Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn một bài viết rất thú vị của tác giả PHẠM TÚ CHÂU về Tư liệu Lịch sử với các chi tiết thú vị về Làng Đồng Xuân, huyện Quỳnh Lưu, Tỉnh Nghệ An. Qua đó, phần nào hiểu về đời sống văn hóa của các làng lân cận làng Đồng Xuân (tức xóm Tân Xuân, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ an ngày nay):
Tư Liệu Phó sứ Nghệ An Ogeier muốn tìm hiểu những gì về đất nước ta qua Nghệ An tỉnh khai sách?
Phó sứ Nghệ An Ogeier muốn tìm hiểu những gì về đất nước ta qua Nghệ An tỉnh khai sách?

Trong thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có tập Nghệ An tỉnh khai sách gồm 40 quyển là bản khai ghi chép bằng chữ Nôm câu hỏi của Phó sứ tỉnh Nghệ An Ogeier và câu trả lời của chức sắc 40 thôn, xã, tổng các phủ, huyện tỉnh Nghệ An vào đầu thế kỷ XX. Qua bản khai, chúng ta có thể thấy, làng xã là nơi lưu giữ rất nhiều dấu tích văn hóa, tín ngưỡng từ nghìn xưa, trình độ hiểu biết và học vấn của chức sắc, hương hào tại đây, đồng thời cũng biết khi người Pháp đô hộ nước ta, họ đã muốn tìm hiểu, điều tra những gì về đất nước còn rất xa lạ với họ.
Thử đọc một số quyển, thấy Ogeier đặt câu hỏi cho hương hào, lý trưởng thôn Điển Lễ, tổng Lý Trai, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu trả lời về các khoản mặt trời, mặt trăng, sao, côn trùng, thảo mộc, điểu thú. Khoản 1 gồm sáu câu hỏi về sao: “Người ta có ý tứ nhiều với các sao không?”, “Người ta gọi các sao ấy là tên gì?”, “Người ta có sự tin tưởng và lưu truyền lại về các sao ấy là thế nào?”, “Những lễ lạt nhất định làm khi các ngôi sao hiện ra, mọc lên hay là rơi xuống là những lễ gì?”, “Người ta có cầu nguyện và cúng tế các ngôi sao đó không?”, “Người ta cúng lễ các ngôi sao ấy thì làm thế nào?”. Ogeier cũng hỏi hào lý thôn An Trạch, thôn Kim Ổ (ghi rõ hỏi 190 điều), tổng Thượng Xá, huyện Nghi Xuân như trên, nhưng đều có hỏi thêm về yêu ma. Đối với thôn Dương Liễu, tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương, xã Ân Hậu, tổng An Trường, huyện Nghi Lộc và thôn Đồng Xuân, tổng Phú Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Ogeir hỏi về các thứ nước, núi đá, súc vật, cây cối linh thiêng.
Chúng tôi chọn quyển Đồng Xuân thôn khai sách có ở thư viện Viện Văn học, do Lý trưởng Hồ Văn Quýnh và hương hào Hồ Đức Khai ở thôn Đồng Xuân, tổng Phú Hậu, huyện Quỳnh Lưu khai và chép bằng chữ Nôm. Quyển này gồm 194 trang, đề ngày 28 tháng 10 năm Duy Tân thứ năm (1911). Trên tờ đầu quyển, xen với năm chữ Đồng Xuân thôn khai sách là những chữ Pháp “V. (village) de Dông Xuân, C. (canton) de Phú Hậu, Quinh Lưu. 1er exemplaire sur l’eau, pierre, etc...”.
Để trả lời câu hỏi 1: “Những chuyện hay thuộc về nước mưa, nước suối, nước lụt, nước bể, nước sông, nước vũng lầy và nước hồ là những chuyện gì?”, chức sắc, hào lý thôn Đồng Xuân trả lời như sau:
Trong một năm bốn mùa, mưa cũng có thường lệ. Như tháng Tư thời quả ma chín cho nên tháng ấy mưa, gọi là mưa vàng. Như tháng Chín thời dơi ra cho nên tháng Chín có mưa, gọi là mưa dơi. Lại tục ngữ có câu rằng: Mưa lai rai như dơi xổ ruột. Lại hai mươi lăm tháng Chín có mưa, gọi là mưa dập tổ dơi. Lại tiết tháng Tám, tháng Chín là tiết lúa rộ, cho nên có mưa, gọi là mưa lúa rộ.
Lại ngày mồng năm tháng Tư là ngày Bụt Thích Ca giáng sinh. Ngày ấy thường có mưa, gọi là mưa Bụt sinh.
Lại hôm mồng bảy tháng Bảy gọi là mưa Ngâu. Tục truyền hôm ấy sao Chức Nữ qua sông Ngân Hà gặp chàng Khiên Ngưu, chỉ được một năm một lần gặp nhau, nước mắt khóc ròng mà nên mưa. Vậy có câu hát rằng:
Đêm thất tịch mưa ngâu rả rích,
Gió kim phong lật bức chăn chiên.
Buồn vì thu với ngã vì thu.
Mưa phải thời thời có ích, mưa chẳng phải thời thời có tổn. Như mưa tháng Ba thời ra mỗi việc, mưa tháng Tư thời hư mỗi việc.
Mưa ngày mồng năm tháng Năm thời dưa nhiều quả chín, lúa vụ thu được mùa.
Lại mưa tháng Sáu gọi là mưa máu rồng, năm nào tháng ấy có mưa ấy thì hẳn được mùa.
Lại ngày tiết hạ chí được mưa thời hay được mùa, vậy có câu tục ngữ rằng “Mưa hạ chí một giọt đáng giá nghìn vàng”. Lại có câu:“Mưa là mưa tiền mưa thóc”.
Lại mồng mười tháng Tám hay mưa, tục gọi là mưa chọi trâu. Tục truyền ngày ấy là tám xã Đồ Sơn chọi trâu thường hay mưa. Vậy có câu hát rằng:
Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mồng mười tháng Tám chọi trâu thời về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng mười tháng Tám thời về chọi trâu
Lại ngày tháng Tám ngày hăm mốt là ngày kỵ ông Lê Lai, ngày hăm hai tháng Hai kỵ ông Lê Lợi, hai ngày ấy có mưa, gọi bằng mưa Lê Lai, Lê Lợi.
Lại ngày mồng chín tháng Chín là tiết Trùng Dương, ngày ấy có mưa thời năm sau không hạn, vậy có câu hát rằng:
Mồng chín tháng Chín được mưa,
Cha con ta sắm sửa cày bừa làm ăn.
Mồng chín tháng Chín không mưa,
Cha con ta bán cày bừa đi buôn.
Lại có câu tục ngữ rằng: “Nước mưa là nước của trời”.
Lại nghe có chuyện đời xưa triều nhà Trần có ông Chu Văn An mở trường dạy học, hóa cảm đến quỷ thần. Vua Long vương cũng khiến con lên học, người ấy thường thường lấy nước nghiên mực làm mưa mà chơi. Gặp trời đại hạn, ông Văn An bảo người học trò con ông Long vương làm mưa để cứu dân. Người ấy thưa rằng: “Phép trời chưa sai làm mưa mà làm mưa thời phải tội. Song thầy đã dạy thời phải vâng lời”. Được một khắc thời thấy một trận mưa dầm, trong huyện đều được ngấm khắp, người ấy hẳn mặc sét đánh. Ông Chu Văn An khiến học trò làm lễ táng ở làng Tiên Liệt, sau làm thần làng ấy.
Lại nghe triều nhà Lê có ông Lê Như Hổ đi sứ sang Bắc quốc. Gặp khi đại hạn, vua Bắc quốc bảo sứ các nước làm văn để cầu mưa. Ông Như Hổ tâu xin các nước khác làm trước. Sứ các nước làm văn cầu chẳng đặng mưa, ông Như Hổ lại tâu rằng: “Tôi có phép hô phong hoán vũ nhưng mà phải chọn ngày thiết đàn thời cầu mưa mới ứng”. Ông Như Hổ khi ấy mới đi ra, tìm thấy cây thánh đã mọc rễ trắng, cỏ gà đã nảy đọt trắng biết trời gần mưa, mới vào tâu rằng: “Đã chọn được ngày, xin đem người tùy nhân vào lập đàn mà cầu, khi ấy thời hẳn được mưa”. Vua Bắc quốc phong cho người ấy làm quốc sư cả hai nước...
Chuyện về mưa còn kể bên Bắc quốc,Thương Hiệt đặt ra chữ Nho, Hạ Vũ trị thủy nên công mà trời mưa lúa, mưa vàng, Hùng Tương đời Tấn thờ mẹ có hiếu mà trời mưa tiền mưa bạc. Tiếp đó, kể về chuyện nước suối núi Rồng ở làng Phú Nghĩa, nước suối Võ Tuyền (núi Kỳ Sơn, huyện Thanh Chương), nước suối An Quốc (núi Hùng Sơn, phủ Hưng Nguyên)...; kể về nước lụt thì có chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, chuyện Càn Hải phu nhân, chuyện hồ Ba Bể...
Trả lời xong câu 1, tiếp đến hỏi: “Người ta có thờ cúng và cầu nguyện chi các thứ nước ấy không?”, “Cách thờ phụng ra thế nào?”. Tiếp theo là câu dặn dò: “Phải biên lấy mấy bài cầu nguyện”, rồi lại hỏi: “Người ta cho các thứ nước ấy sinh ra tại bởi thế nào?”, “Người ta cho đất động là tại thế nào mà sinh ra?”, “Người ta có tế lễ chi để mà trừ các việc ấy (việc có con chình dài ở dưới bể thúc vào đất, đất lở nên thành đất động - P.T.C) không?, “Như chóp núi có linh thiêng chi không?”, “Tại làm sao mà linh thiêng?”, “Người ta trèo lên đó có sợ không?”, “Sợ là tại thế nào?”, “Có suối nước nóng không?” v.v... Đến câu 89 là câu cuối cùng ở quyển này hỏi về cách kiêng gọi tên một số con vật: con cọp gọi là ông ba mươi, con khỉ gọi là con đỏ đít, con rùa gọi là con sống lâu... Cuối sách phụ lục phương ngôn, ngạn ngữ và một bài ca dao dài mở đầu bằng:
Cây xanh thời lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để phúc cho con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha vinh hiển đời con sang giàu.
Qua một số dẫn chứng trong 89 câu hỏi đáp như trên, có thể thấy đó là một cuộc điều tra xã hội học quy mô, tường tận, đi vào tận chi tiết của đời sống văn hóa, phong tục tập quán, ca dao tục ngữ, tín ngưỡng dân gian, tâm linh người xứ Nghệ. Nếu lệnh trên cho tất cả Phó sứ các tỉnh đều phải điều tra thì hẳn các tỉnh khác ở nước ta cũng phải có bản khai tương tự, nhưng trong kho tàng sách Hán Nôm, không thấy có bản khai nào như thế mà chỉ có bản khai của 40 làng xã Nghệ An. Không chỉ thế, trong năm 1912, Phó sứ Egeier còn điều tra tiếp các làng xã khác ở Nghệ An, để sau này từ những câu đáp tập hợp thành những bộ sưu tập chuyên đề: các bài hát dân gian, phong tục, tín ngưỡng như các tập Sưu tập các bài hát dân gian, Sưu tập về phong tục, Sưu tập về tín ngưỡng (3 tập) có tên trong Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu với các số3044, 3045, 3046, 3047, 3048 nhưng sách thì chỉ có ở Pháp. Tập số 3046 phụ ghi “75 truyện được viết lại theo các câu hỏi của Phó sứ Nghệ An Egeier” chứng minh cho nhận định này.
Chưa biết quan Tây ấy đối xử với dân Nghệ Ân xấu tốt ra sao, nhưng ở thời điểm năm 1911, 1912 thì Ogeier với tư cách học giả, đã thành công mỹ mãn trong cuộc điều tra xã hội học rộng khắp Nghệ An do biết đặt câu hỏi cụ thể, dễ hiểu. Về phía các chức sắc địa phương, họ cũng là những người có học thức, cung cấp đầy đủ tư liệu kim cổ, trong ngoài tỉnh, trong ngoài nước có liên quan. Trả lời được như thế hẳn phải chuẩn bị không ít thời gian, nhưng câu hỏi và trả lời ăn khớp sít sao trong bản khai sách khiến người đọc có cảm tưởng như đó là cuộc hỏi đáp trực tiếp rất sinh động. Cũng phải nói thêm là chữ Nôm trong nhiều bản khai sách viết rất đẹp, câu cú rành mạch, phải là người có trình độ như thế nào mới viết được thành thạo và vuông thành sắc nét như thế. Khi đọc đến bản của thôn An Trạch, thấy hào lý khai “thôn chúng tôi có mười ba đinh cử nhân, tú tài với học trò” thì mới thấy suy luận của chúng tôi như trên không phải vô cớ. Có thể hào lý khai, còn người viết là một trong số trí thức nói trên, lại cũng có thể chính vì vậy mà Ogeier khi “sa vào chĩnh gạo” là đất học xứ Nghệ đã không bỏ lỡ thời cơ để điều tra xã hội học.
Dù còn nhiều điều phải tiếp tục tìm hiểu, Nghệ An tỉnh khai sách vẫn là những tư liệu vô cùng quýgiá để hiểu về mình và hiểu về người, rộng ra là hiểu về đất nước một trăm năm trước mà chức sắc ngày nay chưa chắc đã hiểu được và làm được như vậy.
______
(*) PGS-TS Văn học. (H.V)
Ngày 16 tháng 4 năm 2016
Nguồn bài viết: http://honvietquochoc.com.vn
Đăng nhận xét