Đền Cờn Trong Bối Cảnh Truyền Giáo Của Giáo Sĩ Đắc-Lộ [Alexandre de Rhodes] | GIÁO XỨ LỘC THỦY
12 Thánh tông đồ Audio suy niệm Audio truyện Công giáo Âm nhạc Bài Giảng mp3 Bạn có biết bạn trẻ xa nhà Bảo vệ sự sống Blog tips Ca kịch công giáo Các bài giáo lý của ĐTC Phanxicô Các hội đoàn Các mục chính Các Thánh Các thánh địa Công giáo Các thánh khác Các Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ Các vấn nạn xã hội Cắm hoa nghệ thuật Câu chuyện Giáng Sinh Châm ngôn công giáo Chiêm ngắm Chúa Chuyện phiếm đạo đời Chuyện về Giáo Lý và Giáo Dục Công Giáo đó đây Cửu Nhật Kinh Nguyện Danh Danh bạ website các giáo xứ - giáo họ việt nam Danh bạ website công giáo Di sản thế giới Du Lịch Đẹp + Để sống đạo hôm nay Đôi nét về Giáo xứ Đời sống cầu nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Đức Mẹ Lama Đức Thánh Cha phanxico Đức Tin và Khoa Học Đường Hy Vọng Gia đình Giải đáp thắc mắc cuộc đời Giao hat Vang Mai Giáo hạt Vàng Mai Giáo Hội Đông Phương Giáo lý - dân ca Giáo lý - kinh thánh Giáo sử Giáo xứ Media góc học tập Góc khám phá Góc nghệ thuật Góc thư giãn Góp nhặt Hạt Giống Lời Chúa Hình ảnh cổ xưa Hình ảnh Giáo xứ Lộc Thủy học tiếng anh Hướng dẫn sử dụng webblog Kết nối websites Kiến thức phổ thông Kính Đức Mẹ Kinh thánh tiếng anh Lẽ sống Lịch sử các Dòng tu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam Lịch sử hình thành Giáo xứ Lộc Thủy Lòng Thương xót Chúa Lộc Thủy Lời Chúa qua bài hát Lời chúa theo chủ đề Mùa Vọng - Advent Năm thánh Lòng Thương Xót Nghe và suy gẫm Nghệ thuật Công Giáo Nghệ thuật sống Ơn gọi-tận hiến Phim công giáo Quỳnh lưu Radio Công Giáo Sách Công giáo sách tháng đức bà Sắc màu cuộc sống Sổ tay sinh hoạt suy gẫm Suy gẫm và Cầu nguyện Suy niệm Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mùa Phục Sinh Suy niệm Lời Chúa mùa TN A Suy niệm Lời Chúa năm A Suy niệm mùa chay Sức khỏe - ẩm thực Tài liệu Công Giáo tổng hợp Tài liệu dạy Giáo Lý Tài liệu Tuần Thánh Thánh ca Thánh ca cầu nguyện Thánh Ca Hoàng Diệp Thánh Mẫu học Thánh Mẫu La vang Thế giới Công Giáo Thơ - Truyện Công Giáo Thơ Công Giáo Thơ và cuộc sống Thủ thuật blog Thủ thuật facebook Thủ thuật google + Thư Viện Công Giáo Tiếng anh qua Lời Chúa Tiêu điểm Tìm hiểu phụng vụ Tin Công Giáo Tin Giáo xứ Tin tức Giáo xứ Lộc Thủy Tin Việt Nam và Thế Giới Tổ chức kỳ thi Giáo lý Tông huấn Giáo hội Công giáo Trang Trí Giáng Sinh Trắc nghiệm Giáo lý Trắc nghiệm Kinh Thánh Trắc nghiệm năm đức tin Truyện Công Giáo Truyện về Mẹ Tư liệu Giáo hội Công giáo việt nam Tư liệu Giáo phận Vinh Tư liệu Giáo xứ Lộc Thủy Từ vựng công giáo Anh-việt Tv Công giáo TVs và Radios khắp nơi Vấn đáp đức tin công giáo Videos Đặc Sắc Vietnamese English Prayers Vinh Quang Đức Maria Website Công Giáo bổ ích

Đền Cờn Trong Bối Cảnh Truyền Giáo Của Giáo Sĩ Đắc-Lộ [Alexandre de Rhodes]

Đền Cờn Trong Bối Cảnh Truyền Giáo Của Giáo Sĩ Đắc-Lộ [Alexandre de Rhodes]

Lm. Đan-Minh Trần Minh-Công, Thụy-Sĩ

Trên đời thường có những khám phá lớn đôi khi chỉ bắt đầu bằng một vài thắc mắc nhỏ. Để trả lời những câu hỏi có liên quan đến một vài điạ danh ở vùng ven biễn tỉnh Nghệ An, tôi đã đọc sách nghiên cứu và tìm hiểu tại chỗ để viết mấy giòng sau đây.

Đền cờn nghệ an, đền thờ tứ vị thánh nương ở nghệ an

Năm 1996 cuốn sách Lịch Sử Giáo Phận Vinh của linh mục Cao Vĩnh Phan ra đời, một số người đồng hương của tôi đã đọc với nhiều thích thú hân hoan.  Đó là những người xứ Thanh Dã, họ Cự Tân, họ Xuân An và họ Lộc Thủy sống gần làng Phương Cần, nơi có ngôi đền Bà chúa rất danh tiếng ở cửa Lạch Cờn. Nhưng trong đó có một vài thắc mắc họ muốn tìm hiểu ... bởi vì tác giả cuốn sách nói trên quả quyết đền Bà chúa ở Cửa Lò. Trong dịp tôi về thăm quê hương, một vài người cũng nêu lên vấn đề đó và hỏi ý kiến tôi. Lúc đó tôi không thể trả lời dứt khoát cho họ được! Tôi cảm thấy mình cũng có trách nhiệm phải làm sáng tỏ vấn đề, cho nên tôi đã hứa với họ là sẽ nghiên cứu và trả lời sau. Hôm nay tôi xin gởi đến những người đồng hương quen biết và tất cả độc giả xa gần bài viết sau đây.

Trước tiên, xin giới thiệu với quí vị độc giả đền Cờn như một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật và văn hóa dân tộc; sau đó là phần trả lời cho những câu hỏi đã được đặt ra. 

 

1.   Đền Cờn: Một di tích văn hóa lịch sử

 

Đền Cờn, cũng được dân địa phương gọi là Đền Càn, vì ngôi đền cổ kính nầy nằm cuối giòng Mai Giang bên cửa lạch Càn. Cửa lạch nầy là ranh giới thiên nhiên giữa hai vùng đất khác biệt: phía bắc núi non hiểm trở và phía nam là một đồi cát nhô cao và thỉnh thoảng chen vào một vài núi thấp trải dài cho đến lạch Quèn. Đồi cát nầy có chiều dài khoảng chừng vài chục cây số và chiều rộng khoảng ba hay bốn cây, cũng được gọi là Bãi Ngang, trên đó ngư dân bảy xã chia nhau ở. Nếu tính từ cửa Càn cho đến cửa Quèn thì có các xã: Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa và Quỳnh Tiến. Vùng Bãi Ngang nầy giống như một con đê thiên nhiên vĩ đại do nước thủy triều mang cát từ lòng biển Thái Bình Dương bồi đắp suốt hằng triệu triệu năm trước đây. Từ Vùng Bãi Ngang nầy cho đến chân núi dãy Trường Sơn là một vùng đồng bằng trù phú thuộc huyện Quỳnh Lưu.

Vào đầu thế kỷ 20 – năm 1925 – ông Trần Hiến Bạch quê quán Nam Định đã đầu tư thuê đắp một con đê dọc theo con sông Mơ (Mơ Giang) bò dưới chân đồi phía tây Vùng Bãi Ngang từ lạch Cờn cho tới lạch Quèn, chạy qua các xóm Công giáo Cồn Tro (Lộc Thủy), Đò Mơ (Hiền Môn), Tân Yên, Mành Sơn.  Con đê nầy là một bờ tường ngăn nước mặn để làm cho một vùng sác sú bao la biến thành cánh đồng ruộng bát ngát. Đến đời con của ông là Trần Thúy Doanh, nhân dân các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Xuân, Quỳnh Văn và Quỳnh Thạch được hưởng kết quả do con đê "Ông Trần" đem lại. Họ có thêm đất cày cấy và đời sống vật chất nói được là sung túc khá hơn, mặc dù phải nộp tô cho gia đình "Ông Trần", chủ nhân đã bỏ tiền ra khai khẩn đồn điền nầy. Thế nhưng – đáng tiếc thay – ông Trần Thúy Doanh đã phải chết vì đấu tố theo chính sách cải cách ruộng đất của nhà nước XHCN năm 1954! Sau khi tịch thu tài sản và đất đai của gia đình họ Trần nầy, năm 1956 nhà nước thành lập ở đó nông trường Trình Môn. Ngày nay nông trường nầy đã trở thành một làng ở giữa các họ đạo Công Giáo: Thanh Dã, Cự Tân, Hiền Môn, Xuân An và Lộc Thủy.

Xuân An (Đò Hủ) là họ đạo Công Giáo gần làng Càn về phía tây. Từ Lộc Thủy (họ Cồn Tro thuộc xã Quỳnh Bảng) đi về hướng bắc khoảng bảy cây số đường bộ đến tận cùng Bãi Ngang sẽ gặp lạch Càn. Đi qua cửa Càn về phía bắc là làng Trắp nép mình dưới chân núi Xước bên cạnh Núi Voi. Đó là một dãy núi đồi nối dài từ Trường Sơn ra tận bờ biển. Bên kia núi Xước là làng cùi Quỳnh Lập, nằm trong vùng rừng núi hiểm trở giáp với tỉnh Thanh Hóa. Nước nguồn từ dãy Trường Sơn tập trung về vùng rừng núi Văn Lâm rồi chảy qua Bến Nghé (xã Quỳnh Thắng), xuôi giòng xuống Hoàng Mai, đi qua làng Trắp và đổ vào lạch Càn, nơi đó cùng với nước sông Mơ lưu chuyển từ lạch Quèn tới để cùng nhau xuôi giòng ra biển.

Nếu đứng từ cửa Càn nhìn ra biển, người ta trông thấy phía bắc có Hòn Mê và phía nam có Hòn Ói. Đó là hai hòn núi nhún mình nhô lên giữa biển, cách đất liền không xa. Hòn Mê to hơn Hòn Ói. Hai ngọn núi nhỏ nầy là nơi lánh nạn lý tưởng cho dân chài lưới lúc gặp sóng gió phong ba.

Trong cuốn "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chú", tác giả Phan Huy Chú ghi nhận cửa Cờn là một trong năm cửa biển vùng Phủ Diễn Châu (tên gọi của đơn vị hành chánh thời xưa, ngày nay là huyện Đông Thành và huyện Quỳnh Lưu). Năm cửa biển đó là: Cờn Hải (cửa Cờn), Quyền Môn (cửa Quèn), Thai Môn (cửa Thơi), Bích Môn (cửa Bùng), Hiền Môn (cửa Lò) và cửa Hội Thống tức cửa Hội là miệng sông Lam chảy qua Bến Thủy, tỉnh Nghệ An.  Trong năm cửa biển này, cửa Cờn được sách sử nhắc tới và nhiều người biết tên nghe tiếng hơn cả; bởi vì không những tại cửa biển nầy có ngôi đền thờ "Bà chúa" rất danh tiếng, mà còn có nhiều biến cố lịch sử...

Thật vậy, trong các cuộc chiến chống quân xâm lăng, cửa Cờn là một tiền đồn chống hải quân của địch. Thế kỷ thứ 13 thời Nhà Trần, Thượng tướng Thái Sư Trần Quang Khải đã đánh nhau tại đây với quân Toa Đô, một đoàn quân Nguyên từ Chiêm Thành tiến đánh ra thủ đô Thăng Long. Cuối đời Nhà Trần (thế kỷ thứ 15), tướng Nguyễn Cảnh Di và Đặng Tất lập căn cứ quân sự ở vùng rừng núi Hoàng Mai để chống trả quân Nhà Minh xâm lược. Trong một trận kịch chiến ác liệt, quân Nhà Minh thất bại nặng nề và một số tướng tá bị Phạm Đình Trọng bắt sống. Trong suốt chiều dài của lịch sử đất nước, có nhiều trận đánh nhau diễn ra dưới chân núi Xước hoặc trên giòng Mai Giang, cho nên dân gian mới có câu hò:

"Quỳnh Lưu chiến địa

Mai Giang huyết hồng".

Cửa Cờn cũng là nơi dừng chân của các đạo quân Nhà Trần, rồi Nhà Lê, Chúa Trịnh  vượt biển đi đánh Chiêm Thành hoặc đi dẹp loạn quân phía nam đất nước. Tương truyền rằng: Năm Hồng Đức thứ ba (1471) vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành chiến thắng trở về. Khi đoàn thuyền của vua đi đến Cửa Biện (Bạng) thuộc hải phận Thanh Hóa, bổng gió Đông thổi mạnh, đành phải trở lại Cửa Cờn. Vua vào đền Cờn dâng lễ tạ thần Tứ Vị. Đêm đó vua nằm ngủ mơ thấy nữ thần than rằng: "Bất năng tế độ nhân, phản dị hoa nhân". Thức dậy vua cho đó là lời than thở của bậc trung nghĩa, bèn cho lập đàn tế lễ và ban hiệu "Tiết nghĩa – nhất nhũ nhị nương" (nghĩa là một bà mẹ có con và hai người con gái tiết nghĩa). Sách "Đại Nam nhất thống chí" có ghi: Nơi đoàn thuyền của vua bị gió Đông thổi ngược chiều nên phải quay trở lại, nay đổi tên là Đông Hồi, tức là Hồi Châu – Quỳnh Lập ngày nay. Chính vua Lê Thánh Tông đã để lại trong sách sử đền Cờn ba bài thơ bằng chữ Hán và một bài thơ Đường luật sau đây:

Mặc nô thạch lặc phiếm chu quy

Càn Hải sơn đầu tưởng đáo thi

Nhất thủy tự toàn thiên tạm hiểm

Quần phong thủy quái thạch bình nguy

Phong đào cửu Anh Tông mộng

Hương hỏa do lưu thánh nữ từ

Chiến hải bình man kim thịnh hội

Tưởng chi khởi đại Lạc Long quy.

 

Tạm dịch nghĩa là:

Ghi công vào đá, thuyền xuôi giòng

Mỗi khi tưởng nhớ núi Cờn Hải

Giòng nước chảy thành trì thiên nhiên

Ngọn núi xanh như treo bình phong đá

Sóng gió làm tỉnh mộng Anh Tông

Hương hỏa còn tại đền nữ thánh

Vượt biển bình man, nay thịnh vượng

Với Ta đợi gì rùa nhà Lạc Long?

 

Nhân sự tích nầy, Hãi Thượng Lãn Ông năm 1782 trên đường "thượng kinh" để chữa bệnh cho Trịnh Cán có ghé thăm đền Cờn đã để lại hai câu đối nầy:

Đại Tống cơ đồ thiên cổ hận

Nam Triều vũ trụ tứ thời xuân

       Tạm dịch là:

Cơ đồ nước Tống nghìn năm hận

Bờ cõi trời Nam bốn tiết xuân.

 

Đại văn hào Nguyễn Du cũng có đến đền Cờn tham quan. Cảm hứng cảnh đẹp gợi tình, thi nhân có để lại bài thơ với tựa đề "Giá Vọng Cần Hải Từ" sau đây:

Giá vọng Cờn Hải từ

Mang mang hải thủy tiếp thiên xư

Ân ước cô từ xuất tiểu chu

Cổ mộc hàn biên phù chữ mộ

Tình yên thanh dẫn hải môn thu

Hào thiên tướng tướng đan tâm tận

Phủ địa Quỳnh Nhai [1] khôi phục vô

Tiểu nhĩ Minh Phi [2] tường xuất tái

Tì bà bôi tửu khuyến thiền phu.

 

Phan Khắc Khoan và Lê Thước dịch:

 

Mặt nước mênh mông bể lẫn trời

Ngôi đền thấp thoáng bãi ngoài khơi

Bến Phú chiều về cây man mác

Cửa bể thu dần khói tả tơi

Khanh tướng uổng bao lòng tiết nghĩa

Quỳnh Nhai vùi khói thịt mồ côi

Nực cười cho ả Minh Phi nhé

Rượu chuốc đàn ngâm nịnh chúa Hời...

 

Đền Cờn được xây cất vào năm 1235, đời Nhà Trần để thờ Đức Thánh Mẫu và Tứ Vị Thánh Nương (Nữ thần bảo vệ phù hộ cho những người làm ăn sông nước). Đền Cờn đứng đầu bốn đền nổi tiếng nhất của miền Hoan Diễn từ xưa tới nay. Điều đó được quả quyết bằng câu ngạn ngữ sau đây: "Nhất Cờn nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng". Đền Cờn tọa lạc dưới chân đồi cao phía sau Lạch Càn, bên bờ sông Mai uốn khúc. Thắng cảnh thơ mộng và hùng vĩ của đền Cờn được diễn tả qua hai câu thơ:

 "Mênh mông nước biển mây trời,

Giòng sông soi bóng đền đài nguy nga".

Cửa Cờn là chỗ sông Mai tiếp nhận nước sông Mơ từ lạch Quèn chảy tới rồi cùng đi ra biển. Để diễn tả sự gặp gỡ giao duyên nầy, văn phú làng Phương Cần (Kẻ Càn) có câu:

Núi chầu qua, dù dương lớp lớp, nghìn non trở lại tiền đường,

Sông kéo đến khúc uốn quanh co, muôn nước thu về một nẻo.

Đối diện với đền, bên kia Mai Giang, về phía tây là dãy Núi Voi như bức tường thành thiên nhiên hùng vĩ. Ngọn núi Xước nhấp nhô phía bắc như con rồng to đang uốn mình trước khi nhào xuống biển. Phía sau đền có hai đồi cát nhô cao giăng dài như hai cánh phượng hoàng muốn cản ngăn sóng biển gió Đông. Theo các sách địa lý – phong thổ thì đền Cờn được xây theo thế đầu chim phượng. Hai "mắt phượng hoàng" là giếng Đò và giếng Đình trên hai ngọn đồi phía sau đền.

Đền Cờn từ lúc khai sinh cho đến hôm nay cũng có một chiều dài lịch sử của nó. Từ một cái miếu nhỏ thờ khúc gỗ thần, cũng được gọi là "Bà chúa" cho đến một ngôi đền thờ Tứ Vị đã có biết bao nhiêu diễn tiến đổi thay. Sự hiện hữu của cái miếu nhỏ đầu tiên được thêu dệt bằng câu chuyện huyền thoại có tính cách hoang đường sau đây:

Một nàng công chúa bên Tàu, vì thất tình hay vì nổi oan ức gì đó, đã nhảy xuống biển tự tử. Nhưng trời phật có mắt và công minh đã cho nàng biến thành khúc gỗ trôi dạt vào Lạch Cờn. Dân làng Kẻ Càn trông thấy khúc gỗ, nhưng coi thường, trẻ em dùng làm phao để bơi lội chơi đùa trên sông. Sau một thời gian, khúc gỗ ấy theo nước thủy triều trôi ra biển, rồi bềnh bồng trôi dạt đến vùng biển núi Qui Lĩnh (Hòn Ói) thuộc hải phận của làng Phú Đa (Phú Lương). Có người đưa khúc gỗ về nhà để bửa ra làm củi. Khi lát dao đầu tiên chạm vào khúc gỗ, người đó hết hồn vì thấy máu từ khúc gỗ chảy ra. Tin đồn về sự lạ loan đi khắp làng. Dân Phú Đa quyết định lập miếu thờ. Từ đó dân làng làm ăn phát đạt, cá mú được nhiều, bình an giàu có. Dân làng Kẻ Càn nghe biết chuyện đó mới hối tiếc, bèn lập kế lấy lại khúc gỗ thần. Một đêm nọ dân làng Kẻ Càn chia làm hai nhóm, đường thủy và đường bộ cùng xuống Phú Đa đánh cướp gỗ thần để đưa về thờ. Khi cướp được khúc gỗ đưa về tới Cửa Ngâm thì dân Phú đa đuổi kịp. Hai bên tranh cãi dành nhau khúc gỗ. Dân phú Đa thắng cuộc. Họ đem khúc gỗ về miếu để thờ. Dùng bạo lực bất thành, dân Kẻ Càn phải dựa vào luật pháp quyền vua. Họ làm đơn khiếu nại lên triều đình. Vua Trần Nhân Tông sai quan đại thần đến tận nơi xét xử. Sau khi quan lớn nghe đôi bên biện bạch, Ngài phán: "Mỗi làng một hương, đốt thấy  khác thường thì cho thắng kiện". Làng Kẻ Càn hương hóa nên thắng kiện. Họ bèn lập miếu thờ "Bà chúa" tại Cồn Quạ, vì thế dân địa phương cũng thường gọi là Đền Quạ; sau nầy đổi là Cần Miếu, tức là Đền Cờn ngày nay. Câu chuyện thần thoại là như vậy.

Từ đó tới nay cứ mỗi năm cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng vào dịp Tết Nguyên Đán dân làng Phương Cần tổ chức Hội Đền Cờn để diễn lại sự tích gỗ thần thuở xưa. Dân làng gọi đó là "Trò lề phát tích". Từ ngày mồng một Tết Âm lịch, lễ hội mở màn bằng những thuyền du xuân được trang trí bằng hoa, cờ lộng lẫy. Tiếng chiêng tiếng trống âm vang cả một vùng trời. Hội chính thức được tổ chức vào ngày 21 tháng Giêng, bằng một trận thủy chiến giả có quân xanh, quân đỏ giao chiến trên một dãi đồi núi hiểm trở kéo dài 10 cây số từ làng Phú Đa đến làng Phương Cần. Những chàng trai khỏe mạnh đóng khố chít khăn thủ rìu búa, giáo mác khác nhau để phân biệt người của giáp nào. Khi lâm trận phải mang "vũ khí" là đòn khiêng, dây, chạc, gậy gộc. Trận giả nầy cứ ba năm được tổ chức một lần và gắn liền với truyền thuyết dựng đền lập miếu. Tại hội đền, các trò chơi như múa sềnh tiền, du tiên, đấu vật, đánh cờ người, đốt pháo bông, đua thuyền rồng, hát tuồng, diễn kịch, hát chèo... diễn ra sôi nổi hào hứng thu hút nhiều khán giả và diễn viên tham gia. Người dân địa phương tin rằng năm nào giáp tam (đội 3) thắng trong trò chơi đánh trận giả – cũng được gọi là chạy Ói – thì năm đó biển lặng sóng yên thuyền chài đánh được nhiều cá, đời sống no đủ an hòa. Sau nghi lễ và các trò chơi là lễ cúng tế thể hiện niềm tin dân gian như lễ cầu lộc, tạ ơn, cầu phồn thực ... Để diễn lại sự tích khúc gỗ thần còn có lễ rước thuyền du xuân: Sáng mồng một Tết, hai Thuyền Ngự, trên đó đặt kiệu sơn son thép vàng cũng được gọi là Nhà Vàng và bài vị vua Đế Bính cùng các thần. Chung quanh hai Thuyền Ngự có bốn thuyền chèo hộ tống đi du xuân. Từ cửa đền Cờn Thuyền Du Xuân đi đến Cồn Mò Cua rồi xuôi ra cửa lạch chèo về phía hòn Ói. Đoàn thuyền dừng lại một chốc lát ở các chỗ theo tương truyền khúc gỗ thần đã dạt vào đó, rồi chèo tiếp cho đến khi đến gần hòn núi Ói thì chèo quay trở lại và về đền. Ngoài ra còn có các nghi thức lễ khác như lễ tế trâu, tế trầu, tế bánh được cử hành trong các ngày kế tiếp sau đó.

Đền Cờn cũng nổi tiếng là nơi thờ Tứ Vị thần rất linh thiêng. Bốn Vị thần được thờ kính tại Đền Cờn được biết qua nhiều chuyện truyền khẩu trong dân gian và đặc biệt là trong cuốn "Đại Càn Thánh Mẫu ngọc phả" hiện còn lưu trử tại đền thờ Tứ Vị ở làng Quần Phương (Nam Định). Sách viết rằng: ..."Mẫu (Dương Thái Hậu vợ vua Tống Đoan Tông) nghe tin vua mất, kêu trời nói: "Ta vất vả tới đây là vì một chút dòng máu họ Triệu. Đến nay thì không mong gì nữa"! Nói xong bà ngất đi. Thế Kiệt bèn rước Mẫu và ba vị công chúa định chạy về Quảng Đông. Nhưng gặp gió bão. Thế Kiệt chết đuối. Lúc bấy giờ mênh mông mặt nước, chìm nổi hãi hùng. Bổng thấy có rồng hộ giá. Mẫu và ba vị công chúa trôi dạt tới biển Cờn Hải thì may mắn gặp được một vị sư già chùa Qui Sơn cứu sống rồi cho ở nhờ tại đó. Khi hay biết được nguồn gốc lại càng cung kính mến yêu. Nhưng Mẫu thì nghĩ sự đã qua, buồn bắc khuyết xa xôi mù mịt, sống nhờ nơi đất khách, tưởng Tây Thiên gần gủi đâu đây. Núi nầy ở giữa biển, trong vùng hải đảo ít người qua lại. Vị sư già trụ trì ở đây đã lâu. Dù ngọc bích không có vết xước ở chốn cảnh thiền, song con mắt tục vẫn ngờ vực. Bấy giờ có vài sư loại xoàng vẫn lấy sự thường bàn tán. Sư già không biện bạch được, bèn thầm nguyện chốn phật tiền, buồn sầu và hối hận rồi nhảy xuống biển để nêu rõ chí hướng. Mẫu nói với ba vị công chúa rằng: "Thù nước không trả được. Dòng dõi không thể kéo dài. Ta nhờ vào người để sống mà lại buộc người vào cõi chết, thì tiếc gì chút sống thừa". Rồi cùng nhau nhảy xuống biển mà chết. Xác trôi lại cửa Cờn Hải. Bấy giờ là ngày mồng 7 tháng Giêng. Sau khi mất, thượng đế phong cho Mẫu là "Nam Hải Phúc Thần" cai quản mười hai cửa biển. Ba vị công chúa cũng được thờ phụ cùng với Mẫu. Từ đó thiêng liêng lừng lẫy. Các nơi ven biển đều lập miếu thờ. Phàm các hành nhân dù phương nam hay phương bắc đều tới cầu đảo và thấy có ứng nghiệm rõ rệt".

Tương truyền rằng: Niên hiệu Hùng Long thứ 20 (1312), đời vua Trần Anh Tông, khi vua đi đánh Chiêm Thành, dừng chân ở cửa Cần Hải. Đêm mơ thấy một vị Nữ Thần xưng là người nước Triệu Tống, có bốn mẹ con. Do khốn đốn vì sóng gió, nên trôi dạt đến đây được thượng đế phong làm hải thần đã lâu rồi, xin cho đi phò giúp việc quân. Tỉnh giấc, nhà vua cho đặt tế lễ rồi cất quân. Thuyền vua đi, sóng yên biển lặng. Chiến thắng trở về. Vua truy phong là "Quốc Mẫu Vương Bà Tứ Vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần" và lập đền thờ tháng năm phụng sự [3]. Vua còn ra sắc cho cư dân ven biển lập đền thờ tự. Nhân dân đội ơn phúc huệ. Cửa Cờn ở Nghệ An, cửa Tương ở Quảng Nam, cửa Triều ở Thanh Hóa, cửa Lác ở Nam Định cũng rát linh thiêng..."

Trong dân gian còn có nhiều chuyện truyền khẩu khác nói về bốn vị thần được thờ  kính tại đền Cờn: Vào năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279) bên Trung Hoa, quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống thất bại nặng nề. Tướng Trương Thế Kiệt, trung thần Nhà Tống, đem Đế Bính cùng quan quân chạy trốn ra biển. Nhưng chẳng may thuyền gặp bão táp phong ba, Trương Thế Kiệt, Đế Bính cùng quan quân chết đuối hết! Chỉ còn hoàng hậu, hai công chúa và một cung phi bíu được cột buồm trôi dạt vào Cửa Cờn.  Một nhà sư trụ trì ngôi chùa gần đó trông thấy liền sai chú tiểu vớt lên cứu sống rồi đem về chùa cho ở đó và nuôi cho ăn tử tế. Một thời gian sau hoàng hậu và ba cung nương khỏe mạnh béo tốt da thịt hồng hào nhan sắc quyến dũ. Dù tu trì đã lâu, nhà sư cũng khó cầm hãm tình dục muốn cùng hoàng hậu tư thông. Nhưng hoàng hậu quyết liệt cự tuyệt. Nhà sư xấu hổ hối hận bèn nhảy xuống sông tự tử. Sự việc xảy ra như thế, hoàng hậu đau khổ vô cùng, nàng than thở với các con: "Chúng ta nhờ sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết sao nở an tâm!" Nói xong hoàng hậu nhảy xuống biển tự vẫn. Mất mẹ, các công chúa buồn rầu  than khóc cảm thấy nỗi cô đơn nơi đất khách quê người bèn cùng nhau nhảy xuống biển chết theo mẹ. Bốn xác chết sau đó nổi lên trôi vào trước đền Cờn thơm mùi lan quế. Dân làng vớt lên an táng và lập miếu thờ.

Cũng với nội dung của câu chuyện truyền khẩu trên đây, cuốn sách "Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Ngọc Phả Lục" cho biết tên hoàng hậu, hai công chúa và bà cung phi. Đó là Hồng Đại Nương (Hoàng hậu), Hồng Mai, Hồng Hạnh (công chúa) và Hồng Thị (cung nữ). Sách nầy nói không phải nhà sư muốn tư thông ân ái với bà hoàng hậu, nhưng vì sự hiểu lầm nghi oan của người đời, cho nên sư  quyết định tự tử. Sách viết: "... Sư bảo chú tiểu ra cứu sống rồi cho ở phòng riêng, cấm mọi người không được vào. Như thế đã được năm rưỡi. Mẹ con thường nấu cháo cho nhà chùa. Một hôm sư tụng niệm đến khuya, không thấy đem cháo lên, bèn vào phòng riêng hỏi, nên bị tai tiếng oan. Sư hối hận bỏ đi. Mẹ con ân hận bèn nhảy xuống biển tự vẫn..."

Trong khi đó, Thần Phả đền Tứ Vị ở xã Đại Trạch (Bắc Ninh), tên đề là "Tứ Thánh Miếu sự tích" chép rằng: "Sau khi ba mẹ con bị nạn trôi dạt vào Cửa Cờn, được vị sư già cứu sống. Ở chùa có chú tiểu thấy hoàng hậu đẹp dở trò quá trớn. Hoàng hậu xấu hổ nhảy xuống biển tự tử. Hai con thấy mẹ chết cũng nhảy xuống biển chết theo. Nhà sư cho là lỗi tại mình không răn dạy chú tiểu, bèn tự vẫn..."

Không biết những chuyện ấy có thật hay không, nhưng năm 1312 vua Trần Anh Tông, hiệu Hưng Long thứ 20 truyền cho Hữu Ty là đại thần triều đình trùng tu lại Cần Miếu để thờ Tứ Vị và đồng thời ban sắc chỉ hằng năm tổ chức quốc lễ tại đền nầy. Vua còn ban cho đền Cờn cái vinh dự là "Quốc Gia Nam Hải Đại Càn, Thánh Nương Tứ Vị thượng đẳng tối linh Thần".

Theo tư liệu để lại, sau khi vua Trần Anh Tông ra lệnh kiến thiết lại đền Cờn, thì ngôi đền gồm có ba gian, bốn vì lợp ngói, cửa ra vào thượng song ba bản. Đền lúc bấy giờ chỉ có một tòa gọi là Thượng Điện, trong đó đặt bài vị các "Thánh".

Năm Hồng Đức thứ hai (1471), vua Lê Thánh Tông truyền xây thêm Tòa trong và Hạ Điện của đền chính, tức Thượng Điện. Tòa Trung Điện nằm dọc, có ba gian và bốn vì, bốn hàng cột. Tòa Hạ Điện nằm ngang có ba gian, bốn vì, hai bên thưng ván tốt. Hai tòa nầy gắn liền với tòa Thượng Điện phía trước làm thành hình chữ công. Đức vua cũng xuất tiền cho xây Đền Ngoài trên núi Hùng Vương (người địa phương gọi là Núi Thằn Lằn). Đền Ngoài nầy gồm có ba tòa nhưng qui mô nhỏ và đơn giản hơn đền chính. Tương truyền rằng: Trong một chuyến thăm viếng đền Cờn lúc đi đánh giặc Chiêm Thành về, vua thấy các Vị thần nam nữ được thờ chung trong một đền, bèn nói: "Nam nữ bất đồng cung", rồi Ngài ra lệnh làm một đền khác trên núi Hùng Vương, bên bờ biển, để thờ Đế Bính và các trung thần.

Đến đời vua Lê Thánh Tông, gỗ thần được dùng tạc thành tượng các thần thờ ở Thượng Điện. Trung Điện là nơi đặr bài vị thần Tứ Vị. Còn Hạ Điện là nơi đặt bài vị của các trung thần.

Dưới thời vua Cảnh Trị (Lê Huyền Tông), các tòa thượng, trung và hạ được trùng tu sửa chữa lại và thêm Tòa Ca Vũ là nơi để tế lễ hát xướng tụng kinh. Sau đó Tòa Ca Vũ nầy lại được trùng tu và hoàn chỉnh dưới thời Cảnh Hưng thứ ba mươi, tức vua Lê Hiển Tông (1769). Vua truyền phải sửa lại Tòa Ca Vũ theo lối kiến trúc tứ trụ, tứ linh. Lòng nhà dài 15,15 thước, rộng 7,5 thước, có 6 vì và mỗi vì có 4 cột bằng gỗ lim. Tường xây gạch và lợp ngói mũi hài, rui đóng liền nhau. Bốn khóa ngang chạm trổ các hình lưỡng long chầu nguyệt, cửu long tranh châu, long li quy phượng và hổ phù với rồng ngậm ngọc.

Nhiều bộ phận khác cũng được trang trí, chạm trổ một cách tinh vi mỹ thuật. Đầu các cột chính của ba gian giữa có chạm lưỡng long chầu nguyệt, phượng múa rồng chầu và cá chép hóa rồng. Các đuôi xà kèo ngoài hiên có chạm các hình long mã phù đồ, phượng hàm thư đang múa, rồng cuốn thủy có cá chép đang ngoi lên, long quy và lưỡng long đang vườn đuổi nhau trông rất ngoạn mục. Ngoài vườn có hoa, cây cảnh, hồ sen tuyệt đẹp...

Đời vua Gia Long thứ sáu (1807), vua ban chiếu chỉ đựng Tòa Nghi Môn và trùng tu nhiều phân bộ của đền. Vua Tự Đức (1848-1883) cho xây lại hoàn chỉnh Đền Ngoài và canh tân sửa lại những nơi hư hỏng của đền chính.

Về những sinh hoạt tổ chức tế tự trong đền cũng có nhiều thay đổi theo luật tiến hóa của thời gian hoặc vì thời thế bắt buộc. Từ những nghi lễ đơn sơ đến những Lễ Hội tưng bừng như ngày nay. Ban đầu khúc gỗ thần chỉ được bọc trong tấm vải lụa quí và hằng năm được thay vải lụa mới đặt nơi cao trọng nhất để dân kính viếng. Vải lụa cũ đã dùng bọc gỗ thần được cắt nhỏ chia cho các thiện nam tín nữ dùng như bùa chú hộ mệnh... Khi đền đã được nới rộng tân trang thành ba tòa nhà (Hạ Điện, Trung Điện và Thượng Điện) thì gỗ thần được dùng tạc tượng các thần thờ trong Thượng Điện, nơi đó không ai được phép vào, chỉ có thượng sư trong chức vụ cúng tế trong đền được vào mà thôi. Và từ đó thiện nam tín nữ đến kính viếng khấn xin chỉ có phép ở Tòa Ca Vũ thắp nhang khấn vái khẩn cầu mà thôi. Theo như những cụ lớn tuổi làng Cờn kể lại thì vị sư đặc trách việc cúng tế được vào Thượng Điện là vị trưởng thượng có uy tín, đức độ, được mọi người vị nể kính trọng. Ngoài lộc phật ra, cụ còn được dân làng cấp bổng. Vị sư trưởng thượng nầy có trách nhiệm chu toàn việc tế tự một cách xứng đáng. Ngài phải thành tâm và kín đáo, những gì xảy ra hoặc nghe thấy trong đền, tuyệt đối không được tiết lộ ra ngoài, dù chết cũng phải mang theo. Câu chuyện có thật sau đây cho thấy qui luật chặt chẽ, nghiêm minh và cẩn trọng của đền:

Năm 1932 thượng thư Đào Tấn, khâm sai đại thần triều đình Huế, đi kinh lý Bắc Kỳ và ghé thăm đền Cờn. Sau khi đã tham quan ngắm cảnh trong ngoài, quan đại thần tỏ ý muốn vào xem thượng điện cho biết. Các vị bô lão quan viên trong làng Cờn lạy lục van xin quan lớn đừng bắt họ mở cửa Thượng Điện, bởi vì đã có qui định từ xưa như thế, nếu vì quan lớn mà xúc phạm đến thần thiêng sợ rằng tai họa sẽ giáng xuống dân làng thì khốn khổ! Quan thượng thư cười và nói: "Nếu có cộng sản nấp trong đó thì sao?". (Ở đây xin mở một dấu ngoặc: Vào những năm 1930-1932 phong trào chống thực dân phong kiến nổi lên rất mạnh ở vùng Hà Tĩnh – Nghệ An, cho nên thực dân Pháp và Triều Đình thẳng tay đàn áp những người cộng sản, vì thế quan lớn mới nói như vậy). Câu nói đó làm các cụ trưởng thượng và vị sư chủ trì đền Cờn run sợ van lạy như tế sao, thấy vậy quan lớn đành phải bỏ ý định không bắt mở cửa Thượng Điện nữa.

Hệ thống tổ chức cũng như truyền thống quản trị, tế tự, lễ hội ở đền Cờn kéo dài đến cuối thời Pháp thuộc. Trong những năm thực dân Pháp đô hộ, nói được là không có những thay đổi đáng kể về kiến trúc và việc điều hành cũng như các sinh hoạt của đền. Nhưng từ ngày Đảng Cộng Sản nắm chính quyền, đền Cờn cũng như các đền Chùa khác trên quê hương đất nước bắt đầu một trang sử đen tối tang thương. Các cơ sở vật chất của đền không được bảo trì sửa chữa. Các hội lễ không được phép tổ chức. Các sinh hoạt trong đền cũng bị hạn chế tối đa, nếu không nói là bị cấm đoán. Nhà nước XHCH chủ trương bài trừ "mê tín dị đoan". Cảnh tấp nập hương khói trong các ngày lễ không còn! Đền Cờn ở trong tình trạng hấp hối. Tháng 9 năm 1966 máy bay Mỹ dội bom phá hủy hoàn toàn ba tòa nhà chính, và nhiều đồ vật có giá trị văn hóa lịch sử của đền trở thành tro bụi! Chỉ còn lại Tòa Ca Vũ và Nghinh Môn xiêu vẹo rạn nứt. Đền Cờn bị thương nặng vì một chính sách sai lầm và sự tàn ác phi lý của chiến tranh!

Năm 1995 tôi về thăm quê hương xứ sở thân yêu của tôi sau 40 năm xa cách. Tôi đã đến viếng thăm đền Cờn, vì không xa Cự-Tân quê hương của tôi bao nhiêu. Trong lần thăm viếng đó, tôi đã có dịp xem tận mắt và nghe tận tai những câu chuyện liên can đến đền Cờn. Ông NVT nói với tôi: "Suốt mấy trăm năm sinh hoạt đền Cờn sầm uất, lễ lạy hương khói không lúc nào ngơi. Cách mạng tháng tám thành công. Việt Nam dân chủ cộng hòa được thiết lập trên Miền Bắc. Nhà nước chủ trương tiêu diệt tôn giáo bài trừ dị đoan. Cho nên việc tổ chức lễ hội, quyên góp rất khó khăn ... dần dần khói hương phai nhạt, lễ ý mất dần. Mọi tổ chức sinh hoạt của đền không còn. Ban bảo vệ đền bị dẹp...

Trong những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ, đền bị trúng bom. Thượng Điện, Trung Điện bị phá hủy, Bái Đường (Tòa Ca Vũ) bị trốc ngói xiêu vẹo. Tượng thần, hoành phi câu đối, đồ thờ tự ... đổ vỡ ngổn ngang cùng với đống gạch vụn mà chẳng ai để ý! Mấy cụ tiếc xót của thiêng thu nhặt gom lại xếp đống. Nhưng nhà cữa tan hoang, mưa nắng dãi dầu, người qua lại ai ưng chi thì tự tiện tháo gỡ đem đi...[4] những gì còn lại thì mục nát vì mưa nắng hoặc bị mối mọt ăn!

Năm 1975 đất nước hoàn toàn được "giải phóng". Nhưng mối liên hệ Việt Nam – Trung Quốc càng ngày càng trở nên tồi tệ. Tháng 2 năm 79 chiến tranh biên giới Việt – Trung bùng nổ. Cả nước sôi sục đứng lên cầm vũ khí quyết chí bảo vệ đất nước. Ở Quỳnh Lưu tất cả lực lượng dân quân tự vệ được động viên luyện tập tác chiến để đương đầu với địch. Cửa Cờn lại một lần nữa trở thành địa điểm chiến lược. Nhân dân Vùng Bãi Ngang được lệnh phải đào hầm, xây lô cốt để đề phòng giặc đổ bộ qua đường biển lạch Cờn và lạch Quèn. Các đình chùa đền miếu ở các địa phương được phép đập phá để lấy vật liệu xây lô cốt, xây ụ chống xe tăng. Ở đền Cờn, sau khi được lệnh của chính quyền, dân quân xã kéo đến khuân vác gạch đá do bom Mỹ dọn sẵn. Vị chỉ huy tuyên bố: "Thần là người Phương Bắc; thần có linh thiêng thì hãy về Bắc mà hưởng khói hương và lễ vật. Dân Nam chúng tôi không có nghĩa vụ với các Ngài!"

Sau một loạt liên thanh bắn lên trời tiễn biệt thần linh, dân quân địa phương bắt đầu tháo gỡ Thượng Điện, Trung Điện đã bị bom dội nát, ngay cả gạch ở chân tường cũng được đào lên mang đi xây lô cốt. Cũng may là Tòa Ca Vũ không bị đập phá. Nhìn thấy quang cảnh đổ nát tang thương mà thật tiếc xót! Thứ chi dùng được thì chuyển đi hoặc xếp đống. Tượng gỗ, đồ tế khí, cờ, lọng, chân đèn... ai ưng chi thì cứ tự tiện lấy. Những gì còn lại thấy không dùng được thì châm lửa đốt. Mấy pho tượng bằng đá, ngựa đá, hổ đá, bia đá... vở nát lăn lóc ngổn ngang. Thật tiếc cho công trình kiến trúc độc đáo và các tác phẩm điêu khắc mỹ thuật đã trải qua mấy trăm năm lịch sử nay bị hủy hoại một cách tàn nhẫn!

Đến năm 1990 nhà nước XHCH chủ trương bảo vệ và bảo tồn văn hóa, các di tích lịch sử và cho phép tái thiết chùa chiền. Tháng 9 năm 1993 đền Cờn được nhà nước công nhận và cấp bằng di tích văn hóa lịch sử, đồng thời cho phép trùng tu đền và tổ chức cúng bái hương nguyện. Dưới sự chỉ đạo và giúp đỡ của chính quyền địa phương. Ban lễ nghi và bảo vệ đền được tái sinh. Xã Quỳnh Phương lấy ngân quĩ phúc lợi cho sửa sang tu bổ lại Tòa Ca Vũ (Nhà Bái Đường). Sau đó nhờ lòng hảo tâm của các thiện nam tín nữ và khách hành hương tham quan mà có tiền mua sắm các đồ cần thiết khác như y phục, đồ tế khí, chân đèn, hương nến v.v. Các pho tượng phật, tượng đá, đồ tế khí ... đã bị thất lạc hoặc người khác lấy đi được các cụ tìm kiếm đưa về sửa lại để dùng trong đền. Mới đây Nghinh Môn cũng được sửa lại, nhưng xem ra chất liệu và cung cách không giống như nguyên thủy của nó. Hình giáng cu,õ nhưng với xà cột bê tông cốt sắt! Mấy năm nay mặc dù cảnh đền chưa được như ngày xưa, nhưng ngày đêm khói hương không ngơi và cũng đã có nhiều người đến tham quan khấn vái".

Việt kiều nước ngoài từ ngày đất nước "đổi mới" cũng được về tham quan thăm viếng. Chính sách mở cửa khai thác du lịch của nhà nước, không những được việt kiều nồng nhiệt hưởng ứng, mà người nước ngoài cũng hồ hởi tham gia. Đền chùa và các thắng cảnh là những nơi thu hút khách du lịch. Từ mười năm nay số du khách đến tham quan đền Cờn càng ngày càng đông. Đền Cờn tọa lạc trên một mảnh đất bị bao vây bởi sông biển và đồng lầy: phía đông là Thái Bình Dương, phía tây là con sông Mơ ngăn cách, phía bắc là cửa khẩu của sông Mai. Từ trước đến nay, muốn thăm viếng đền Cờn người ta phải dùng thuyền hoặc đi bộ lội sông. Để đáp ứng nhu cầu du lịch và mở mang kinh tế, mới đây ngày 23.3.96 chính quyền đã khởi công xây cầu Cờn bắc qua Mai Giang dài 200 thước và làm một con đường tráng nhựa nối liền với quốc lộ số 1. Ngày 26.4.99 trục lộ giao thông nầy đã được long trọng khánh thành. Nhờ có con đường nầy chắc chắn khách hành hương và du lịch sẽ tăng lên. Hy vọng một ngày gần đây với số tiền thu được từ khách tham quan và "tiền bồi thường" của Mỹ (tại sao không?) đền Cờn sẽ được xây dựng lại đúng với kiến trúc nguyên thủy của nó ngõ hầu xứng đáng là một di tích lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

2.   Giáo sĩ Đắc Lộ có vào cửa Cờn không?

 

Phần thứ hai của bài khảo luận nầy là một cố gắng tìm hiểu xem giáo sĩ Alexandre de Rhodes có đến cửa Cờn và vùng Quỳnh Lưu hay không? Để trả lời câu hỏi nầy, trước hết thiết tưởng cần phải giới thiệu cho độc giả về thân thế và sự nghiệp của nhà truyền giáo hăng say và tài ba nầy.

Alexandre de Rhodes sinh ngày 15.3.1591 tại Avignon miền nam nước Pháp [5]. Gia tộc của Người nguồn gốc Tây Ban Nha. Không biết ai đã đặt cho Người cái tên tiếng việt là Đắc Lộ. Năm 1612 chàng trai Đắc Lộ gia nhập Hội Dòng Tên tại Rôma và thụ phong linh mục năm 1618. Lý tưởng của Người từ hồi còn bé là đi truyền giáo cho lương dân. Ước nguyện đi rao giảng Tin Mừng cứu rỗi các linh hồn để làm vinh danh Chúa Kitô được Bề Trên của Người ban phép. Ngày 4.4.1619 Người bắt đầu lên đường vượt biển sang thành Goa nước Ấn Độ để từ đó lấy tàu qua Macao. Tại đây Người học tiếng Nhật để chuẩn bị sang đó giảng đạo. Nhưng dự định ấy bất thành, vì đang có cuộc bắt đạo dữ dội tại Nhật. Theo lời yêu cầu của Đức Ông Ferdinand de Costa, người Bồ Đào Nha, và sự hướng dẫn của thừa sai Bazumi, người Ý Đại Lợi, là hai người đã đến Đàng Trong truyền giáo, Bề Trên đã chỉ định thừa sai Đắc Lộ sang Việt Nam truyền giáo. Cuối tháng 12 năm 1624 Người xuống tàu đi vào Đàng Trong. Sau hai năm làm việc truyền giáo ở vùng Quảng Nam. Trong lúc đó cha Baldinotti (người Ý) đang truyền giáo ở Đàng Ngoài. Vị truyền giáo nầy thấy cánh đồng truyền giáo mênh mông và đầy hứa hẹn mà chính Người lại không có khả năng vì không biết tiếng địa phương, cho nên đã viết thư xin Bề Trên Dòng Tên ở Macao gởi người biết tiếng Việt đến Đàng Ngoài truyền giáo. Giáo sĩ Đắc Lộ được đề cử vì Người hiểu và nói thạo tiếng Việt. Trong cuốn "Hành Trình và truyền giáo", Người viết: "Lòng nhân lành vô tận của Chúa đã muốn trao phó nhiệm vụ nầy cho tôi, bởi vì ở Đàng Trong lúc nầy không cần đến tôi. Và ngôn ngữ tôi đã học được chính là cớ để Bề Trên đưa mắt tới tôi, phái tôi đi truyền giáo ở Đàng Ngoài. Trọng trách nầy, đối với tôi, là một vinh dự lớn, nên tôi liền sửa soạn trẩy đi. Nhưng trong việc nầy có một nguy hiểm phải tránh. Đó là nếu tôi bỏ Đàng Trong mà ra thẳng Đàng Ngoài, vì hai nước đang có chiến tranh với nhau, chúa Đàng Ngoài sẽ nghi cho tôi từ đất thù địch mà tới. Vì thế tôi đành phải trở về Macao. Để tránh cho người Đàng Ngoài khỏi nghi ngờ, tôi đã bỏ Đàng Trong vào tháng 7 năm 1626, để nhiều cha can đảm ở lại nơi tôi sẽ trở lại mười bốn năm sau" (tr. 61). Cũng trong cuốn "Hồi Ký" đó, ở trang 69 giáo sĩ Đắc Lộ viết: "Thế là ngày 12 tháng 3 năm 1627, tôi rời Macao và sau tám ngày trên biển với một cơn bão lớn tưởng nguy tới tính mạng, chúng tôi may mắn cập bến cửa Bạng ở tỉnh Thanh Hóa, ngày 19 tháng 3, lễ thánh Giuse, Đấng tôi nhận là quan thầy trong công trình lớn lao nầy. Chúng tôi liền đặt chân lên cửa biển nầy và từ đó gọi là cửa Thánh Giuse".

Tại cửa Bạng, giáo sĩ Đắc Lộ đã may mắn được gặp chúa Trịnh đang trên đường đem quân vào đánh chúa Nguyễn ở miền nam. Đó là một sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa để giáo sĩ Đắc Lộ làm quen với Nhà Chúa và được phép giảng đạo công khai và thu hoạch được nhiều kết quả. Giáo sĩ viết: "Khi chúng tôi tới kinh đô Đàng Ngoài tên là Kẻ Chợ, một kinh thành rất lớn và rất đẹp, phố phường rộng rãi, dân cư đông đúc, lũy thành dài tới hơn sáu dặm, tức thì chúa dựng cho chúng tôi một nhà ở và một nhà thờ xinh đẹp. Thế là tiếng đồn đi khắp nước và người ta tuốn đến rất đông, đến nỗi tôi phải giảng mỗi ngày ít ra bốn lần và nhiều khi sáu lần.

Nhìn thấy kết quả, tôi khó lòng tin cho nổi. Một bà em gái của chúa và mười người họ hàng gần đã được rửa tội; có mấy tướng lãnh nổi tiếng cũng xin theo đạo và nhiều binh sĩ nữa. Năm thứ nhất, số người chịu phép rửa tội là 1200 người, năm sau 2000 và năm thứ ba 3500 người. Không gì làm tôi bỡ ngỡ nữa, tôi thấy dễ dàng chinh phục các vị sư sãi. Tôi đã rửa tội hai trăm, những người này rất đắc lực giúp tôi chinh phục kẻ khác. Một trong số nầy đã dẫn đến tôi 500 người xưa kia dạy điều dối trá, nay họ giảng chân lý đức tin, và từ đó chính họ là những thầy giảng nhiệt thành nhất của chúng tôi" (tr. 72-73).

Sau chừng một năm rưỡi hoạt động truyền giáo với nhiều kết quả tốt đẹp, các giáo sĩ Dòng Tên bắt đầu gặp những khó khăn về phía chính quyền. Nguyên do như giáo sĩ kể trong cuốn Hành Trình và Truyền giáo là vấn đề đa thê và ganh tị của những người mất quyền lợi. Đạo Công Giáo dạy chỉ được phép có một vợ một chồng sống chung thủy với nhau suốt đời; trong khi phong tục thời đó chủ trương đa thê, một chồng nhiều vợ, nhất là các quan lớn và vua chúa muốn lấy bao nhiêu vợ cũng được. Những người vì sợ mất vợ hoặc đã mất chồng, nhất là trong giới quan lại nhà nước, bêu xấu vu oan và xúi dục nhà chúa cấm các thừa sai giảng đạo và cuối cùng là phải trục xuất các Ngài. Ngoài ra, có lẽ cũng có những lý do uẩn khúc khác như hai tác giả Linh Phong và Hoàng Đình Hiếu nêu lên trong bài "Giáo dân Đàng Ngoài ở Tỉnh Bố Chính", đăng trong Tập San Định Hướng, số 19 năm 1999, trang 117-139.

Lệnh trục xuất được chúa Trịnh ban hành, giáo sĩ Đắc Lộ và ba đồng nghiệp (giáo sĩ Pedro Marquez và hai thầy giảng người Việt Nam có tên thánh là Inhaxu và Anton) bị bắt và giam lỏng để chờ cơ hội thuận tiện chở vào Đàng Trong để rồi khi có tàu người Bồ Đào Nha xuất bến sẽ trục xuất ra nước ngoài. "Với dự định đó, giáo sĩ viết, người ta đưa chúng tôi xuống một chiếc thuyền với một toán lính ba mươi sáu người và một thuyền trưởng để canh gác tôi. Họ được lệnh không rời tôi cho đến khi trục xuất ra khỏi xứ Đàng Ngoài nầy" (tr. 82). Và trong cuốn "Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài", chương 28, giáo sĩ Đắc Lộ thuật lại cuộc hành trình từ cửa Bạng tới Bố Chính một cách rõ ràng chi tiết: "Vào cuối tháng 3 năm 1629 chúng tôi bỏ kinh thành Kẻ Chợ trên chiếc thuyền chúa đã cho sửa soạn. Thuyền thì bé, chỉ có mười lăm mười sáu tay chèo mỗi bên, nhưng thuận tiện để đi trên các sông chúng tôi phải đi. Thuyền trưởng ban đầu tỏ ra nghiêm khắc, nhưng khi thấy lòng yêu mến và kính trọng của giáo dân tỏ ra khi chúng tôi trẩy đi, trong số đó có mấy người quyền quí, thì ông bắt đầu tôn trọng vị nể chúng tôi và nhường chỗ chính yếu của mình cho chúng tôi (...). Rồi chúng tôi lên buồm đi từ tỉnh Thanh Hóa tới tỉnh Nghệ An và khi chúng tôi thấy hiện ra bến Bà chúa, người bản xứ gọi là cửa chúa, nơi thờ cúng người con gái hoang dâm mà chúng tôi đã nói ở trên, và là nơi (Thiên Chúa cho phép để trừng trị những dị đoan ma quỉ được sùng bái ở đó) ma quỉ làm trên những lương dân bản xứ nhiều điều hung dữ và làm cho người ngoài bản xứ qua lại phải sợ hãi. Thuyền trưởng còn là lương dân, khi tới gần, ông cũng bắt đầu sợ xảy ra tai nạn và ông chuẩn bị cúng tế dị đoan để lấy lòng ma quỉ. Nhưng chúng tôi xin ông đừng làm và nên tin tưởng vào Chúa thật trời đất và biển cả, Người có quyền cứu ông khỏi mọi nguy hiểm đe dọa và may mắn đưa tới bến. Nghe theo lời chúng tôi, ông không cúng tế, nhưng ông xin chúng tôi cầu khẩn Chúa vạn vật, theo cách của chúng tôi. Chúng tôi đã làm, và may mắn chúng tôi cặp bến như đã định".

 

Bến Bà chúa mà giáo sĩ Đắc Lộ nói tới ở đây là chỗ nào? Lạch Cờn hay là cửa Lò?

Để trả lời câu hỏi nầy, trước hết phải tìm hiểu danh từ cửa chúa. Thật ra danh xưng cửa chúa chỉ có các tác giả ngoại quốc, nhất là các thừa sai dùng mà thôi; chẳng hạn Henri Chapoulie, trong cuốn sách của ông "Aux Origines d'une Eglise – Rome et les Missions d'Indochine au XVIIè siècles, q. I, trang 37 có nói đến cửa chúa, nhưng không định vị trí ở đâu. Trong sách tựa đề "Les Débuts du Christianisme en Annam" trung tá Bonifacy nói đến 25 cửa chúa và ông dịch ra tiếng Pháp là "Le Port de la Princesse". Thừa sai Sajot (Cố Hậu) viết một bài đăng trong báo Missions Catholiques, số 35 năm 1903, trang 247 để bênh vực ý kiến của mình rằng cửa chúa là cửa Lò và giáo họ Cửa Lò phải là giáo họ kỳ cựu nhất trong giáo phận Vinh được chính giáo sĩ Đắc Lộ thiết lập.

Khi giáo sĩ Đắc Lộ viết hai cuốn "Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài" và cuốn "Hành Trình và Truyền Giáo" thì Việt Nam chưa có bản đồ chính thức. Chính giáo sĩ Đắc Lộ đã tự vẽ một bản đồ lãnh thổ Vương Quốc Đàng Ngoài, trên bản đồ đó có bốn cửa biển được định vị trí theo thứ tự từ cửa Bạng tới Bố Chính là: Cua-Civa (le Port de la Reine), Cua Rum,  Cua-So và cửa cuối cùng ở Bố Chính không đề tên, tức là cửa Gianh.

Ngày nay trên bản đồ chính thức của Việt Nam, từ Thanh Hóa tới Bắc Quảng Bình có các cửa sau đây: Cửa Cờn, cửa Quèn, cửa Thơi, cửa Vạn, cửa Lò, cửa Hội là những cửa biển nằm trong phần đất tỉnh Nghệ An. Ba cửa biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh là: Cửa Sót (bản đồ Đắc Lộ đề là Cua-So), cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), cửa Khẩu (Kỳ Anh). Bắc Quảng Bình có hai cửa biển là: Cửa Ròn và cửa Gianh (Quảng Trạch).

Nếu so sánh hai bản đồ, chúng ta thấy Cua-Civa (Port de la Reine) trong bản đồ của cha Đắc Lộ và cửa Cờn trong bản đồ hiện nay đứng đầu sau cửa Bạng. Bởi vậy ý kiến của một số tác giả cho rằng cửa chúa là cửa Lò khó chấp nhận được. Đàng khác theo bản văn và bối cảnh của bài tường thuật của giáo sĩ Đắc Lộ được trích dẫn trên đây, chúng ta cũng có thể hiểu được rằng "bến Bà chúa hiện ra trước mặt" đó là lạch Cờn, nơi có đền thờ Bà chúa rất nổi tiếng. "Rồi chúng tôi lên buồm đi từ tỉnh Thanh Hóa tới tỉnh Nghệ An". Câu nầy có nghĩa là thuyền bắt đầu rời bến để đi đến Nghệ An, chứ không phải là đã tới nơi. Vừa mới lên buồm ra đi chưa được bao lâu đã thấy hiện ra bến Bà chúa. Vì từ cửa Bạng tới cửa Cờn không xa cho lắm, chỉ khoảng ba hoặc bốn chục cây số mà thôi [6]. Bến Bà chúa tức là lạch Cờn cũng rất dễ nhận ra. Bởi vì trên sườn đồi phía bờ biển có một ngôi đền phụ gọi là Đền Ngoài. Thuyền bè đi lại từ ngoài khơi cũng dễ dàng nhìn thấy. Một lý do khác cũng cho phép quả quyết "bến Bà chúa hiện ra trước mặt" kia là lạch Cờn, nơi đó có ngôi đền Cờn đã nổi tiếng khắp nơi. (Chúng tôi đã trình bày ở phần thứ nhất bài nầy và còn có dịp nói tới sau nầy). Tiếng đồn về sự "linh thiêng" của Bà chúa khiến cho những người vượt biển hoặc đi ngang qua đó đều sợ hãi phải lo cúng tế cầu an. Vị thuyền trưởng cũng ở trong trạng huống ấy. Nếu như sắp vào cửa chúa rồi thì không còn chuyện sợ hãi phải lo cúng tế nữa. Ông sợ trên đường đi tới Nghệ An sẽ gặp giông tố tai nạn, nên "ông chuẩn bị cúng tế dị đoan để lấy lòng ma quỉ". Việc chuẩn bị đầu tiên là cho thuyền ghé vào bến Bà chúa để vô đền Cờn thắp nhang cúng tế... Nhưng niềm tin của ông đã bị đức tin của nhà truyền giáo đánh tan. Ông đã không vào đền Cờn cúng tế Bà chúa như những đoàn viễn chinh chúa Trịnh thường làm mỗi khi chuyển quân bằng đường thủy để vào đánh chúa Nguyễn. "Theo lời chúng tôi, giáo sĩ viết, ông không cúng tế, nhưng ông xin chúng tôi cầu khẩn Chúa vạn vật, theo cách của chúng tôi. Chúng tôi đã làm, và may mắn chúng tôi cặp bến như đã định".

"Bến định tới" là bến nào? Trong bài tường thuật về cuộc hành trình nầy, giáo sĩ Đắc Lộ không nói rõ địa điểm thuyền phải cặp bến sau khi đi ngang qua "bến Bà chúa", nơi có Đền Cờn. Khi đến bến tàu của thành phố Vinh, Người chỉ kể chuyện hai tín hữu tên là Simon và Anrê. Hai tín hữu nầy tìm cách đưa Người về nhà để rửa tội cho thân nhân. Sau đó thuyền rời bến và tiếp tục cuộc hành trình đến Bố Chính vùng sông Gianh, ranh giới vương quốc Đàng Trong.

Linh mục JBT. Cao Vĩnh Phan, trong cuốn Lịch Sử Giáo Phận Vinh, xuất bản tại California, năm 1996, trang 43-45, quả quyết là thuyền áp tải giáo sĩ Đắc Lộ đã vào cửa chúa là Cửa Lò ngày nay. Có lẽ tác giả đã nhận ý kiến của thừa sai Hậu (Sajot), một vị thừa sai làm việc ở vùng Cửa Lò vào đầu thế kỷ 20. Trong một bài báo đăng trong Missions Catholiques đã trích dẫn trên đây, vị thừa sai nầy tìm cách chứng minh rằng họ đạo Cửa Lò được thành lập bởi giáo sĩ Đắc Lộ và cửa Lò là "cửa chúa". Một vài tác giả khác cũng đồng quan điểm đó, nghĩa là cửa Lò là cửa chúa, nơi thuyền chở giáo sĩ Đắc Lộ đã cặp bến trên đường đi Bố Chính: chẳng hạn Linh Phong và Hoàng Đình Hiếu, trong bài báo "Giáo Dân Đàng Ngoài ở tỉnh Bố Chính", Định Hướng, số 19 năm 1999, trang 117-138. Và linh mục Đỗ Quang Chính, trong "La Mission au Viêtnam d'Alexandre de Rhodes" , chú thích trang 150: cửa chúa hiện nay chính là cửa Lò, và được định vị trí cách Bến Thủy, Vinh 10 cây số về hướng Bắc. Trong khi đó linh mục Trương Bá Cần, ở chú thích 88, trang 117, Nguyệt San Công Giáo và Dân Tộc, số 53, tháng 5 năm 1999, viết: "... Cửa chúa đây có thể là cửa Lò hay cửa Quèn ngày nay". Điều cần đính chính ở đây là linh mục Trương Bá Cần lẫn lộn cửa Quèn vời cửa Cờn! Trong phần thứ nhất của bài nầy, chúng tôi đã nói về cửa Cờn và cửa Quèn là hai cửa biển gần nhau trong huyện Quỳnh Lưu. Cửa Cờn lớn hơn và được nhiều người biết tới, vì ở đó có đền thờ Tứ Vị và Bà chúa; cửa Quèn không có đền Bà chúa.

Theo ý kiến của chúng tôi thì có thể thuyền chở giáo sĩ Đắc Lộ đã ghé vào cửa Lò, nhưng cũng rất có thể là vào cửa Rum. Tuy nhiên cửa Lò và cửa Rum không phải là "cửa chúa" đích thực như chúng tôi sẽ trình bày sau. Thuyền chở bốn vị thừa sai năm đó có thể đã ghé vào cửa Rum (tức cửa Hội) mà không vào cửa Lò. Bởi vì trong bản đồ do giáo sĩ Đắc Lộ vẽ, sau "cửa chúa" ở Lạch Cờn, đến cửa Rum (cửa Hội) và cửa So (tức cửa Sót). Lý chứng rõ rệt hơn, đó là sau khi ở Bố Chính một thời gian, giáo sĩ Đắc Lộ đã trở lại thủ phủ Nghệ An và đến thăm ông Phêrô và Anrê.  Trong dịp đó Người đã không ghé cửa Lò mà chỉ ghé cửa Rum để gặp quan tỉnh ở đây. Chính Người viết trong chương 30, trang 152, cuốn Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài: "Từ tỉnh nầy (Bố Chính) chúng tôi nghĩ là có ích hơn nếu chúng tôi trở về Nghệ An, nơi chúng tôi mới bỏ trước đây. Nhà thứ nhất chúng tôi ở là nhà hai giáo dân sốt sắng, Phêrô và Anrê. Hai ông rất nhiệt thành chinh phục tất cả đồng hương và hết sức chuẩn bị tinh thần cho mọi người, đến nỗi chúng tôi không cần phải vất vả thêm lời giảng dạy; chúng tôi rửa tội cho 112 trong ba ngày cư trú ở đây. Rồi từ đây chúng tôi kéo thẳng tới bến chính của tỉnh gọi là Rumnơi ở của quan tỉnh, ông niềm nở đón tiếp chúng tôi". Như thế chắc chắn trên đường đi vào Đàng Trong mấy tháng trước đây, thuyền chở các giáo sĩ cũng đã ghé cửa Rum, vì đây là "bến chính nơi quan tỉnh ở" và đã rửa tội cho các thân nhân của hai ông Phêrô và Anrê. Nay giáo sĩ Đắc Lộ trở lại Nghệ An với mục đích thăm các giáo hữu tân tòng ở đó, đồng thời muốn gặp quan tỉnh để xin phép ở lại giảng đạo trên phần đất nầy. Nhưng sự việc đã xảy ra không được hoàn toàn như ý muốn. Mặc dù quan tỉnh Nghệ An đối đãi với các Ngài rất tử tế, nhưng quan không thể làm gì trái lệnh của chúa Trịnh. Cuối cùng giáo sĩ Đắc Lộ và  cha Pedro Marquez đã phải xuống tàu buôn của người Bồ ở cửa chúa (cửa Rum ?) ngày 27.10.1629 để đi Kẻ Chợ và sau đó về Macao. 

Có lẽ danh xưng cửa chúa ở đây cũng đã được giáo sĩ Đắc Lộ dùng theo như người địa phương thường gọi các cửa biển, nơi có đền Bà chúa. Bởi vì, như chúng tôi đã trình bày, hầu như tất cả các cửa biển đều có đền thờ Bà chúa theo sự tích truyền khẩu của Đền Cờn. Và ở cửa biển nào có đền thờ Bà chúa, đều được dân ở đó gọi là cửa chúa. Bởi thế rất có thể "cửa chúa nơi có tàu người Bồ và và hai cha dòng đợi sẵn" mà giáo sĩ Đắc Lộ nói đó là cửa Rum (HT và TG, tr. 82). Khi tham khảo để viết về đền Cờn ở phần trên đây, chúng tôi mới biết: cửa chúa là một danh xưng bình dân dành cho tất cả những cửa biển có đền thờ Tứ Vị, mà sự tích bắt nguồn từ Đền Cờn. Theo tác giả Phan Đình Phương, trong tập "Sơ Lược về Di Tích Văn Hóa Lịch Sử Đền Cờn", trang 22-23, thì "ngoài đền chính ở Phương Cần (cửa Cờn, Quỳnh Lưu, Nghệ An), theo tư liệu ở Viện Hán Nôm Việt Nam, cả nước có hàng trăm đền miếu thờ thần Tứ Vị Đền Cờn, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ.

Theo "Bách Thần Ký", thì tổng số đền miếu thờ thần Đền Cờn ở nước ta là 1057 chiếc. Thần tích đền Tứ Vị ở Hàm Thủy và Trại Ninh Mật (Ninh Bình) lưu ở thư viện của Viện Hán Nôm, cho rằng tổng số đền miếu là 1964 chiếc. Các đền miếu được xây dựng từ đời Trần đến đời Nguyễn. Thời gian đã hủy hoại phần lớn các di tích kiến trúc văn hóa và lịch sử đó. Hiện nay nhiều địa phương đã và đang tu sửa hoặc xây dựng lại.

Quỳnh Lưu có các đền thờ thần Đền Cờn ở các làng Phương Cần, Hữu Lập, Đông Hồi, Hải Lệ, Phú Đa, Phú Nghĩa, Thanh Đàm, Phú Mỹ, Lam Cầu, Hồng Phú v.v. Hà Nội có các đền thờ Tứ Vị Đại Càn Hải Khẩu: Đền Vo Trung (Gia Lâm), đền Cơ Xá (quận Ba Đình), đền Hàng Than (quận Hoàn Kiếm) v.v. Huyện Nghi Lộc có các đền thờ Tứ Vị ở Hợp Châu, Trung Kiên (Nghi Thiết) v.v. Đền lớn nhất ở huyện Thường Tín (tỉnh Hà Tây) là đền Lộ (thôn Đại Lộ), xã Ninh Sở, thờ thần Tứ Vị, gọi là Mẫu. Hàng năm vào đầu tháng hai âm lịch, có lễ hội lớn, thu hút đông đảo du khách thập phương. Sách "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí" chép: "Ở cửa biển Linh Trường, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có miếu thờ Tứ Vị trên núi".

Qua đoạn trích dẫn trên đây, chúng ta thấy hầu như khắp các cửa biển giòng sông đều có đền thờ Bà chúa theo huyền thoại Đền Cờn. Chỉ có một miếu duy nhất thờ thần Tứ Vị ở trên núi mà thôi. Cho nên khi các thừa sai đến giảng đạo vào cửa biển nào nghe dân nói cửa chúa thì chỉ biết đó là "Cửa chúa" chăng?

Nếu như thế thì nói Cửa Lò là "Cửa chúa" cũng không sai. Bởi vì ở đó cũng có một đền thờ Tứ Vị tại làng Kiên Trung, Nghi Thiết. Đền nầy nhỏ hơn Đền Cờn, cũng bị bom Mỹ phá trong thời chiến tranh, nay mới được sửa lại và được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa ngày 25.09.1992. Trong đền có hai câu đối sau đây:

Bắc địa giảng thân thiên hạ Mẫu

Nam thiên hiển thánh Nữ Trung Vương.

Cũng như những đền khác ở các cửa biển bờ sông khắp nơi, đền nầy lấy sự tích truyền khẩu của Đền Cờn. Đền thờ Nữ Thần sông biển, nên dân gian gọi là đền Bà chúa và cửa biển ở đây cũng thường được gọi là "Cửa chúa".

 

3.   Kết luận

 

"Cửa chúa" trong bối cảnh "cuộc hành trình bất đắc dĩ" của giáo sĩ Đắc Lộ vào cuối tháng 3 năm 1629 là Cửa Hội. Bởi vì đây là "Bến chính của thành phố Vinh, nơi ở của quan tỉnh". Và như vậy, rất có thể giáo sĩ Đắc Lộ có sự lầm lẫn khi dùng danh xưng "cửa chúa" để ám chỉ Cửa Hội chăng? Nhưng trong bối cảnh lịch sử nầy, "cửa chúa" là Cửa Hội hoặc Cửa Lò không quan trọng bằng sự hiện diện tiền định của những người truyền giáo đầu tiên tại trung tâm của một giáo phận tương lai. "Cửa chúa" là một địa điểm đầu tiên và cuối cùng mà gót chân của nhà truyền giáo Đắc-Lộ đã bước qua để gieo hạt giống đức tin Công Giáo trên phần đất của giáo phận Vinh. Với sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhà truyền giáo lừng danh, người có công lớn trong việc hoàn thành chữ quốc ngữ, đã đi qua "cửa chúa" để đem nhiều người vào "Nước Chúa".  Mặc dù Người chỉ đến rồi đi trong một khoảng thời gian rất ngắn – tính từ ngày vào cửa chúa 24 tháng 4 năm 1629 cho đến ngày lên tàu cũng ở của chúa ngày 27 tháng 10 cùng năm là 6 tháng một ngày – vị giáo sĩ trời định nầy đã thiệt lập một giáo đoàn vững chắc trong đức tin. Giáo đoàn nầy từ bắc cho tới nam, từ Hoàng Mai cho tới Bố Chính đã được chính Người gieo vãi vun trồng, các thánh tử đạo tưới bón, và Thiên Chúa cho lớn lên. Địa danh Vàng Mai (Hoàng Mai) đã được chính tay giáo sĩ Đắc Lộ viết vào bản đồ do Người vẽ [7].  Có lẽ trong thời gian Người giảng đạo tại vùng cửa Bạng (Thanh Hóa), Người đã có dịp đến truyền đạo ở đó chăng? Bởi vì từ Thanh Hóa tới Hoàng Mai có một con kinh gọi là Kinh Đào Nhà Lê để tiện bề giao thông ra sông Mai Giang tới lạch Cờn. Dẫu sao thì ba điểm chính của giáo phận Vinh cũng đã có dấu vết chân của Người.

Để kết thúc bài viết nầy, có lẽ tốt nhất ta nên nhường lời cho giáo sĩ Đắc Lộ. Trong cuốn sách "Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài", trang 163, như một bản bản đúc kết công trình truyền giáo ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng là lời cầu chúc và nói tiên tri, giáo sĩ Đắc-Lộ viết: "Chúng tôi đã hoạt động trong thời gian ba năm. Tính ra được năm ngàn giáo dân và những hạt giống đức tin đã được gieo trong đa số các tỉnh, hứa hẹn trong tương lai một mùa gặt lớn lao và phong phú"...

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí –  Phan Huy Chú

2. Đại Nam Nhất Thống Chí – Quốc sử quán Triều Nguyễn

3. Nghệ An Ký – Bùi Dương Lịch (Thư viện Nghệ An)

4. Đại Càn thánh Mẫu ngọc phả

5.  24 Thần phả và sách địa chí – Thư viện Hán Nôm VN.

6. Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam – Nguyễn Đổng Chi

7. Sơ Lược về Di Tích Văn Hóa Lịch Sử Đền Cờn – Phan Đình Phương

8. Lịch Sử Việt Nam tập I – Nhà xuất bản KHXH Hà Nội, 1971

 

9. Lịch Sử Vương Đuốc Đàng Ngoài – Alexandre de Rhodes (Bản dịch của Hồng Nhuệ)

10. Hành Trình và Truyền Giáo – Alexandre de Rhodes (Bản dịch của Hồng Nhuệ)

11. Lịch Sử Giáo Phận Vinh – Lm  JBT. Cao Vĩnh Phan, California, 1996

12. Giáo dân Đàng Ngoài ở tỉnh Bố Chính – Linh Phong và Hoàng Đình Hiếu

      (Báo Định Hướng, số 19, năm 1999, trang 117-139).


 


[1] Quỳnh Nhai (tức Nhai Sơn) căn cứ cuối cùng của nhà Nam Tống ở bờ biển Quảng Đông (trung Quốc).

[2] Minh Phi tức là Vương Chiêu Quân, cung nhân của Hán Nguyên Đế, phản chúa hàng giặc. Nguyễn Du dùng nhân vật tương phản với Dương Thái Hậu để ca ngợi lòng trung thành bất khuất của bà.

[3] Các triều vua từ Trần Anh Tông cho đến vua Bảo Đại cuối triều Nguyễn đã ban hằng chục sắc phong, chiếu chỉ cho đền Cờn. Vua Lê Thái Tổ đến đền Cờn cầu phúc để đi đánh quân Minh, và sau thắng trận đã ban sắc cho đền Cờn là: "Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Thánh Nương".  Vua Lê Thánh Tông ban hiệu: "Tiết Nghĩa, nhất nhũ nhị nương" và sắc phong: "Đại Càn thánh nương, Quốc gia Nam Hải Tứ Vị thượng đẳng thần". Vua Lê Thần Tông đến đền cầu tự, sau khi thấy linh nghiệm, đã phong 8 sắc chỉ cho đền trong cùng một ngày v.v.

[4] Trong các di vật quí hóa bị chiến tranh và con người tàn phá, có triện đồng vua Lê Thánh Tông ban dài 7 cm, mặt hình vuông, cán bằng đồng, có đề hai chữ "Hồng Đức" bằng chữ Hán. Mặt triện có bốn chữ Hán hình vuông: "Chiêu minh cảm ứng". Năm 1991 đã đào bới kiếm lại được. Các tượng Phổng đá do vua Trần Anh Tông tặng và hai cung nữ người Chàm do vua Lê Thánh Tông tặng cũng bị bể nát. Bia tạc các chiếu chỉ của chúa Trịnh cũng bị hư. Kiệu vàng và tràng hạt vua Gia Long là những nghệ thuật điêu khắc có giá trị cũng bị hư hại. Các đồ vật trong chùa như : Bàn thờ, hương án, sập, ngai tòa, tàn vàng, kiệu, đòn rồng, chuông đồng, trống đại, lư hương, chân đèn v.v. đều bị hư hỏng hoặc thất lạc!!

[5] Nơi khác viết là giáo sĩ  Đắc-Lộ sinh năm 1593, chẳng hạn trong cuốn "Hành Trình và Truyền Giáo", Bản dịch của Hồng Nhuệ, Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1994.

[6]  Trên bản đồ của tác giả Adrien Launay thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris, xuất bản  năm 1889, Cửa Cờn được đề là Cửa Tráp (Trắp), tên của một làng đối diện với làng Cờn ở phía bắc Lạch Càn. Còn trên bản đồ của giáo sĩ Đắc-Lộ là "Cua-Civa" và viết trong dấu ngoặc là (le Port de la Reine).

[7]  Để biết rõ hơn địa danh Vàng Mai (Hoàng Mai) và các địa điểm khác được giáo sĩ Đắc-Lộ nói tới trong mấy tháng đầu truyền giáo tại vùng Cửa Bạng, có thể đọc bài nghiên cứu của linh mục JBT. Cao Vĩnh Phan: "Từ Hoàng Mai đi tìm Van No, Ke No và An Vực", Tư liệu viết năm 2000.

Nguồn bài viết: Doncon (free.fr)

Đăng nhận xét

[blogger][facebook][disqus]

Author Name

{picture#https://1.bp.blogspot.com/-E9BgdfTl7Ug/Xpa2B9OupwI/AAAAAAAAA1U/PnbaR3h3-jE-jQ5GwdNpEvZGUfRWCLz6gCLcBGAsYHQ/s1600/Ch%25C6%25B0a%2B%25C4%2591%25E1%25BA%25B7t%2Bt%25C3%25AAn-1.png} {facebook#https://www.facebook.com/giaoxulocthuygpvinh} {twitter#https://twitter.com/giaoxulocthuy} {youtube#https://www.youtube.com/@giaoxulocthuy}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.