữa dải đất bằng phẳng: phía trước là vùng biển cũ đang trong quá trình bồi tụ, sát bờ biển là sông ngòi, đầm lầy và các bãi cây sú vẹt, phía sau và tả hữu là đồi núi hoang sơ. Thấy đây là thắng cảnh có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt (tôm cá và muông thú) nên người cổ sơ đã chọn làm nơi cư trú. Tên Kẻ Sòi ra đời từ đó.

Câu chuyện thần thoại kể rằng: Ngày xưa có ông Đùng gánh một đầu dãy rú Xước, một đầu dãy lèn đá vôi từ miền rừng xuống biển để khai phá thêm đất đai, mở mang thêm đồng ruộng. Khi ông đi đến đây bị gãy đòn gánh nên đành để lại hai dãy núi ở đây. Còn những núi nhỏ như: núi Sòi, núi Vẹ, lèn Tù và, lèn Dỵ, lèn úc, lèn Đá Đứng (cây Rơm) là những mảnh vỡ tách ra từ hai dãy núi này. Các cụ già cao tuổi thường hay lấy chuyện thần thoại trên kể giải thích cội nguồn của quê hương với các cháu. Các cụ còn nói núi Sòi là một nàng tiên đang ngủ, nàng nằm nghiêng một cách thoải mái, dáng mạo hiền hòa: đầu trở ra phía biển, chân phía lèn Tù Và (tục gọi Hùm Đen) chân co lại là gò ông Hai (ví như hạt châu) hướng lèn Thung Vít (ví như con Sư tử). Tương truyền sư tử và hùm đen đang chờ thời cơ để giành hạt châu.

Mùa Đông năm Canh Thìn (1760) cụ Hải Thượng Lãn Ông trên đường ra Kinh qua đây dừng lại ở lèn Bổ Bóng (lèn Bài Thơ; cách núi Sòi 300m)(2) ghi vào vách đá bài thơ. Tiếc rằng thời gian, con người, bom đạn chiến tranh làm xây xát nay chữ còn chữ mất: (những chỗ “. . . . . .” là mất chữ)
Cốc điêu . . . . . . . . . . . . . . . . . . . vân thanh
. . . . . . . . . .nọc huyền nhai . . . . . . . . . . . . . . .
Thùy . . . . . . . . . . . thạch kính sinh
Canh Thìn niên Quí Đông Hải Thượng Lãn Ông đề(3).
---------------------------------
(1): Đó là những xóm làng định cư ít ra ngoài giai đoạn thời cuối Hùng Vương, dựa trên cơ sở “công xã nông thôn”. Những “công xã” này sau gọi là làng, xã. Nhưng trước đây còn có tên gọi cổ hơn: Kẻ, Chạ, Chiềng. Tiếng Kẻ thường đi với tên nôm của làng như: kẻ Bảng (Đình Bảng) kẻ Sặt, Kẻ Mơ ... (Lịch sử V N, Tập 1. NXB ĐH và THCN, tr 89)

(2): Khi vua Lê Hoàn cho nạo vét kênh Son qua đây thấy cảnh đẹp có tức cảnh bài thơ khắc vào vách đá núi nơi đây. Nên đân ta gọi là Lèn Bài Thơ.
(3): Ông Lê Hữu Trác sinh năm 1720. Ông đi qua đây tháng 12 năm 1760, tức khi ông 40 tuổi.

Dựa vào bút tích anh Trần Phúc Danh có mấy vần thơ:

Bổ bóng nơi đây gặp Lãn Ông
Mấy dòng lưu niệm ở bên sông
Qua đây có phải khi ra Bắc
Chữa bệnh người nhà chúa Trịnh không
Năm cụ qua đây tuổi tứ tuần
Cuối Đông trời đất sắp sang Xuân
Cỏ hoa khoe sắc chào tân khách
Thầy thuốc thần kỳ cứu giúp dân
Mang tiếng “già lười” cụ cứu dân
Không cần quan chức để vinh thân
Ngọc lành mài dũa càng trong sáng
Chói lọi ngàn thu đẹp tuyệt trần.
Từ khu vực dân cư nhìn ra cửa biển Cần Hải: mặt biển mênh mông, sóng dồi lớp lớp cuộn vào chân núi Đồ (Quỳnh Lập) làm ta lại nhớ đến hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông mô tả cảnh này trong chuyến Nam chinh của ông(1):
Nhất thủy bạch toàn thiên vạn hiểm
Quần sơn thúy bác thạch bình nguy

Dịch nghĩa:
Mênh mông trắng xóa biển trời
Bình phong đá chắn xanh ngời núi non

Biển góp phần làm tăng vẻ đẹp cho quê hương. Bầu không khí trong lành từ biển thổi vào vô tận. Con sông Trẹ hàng ngày đón nước thủy triều từ biển rồi dâng tràn các nhánh kênh, rạch, ao, đầm cung cấp cho dân làng nguồn cá tôm nhiều vô kể.
Dãy lèn đá vôi như một hàng rào ngăn chặn những uy hiếp có thể xảy ra từ phía trước; đó cũng là nguồn nguyên liêu dồi dào cho việc xây dựng các công trình. Dãy núi Xước là bức bình phong che chở phong ba bão táp từ biển cả thổi vào... Quanh các chân sườn đồi là đồng ruộng, thung lũng tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi và săn bắt. Người ta nói “Nhất cận thủy, nhị cận sơn”; ở đây đủ cả hai yếu tố.

Lúc đầu người kẻ Sòi chưa đông lắm, chỉ khoảng 15- 20 hộ, phần nhiều là những người thân thuộc cùng huyết thống, ở tập trung quây quần với nhau thành một xóm. Nhà cửa lều tranh vách đất theo hướng nồm, mặt trở ra biển, lưng tựa vào sườn núi. Đồng vườn Sòi ngày nay là khu đất ở của người xưa. Từ giữa làng hai con đường tỏa ra hai hướng: Con đường theo hướng chính diện đi ra khỏi làng lại phân ra hai ngã: Một ngã qua trước đền Thượng về ao Dưa, Hói chợ rồi ra bờ biển. Một ngã đi xuống đền Hạ, từ đây chia hai nhánh: một nhánh về xóm Mới, một nhánh đi thung Bông, thung Vít. Con đường hướng trái làng đi về giếng Sòi, chại Sòi... từ đó lại chia nhiều đường nhánh nhỏ đi đến các cánh đồng, thung lủng, gò đồi... gọi là đường “chuột chạy”.
--------------------------------
(1): Sách “Đại nam nhất thống chí”, quyển 14,15. tr 89.

Nghè Lầm ông: Trên đỉnh núi Sòi, phía sau làng có nghè Lầm Ông; gọi là Nghè nhưng chỉ là một thảo am nhỏ đơn sơ rộng khoảng 2 m2. Thảo am này có từ xa xưa nhưng đến đời nhà Nguyễn mới được lợp bằng ngói. Các cụ kể lại rằng: “Vị thần được thờ ở nghè này là người có công khai sinh ra Kẻ Sòi. Khi ông mất, để tỏ lòng biết ơn và tôn kính dân làng lập Nghè thờ và tôn làm Thành Hoàng. So với đền Thượng, đền Hạ, nghè Thái Giám thì Nghè Lầm Ông ở vào vị trí độc tôn hơn cả. Do tập quán húy kỵ và hạn chế về trình độ văn hóa nên người xưa không ghi chép đầy đủ công lao của vị Thành Hoàng này, thậm chí họ tên ông cũng mai một với thời gian. Đến nay dân làng chỉ biết gọi bằng từ “Ông” một cách cung kính.

Đền Hạ: Phía Nam chân núi Sòi, bên hữu làng là Đền Hạ. Ngôi đền này được xây dựng khá sớm. Đây là ngôi đền duy nhất trong làng xây dựng mặt về hướng Nam (các đền, miếu trong vùng đều quay mặt ra biển). Đền Hạ không lớn lắm; hậu lâu đủ đặt ba bàn thờ (một bàn ở giữa hai bàn hai bên tả, hữu), bái đường lớn hơn hậu lâu, ở giữa đặt một hương án, phần còn lại dùng làm nơi tế lễ. Mái đền khi trước lợp tranh, xung quanh thưng bằng ván gỗ. Đến triều Nguyễn mái được lợp tranh, tường xây bằng vôi. Xung quanh đền cây cối um tùm, có nhiều cây to lam cho đền càng thêm vẻ linh thiêng. Vị thần được thờ ở đây là Lý Nhật Quang, con trai thư tám của vua Lý Thái Tổ. Ông là người có công khai hoang, lấn biển trong thời gian vâng lệnh vua cha trị nhậm Châu Diễn. Nên người dân Kẻ Sòi lập đền thờ và tôn ông là Phúc Thần.

Sát trước sân đền là con đường: Rẽ phải là đi thung Bông, thung Vít. Rẽ trái là về xóm Mới, sông Trẹ. Con đường này cũng là bờ đập ngăn cách giữa Đập Làng và Đồng Ao Dưa to.

Sát con đường trước đền là cánh đông bằng phẳng liền kề sông Trẹ gọi là Đập Làng rộng 15 mẫu quanh năm ngập nước. Đây vùng đất ngày xưa là ven biển, được bồi đắp trong quá trình biển lùi, thỉnh thoảng nước mặn tràn vào. Nhìn qua đập là dãy lèn Bảng (còn gọi lèn Bàng). Dãy lèn này gồm có ba hòn nối liền nhau như cái bảng trước cửa đền Hạ. Khoảng giữa lèn có ba hòn đá nhọn chỉa lên trời tựa như ba ngòi bút lông. Tương truyền trong ba ngọn ấy có ngọn ứng về làng Quỳnh Đôi, một ngọn ứng chỉ về làng Thiện Kỵ (Quỳnh Thiện) còn một ngọn ứng chỉ về làng Sòi (Hải-Lệ). Các cụ cao tuổi kể lại rằng: “Ngày xưa làng Sòi có nhiều người học khá giả, về sau có sự tranh chấp quyền hành, ngôi thứ giữa làng văn với làng võ nên có người đập g•y ngòi bút ứng chỉ về làng Sòi. Từ đó việc học hành trong làng sa sút. Phía phải lèn Bàng là lèn Thần Đồng sự tích thế nào hiện nay không còn người nào biết”.

Đền thượng: Đền Thượng là ngôi đền lớn nhất, vượt xa các đền miếu trong làng: cả về quy mô, hình thức và trình độ kiến trúc. Đền gồm có hai tòa làm theo kiểu chữ nhị. Mặt hướng về đền cờn, lưng tựa vào sườn núi Sòi. Đây là “nơi sơn thủy hữu tình”, vừa là trung tâm của quần thể kiến trúc đền miếu trong làng. Nền được đắp cao 0,8m, chiều dài 20m, chiều rộng 15m (kể cả hậu cung và đại đền). Hậu cung có chiều dọc 14,2m, chia làm ba gian: gian giữa rộng 5,4m hai gian bên mỗi gian rộng 4,4m. Toàn bộ hậu cung có bốn hàng cột gồm 14 chiếc: cột cái chu vi 0,6m, cao 3,5m, cột con chu vi 0,6m, cao 2,5m. Đại đền có chiều dọc 17,5m cũng chia ba gian: gian giữa rộng 6,5m, hai gian bên mỗi gian 5,5m. Toàn bộ đại đền có bốn hàng cột, gồm mười bốn chiếc: cột cái chu vi 1 m, cao 4,5m, cột con chu vi 0,8m, cao 3,5m. Tất cả cột, xà ngang, xà dọc, oai bẫy đều làm bằng gỗ Lim.

Đại đền cũng như hậu cung đều kiến trúc theo kiểu “tứ trụ làng thuyền”. Mỗi tòa bốn mắi, lợp bằng ngói mũi hài. Trên nóc đại đền đắp Lưỡng Long chầu nguyệt, hai đầu hai con nghê, các mái có đao cong vút lên và đều đắp một con phượng đầu hướng vào trung tâm. Hai tường đốc của đại đền đều có đầu rồng nỗi màu sắc sặc sở uy nghi. Tất cả hình các con vật đều được dát bằng những mảnh sứ Tàu nhiều màu sắc.

Đồ thờ trong đền được làm bằng gỗ vàng tâm, chạm trỗ tinh vi và sơn son thiếp vàng: có loại theo công thức “tứ linh: Long-Ly-Quy-Phượng”, có loại theo công thức “bát vật: tứ linh thêm: Ngư – Phúc - Hạc - Hổ”.

Trước đại đền, bên tả có ngôi nhà nhỏ năm gian gọi là nhà Kiệu: mái lợp bằng ngói, tường xây bằng vôi, bên trong chứa một cái nhà hộp bằng gỗ Lim chắc chắn để bảo quản: Kiệu, Tàn, Lọng, Cờ, Quạt và các đồ Tế nhuyễn quý giá. Hàng năm, đến ngày Lễ kỳ phúc hoặc các ngày Đại lễ những thứ này mới được đưa ra trưng bày trước sân đền hoặc rước xuống đình làng cách đền hơn một cây số.

Cổng đền rộng 6 m, hai bên có cột nanh vuông: cao 3,5 m, cạnh 0,8 m. Trên đỉnh mỗi cột nanh đắp nỗi một con Nghê. Mỗi mặt cột nanh đều có một con rồng uốn lượn, mình rồng dát mảnh sứ Tàu. Từ hai cột nanh xây hai bức tường cánh gà phải, trái; mỗi bên 6 m, cao 2 m.

Chung quanh đền rất nhiều cây cổ thụ như gác, muổm (xoài) to cao trên chục mét che phủ cả mái đền làm cho cả ngày hiên quanh đền không có ánh nắng chiếu vào làm tăng thêm vẻ linh thiêng cổ kính. (đến những năm 60 xã cho chặt cây xẻ ván đóng bàn ghế cho trường cấp một).

Các cụ cao tuổi kể lại rằng: Đền thượng khi mới dựng phần gỗ bằng Lim được chặt ngay tại chỗ (và gỗ Lim làm đền Càn cũng được khai thác từ Rú Sòi Hải Lệ) nhưng mái lợp bằng tranh. Đền được trùng tu nhiều lần. Đến đời Lê Cảnh Hưng thứ 30 (năm 1770) được lợp bằng ngói. Năm 1940-1941 đền được tu tạo lần nữa; lần này đồ gỗ được thay bằng gỗ Lim mới, nhưng quy mô, hình thức vẫn được giữ nguyên như cũ; bộ phận được giữ nguyên như cũ là bốn cột bằng đá tiết diện vuông ở bốn góc đại điện.

Vị thần được thờ ở đền Thượng là vị thần thờ ở đền Càn; đó là mẹ con bà Tống phi. Theo truyền thuyết: Đời Trần Nhân Tông (1281) dân chài các làng Phú Đa, Phú Lương (các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng ngày nay) và các làng Hương Cần, Hữu Lập, Hải Lệ (Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc ngày nay) thấy cây gỗ trôi qua trôi lại ven bờ biển vùng này. Có người thấy gỗ nỗi bồng bềnh trên mặt nước nên trèo lên phóng uế về nhà bị đau ốm, họ cho là gỗ thần nên dùng lễ vật cầu cúng thì khỏi bệnh, dân chài cầu cúng xin “gỗ thần” phù hộ cũng bắt được nhiều cá. Từ đó người dân Phú Đa đưa “gỗ thần” về lập đền thờ. Biết được tin như vậy, dân các làng Hương Cần, Hữu Lập, Hải Lệ đêm đến lẻn sang đưa “gỗ thần” về mình. Việc tranh chấp “gỗ thần” dẫn đến xô xát kịch liệt, hai bên phải kiện lên triều đình. Đích thân vua Trần Nhân Tông về xử vụ kiện này, diễn biến phức tạp, cuối cùng vua cho đặt mỗi bên một vò hương: bên nào linh ứng (hương cháy) thì đựơc nhận gỗ, cuối cùng vò hương của Hương Cần cháy; Hương Cần thắng cuộc được rước “gõ thần” về lập đền thờ tại cồn Diệc (một trong những địa điểm “gỗ thần” trôi qua). Mỗi khi tế thấn: người Hương Cần cử làm chủ tế, người Hữu Lập và Hữu Lộc lầm bồi tế. Lệ này được giữ m•i đến cách mạng tháng 8 mới bỏ. Tuy đ• có lễ vật cúng mỗi kỳ tế ở đền Càn, nhưng dân hai làng Hữu Lập, Hải Lệ vẫn lập đền thờ bà Tống phi riêng tại làng mình làm phúc thần.

Nghè thái giám: Nghè Thái giám ở phía Đông núi Sòi, là một trong những nghè rất cổ. Tiếc rằng thần phả, câu đối và các di tích của nghè đều mất hết. Hiện nay chưa ai biết được nghè xây dựng từ đời nào. Vị thần được thờ ở đây ngoài danh hiệu “Thái giám đại vương” không ai biết được gi thêm nữa.

Đền thờ Khổng tử: Đền thờ Khổng tử ở phía trái đền thượng; ngôi đền này gồm hai tòa, làm theo kiểu chữ nhị ), là ngôi đền lớn thứ hai trong làng; không chạm trổ cầu kỳ như đền Thượng, đền này do hội văn lập vào thời Lê- Nguyễn, là thời kỳ Hán văn thịnh hành trong làng.

Chùa Nổ: Chùa Nổ ở cách núi Sòi khoảng 200 m vè phía Đông - Bắc. Xung quanh cây cối um tùm, trước chùa có hai cây bứa cổ thụ to cao. Chùa lợp ngói, tường xây bằng vôi. Chùa vừa đủ đặt ba bàn thờ nhỏ: bàn thờ giữa đặt pho tượng Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen thếp vàng óng ánh. Bàn thờ bên tả là tượng một ông quan văn đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo gấm đỏ thêu: một tay cầm quyển sách, một tay cầm cái bút, nét mặt nghiêm nghị như đang ghi chép điều gì quan trọng. Bàn thờ bên hữu là tượng người phụ nữ nét mặt trầm tư mặc tưởng: một tay cầm bông sen, một tay để trên đầu gối. Sát cửa chùa có một bàn thờ lộ thiên hai bậc xây bằng vôi để thờ cô hồn. Tương truyền chùa được xây từ thời Lý, đ• qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa; lúc đầu lợp tranh về sau mới lợp ngói.

Nghè Vẽ: Nghè Vẽ ở dưới chân núi Vẽ (một bộ phận của núi Cháy), cách núi Sòi khoảng 300 m về phía Đông. Nghè bị phá không còn dấu tích; thần phả, sắc phong, câu đối đều mất hết. Các cụ cao tuổi cho biết: Vị thần thờ ở nghè này là “Lê triều trung vệ đại tướng công”. Năm Bính Ngọ (1786) ông chặn đánh quân Tây Sơn ở đây, sau vì thế yếu ông phải rút quân vào rừng. Quân Tây Sơn dùng binh hỏa vây quét. Khu rừng trú quân của ông và làng Hải Lệ bị cháy, ông bị giết chết. Nhân dân địa phương cho ông là bậc trung dũng đương thời nên lập nghè thờ ông; gọi là Nghè Vẹ. Vùng núi đồi bị cháy gọi là: “rú cháy”, “chại cháy”.(1)

Giếng Sòi: Giếng Sòi ở chân phía Đông Nuí Sòi. Mặt giếng đào gần hình vuông: cạnh 1,8m x 1,4m, sâu 6 m. Xung quanh thành: ở dưới ốp bằng những phiến gỗ Lội rất chắc, thành trên miệng giếng là bốn phiến đá hình chữ nhật có chiều dài tương ứng với các cạnh giếng, chiều cao là 0,6m và dày 0,15m, cách về phía Tây 10m là cây đa cổ thụ cành lá xum xuê.

(1): Gia phả họ Đào ghi: “Bính Ngọ niên tạo ngộ Tây Sơn binh hỏa, Thất sự tích, thất truyền”= Năm Bính ngọ (1785) nhân dân gặp nạn binh hỏa của quân Tây sơn, nêngia phả bị mất , sự tích Tổ tiên bị thất truyền.

Gia phả họ Hoàng ghi: “Tiên công, trung thứ công thí di sự Hữu Lệ(kim Hải Lệ) phụ truyên tử kế lịch dị hữu niên, hậu ngụy Tây chi loạn tự phổ thất truyền”=Ông tiên công, ông trung thư trước di cư đến làng Hải lệ(nay là Hải lệ) cha tuyền con nối đã lâu đời, sau bị loạn ngụy Tây (chỉ quân Tây Sơn) gia phả bị thất truyền.

Qua bút tích của hai họ (Đào, Hoàng) là chứng tích quân Tây Sơn khi kéo quân ra Bắc đã dùng binh hỏa để truy quét lực lượng chống đối ở vùng này./.

Mùa hè người đi làm về ngồi nghỉ dưới gốc cây đa uống nước. Nước giếng Sòi vừa trong vừa mát, trưa nắng mệt nhọc uông nước giếng vào mát rượi, thấy khỏe cả người. Nước giếng không bao giờ cạn.

Tục truyền giếng Sòi có quả cam vàng và những hạt lúa, hạt ngô, hạt đỗ; hàng năm vào sáng sớm mồng một tết cam vàng sẽ nỗi lên. Bà con thường hay tranh thủ đi gáng nước thật sớm hy vọng vớt quả cam vàng. Nhưng thần giếng chưa thấy ai đủ phúc đức đáng được hưởng bắu vật này.

Kẻ Trẹ là bộ phận dân cư có mặt sớm của xã Quỳnh Lộc. Khác với Kẻ Sòi, bộ phận dân cư này đến đây từ nhiều hướng, nhiều nơi và nhiều thời kỳ lịch sử khá nhau: có người là tàn quân của tướng Bùi Văn Thốn (tức Bùi Mạnh Bá Đại tướng quân) khi ông chỉ huy cánh quân từ Trắp-Trẹ vào đến Cửa Hội để ngăn chặn quân Triệu Đà truy kích Thục An Dương Vương năm Giáp Thìn (208 trước công nguyên)(1), lại có những người đến đây vào khoảng năm 865 khi Cao Biền tiến hành đào kênh Son, kênh Sắt nhằm phục vụ cho nhu cầu cai trị của chúng, có những người đến những năm 980 – 988, khi ông Ngô Tử án tiến hành nạo vét kênh Son theo lệnh vua Lê Hoàn. Dân Kẻ Trẹ còn được bổ sung nhiều lần với những lý do khác nhau.

Dải đất ven bờ biển (vùng Tân Hải bây giờ) là nơi được những bộ phận dân cư này chọn làm địa bàn cư trú. Dân bản địa (Kẻ Sòi) gọi họ là “Kẻ Trẹ”, thế là trở thành địa danh; một số địa danh trong khu vực này như: Truông Trẹ, Đồng vườn Trẹ, sông Trẹ, chợ Trẹ, nghè Trẹ. Kẻ Trẹ được hình thành như một đơn vị dân cư độc lập với Kẻ Sòi. Do nhiều nhóm dân cư phiêu tán từ các nơi đến cùng nhau cư tụ trên bờ biển nên có người gọi là: “dân tứ chiếng thủy cư”(2).

Nghè Trẹ: Nghè Trẹ là nơi thờ thành hoàng của Kẻ Trẹ. Vị thành hoàng được thờ ở đây không còn ai biết tên tuổi và thân thế sự nghiệp, các cụ xưa chỉ còn nhớ được là “Giám quốc Đại vương trước phong vi đoan tức dực bảo trung hưng Trung đẳng thần”. Nghè làm trên gò đất cao, trước khu vực dân cư khoảng 100 m về phía Đông-Bắc, lưng trở về núi Vẹ, mặt hướng Nam, quanh nghè rât nhiều cây thị cổ thụ to cao:có thân cây hai, ba người ôm mới kín vòng. Trước kia nghè là một thảo am vào cỡ trung bình trong làng. Đến triều Nguyễn nghè được tôn tạo thêm và lợp bằng ngói, tường xây bằng vôi. Trong nghè chỉ đặt một bàn thờ và một hương án. Những ngày lễ lớn dân làng phải đặt thêm bàn thờ ở ngoài sân nghè. Khi hợp nhất với Kẻ Sòi thành làng Hữu Lệ(3) và thờ chung vị phúc thần ở đền Thượng, kẻ Trẹ vẫn duy trì việc tế lễ ở nghè này. Nhiều người ở xóm Vườn (Tân An) thuộc làng Hữu Lập thường đến cúng tế ở đây đẻ cầu thần phù hộ. Giếng nước của Kẻ Trẹ là Giếng Bạc, nước trong mát không kém gì nước giếng Sòi, nhưng giếng bị cạn vì tắc mạch sau khi dân làng tát hết nước lau rửa làm vệ sinh cho giếng. Từ đó dân kẻ Trẹ phải sang gáng nước ở Giếng Sòi về dùng.(1): Theo nhà văn Sơn Tùng: Hiện nay hị Bùi Nộn ở xóm Tân an và họ Bùi Xâng ở Hải Lệ đang thờ ông Bùi Nhật Chiếu là hậu duệ ông Bùi Văn Thôn.

Trong “Tình sử Mỵ Châu” ghi là: “con gấu” phương nam= Bùi hùng Nam “tính chuyện vào Ngàn hống theo vua dấy quân đánh Triệu Đà chiếm lại thành Cổ loa... nhưng vua chủ không còn nữa. Hùng Nam đến vùng cầu Cấm tìm Mỹ Châu”
(2): Sách “ Các trấn tổng xã danh bị lãm” lưu trữ Thư viện quốc gia, Ký hiệu A 570 (1-2)

(3): Có từ năm 1281 khi vua Trần Nhân tông về xử vụ tranh chấp gỗ thần ở Hương Cần Kẻ Trẹ hình thành, chiếm hữu khu đất bên Đông khe Dài đến chân núi Khương thuộc xóm Vườn (làng Hữu Lập). Địa phận của kẻ Sòi bị thu hẹp lại. Khe Dài trở thành ranh giới giữa Kẻ Sòi và Kẻ Trẹ. Vấn đề kỳ thị, tranh chấp giữa hai làng nảy sinh và ngày càng gay gắt, phức tạp: Kẻ Trẹ không cho Kẻ Sòi sang chặt củi ở núi Vẹ, Kẻ Sòi không cho Kẻ Trẹ sang gánh nước giếng Sòi; việc bắt bớ, phạt khoán, thu liềm bắt củi, cấm chợ, ngăn sông được dùng để trả đũa lẫn nhau. Tình trạng đó dẫn đến xô xát kịch liệt, hai bên đều có tổn thương. Các cáng đồng có tên: Vác củi, Khe chông, La lết là những dấu ấn của các cuộc xô xát đó(1)

Hố ngăn cách giữa Sòi–Trẹ bắt nguồn từ những đụng độ khó tránh. Nhưng mỗi khi thú giữ về phá hoại mùa màng, rình bắt gia súc, đe dọa đến tính mạng người dân, hai bên đã hợp lực với nhau để săn đuổi(2). Quan hệ căng thẳng trên được cải thiện dần dần qua những lần phải chung sức đánh đuổi bọn cướp từ các nơi đột nhập vào.

Đến đời Lý, công cuộc khai hoang lấn biển theo lệnh của nhà vua càng làm cho Sòi- Trẹ xích lại gần nhau hơn, sau khi chung lưng đấu cật bòi đắp và ngọt hóa vùng Ao Dưa to (địa phận Kẻ Sòi) và vùng Ao Da (địa phận Kẻ Trẹ), nhân dân hai làng dần dần làm nhà đan chéo nhau theo địa bàn mới. Ranh giới Sòi-Trẹ xóa dần. Những nhân tố mới về vật chất và tinh thần đã dẫn đến sự hòa nhập Sòi–Trẹ thành một đơn vị dân cư thống nhất. Tổ tiên chọn từ “Hữu-Lệ” nghĩa là “có nước ngọt” để chỉ đơn vị dân cư mới, còn có hàm ý đánh dấu một bước phát triển trong quá trình khai hoang lấn biển.

Hữu lệ có thêm sưc mạnh để mà lấn biển. Cùng với diện tích sản xuất, địa bàn cư trú ngày càng được mở rộng thêm về phía biển. Những dân ở ven đồi lần lượt chuyển về phía Bắc cảng Xước(3) ngày một đông. Khi cửa Cần Hải được nhà Lê qui định làm nơi cư trú cho tàu bè ngoại quốc(4) thì cảng Xước trở nên nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền”. Đến đây thì danh xưng “Hữu-Lệ” thành ra “Hải–Lệ”, nghĩa là “biển nước ngọt” để đánh dấu bước lấn biển lớn hơn với phạm vi rộng hơn. Danh xưng Hải-Lệ được dùng từ đó cho đến năm 1946 trước khi tiến hành hợp xã lớn.

Dân cư xã Quỳnh lộc còn phải kể đến một bộ phận (đất và người) từ làng Hải Đà sát nhập vào làng Hải Lệ trước đây. Đó là khu vực dân cư ở phía Nam Kẻ Trẹ (bên kia cảng Xước). Các cụ cao tuổi kể: Làng Hải đà có mặt khá sớm ở đây. Lúc đầu gọi là Hói-Già; bởi xung quanh toàn nước mặn, có nhiều cây giá mọc . Khi chữ Hán trở nên thông dụng: Hói–Già được đổi thành Hải-Đà.

(1): Đồng Vác củi: Nơi xảy ra sự tranh giành củi gỗ. Đồng Khe chông: Nơi Kẻ Sòi đánh chông Kẻ trẹ. Đồng La lết: nơi xảy ra trận đánh nhau kịch liệt giữa hai làng
(2): Khi có dấu hiệu thú giữ về làng: dân hai làng Sòi, Trẹ đều nỗi trống, mõ, đốt lửa để cùng nhau đưổi thú rừng.

(3): Trong Quỳnh Lưu phong thổ diễn ca có ghi: “Cảng Xước do người Khách đào nên, Địa dư không chép miệng truyền làm bia”. Thực ra đây là một cái vực, khi biển lùi còn rất sâu. Sách “Đại nam nhất thống chí” ghi: Cảng Xước ở phía Đông-Bắc huyện Quỳnh lưu: phía Bắc từ khe núi Xước (thuộc tỉnh Thanh hóa) chạy về phía Nam 20 dặm đến làng Hữu Lập gặp hạ lưu sông Hoàng Mai , chảy ra cửa Cờn (Sách trên Quyển 14-15, tr 13)

(4): Sách “ức Trai di tập Dư địa chí” Trang 54 ghi; “Các người ngoại quốc không được tự tiện vào nội trấn. Tất cả đều phải ở Vân Đồn, Vạn Ninh, Cần Hải, Hội Thống, Hội Triều, Thống Lĩnh, Phú Lương, Tam Kỳ, Trúc Hoa”.

Nguồn sống chính của dân Hải-Đà là làm muối, bắt tôm cá và cua bấy. Biết cua bấy (cua lột) là món ăn ngon và bỗ dưỡng, nhà vua đã giao cho dân làng Hải Đà phải thường xuyên cống tiến(1). Thời bấy giờ chưa có phương tiện gì đi lại đáng kể, nên việc đưa hàng tiến cống chậm trễ, cua bấy mềm bị cứng trên đường đi, lúc đén cung vua thi cua biến chất. Vì vậy dân làn bị khép vào tội “khi quân” và bị hình phạt man rợ(2). Tai bay vạ gió đ• làm cho dân làng Hải Đà phiêu tán: bộ phận trốn sang Hải Lệ gồm các họ: Bùi (Xăng), Hoàng (Trường), Nguyễn (Lắng), Vũ (Thừa), Đặng (Vân) con ghi được đôi nét về thảm cảnh này(3).

Xóm Vườn (Tân An, Tân Tiến) là đơn vị dân cư có mặt sớm của làng Hữu Lập. Trong dịp chia xã Hữu Lộc thành hai xã: Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập năm 1953 xóm Vườn cắt về cho Quỳnh Lộc. Địa bàn cư trú ban đầu của dân xóm Vườn là dải sườn đồi ven núi Khương. Vì là người các nơi chuyển đến cư ngụ ở đây nên cũng gọi là Kẻ Trẹ. Sau khi xảy ra tranh chấp, Sòi Trẹ và Kẻ Trắp thỏa thuận lấy Khe Cầu làm ranh giới. Từ đó về sau phía Đông Nam khe Cầu trở thành Cửa Trắp (cửa Cờn), gọi là Kẻ Trắp nên người ta không gọi Xóm Vườn là Kẻ Trẹ nữa. Thời kỳ biển lùi, một bộ phận dân cư ở đây chuyển dần về Cửa Tráp; một bộ phận chuyển xuống những doi đất nỗi lên giữa đầm lầy từ Khe Cầu đến Ao Hoang (vùng Cánh buồm và Dằm thuyền). Đến đây xóm Vườn đổi tên thành Tân An (có nghĩa là “mới yên”) rồi sau đó có tên là Tân Tiến; có người còn gọi là dân “tứ chiếng phù cư”(4), vì hàng ngày thủy triều dâng lên nước bao quanh các ngôi nhà, trông như nhà nỗi trên mặt nước. Xóm Vườn thờ ông Cao Các làm Thành Hoàng. Đền thờ ông Cao Các ở chân Núi Khương đã bị hư hỏng từ lâu, nay không còn vết tích gì. Vốn là nơi ven rừng, giáp biển: Xóm Vườn thường bị thú dữ quấy phá và giặc cướp vào lùng sục. Có người bị bọn giặc Tàu - ô bắt cóc tống tiền như ông Nguyễn Ngọc Đản, có người còn bị giặc Đồng đội chặt ngón tay như ông Nguyễn Nghìn, có lúc dân Xóm Vườn đã chống trả lại các thế lực thù địch và thú dữ một cách quyết liệt. Đến nay câu chuyện ông Tạ Quắc đuổi voi, chém hổ để trừ hại cho dân và ông Trần đánh Tây đoan về bắt rượu còn lưu truyền trong nhân dân. Đến thời tiền khởi nghĩa Xóm Vườn là một trong những cơ sở cách mạng. Một số cán bộ cách mạng bị địch truy lùng (ông Phạm Xuân Thụ người Đồng Xuân, Quỳnh Lưu và ông Cao Cự Lạng người Diễn Châu) đã được nhân dân ở đây che dấu bảo vệ. Trong xóm cũng có người giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1932-1933 như ông Trần Phong, ông Bùi Kiểu, ông Mục Chít và sau đó là ông Trần Đình Thơn, ông Trần Đình út và anh Bùi Nuộn.
-----------------------------------------------
(1): Theo các cụ thì: Đây là các vua nhà Nguyễn. Những triều đại trước đó vua nam trấn qua đây biết có thứ cua này nên bắt dân cúng tiến như vua Trần Anh tông, Lê Thánh tông

(2): Cua bấy là cua mới lột xác mỗi kỳ nước sinh; ít ngày sau mai cứng ăn không ngon.
(3): Gia phả họ Nguyễn Lắng ghi: “Thủy Tổ từ tỉnh Hải Dương di cư Hải Đà, hậu sinh, hạ phân vị tứ chi, ý ấm tao ngộ lưu vong, nhân dân lưu tán. Ngộ tộc chủ tiên công hậu vị tứ chi, chi đệ nhất tại Hải Lệ”(Thủy tổ từ tỉnh Hải Dương di cư vào làng Hải Lệ, sau sinh hạ làm bốn chi, lúc ấp này gặp tội “dối trá” nhân dân lưu tán đi các nơi. Chi thứ nhất ở làng Hải lệ.

(4): Sách “Các Trấn, Tổng, Xã danh bị làm” thư viện khoa học xã hội. Ký hiệu A 570(1-2).

Làng Sen: Làng Sen cách kênh Son 100 m về phía Đông. Bên phải làng (sát kênh Son) có một hồ sen. Tên làng Sen xuất phát từ đó, khi chữ Hán thông dụng người ta gọi thành Đông Liên. Làng Đông liên cách làng Hải lệ khoảng 500 m về phía Tây-Bắc. Ranh giới làng Đông liên và làng Hải lệ là đoạn Khe Dong tương ứng từ đồng Rộc Bưá đến Kênh Cừ và từ Rộc Bứa đến đường Thiên lý (QL. 1A). Phía Tây-Nam từ cột số 242(QL 1A-Hà nội vào) qua cống Chùa bụt đến cầu Khe Son(1) Phía Tây-Bắc giáp làng Vĩnh Lộc và làng Vĩnh Lại. Phía Đông-Bắc giáp làng Đông Lý. Làng Sen có địa bàn rộng, đất màu mỡ và dân cư đông đúc. Nhờ có kênh Son nên việc giao lưu tiếp xúc với bên ngoài thuận tiện. Vực Bà Chúa, Đồng Hàng trở thành nơi trao đổi, buôn bán nông phẩm và các hàng hóa khác. Bởi vậy thời Trần nông nghiệp ở đây phát triển nhất trong vùng. Việc học ở đây cũng được coi trọng: Những thửa ruộng, cánh đồng tốt được giành làm học điền: Hai cánh đồng Lầm Nho và Lầm Văn là dấu ấn của sự tiến bộ đó. Tiếc rằng Làng Sen bị triệt hạ trong hoàn cảnh đầy oan nghiệt nên di tích người xưa không còn gì để lại ngoài câu chuyện về Bà Chúa Sen. Chuyện kể rằng : Khi Vua Trần Anh Tông nam tuần qua Kênh Son chợt nghe từ phía đồng ruộng vang lên câu hát: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang. Một trăm ngọn giáo lai hàng tay ta”. Nghe giọng hát hay, khẩu khí khác thường, Vua cho người đến tận nơi xem sao, thì đó là một cô gái cắt cỏ. Vua liền triệu đến, thấy cô gái nhan sắc, trả lời trôi chảy những câu hỏi của mình, bèn cho theo hầu. Thời gian tạm trú quân ở Đền Cờn cô gái mộng thấy mẹ con bà Tống Phi hiện lên mách bảo việc có liên quan đến chuyến đi đánh dẹp Chiêm Thành. Lúc tỉnh dậy cô tâu trình sự việc với vua. Vua nghe chuyện giống như thần mộng của mình. Vua bèn cho làm lễ kính tế và thông báo cho ba quân tướng sỹ. Sau khi thắng quân Chiêm Thành trở về, cô gái được trọng thưởng và tuyển làm cung phi. Từ đó mọi người gọi cô là Bà Chúa Sen. Bà Chúa Sen có một người em trai được theo chị vào kinh nhưng không có tài cán gì, nên vua ban cho áo mũ, tiền bạc rồi cho về làng. Vốn có tính ngang ngược lại ỷ vào thế chị nên suốt ngày đi lại quấy phá trong làng, hễ áo vướng vào rào dậu nhà ai là dỡ phá bỏ. Dân làng không chịu nỗi hành động côn đồ đó; đang đêm nhân lúc nó còn ngủ, họ đem rơm rạ , gai góc đến nhà thiêu đốt. Bà Chúa Sen biết em bị giết chết, bèn cho quân lính về trả thù cho em bằng cách phóng hỏa đốt cháy cả làng. Dân Làng Sen sợ hãi phải phiêu tán đi nơi khác lánh nạn; một số được dân làng Đông Lý, Làng Hải Lệ che chở đùm bọc rồi trở thành công dân sở tại. Làng Sen bị phiêu tán, ngôi đền bà chúa đang làm để cúng cho làng bị bỏ dở. ở vực Bà Chúa còn để lại những phiến gỗ lim chìm sâu dưới đáy và những hòn đá tảng bằng cái nong trên bờ. Về sau Bà Chúa Sen chết được nhà vua cho thờ ở đền Cờn và đền Đông lý. Những lễ vật tế ở đền Cờn do nhà vua ban đều phân chia cho làng Đông lý. Lễ này còn giữ mãi tới cách mạng tháng 8/1945.

(1): Sách “Đại nam nhất thống chí”, Quyển 14-15. Tr 99: Cầu Tự bột ở thôn Hải lệ thuộc huyện Quỳnh Lưu dài 2 thước. Cầu Khe son dài 8 thước, 7 khoát, 1 tấc củng ở thôn Hải Lệ”.

Làng Đông Lý: Làng Đông Lý cách làng Sen 400 m về phía Đông và cách làng Hải lệ 500 m về phía Bắc. Địa bàn cư trú của Làng Đông Lý ở phía Nghè Rạ (nơi thờ Thành Hoàng của làng Đông Lý), về sau dời tới vườn Mít. Ranh giới làng Đông Lý với làng Hải Lệ là khúc khe Dong từ Chại Trén đến đồng Bún. Ranh giới với làng Sen là đường liên thôn từ khe Lầm Lòi đến khe Dong. Phía sau làng được bao bọc bởi dãy núi nối liền nhau từ Thung Nậy qua Gò giữa, Gò Mái đình, gò Yên ngựa đến Lèn Dỵ. Làng Đông Lý là nơi đất rộng, người đông thứ hai trong vùng. Khi làng Sen bị xóa sổ, Đông lý được sử dụng lãnh thổ của làng này nên càng rộng hơn. Các làng lân cận tìm cách chia sẻ một phần đất đai của Làng Sen mà không được. Mãi tới năm 1885 thấy làng Đông Lý có dấu hiệu suy yếu, Tuần Phông ở Vĩnh Lộc huy động dân đinh sang gặt lúa nhằm uy hiếp Đông Lý để thực hiện ý đồ lấn chiếm đất. Ông Tổng Giợi (làng Đông Lý) thấy thế cô liền liền sang cầu cứu làng Hải Lệ. Ông Lý Nuôi (làng Hải Lệ) liền tổ chức lực lượng sang ứng cứu. Trong cuộc xô xát Tuần Phông bị trọng thương, dân Vĩnh lộc phải bỏ lúa lại tháo chạy. Tuy họa từ làng Vĩnh Lộc không còn nữa, nhưng lý Hương làng Đông Lý tự thấy không đủ sức quản lý và thu nộp thuế với vùng đất đai rộng lớn bèn đem địa bạ giao cho làng Hải Lệ. Lúc này Lý hương làng Hải lệ đang có tâm trạng lo ngại như làng Đông Lý nên không giám nhận. Lê Lơu (còn gọi Tuất Lơu), một địa chủ thuộc họ đạo Dỵ Lệ vốn đầy tham vọng, biết được việc này liền chớp ngay thời cơ tìm cách mua chuộc Lý hương làng Đông Lý. Địa bạ được trao qua tay Tuất Lơu một cách dễ dàng. Cầm địa bạ trong tay; khi cả Đông Lý và Hải Lệ đều muốn đẩy đi. Tuất Lơu tưởng rằng có thể thực hiện ý đồ của mình một cách dễ dàng, nên đơn phương đứng ra phân định ranh giới. Theo Tuất-Lơu: Địa phận làng Hải-Lệ được chia cắt theo đường thẳng “Thượng Song- song, hạ Bổ- bóng”, nghĩa là đầu trên từ hai hòn Đá-Đôi ở núi Thung-Xanh, đầu dưới từ lèn Bổ Bóng trở vào. Nhạy bén trước tính chất nghiêm trọng trong hành động lấn chiếm của Tuất- Lơu. Dân làng Hải–Lệ đã phản ứng kịp thời bằng thái độ quyết liệt của toàn dân. Các cụ lão thành như Hồ Sỹ Vóc, Hồ Sỹ Xí, Nguyễn-Trực đã tự nguyện hy sinh thân mình đổi mạng với cha con Tuất-Lơu để bảo vệ bằng được địa phận của quê hương yêu quý. Cha con Tuất-Lơu đã phải trốn chạy và từ bỏ hành động gian manh của chúng trước tinh thần đoàn kết và dũng cảm của dân làng Hải lệ.

Làng Vĩnh - Lộc: Làng Vĩnh-Lộc ở dọc theo bờ Kênh-Son (thường gọi Làng –Dọc), mặt hướng về đường Thiên-lý (QL.1A), lưng tựa vào sườn núi-Xước: phía Bắc giáp xã Trường-Lâm (Tĩnh-Gia, Thanh-Hóa), phía Đông-Nam giáp làng-Sen. Chiều dọc từ Cột số 244 (Hà Nội vào) qua Cầu-Đất(1) cho đến khe Nước-lạnh chỗ ranh giới Nghệ –Tĩnh, Thanh-Hóa(2).

Hồi 20h ngày 13/6/1957 khi về thăm quê lần đầu tiên kể từ ngày ra đi, Bác Hồ đã cho dừng xe ở đây (khe Nước- lạnh) mở cửa xuống xe bắt tay những người đi đón và chào “Các chú ra tận đây kia à?” (đ/c Nguyễn Trường Khoát bí thư và đ/c Nguyễn Sỹ Quế chủ tịch chọn nơi này đón Bác). Dải đất này bấy giờ thuộc về xã Quỳnh –Lộc, người sở hữu trực tiếp dải đất này là các đội sản xuất từ Tân-Lộc đến Mà-Đa. Từ trước đến nay đã bao lần thay đổi tên xã nhưng từ Lộc (của Vĩnh-Lộc) vẫn giữ nguyên mà người Vĩnh-Lộc chỉ còn có mấy gia đình: ông Phan-Quyền, ông Phan-Thị, ông Nguyễn-Khoa ở đội 7 và anhThước, anh Thúy ở Hồng-long. Những gia đình đi nơi khác chỉ còn biết ông Bộ-Thụ, ông Phan-Sợi ở xã Quỳnh –Vinh, ông Hinh ở xã Quỳnh –Lập.

Năm 1929 một số người thuộc họ đạo Dỵ-Lệ tới đây mua đất dựng trại để cày (gọi Trại-Đạo) với ý định mở rộng địa bàn cư trú nhưng rồi đân dần cũng trở về Dỵ-Lệ năm 1945.

Khi Cao-Biền tiến hành đào Kênh Son, y để lại lời “Cảo” hiện còn lưu truyền trong dân gian như sau:

Vĩnh-Lộc, Vĩnh-Lại
Xước sơn thùy dải
Cư cơ hà quái
Huyệt xuất tam tầng
Công hầu đại đại
Dịch là:
Làng Vĩnh-lộc, Làng Vĩnh-lại
Một dải đất của núi Xước
Nơi hun đúc khí thiêng
Huyệt xuất ba tầng
Có thể phát công hầu đời đời.

Người Vĩnh-lộc nói “đất Vĩnh-lộc không thấy phát quan mà chỉ thấy đuổi người”. Không biết người Vĩnh-lộc đã trải qua bao lần chìm nỗi và bao lớp người đã phải ra đi, đúng cái cảnh tàn lụi dần như người Vĩnh-lộc đã nói. Là một làng quê nhỏ bé: đất không rông, người không đông mà khi thì “quan ngang”, khi thì “khách tạm”, khi thì giặc cướp hoành hành, thỉnh thoảng bọn phú hào lại huy động đi lấn chiếm đất đai, cướp đoạt hoa màu gây thù , gây oán với các làng lân cận. ở đây vào năm 1400-1407 Hồ-quý-Ly đã cho xây dựng một cái đồn gọi là Đồn Bảo Vĩnh-lộc do một suất đội và 50 lính canh phòng(1).Các triều đại về sau vẫn duy trì Đồn Bảo. Tuy nhiên người dân ở đây mấy khi được sự quan tâm bảo vệ của đồn. Câu chuyện dân gian còn lưu truyền rằng những cuộc đụng độ giữa quân các ông Đặng Dung và Nguyễn-cảnh-Dy với quân Trương-Phụ (giặc Minh) có khi diễn ra chớp nhoáng nhưng dân chúng phải bỏ làng ra đi. Ngay những cuộc đụng độ giữa các lực lượng quân sự trong nước với nhau như quân của Nguyễn-hữu-Chỉnh với quân của Tham lĩnh mãn Trung hầu và Độc thị Phan-huy-ích (1786) người ta củng sợ “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết chẹt” nên phải tìm nơi lẫn tránh. Trong những cuộc đụng độ đó dân làng Hải-lệ thường bị tổn thất nặng: nhà cửa, núi rừng bị đốt phá, có người phải thay họ đổi tên trốn đi nơi khác, nhưng nói chung họ vẫn bám trụ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Năm 1784 khi Tôn-thất-Thuyết kéo 2000 quân và hai thớt voi từ Sơn-tây về hợp với quân Thanh-hóa để đàn áp quân khởi nghĩa của ông Trần-Tấn và Đặng-như-Mai củng tại mảnh đất này, dân làng Vĩnh-lộc lại một phen khốn đốn.
-----------------------------------------------
(1): Sách “Đại nam nhất thống chí”. Quyển 14-15.Tr 86: “Đồn Bảo Vĩnh-lộc cách huyện Quỳnh lưu 29 dặm, giáp giới tỉnh Thanh –hóa có một tên suất đội và 50 lính canh phòng”.Ngoài những căng thẳng, lo sợ trước cảnh “giặc sa, nhà cháy”, người Vĩnh-lộc còn bị bệnh hoạn dày vò, thú dữ quấy phá, câu “beo rú Xước, nước Sơn-châu” luôn luôn ám ảnh trong đầu họ. Thỉnh thoảng bọn giặc cướp mà người ta nói nhiều đến “giặc đồng đội” trú ở Núi-Xước thường kéo vào làng cướp thóc gạo, trâu bò, lợn gà; người dân không biết kêu cứu với ai. Người nào cũng chỉ biết ngồi nhìn hành động của chúng mà cầu mong cho thoát chết là may. Tuy nhiên cũng có người tiếp cận với chúng: bà Nạnh một người buôn bán trong làng đã lên núi Xước, nơi sào huyệt của giặc mở quán bán hàng. Đến nay dân làng vẫn gọi nơi đó (trên núi Xước) là Chợ Bà Nạnh. Họ Dỵ-lệ trước chỉ có mấy gia đình của ông Hồ-sỹ-Hạo, Hồ-sỹ-Hời và Nghuyễn-văn-Thiên ở vùng Ao-hoang thộc làng Hỡu-lập (xã Quỳnh-lập). Về sau những gia đình này chuyển đến phía sau xóm Trẹ tức khu vực đồng Đạo bây giờ (địa danh Đồng đạo ra đời từ đó). Trong phong trào “bình Tây sát tả” (1873-1874) những gia đình này được bà con làng Hải-lệ (như gia đình ông Trương-Nghinh) che chở nên thoát nạn. Sau cuộc khởi nghĩa Giáp- Tuất (1874) do ông Trần-Tấn và Đặng-như-Mai lãnh đạo bị thất bại. Linh mục Hoàng-Từ họ Yên-hòa về thương lượng với làng Hải-lệ và làng Dị-nậu mỗi bên nhường cho một dải đất ở vào giáp ranh giữa hai nơi này để thành lập họ đạo tức họ “Dị-Lệ”. Địa danh Dị-Lệ có từ đó. Trong quá trình thương lượng giữa giáo dân và xóm Đồng- quanh xẩy ra sự tranh chấp rất căng thẳng: Các ông Nguyễn-văn-Xước, Lê-Vu và Hồ-sỹ-Lộc (người Đồng –quanh) tự nguyện hy sinh đổi mạng với đối phương để bảo vệ địa phận, cuối cùng hai bên đi đến chỗ nhân nhượng lẫn nhau, ngăn chặn được những đụng độ phức tạp. Tuy nhiên về sau cha con Tuất-Lơu (Lê-Lơu, Lê-Thìn) vẫn tìm cách gây khó dễ cho việc đi lại của bà con xóm Đồng-quanh. Bà con xóm Đồng- quanh, nhất là mẹ con bà Lời đã dùng đến hành động mạnh mẽ nhất để chống trả và kiện lên quan trên. Vấn đề hiềm khích giữa họ Dị-lệ và xóm Đồng-quanh mới được tạm ổn. Từ khi thành lập hợp-tác-xã nông nghiệp, bà con Dị-lệ đã tham gia. Hiện Dị-lệ có 70 hộ với 420 nhân khẩu.

Xóm Đồng-Quanh: Xóm Đồng-quanh ở giữa khúc cổ bầu trên bờ Sông-Trẹ, ngang Hói –Rót, cách núi Sòi 500 m về phía Đông-Nam và cách cảng Xước 250 m về phía Tây. Dân xóm Đồng-quanh không đông: có người từ Cồn Trợ-Dệ đến như các gia đình họ Hồ (con cháu ông Hồ-Trợ (làng Dị-Nởu, nay là xã Quỳnh-Dỵ), có người từ Hải-Đà sang trong vụ “nạn cua bấy” như gia đình họ Nguyễn – bá. Xóm Đồng-quanh vốn ở dải đất ông Hồ-sỹ-Hạo (họ Dị-lệ) còn họ Dị-lệ ở trên dải đất xóm Đông-quanh bây giờ. Vì muốn có đất để mở rộng thêm, ông Hồ-sỹ-Hạo lợi dụng tình đồng nghiệp (cùng đánh chim xanh) thuyết phục ông Hồ-Tuy để đổi lấy dải đất xóm Đồng-quanh . Ông Hồ-Tuy không muốn đổi, bèn nói đùa cho qua chuyện : “Nừu ông đánh được hai chục chim xanh nướng ăn tại chỗ một mình trong một lúc thì tôi sẽ đổi đất cho ông”. Không dè ong Hồ-sỹ-Hạo coi đó là điều kiện nghiêm túc nên đã thực hiện đúng như lời ông Hồ-Tuy. Ông Hồ-Tuy không đáp ứng yêu cầu của ông Hồ-sỹ-Hạo , thế là cuộc xô xát xảy ra lúc đầu giữa hai cá nhân sau dẫn đến nhân dân hai xóm như đã nói ở trên. Tuy đây không phải là nguyên nhân chính, nhưng việc tranh chấp đât đai bắt đầu từ đó.Về sau có sự thương lượng của linh mục Hoàng, vấn đề được giải quyết tạm ổn. Nhân-dân Quỳnh – lộc là cộng đồng các thôn xóm, cũng là cộng đồng các dòng họ, tôn giáo. Những thành viên trong xã hòa nhập vào nhau, sát cánh bên nhau trong bối cảnh của mỗi bước thăng trầm. Ranh giới giữa người bản địa với người di cư nơi khác đến; giữa người đến trước với người đến sau, được xóa dần dần. Câu “vắng chị em xa có láng giềng gần” và “lá lành đùm lá rách” được coi như phương châm xử thế của mọi người trong sinh hoạt. Bề dày của lịch sử Quỳnh – lộc là chiều sâu của nghĩa tình thôn xóm, láng giềng; đoàn kết gắn bó với nhau đẻ tồn tại và vươn lên. Đã bao đời nay , dải đất Nam Thanh- Bắc Nghệ , nơi tiếp cận cuả ba con đường huyết mạch (đường bộ, đường kênh, đường biển). Mỗi khi đất nước có biến cố xảy ra đều là thử thách nặng nề đối với người dân Quỳnh-lộc. Đồng thời đây cũng là nơi biểu thị sức sống mảnh liệt của người Quỳnh-lộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ mình, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Các dòng họ đông người như: Hồ, Lê, Nguyễn. Đến các họ khác như : Bùi, Đào, Đinh, Trần, Đặng .v.v.v. không phân biệt , cùng chung trong cộng đồng Quỳnh-lộc đã dựa vào nhau để tồn tại, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và cùng nhau chống lại tai ương hoạn nạn.Giặc giã, hỏa hoạn, thiên tai,dịch bệnh và biết bao biến cố lịch sử đã làm cho Quỳnh-lộc thiệt hại cả người lẫn của . Nó đã hủy hoại, mất mát, thất lạc rất nhiều tài liệu qúy giá về mảnh đất , về con người Quỳnh-lộc. Công tích của Tiền nhân và Tổ tiên, những việc vui buồn, hay dở qua các chặng đường lịch sử; bút tích không đầy đủ, bia tích không vẹn toàn. Đó là thiệt thòi lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Sự ra đời và tan hợp của các thôn xóm xã Quỳnh Lộc, lịch sử các thôn xóm xã quỳnh Lộc thị xã Hoàng Mai

Labels:
This is the most recent post.
Bài đăng Cũ hơn

Đăng nhận xét

[blogger][facebook][disqus]

Author Name

{picture#https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgr3JIeR3kk_h-xB5gPYp7rDm9RC56LumWJPjoTfBoC4n_mW0jWN9_5wSQzelzwE0nO_iVa7R2Cx5Orj04fxiIJnwcz7j0nwqkZoDbz-E7RdldZhQuxUP9bDt4ANZSunmKSXBvI6trFmZG7/s1600/Ch%25C6%25B0a+%25C4%2591%25E1%25BA%25B7t+t%25C3%25AAn-1.png} {facebook#https://www.facebook.com/giaoxulocthuygpvinh} {twitter#https://twitter.com/giaoxulocthuy} {youtube#https://www.youtube.com/@giaoxulocthuy}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.