+++
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 26-38).
Khi
ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ
Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính
hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít,
trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và
chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên
Chúa ở cùng trinh nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối
rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần
liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa
với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con
trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và
được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho
Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai
trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người
sẽ vô tận".
Nhưng
Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế
nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với
trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ.
Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và
được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh
nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã
mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là
son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria
liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như
lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt
trinh nữ.
Đó là
lời Chúa
Mục
lục:
SUY NIỆM
|
||
Khiêm Nhường Đón Nhận
|
ĐTGM Giuse Ngô
Quang Kiệt
|
Trg 4
|
Hai Lòng Khiêm Nhượng
Đã Gặp Nhau
|
PM. Cao Huy Hoàng
|
Trg 6
|
Thiên Sứ Truyền Tin Cho
Chính Tôi
|
Lm. Gioan Nguyễn
Văn Ty
|
Trg 9
|
Thiên Chúa Viếng Thăm
Dân Người
|
Lm.
Jos. Tạ Duy Tuyền
|
Trg 11
|
Hãy Là Nhịp Cầu Đưa
Chúa Đến Với Anh Em
|
Lm.
Inhaxiô Trần Ngà
|
Trg 13
|
Truyền Tin Cho Đức
Maria
|
JKN
|
Trg 15
|
Xin Vâng!
|
AM. Trần Bình An
|
Trg 18
|
Hướng Về Mặt Trời
Công Chính
|
Pio Lê Hồng Bảo
|
Trg 19
|
Nên Giống Trái Tim Đức
Mẹ
|
Phó tế Thomas
Nguyễn Văn Hiệp
|
Trg 21
|
THƠ TIN MỪNG
|
||
Xin Vâng
|
Hạt
Nắng
|
Trg 24
|
Nhiệm Mầu Xin Vâng
|
M.
Madalena Hoa Ngâu
|
Trg 25
|
Hội Ngộ
|
Bâng
Khuâng Chiều Tím
|
Trg 26
|
Mẹ Đầy Ơn Phúc
|
Lm. Khuất Dũng sss
|
Trg 27
|
Mầu Nhiệm Thánh Gia
Thất
|
Thế Kiên Dominic
|
Trg 28
|
Xin Vâng!
|
Thanh Sơn
|
Trg 29
|
Ngôi Lời Nhập Thể
|
Mic. Cao Danh Viện
|
Trg 30
|
Quyền Năng Thiên Chúa
|
Đỗ Văn
|
Trg 31
|
Ơn Truyền Tin
|
Giuse
Nguyễn Văn Sướng
|
Trg 32
|
Mừng Vui Lên
|
Vincent Khánh Trần
|
Trg 33
|
Kính Chào Bà Đầy Ơn
Phúc
|
Paul
Nguyễn Minh Thông
|
Trg 34
|
Mẹ Xin Vâng
|
Nt Bích Ngọc
|
Trg 35
|
Hồng Ân Xin Vâng
|
Cát
Vàng
|
Trg 36
|
Truyền Tin
|
Song Lam
|
Trg 37
|
Dư Âm
|
Thanh Hương
|
Trg 38
|
Ngỏ Ý
|
Nắng Sài Gòn
|
Trg 39
|
Nhiệm Mầu Hai Tiếng
“Xin Vâng”
|
AP.
Mặc Trầm Cung
|
Trg
40
|
KHIÊM NHƯỜNG ĐÓN NHẬN
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đọc
Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong
những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương
Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn
mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm
rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông
sai bảo: Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta. Trương Lương
vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại
cho cụ già. Cụ
cầm lấy, không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không
vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại
quát bảo Trương Lương: Thằng bé, xuống nhặt dép cho
ta. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng
thế. Thấy vậy, ông lão khen: Thằng bé này dạy được
đây. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận
Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông.
Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ
song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế
vương.
Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ
may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ
của ông. Đọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến
Đức Mẹ. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu
Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón
nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không
của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm
nhường đón nhận.
Đức
Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sống trong
một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu toàn những
công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp
nhà cửa.
Đức
Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử.
Trước mặt thiên sứ Gabriel, Đức Mẹ xưng mình là nữ
tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là
Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ
Elidabet. Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Elidabet đã ngợi khen
Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đáp lại, Đức Mẹ chỉ
nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là
do Thiên Chúa thương ban.
Vì
khiêm nhường nên Đức Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý
Thiên Chúa. Đức Mẹ đã
có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc
thân trinh khiết. Đó là một chương trình tốt đẹp.
Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Đức Mẹ theo chương
trình của Chúa, Đức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương
trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa.
Đức Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô
cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất toàn.
Thánh ý Thiên chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là
khiếm khuyết.
Vì
khiêm nhường nên Đức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng
trong tay Chúa.
Khi thưa Xin vâng, Đức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những
toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn
tay quan phòng của Thiên Chúa. Nếu ta hiểu luật lệ khắc
nghiệt của người Do thái đối với phụ nữ không chồng
mà có con, ta sẽ thấy Đức Mẹ liều lĩnh biết bao, và
sự phó thác của Mẹ vào Thiên chúa mãnh liệt đến thế
nào.
Vì
đã thưa Xin vâng, nên Đức Mẹ chấp nhận tất cả, dù
chưa hiểu hết Thánh ý Thiên Chúa.
Tại sao Con Thiên Chúa phải
sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn? Tại sao Vua trời
đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn? Tại
sao Đấng Cứu thế làm nhiều phép lạ đến thế để
cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối, hành
hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn toàn
không hiểu, nhưng Đức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận
và tin tưởng phó thác. Vì thế Đức Mẹ vẫn kiên trì
theo Chúa Giêsu trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới
chân thánh giá.
Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Đức Mẹ đã được
Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân
huệ Thiên chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng
khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Đức Mẹ
có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Đức Mẹ
đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên chúa, nhận
được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân
phúc.
Mùa
Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Ta mong được đón
rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy
của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm
nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường
từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường
vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời,
biết khiêm nhường phó thác vân mệnh trong tay Chúa dù
không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người.
Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới
được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.
Lạy
Đức Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường để
con đi vào chương trình của Thiên Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
- Bạn có nhận thấy sự khiêm nhường của Đức Mẹ không?
- Từ bỏ ý riêng có dễ không?
- Có khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn bất lực để phó thác trọn vẹn trong tay Chúa chưa?
- Khi đã hiểu rõ gương khiêm nhường của Đức Mẹ, bạn có muốn bắt chước Đức Mẹ không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
HAI
LÒNG KHIÊM NHƯỢNG ĐÃ GẶP NHAU
PM.
Cao Huy Hoàng
Có
một tầng không, xa rất xa từ đất lên trời, từ trời
xuống đât. Có một khoảng mênh mông tưởng như không
bến bờ, không biết đâu là ranh giới giữa cõi vô hình
với thực tại trần gian. Có những cách biệt dĩ nhiên
giữa vua chúa quan quyền với bần dân lê thứ. Có những
vách ngăn giữa phú quí giàu sang và đói rách nghèo nàn.
Có những bức tường che chắn muôn năm không một khe hở
cho ánh sáng quang minh lọt vào trong bóng tối tội lỗi.
Có khoảng cách xa quá xa giữa một Thiên Chúa thủy chung
và một loài người ngoại tình, phản bội…
Bao
lâu còn những khoảng cách, bấy lâu còn những ngày buồn,
còn những đêm dài cô đơn bất tận.
Có
thể, phía con người, không mấy ai cảm được nỗi buồn
thảm cô đơn bất tận ấy. Nhưng phía Thiên Chúa, Đấng
Giàu Lòng Xót Thương, vẫn khát khao từng giây phút để
thu hẹp dần lại những khoảng cách và cuối cùng là xóa
đi khoảng cách đau buồn không đáng có, mà Ngài phải
chịu đựng nghìn nghìn năm!
Để
thu hẹp, Ngài đã dùng các ngôn sứ mạc khải dần dần
cho con người biết được lòng thương vô cùng của Ngài,
mối bận tâm ưu tiên và duy nhất của Ngài.
“Ngắm
tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn
trăng sao Chúa đã an bài,
thì
con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm
nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (TV 8, 4-5)
Đúng
vậy, hôm nay - không vì lòng khát khao của con người lay
động, nhưng vì Tình Thương của Ngài không đợi chờ
được nữa, không chậm trễ được nữa - Ngài xóa đi
khoảng cách nghìn nghìn năm giữa đất trời, Ngài xé
toang các tầng không mênh mông mà ngự xuống trần gian
tội lỗi.
Thiên
Chúa đã chọn cung lòng của một nữ trinh thánh thiện để
ngự xuống, nhưng trinh nữ không hề bị áp đặt. Vì,
một Thiên Chúa quyền năng, thượng trí, thống trị cả
đất trời, lại hết lòng khiêm cung cúi mình xuống hỏi
ý kiến một thôn nữ về việc cho phép Ngài được làm
con người, để đồng hành cùng con người và để cứu
chuộc con người.
Tin
Mừng hôm nay phải là Tin Mừng của lòng Khiêm Nhượng.
Chỉ có lòng khiêm nhượng mới có cung cách ứng xử lịch
thiệp, cung kính, hỏi thưa chân thành, và yêu thương giúp
nhau chu toàn sứ vụ:
"Mừng
vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng
bà."
Đó
là lời chào kính trân trọng của một đại diện cho
phía Thiên Chúa đối với một phàm nhân là cô Maria. Chắc
chắn phàm nhân ấy là địa chỉ mà Thiên Chúa đã chọn
vì cô có lòng khiêm nhượng đẹp lòng Thiên Chúa. Đúng
vậy, thánh Luca tường thuật:
“Nghe
lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như
vậy có nghĩa gì”
Sứ
thần càng trân trọng cung kính bao nhiêu, Đức Maria càng
bối rối bấy nhiêu. Phải hân hoan, hãnh diện vì “đầy
ân sủng” và “Đức
Chúa ở cùng” chứ, tại sao bối rối? Bối
rối, bởi vì khiêm nhượng biết mình là thân phận phàm
nhân chẳng đáng là gì để Thiên Chúa phải bận tâm,
chẳng đáng cho Người để mắt tới.
"Thưa
bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.
Và này đây bà
sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là
Giê-su.
Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng
Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai
vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.
Người sẽ trị
vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người
sẽ vô cùng vô tận."
Thiên
Chúa quyền năng có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn
chứ? Nhưng không, Ngài đã khiêm nhượng thẳm sâu để
bày tỏ ý định của mình cho một cô thôn nữ - như một
cuộc họp giữa trời đất, một hội nghị bàn bạc
trong sự tôn trọng nhau đến mức tuyệt đối. Chỉ có
Thiên Chúa uy quyền nhưng đầy khiêm nhượng mới có thể
làm được điều vĩ đại ấy.
"Việc
ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc
vợ chồng! "
Lòng
khiêm nhượng còn cho phép Đức Maria chân thành nói lên
điều bí ẩn, một ước mơ kín nhiệm trong lòng đang ấp
ủ, và tưởng như là khó nói: không có chồng làm sao có
thể mang thai?
"Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối
Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh
ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi,
mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị
mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu
tháng.
Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm
được."
Giải
đáp thắc mắc của Đức Maria, Sứ thần Thiên Chúa không
chỉ đưa ra kế hoạch của Thiên Chúa là Mẹ sẽ thụ
thai bởi phép Chúa Thánh Thần nhưng còn dẫn chứng sống
động việc bà Elisabet mang tiếng hiếm hoi mà nay đã có
thai được sáu tháng.
"Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi
như lời sứ thần nói."
Lời
xin vâng đầy khiêm nhượng bắt nguồn từ lòng quí mến
một Vị Thiên Chúa quá khiêm nhượng đến mức không chê
chối thân phận nữ lưu hèn kém này. Như thế là, hai
lòng khiêm nhượng đã gặp nhau và làm nên một công
trình vĩ đại: CÔNG TRÌNH CỨU CHUỘC.
Tin
Mừng hôm nay gửi đến chúng ta thông điệp về lòng
khiêm nhượng: chỉ có lòng khiêm nhượng mới có thể
thu hẹp những khoảng cách, xóa đi những khoảng cách.
Có
thể chúng ta còn đang thấy ngổn ngang những khoảng cách
không đáng có trong trần gian này, trong giáo hội chúng
ta. Những khoảng cách ấy có thể không do lòng kiêu ngạo,
nhưng thực sự là do chưa đủ khiêm nhường để được
xóa đi: khoảng cách giữa chúng ta với Thiên Chúa do tội
lỗi của chúng ta, khoảng cách giữa các thành phần trong
xã hội: chính quyền và nhân dân, khoảng cách giữa đô
thị và thôn quê: giàu và nghèo, khoảng cách giữa có học
và thất học, giữa giáo dân và lương dân, giữa giáo sĩ
và giáo dân, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái…. Đâu
đâu cũng đang còn những khoảng cách không đáng có!
Thiết
tưởng, nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu trong xã hội hôm
nay là đi từ việc thu hẹp những khoảng cách đến việc
xóa đi những khoảng cách để Hiệp Thông với Chúa, Hiệp
Thông với nhau và Loan Báo Tin Mừng cho mọi người. Như
vậy, khi chưa đủ khiêm nhượng để
Hiệp Thông với Chúa và với nhau, thì cũng có thể nói:
việc Loan Báo Tin Mừng đang bị cản trở vì lý do nội
tại hơn là vì tình huống ngoại tại.
Thật
vô lý, chúng ta vẫn vin vào tình huống ngoại tại mà
trách cứ Thiên Chúa bằng những lời phạm thượng rằng
Ngài đang vô tâm, mất tích trước những bất công, trước
những khoảng cách chưa thu hẹp được, chưa xóa bỏ
được, mà quên rằng chúng ta chưa đủ khiêm nhượng đón
nhận Ngài, Hiệp Thông với Ngài và với nhau để có một
nội lực cần thiết cho công cuộc loan báo Tin Mừng.
Tôi
bỗng nhớ chuyến du lịch của một nhóm anh chị em cùng
làm chung một công việc tông đồ ở TGP Sài gòn, và nhớ
cách trân trọng giờ kinh tối ngay trên bãi biển Nha
Trang. Ngày du lịch Vinpearl có vẻ thật vui, nhưng không
vui bằng giờ kinh tối giữa trời này. Vì, đêm ấy, có
những khoảng cách của cõi lòng được thu hẹp, được
xóa đi, bởi những dòng tâm sự sẻ chia chân thành trong
giờ kinh, bởi những lòng khiêm nhượng đã gặp nhau. Và
được biết, sau đêm đáng nhớ ấy, nhóm người này
bỗng có một sức mạnh diệu kỳ: sức mạnh của tình
Huynh Đệ Trong Chúa Kitô, trong Mẹ Maria, những mẫu gương
của Lòng Khiêm Nhượng Tuyệt Đối.
Ước
gì lòng khiêm nhượng của Thiên Chúa và Mẹ Maria trong
Tin Mừng hôm nay qua cung cách ứng xử lịch thiệp, cung
kính, hỏi thưa chân thành, và yêu thương giúp nhau chu
toàn sứ vụ, sẽ là bài học cho mỗi chúng ta trong khi
dọn lòng đón Chúa đến và cũng là nhân cách của chúng
ta trong suốt cuộc đời Kitô hữu làm chứng cho Tin Mừng.
Lạy
Chúa, hai lòng khiêm nhượng của Thiên Chúa và Mẹ Maria
đã gặp nhau làm nên điều kỳ diệu là trổ sinh ơn cứu
rỗi cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết khiêm nhượng
mà thu hẹp và xóa đi những khoảng cách với Chúa và với
mọi người. A men.
PM. Cao Huy Hoàng, 15-12-2011
THIÊN
SỨ TRUYỀN TIN CHO CHÍNH TÔI
Lm
Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Rất
hợp lý Chúa Nhật 04 mùa vọng trình bày cảnh truyền tin
cho Đức Maria, một biến cố cụ thể và thiết thực
nhất trong việc thể hiện mầu nhiệm Thiên Chúa làm
người. Thế nhưng khi Giáo Hội mời gọi tôi chiêm ngắm
biến cố đó, có phải chỉ vì muốn kể cho tôi biết về
các sự kiện liên quan tới việc Hài Nhi sắp sinh ra để
giúp tôi dọn mình mừng lễ Giáng Sinh? Nếu thế khi chiêm
ngắm quang cảnh này, tôi vẫn chỉ là người ngoài cuộc
bàng quang, có chăng là chờ đợi để được hưởng kết
quả sau này của nó?
“Nhập
thể là Thiên Chúa làm người,”
Brisson đã nói như thế khi tóm lược linh đạo của Thánh
Phanxicô Salê, “nhưng
không phải chỉ một Chúa - người duy nhất có thể kết
hiệp với Thiên Chúa. Trong kế hoạch của Chúa, không
phải Thiên Chúa chỉ kết hợp với một người để làm
thành Chúa - người, nhưng Ngài còn muốn Nhập Thể được
ứng dụng cho mọi người. Chúa muốn đi vào tương quan
với hết thảy nhân loại. Ngài muốn nhập thể trong mọi
người, đương nhiên không phải dưới dạng hai bản tính
nên một (hypostatic), nhưng không kém phần hữu hiệu trong
tất cả những ai sẵn sàng và chuẩn bị… Nhập Thể
trên thực tế lan rộng tới mọi phần tử của Nhiệm
Thể [Hội Thánh].” (Louis Brisson, Cor ad Cor, trg. 143).
Nếu thật sự là như thế thì biến cố truyền tin cũng
phải là biến cố của tôi: chính tôi được truyền tin!
Sứ
thần [đức tin] đến với tôi, một kẻ thấp hèn, và
chào: “Mừng
vui lên, hỡi [người]
đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng [bạn]”.
Tôi ‘đầy
ân sủng’?
Phải, vì ân sủng chính là lòng nhân ái xót thương Chúa
đổ tràn trên tôi. Hội Thánh cho biết ân sủng được
ban nhưng không (gratis), không do công nghiệp gì của tôi;
và hình như Phaolô còn cho thấy nơi đâu càng tội lỗi
thì ân sủng Chúa càng tràn đầy (Thư Rô-ma chương 5 đặc
biệt câu 20). Gia-kêu, đứa con hoang đàng, Ma-đa-lê-na…
là một số trường hợp điển hình. Chính khi tạo dịp
cho Chúa thi hành được lòng thương xót Người nơi mình,
thì Thánh Linh cũng nói với tôi: “Đừng
sợ, vì [bạn] đẹp lòng Thiên Chúa…
bạn đã làm cho Hài Nhi Giê-su được sinh hạ nơi mình,
vì Hài Nhi giáng trần vốn chỉ với mục đích làm cho
mọi người đón nhận tình thương cứu độ của Thiên
Chúa”. Đối với Ma-ri-a trong tư cách một phụ nữ Do
Thái, thì sứ thần báo: Hài Nhi “được
gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ
ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người
sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại
Người sẽ vô cùng vô tận”,
nhưng với một Kitô hữu như tôi (và chắc Maria cũng đồng
ý điểu này) thì đức tin nói cho biết: Hài Nhi giáng
trần chính là ‘Thiên
Chúa, Đấng cứu độ…hằng đoái thương nhìn đến phận
hèn… đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót… và
lòng thương xót đó dành cho tổ phụ Ap-ra-ham và cho con
cháu đến muôn đời’
(Lc 1,46-55). Có
lẽ trong thâm tâm nhiều lúc tôi cũng đã thốt lên: “Việc
ấy xảy ra cách nào…
vì
con thật không đáng được xót thương tha thứ?” Và tôi
được trả lời: “Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên bạn,
và quyền
năng Đấng tha
thứ
sẽ
rợp bóng trên bạn,
vì thế Đấng Thánh bạn
mang nơi mình
sẽ
được gọi là
Con
Thiên Chúa cứu
độ.”
Phúc Âm cũng chỉ cho tôi thấy người phụ nữ ngoại
tình, tên cướp cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu, đã
được tha thứ như thế nào, và cũng sẽ nói với tôi
“Vì
đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được…
không có tội nào mà không tha thứ được.” Và tôi cũng
chỉ có thể khiêm tốn cùng Maria đáp lại: “Vâng,
con đây chỉ là người
tội lỗi hèn kém,
Xin
Chúa cứ làm cho con như lời hứa
của Tin Mừng cứu độ Người!”
Giáng
sinh gần lắm rồi! Nếu không thật sự được truyền
tin như đức Maria, có lẽ tôi sẽ lại, như mọi năm, lo
mừng lễ thật to, thật long trọng, nhưng Giáng sinh vẫn
ở xa tít tắp.
Lạy
Mẹ Maria, trong bài ca ‘Magnificat’, chính Mẹ đã nội
tâm hóa biến cố truyền tin theo suy nghĩ sâu lắng của
cõi lòng. Mẹ đã hiểu cưu mang Đấng Cứu Thế chỉ là
một phần của điều quan trọng hơn nhiều: nhận biết
Chúa hằng thương xót. Xin giúp con hiểu được cuộc
truyền tin của con, và cùng với Mẹ, ca ngợi lòng thương
xót Chúa trong mùa Giáng Sinh này. Amen
Lm
Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
THIÊN
CHÚA VIẾNG THĂM DÂN NGƯỜI
Lm.Jos
Tạ Duy Tuyền
Vào
một buổi tối trong một kỳ nghỉ đông lạnh lẽo, một
đứa bé trai khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài
cửa sổ của một cửa hàng. Cậu bé không có giày để
mang, quần áo của cậu thì rách rưới.
Một
phụ nữ trẻ đi ngang qua, cô nhìn thấy cậu bé và cô
đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt xanh của cậu
bé. Cô nắm lấy tay cậu bé và dẫn cậu vào trong cửa
hàng rồi cô mua cho cậu một đôi giầy mới và một
bộ quần áo ấm.
Sau
đó cô dắt cậu trở ra và nói với cậu: “Bây giờ
cháu có thể trở về nhà và có một kỳ nghỉ
đông thật hạnh phúc”.
Cậu
bé chăm chú nhìn cô rồi hỏi: “Cô có phải là Thượng
đế không?”.
Người
phụ nữ nhìn cậu bé, mỉm cười và trả lời: “Không
cháu à, cô chỉ là một trong số đứa con của Thượng
đế”.
Quả
thực, “chúng ta đều là những người con của Thương
Đế thôi”. Mỗi người chúng ta đều là thụ tạo được
Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. Hình ảnh Ngài
là tha nhân, là bạn bè, là những người thân quen hay xa
lạ mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Hình ảnh Ngài
đang hiện diện qua những người yếu đuối, bất hạnh
và nghèo khó đang cần chúng ta chăm sóc chở che. Có thể
nói: Thiên Chúa cũng đang viếng thăm chúng ta qua những
phận người đói rách lầm than, hay những phận đời bơ
vơ túng quẫn trăm chiều. Thế nên, là con của Thiên Chúa
chúng ta phải sống yêu thương nhau. Tình yêu sẽ giúp
chúng ta vượt qua mọi trở ngại để có thể làm điều
gì đó tốt đẹp nhất cho tha nhân. Tình yêu sẽ giúp
chúng ta liên đới với nhau thay vì vô cảm thiếu trách
nhiệm với nhau.
Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2000 năm,
một thiếu nữ miền Nagiaret được vinh hạnh đón tiếp
Thiên Chúa viêng thăm một cách rất âm thầm nhưng đầy
thân tình. Người thiếu nữ ấy tên là Maria. Với lòng
quảng đại và với lòng tin tuyệt đối vào quyền năng
Thiên Chúa, cô đã không để đánh mất cô hội ngàn năm
có một là cộng tác vào chương trình cứu độ của
Thiên Chúa. Cô đã nhanh nhẹn đáp lời bằng hai tiếng
xin vâng. Có thể nói : lời thưa xin vâng lúc này là lời
đẹp nhất trong cuộc đời cô. Lời thưa xin vâng không
những đã làm nên trang sử mới trong cuộc đời cô mà
còn đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên mới của lịch
sử. Triều đại mới đã bắt đầu. Thời đại hồng ân
đã khởi sự. Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở cùng
chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Ngày
hôm nay Thiên Chúa vẫn đang viếng thăm dân Người. Ngài
đang đến trong thân phận những con người nghèo khổ,
bất hạnh đang cần giúp đỡ, cảm thông. Ngài đang đến
trong thân phận những hài nhi yếu ớt đang cần sự đón
nhận, chở che. Ngài đang đến trong thân phận những
người già neo đơn, bệnh tật đang sống lây lất từng
ngày. Ngài đang đến giữa chúng ta. Ngài cũng có thể đã
từng bị chúng ta khước từ. Ngài đã từng bị chúng ta
xua đuổi, chúng ta tẩy chay, chúng ta loại trừ. Ngài vẫn
đang âm thầm đến ngỏ lời từng cuộc đời chúng ta.
Hãy rộng lòng đón nhận Chúa. Hãy quảng đại để chấp
nhận Chúa. Hãy dấn thân và phục vụ Chúa qua những anh
em đang cần sự trợ giúp của chúng ta.
Vâng
Thiên Chúa đã hạ sinh làm người và ở giữa chúng ta.
Ngài không tự nhốt mình trong cung điện nguy nga tráng lệ,
nhưng Ngài sinh ra giữa dân nghèo cùng cực. Ngài ở giữa
những cảnh đời tha phương cùng cực nhất của nhân
loại là “sinh vô gia cư, chết vô địa táng”. Ngài ở
giữa nhân trần để chia sẻ cảnh đời vốn dĩ vô
thường và lắm nổi trôi. Ngài ở giữa chúng ta để
trao ban tình yêu cho những người bất hạnh, ốm đau,
bệnh tật, bị ngược đãi, bị bỏ rơi. Ngài còn dành
một tình yêu đặc biệt cho những người tội lỗi là
phường thu thuế và gái điếm.
Hôm
nay, Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy để cho
Chúa được tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng
ta. Hãy để cho Chúa làm chủ cuộc sống của mình bằng
việc tuân hành thánh ý Chúa. Hãy noi gương Đức Mẹ,
chúng ta hãy dọn cho Chúa một cung lòng để Chúa ngự
trị. Hãy đón nhận Chúa. Hãy sống cho Chúa. Hãy phục vụ
Chúa trong anh em.
Ước
gì trong mùa giáng sinh năm nay, lời cầu chúc Emmanuel không
chỉ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mà ở cùng anh chị em
chúng ta. Xin Chúa Giê-su là Đấng Emmanuel luôn hiện diện
sống động trong cuộc đời từng người chúng ta, xin
Ngài ban tràn đầy niềm vui thánh ân trong ngày mừng Chúa
Giáng Sinh. Amen
Lm.Jos
Tạ Duy Tuyền
HÃY
LÀ NHỊP CẦU ĐƯA CHÚA ĐẾN VỚI ANH EM
Lm.
Inhaxiô Trần Ngà
Những
cây cầu rất đắc dụng trong giao thông, giúp những người
bị ngăn cách bởi khe suối, bởi sông sâu, biển rộng dễ
dàng vượt qua trở ngại để gặp gỡ tiếp xúc với
nhau. Đơn giản nhất là những cây cầu khỉ chênh vênh
vắt qua những con suối nhỏ giúp cư dân đôi bờ cách
biệt có thể qua lại với nhau. Kiên cố hơn thì có những
cây cầu bê tông nối liền các tuyến giao thông quan
trọng, giúp người lữ hành vượt qua những con sông rộng
đi đến những phương trời xa. Đáng kể hơn phải nói
đến những chiếc cầu dây văng hùng vĩ, băng qua những
con sông và vùng vịnh rộng lớn, như cây cầu Golden Gate
nổi tiếng, giúp cư dân hai bên bờ vịnh San Francisco có
thể đến được với nhau thật nhanh chóng, dễ dàng.
Con
người có thể sử dụng những công nghệ tiên tiến để
xây dựng nhiều loại cầu vượt qua nhiều ngăn cách khác
nhau trên mặt đất, nhưng làm cách nào để xây dựng
được cây cầu đặc biệt nối trời với đất, đưa
Thiên Chúa đến với loài người và đưa loài người lại
gần Thiên Chúa?
Từ
ngày nguyên tổ phạm tội, quan hệ nồng ấm giữa Thiên
Chúa và loài người bị cắt đứt. Tội lỗi khiến con
người bị tách lìa và xa cách Thiên Chúa bằng một
khoảng cách gần như bất tận.
Vì
tự cách ly với Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc và
ân sủng, con người phải héo hon và tàn lụi dần như
thân phận của những chiếc lá lìa cành.
Nhưng
Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương không nỡ để cho
loài người phải vĩnh viễn xa lìa Người là cội nguồn
sự sống. Người lên kế hoạch xây dựng một nhịp cầu
vĩ đại, nối liền trời với đất, giao hoà Thiên Chúa
với con người.
Để
thực hiện kế hoạch nầy, Thiên Chúa sai sứ thần
Gáp-ri-en đến gặp Đức Maria, mời Mẹ cộng tác vào
công trình hệ trọng nầy.
Sau
khi biết ý định Thiên Chúa, với tinh thần sẵn sàng
vâng phục của người tôi tớ, Đức Maria thưa với thiên
thần rằng: "Tôi đây là nữ
tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần
truyền."
Từ
lúc đó, Đức Maria trở thành nhịp cầu nối liền trời
với đất, nhịp cầu kỳ diệu nhất trong lịch sử nhân
loại. Thế là qua Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống với
loài người, mặc lấy xác phàm và sống giữa nhân loại,
để tỏ bày cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha
của mình và dẫn đưa họ về với Chúa Cha.
Một
kỷ nguyên mới được khởi sự nhờ sự vâng phục và
hợp tác của Mẹ Maria. Muôn người trên khắp thế giới
ngót hai ngàn năm qua đã nhờ Mẹ mà được giao hoà với
Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ do Đức Giê-su mang
đến.
Tuy
nhiên, cho tới hôm nay vẫn còn rất nhiều người chung
quanh chúng ta chưa nhận biết Đấng Cứu Độ nên Thiên
Chúa rất cần những nhịp cầu khác để đến với họ
và đưa họ về với Người.
Thiên
Chúa thiết tha mời gọi mỗi chúng ta hãy nối tiếp vai
trò của Mẹ Maria, bắc thêm những nhịp cầu mới để
đưa Chúa đến với những người chưa biết Chúa đang
sống chung quanh.
Mẹ
Maria nhận thức phận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn nên
đã mau mắn đáp lời Chúa mời gọi. Còn chúng ta là ai
mà cứ mãi nấn ná chần chừ, chẳng muốn thi hành ý
Chúa, chẳng muốn tuân lệnh Chúa truyền để trở thành
nhịp cầu đưa Chúa đến với tha nhân?
Nguyện
xin Chúa giúp chúng con noi gương bắt chước Mẹ Maria,
nhận ra mình chỉ là tôi tớ hèn mọn, mà phận làm tôi
thì không được làm trái mệnh lệnh Chúa truyền.
Nguyện
xin Mẹ dạy chúng con mau mắn đáp lời Chúa mời gọi và
thưa cùng Ngài: "Nầy tôi là
tôi tớ Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần
truyền."
Lm.
Inhaxiô Trần Ngà
TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MARIA
JKN
Câu hỏi gợi ý:
- Maria có gì đặc biệt mà được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế và theo niềm tin Công giáo, còn là Đấng đồng công cứu chuộc nhân loại? Dưới mắt người đời, Maria đâu có tài năng gì đặc biệt, làm sao Maria thành công trong công việc vĩ đại ấy?
- Khi được Thiên Chúa chọn, ta cần có tinh thần nào để hoàn thành tốt đẹp sứ mạng mà Ngài giao cho ta? Có ai được Thiên Chúa chọn mà làm hỏng việc Ngài không? Tại sao vậy?
Suy tư gợi ý:
1.
Maria nhỏ bé yếu đuối nhưng được Chúa chọn...
Dưới
nhãn quan Kitô giáo, chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm một
mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, khởi
đầu một công trình hết sức lớn lao của Thiên Chúa:
cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời. Công cuộc
vĩ đại này bắt đầu một cách rất âm thầm, nhỏ bé
tại một làng quê, với một thôn nữ yếu đuối chẳng
mấy người biết. Điều này làm ta nhớ tới dụ ngôn
hạt cải của Đức Giêsu: “Nước
Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó
là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo
rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá
xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”
(Mc 4,31-32). Qua kinh nghiệm tâm linh của nhiều vị
thánh, ta thấy Thiên Chúa thường khởi sự những việc
hết sức lớn lao bằng những việc hết sức bé nhỏ,
với những con người cũng hết sức nhỏ bé. Có như thế
người ta mới thấy quyền năng của Ngài, mới thấy Ngài
là một Thiên Chúa vĩ đại: “Những
gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để
hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27).
Thật
vậy, theo tiêu chuẩn thông thường của người đời,
nghĩa là xét về tài năng, thông minh, học vấn, sức
khỏe, sắc đẹp, v.v... chắc hẳn Maria không có gì đặc
biệt hơn những thiếu nữ khác cùng trang lứa với mình.
Trên đời chắc chắn còn những thiếu nữ đặc biệt
hơn Maria rất nhiều. Nhưng Maria đã được Thiên Chúa
chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để cộng tác với Ngài
trong công trình vĩ đại này. Ngài chọn Maria vì Ngài muốn
chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9,12.16), và cũng “vì
bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Và Ngài đã thành
công trong việc chọn Maria, đang khi có những người khác
được Ngài chọn đã làm “hỏng
việc” của Ngài, hay đã làm Ngài không hài
lòng, chẳng hạn trường hợp vua Sa-un (x. 1Sm 9,17;
13,13-14); tông đồ Giu-đa (Mt 26,47-50)...
Vấn
đề đặt ra cho chúng ta là: nhiều người được Thiên
Chúa chọn cho công việc của Ngài, tại sao có những
người làm nên việc, khiến Ngài thành công và hài lòng
như trường hợp của Maria, và cũng có những người làm
“hỏng việc”, khiến Ngài “thất bại” (từ gượng
dùng) hoặc không hài lòng? Ta có thể rút ra bài học nào
cho ta khi ta được Thiên Chúa chọn làm công việc của
Ngài?
2.
Maria xóa bỏ bản ngã mình trước Thiên Chúa
Một
trong những yếu tố quan trọng nhất để Thiên Chúa có
thể thành công nơi ta, đó là ta biết xóa bỏ bản ngã
mình trước Thiên Chúa, xóa bỏ ý riêng mình trước thánh
ý Ngài, xóa bỏ dự định hay kế hoạch của mình trước
dự định hay kế hoạch của Ngài. Đó chính là tinh thần
tự hủy mà Đức Giêsu là gương mẫu hoàn hảo nhất, và
kế đó là Đức Maria.
Theo
tư tưởng lưu truyền trong giới Công giáo, khi được
thiên sứ báo tin, Maria đang dự định sống trọn đời
đồng trinh để phụng sự Thiên Chúa. Việc đính hôn với
Giu-se chỉ là để che mắt thị phi của thiên hạ, vì
người đương thời quan niệm sai lầm rằng một phụ nữ
sống độc thân là một hình thức bị chúc dữ. Nhưng
khi biết thánh ý Thiên Chúa muốn chọn mình làm Mẹ sinh
ra Đấng Cứu Thế, thì lập tức nàng từ bỏ tất cả
mọi ý muốn hay dự định riêng của mình để vâng theo
ý muốn của Thiên Chúa: “Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi
như lời sứ thần nói”.
3.
Được Ngài chọn, hãy toàn tâm toàn ý cho việc của Ngài
Nếu
Thiên Chúa chọn ta thì là để ta thực hiện công việc
của Ngài chứ không phải việc của ta, để ta làm theo ý
Ngài chứ không phải ý ta. Nên nếu ta được chọn, ta
hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ công việc của Ngài mà
trong đó ta chỉ là một công cụ Ngài dùng mà thôi. Công
cụ thì không hiện hữu cho mình mà cho công việc hay ý
muốn của người sử dụng công cụ. Công cụ tốt là
công cụ hoàn toàn làm đúng ý người sử dụng. Vậy, ta
hãy toàn tâm toàn ý cho công việc và mục đích của
Ngài, đừng nghĩ gì đến công việc hay mục đích của
ta. Nếu công việc hay mục đích của Ngài thành tựu, thì
công việc hay mục đích của ta cũng sẽ tự động thành
tựu tốt đẹp, có thể gấp trăm lần ta tự lo cho công
việc hay mục đích của ta. Đức Giêsu có nói: “Trước
hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của
Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”
(Mt 6,33). Vì thế, việc của ta, hãy hoàn toàn
phó thác cho Ngài. Chắc chắn một Thiên Chúa quan phòng
tài tình như Ngài sẽ không để việc của ta bị thất
bại chỉ vì ta đã toàn tâm toàn ý lo cho việc của Ngài.
Hãy tin tưởng chắc chắn như thế!
4.
“Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã”
Những
người được chọn mà làm “hỏng việc” Ngài - như
vua Sa-un, Giu-đa - có thể là những người ban đầu rất
nhiệt thành, quên mình, hoạt động vì Thiên Chúa và tha
nhân chứ không vì mình. Nhưng tới một lúc nào đó người
ấy bị tha hóa, đã đặt mục đích hay công việc của
mình lên trên mục đích hay công việc của Ngài, đặt ý
mình lên trên ý Ngài, hoặc muốn lèo lái công việc của
Ngài theo ý mình, v.v... Những người này lúc ban đầu nhờ
nhiệt thành và quên mình nên đạt được danh vọng,
quyền lực, tiền bạc... nhưng về sau họ đã bị chính
những thứ đạt được ấy làm biến chất, tha hóa,
khiến họ bị mất ơn Chúa và trở thành những kẻ phá
hoại hay cản trở việc Chúa. Do đó, mọi Kitô hữu đang
có chức vị cao, đang nắm quyền lực hay có nhiều tiền
bạc trong tay cần phải lưu ý lời của thánh Phaolô: “Ai
tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr
10,12). Coi chừng kẻo mình trở thành như cây
chổi cùn, sau khi đã tận tâm tận lực quét đi mọi thứ
rác rưởi, thì cuối cùng mình lại trở thành một thứ
rác lớn nhất, khó quét đi nhất. Vậy, tinh thần tỉnh
thức, luôn luôn phản tỉnh, tự xét bản thân là điều
rất cần thiết. Hãy coi chừng danh vọng, địa vị, quyền
lực, tiền bạc là những yếu tố có khả năng tha hóa
và làm biến chất rất mạnh! Vì thế, đời sống thanh
đạm, tinh thần từ bỏ, siêu thoát vẫn luôn luôn cần
thiết cho đến hết cuộc đời.
5.
Người được chọn sẽ bị thử thách
Ai
được Thiên Chúa chọn để làm những công việc lớn
lao cho Thiên Chúa, thường gặp nhiều thử thách, đau khổ.
Đó là cách mà Thiên Chúa vẫn đối xử với những ai
Ngài đặc biệt yêu thương và tuyển chọn để tinh luyện
người ấy xứng đáng với ơn gọi. Hãy coi những thử
thách mà Đức Giêsu và Đức Maria - là những người được
Thiên Chúa đặc biệt ưu đãi - phải chịu trong cuộc đời
các Ngài thì rõ. Đây là kế hoạch của Ngài dành cho
những người được Ngài chọn: “Những
ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi;
những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên
công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính thì
Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,30).
Cách thức “làm cho nên công chính” của Ngài chính là
thử thách, cho trải qua đau khổ: “Đức
Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập
toàn” (Dt 2,10); “Họ phải được thử thách trước đã,
rồi mới được thi hành chức vụ” (1Tm 3,10); “Những
thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ
quý hơn vàng gấp bội” (1Pr 1,7). Bù lại, vinh
quang của những người được Thiên Chúa yêu mến và
tuyển chọn cũng rất lớn lao: “Những
đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh
quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).
Chính
nhờ những đau khổ và thử thách ấy nên không ai có thể
ganh tị được với vinh quang vô cùng lớn lao mà Thiên
Chúa ban cho những ai bền đỗ với những thử thách ấy.
Họ rất xứng đáng với vinh quang và hạnh phúc mà Thiên
Chúa ban cho họ. Vì thế, khi được Thiên Chúa tuyển
chọn, ta hãy sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ và thử
thách Thiên Chúa gửi tới. Hãy tin tưởng: “Ai
bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22;
24,13).
Cầu nguyện
Lạy
Cha, để yêu thương và cứu rỗi nhân loại, Cha cần rất
nhiều người cộng tác. Cha chọn người cộng tác theo sự
tự do của Cha. Con sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của
Cha, nếu Cha cần đến con. Một khi được kêu gọi, con
quyết sẽ toàn tâm toàn ý sống và làm tất cả mọi sự
theo sự hướng dẫn của Cha, bất chấp những đau khổ
thử thách mà Cha dùng để rèn luyện con. Xin cho con trung
thành với quyết tâm ấy.
JKN
XIN
VÂNG!
AM
Trần Bình An
Hôm nay Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Vọng,
chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng Chúa Giáng Sinh. Trong
tinh thần sám hối, tỉnh thức và chuẩn bị chào đón sự
kiện trọng đại nhất của nhân loại, cũng như của mỗi
người, thánh sử Luca muốn gửi đến chúng ta môt thông
điệp vô cùng quan trọng, qua biến cố Truyền Tin của sứ
thần Gabriel với Đức Mẹ Maria.
Lời
chào rất trang trọng của sứ thần Gabriel: “Mừng
vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng
bà.”
chứng tỏ
Đức Maria đã có đời sống thánh thiện, đã tận hiến
dâng mình, sống kết hợp mật thiết với Chúa, nên được
Chúa chọn ngự đến. Mẹ đã chuẩn bị chu đáo để
lãnh nhận hồng ân cao cả.
Vừa
nghe lời sứ thần Gabriel chào mừng và chúc tụng, Mẹ
Maria rất
bối rối,
chứ
không chỉ bối rối đơn thuần như ông Dacaria, cũng được
thị kiến sứ thần trước đó trong đển thờ. Rồi Mẹ
phân vân, tự
hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì.
Trong khi ông Dacaria thì lại phản ứng tiêu cực hơn, bị
nỗi sợ
hãi ập xuống trên ông
(Lc 1,
12). Sau khi nghe sứ thần báo tin vợ ông, là bà Elisabét,
tuổi đã xế chiều, sẽ thụ thai, ông Dacaria đã tỏ ra
không tin, hơn nữa lại ngờ vực Thánh Ý Chúa.( Lc 1, 20)
Còn
Mẹ nghe sứ thần Gabriel loan báo sẽ được cưu mang Đấng
Cứu Thế, Mẹ không hề nao núng, không nghi ngờ, chỉ đơn
sơ thắc mắc: Việc
ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc
vợ chổng!
(Lc1, 34)
Sứ
thần Gabriel giải thích mầu nhiệm Nhập Thể, và mạnh
mẽ kết luận: Vì đối với
Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.
Mẹ liền mau mắn đáp lại:
“Xin vâng! Tôi đây là nữ
tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói.”
Thái độ tích cực của Mẹ
biểu hiện tấm hồn vâng phục, khiêm nhường, cùng tuyên
xưng niềm tin bất biến: Tôi
đây là nữ tỳ của Chúa.
Mẹ
đã chọn Chúa làm chủ cuộc đời, chứ không phải danh
vọng, tiền tài, phù hoa của thế gian. Mẹ còn tiếp tục
xác tín điều đó trong kinh Magnificat sau này: “Phận
nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.”(Lc
1, 48). Vì thế Mẹ phó thác hoàn toàn vào Chúa tác động,
hành xử: “Xin
Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói.”
Lạy
Mẹ Maria kính mến, xin cải hóa tâm hồn chúng con, xin
giúp chúng con biết sống theo gương Mẹ, luôn biết khiêm
hạ như tôi tớ hèn mọn của Chúa, xin dạy chúng con biết
nói hai chữ “Xin Vâng”theo Thánh Ý Chúa nhiệm mầu, hầu
xứng đáng tiếp đón Chúa Giáng Sinh. Amen.
AM
Trần Bình An
HƯỚNG
VỀ MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH
Pio
X Lê Hồng Bảo
Tin
Mừng theo Phụng vụ đã dẫn dắt chúng ta ngày càng
gần đến Mầu Nhiệm Nhập Thế của Ngôi Lời
Thiên Chúa. Mầu Nhiệm Nhập Thế luôn đi đôi với
Mầu Nhiệm Nhập Thể như hai mặt của đồng xu Ân
Sủng. Biến cố Truyền Tin từ 9 tháng trước nay
được lập lại như một sự khẳng định. Giáo
Hội muốn nhắc cho chúng ta nhớ đến tầm quan
trọng của tiếng “Xin Vâng” mà Mẹ Maria đã thốt
lên từ hai ngàn năm trước, tiếng “Xin Vâng” không
phải ngẫu nhiên mà đã được hun đúc qua nhiều
thế hệ. Cũng không có gì lạ khi Giáo Hội phong
thánh cho ông bà Gioakim và Anna, song thân của Đức
Maria. Và chúng ta có quyền tin rằng, vẫn còn nhiều
thế hệ Thánh trước đó nữa. “Không
có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây
nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì
biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi
rậm, làm gì hái được nho!”
(Lc. 6,
43-44).
Ngày
nay, khi Mẹ Maria đã hưởng triều thiên Thiên Quốc,
chúng ta thường nghĩ về biến cố Truyền Tin như
là một vinh dự dành cho Mẹ Maria mà ít nghĩ đến
hoàn cảnh khắc nghiệt thời bấy giờ; khi mà tội
gian dâm bị xử ném đá cho đến chết theo luật
Mô-sê. Thật vậy, chúng ta hãy thử tưởng tượng
những sự việc trên xảy ra cho một cô bé nhà quê
chân chất mới 16 tuổi đầu thì mới cảm nghiệm
được những điều kỳ diệu. Từ câu chào đầu
tiên của sứ thần Gabriel, Mẹ đã hoang mang vì tự
cho mình không xứng đáng với lời chào ấy. Đến
khi sứ thần thông báo cho Mẹ sứ mạng cưu mang con
Đấng Tối Cao, Mẹ lại càng hoang mang hơn đối với
một trọng trách vĩ đại mà Mẹ lại không hề có
điều kiện để thực hiện: “tôi
không hề biết đến người nam”.
Nhưng sau khi nghe sứ thần nói về cách Chúa thực
hiện thì Mẹ đã sẵn sàng với một tấm lòng
khiêm cung và phó thác: “Này
tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần
truyền”.
Tôi
chợt liên
tưởng đến một mẫu đối thoại thời hiện đại:
- Chào người mẫu M., kiêm ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh. Cô thật có phước, vừa đẹp, vừa đa tài, lại vừa may mắn. Đạt 2, 3 giải thưởng liên tiếp…
- Phước đức gì, may mắn gì đâu anh. Họ cũng vắt mình ra nước ấy chứ, có được ngày hôm nay là do khổ luyện đó anh. Một ngày M. chỉ được ngủ có 5 tiếng chớ mấy, suốt ngày phải lăn lộn ngoài phim trường, rảnh một vài buổi lại tranh thủ luyện thanh, tối về đọc kịch bản cho đến khuya. Vậy mà còn phải rán nhịn ăn để giữ “co” bước lên sàn catwalk nữa!
- Chà, thật đáng ngưỡng mộ! Một người trẻ như cô mà lịch làm việc dày đặc thế thì cô giải trí lúc nào? Ý tôi nói là những buổi liên hoan bạn bè, những chuyến dã ngoại…
- Mấy vụ này thì đã có manager của M. lo! Khi nào thích thư giãn ít hôm thì bảo họ sắp xếp. Mình là “sao” nên bên phim trường họ cũng sẵn sàng… chờ!
- À, là thế này. Tôi muốn mời M. tham gia một buổi diễn từ thiện ở tỉnh K. Nhân tiện, để M. có dịp xả hơi thư giãn miền sông nước ít hôm. Cũng là cơ hội để tích đức…
- Ấy, không được đâu anh. M. dư sức để diễn ở bất cứ tụ điểm danh giá nào ở thành phố này, nhưng về tỉnh lẻ nó hạ thấp giá trị của M. Rồi mai mốt làm sao M. deal giá hợp đồng với người ta. Vả lại, chuyện cát-sê không thành vấn đề nhưng M. ăn uống và sinh hoạt… khó lắm! Sợ dưới đó không đủ tiện nghi.
Đối chiếu lại, chúng ta thấy
thật không dễ nói tiếng “xin vâng” phải không?
Chúng ta vẫn thường nghĩ, nếu được sứ thần
hiện ra báo tin như thế, tôi cũng sẵn sàng… xin
vâng?!?
- Không đâu, tôi sẽ “bay bổng” ngay từ câu chào đầu tiên. Tôi sẽ tự thấy mình quan trọng khi được tung hô bằng những mỹ từ có cánh. Tôi sẽ nhìn… xuống “thằng cha” sứ thần và đề phòng “hắn” cầu cạnh việc gì mới phải chúc tụng mình như vậy.
- Rồi đến khi “hắn” giao “sứ mạng” cho tôi, tôi phải tìm hiểu xem mình được gì trong tuy-dô đó. Sao lại là tôi mà không phải người khác? Các điều kiện để thực hiện có thuận lợi hay không? Các điều khoản có công bằng và công minh không?
- “Hắn” hứa sẽ hỗ trợ tối đa à? Đừng đem những sức mạnh siêu nhiên ở mãi tận đâu đâu ra lòe bịp tôi. Còn xác suất rủi ro nữa chi?
Tôi cũng nhớ một mẫu đối thoại
trên một phim hành động, khi một sỹ quan tham mưu
tìm đến một anh lính bắn tỉa đã về hưu để
yêu cầu một điệp vụ ám sát trong lòng địch.
Viên sỹ quan hứa:
- Tôi sẽ chấp nhận mọi yêu cầu của anh sau khi điệp vụ này hoàn tất.
- Mọi yêu cầu à? – Anh lính bắn tỉa vặn lại – Vậy thì, các ông đã coi tôi như một kẻ chết rồi!
Vậy đó, sự khôn ngoan của thế
gian đã khiến hai từ “xin vâng” trở thành xa lạ!
Tôi đâu phải con cừu muốn dắt đâu thì dắt, tôi
đâu phải chiếc đòn muốn kê đâu thì kê? Chỉ vì
“cái tôi” vẫn… chà bá trước mặt! Có một
câu ngạn ngữ mang tính hình tượng và ẩn dụ rất
hay: “Nếu bạn quay lưng về
phía mặt trời, chiếc bóng của bạn lúc nào cũng
lởn vởn trước mặt bạn. Nhưng nếu bạn quay mặt
về phía mặt trời, chiếc bóng sẽ lùi ra đàng
sau lưng bạn”. Mẹ Maria đã
luôn hướng mắt hướng lòng về Mặt Trời Công
Chính, nên Mẹ không bị cái tôi án ngữ. Mẹ dễ
dàng “Xin Vâng”
vì tự nhận thân phận tôi đòi: “Này
tôi là tôi tá Chúa”.
Chính vì lòng khiêm nhường,
tâm tình phó thác quên mình mà Mẹ đã cất cao lời
kinh Magnificat để tán dương những sự việc Chúa
đã làm cho Mẹ mà không cần biết hậu quả sẽ đi
đến đâu? Thánh Giuse có chấp nhận Mẹ không? Lưỡi
dao đâm thấu tim Mẹ sắc nhọn chừng nào?
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng
con biết quy hướng về Chúa, là Mặt Trời Công
Chính của đời con trong mọi lúc và mọi sự. Để
chúng con biết khiêm tốn nói tiếng “Xin Vâng” như
Mẹ Maria trong mỗi biến cố mà Chúa dành cho chúng
con. Amen.
Pio
X Lê Hồng Bảo
NÊN
GIỐNG TRÁI TIM ĐỨC MẸ
Phó
tế Thomas Nguyễn Văn Hiệp
Tiếp
nối những dòng suy niệm của ba chúa nhật mùa vọng
trước: “Đừng Vô Cảm”, “Tỉnh Thức Con Tim”, “Con
Tim Rung Nhịp Với Chân Lý”, chúa nhật IV mùa vọng xin
được chia sẻ đề tài: nên
giống trái tim Đức Mẹ.
Khi
nói đến trái tim thì mọi người không chỉ nghĩ đấy
là một cơ phận của thể xác con người, nhưng còn nghĩ
ngay đến chiều sâu bên trong là ý hướng, tình cảm, tâm
trạng, nỗi niềm .... Triết Đông còn dùng chữ “tâm”
(心:trái
tim)để chỉ thế giới tinh thần
(tâm linh) của con người. Có thể nói “trái tim” là
biểu tượng nói lên cái cốt yếu của con người đích
thực. Chính vì thế mà Đại Thi hào Nguyễn Du từng bảo:
“Thiện
căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều).
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều).
Cũng
vì ý nghĩa và tầm quan trọng của biểu tượng trái tim
mà chúng ta có lễ trọng “Thánh
Tâm Chúa Giêsu”
và lễ “Trái
Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ”
liền kề nhau.
Câu
chuyện có thật về người đàn bà “hủi”, mẹ thằng
Chiền (Tú Anh) trong phim “Chuyện Tử Tế” của đạo
diễn Trần Văn Thủy cũng để lại cho ta nhiều suy nghĩ.
Trong phim chỉ cho biết mẹ thằng Chiền bị hủi, bị xua
đuổi khỏi làng, bị chồng bỏ, đi xin ăn, đêm đêm lén
về nhào đất đúc được 18 vạn (180.000) với ước mơ
con có một mái nhà …đã làm cho mọi khán giả xúc động.
Nhưng Khi đọc những bài báo viết sau đó mười mấy hay
hai chục năm, nhất là bài “Chuyện
cổ tích về số phận kỳ lạ của một người đàn bà”
của tác giả Phùng Nguyên (2005) cho ta biết thêm nhiều
thông tin hơn về người đàn bà “hủi” có tên Trần
Thị Hằng, mẹ thằng Chiền. Bài báo đã tạo một cơn
sốt ngưỡng mộ nơi độc giả. Chị Hằng đã từng nung
dao nóng đỏ để chặt lần lượt mười ngón tay bị cho
là “hủi’ của mình, phải làm bè sống trên ao, ban
ngày đi gánh nước hoặc cát thuê, đêm về gánh đất
lấp ao để có một nền nhà …. Chị còn thảm thương
hơn cả chị Dậu trong “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố,
vì Chị Dậu còn có bầy chó để bán.
Chính trái tim thương con của người mẹ
đã giúp chị Hằng vượt qua tất cả. Từ đôi bàn tay
bị cho là “hủi” phải chặt cụt từng ngón cùng với
trái tim người mẹ luôn yêu thương thao thức vì con, sau
mười mấy năm lăn lộn với khổ đau cùng tận, chị
Hằng đã thành công trong cuộc sống, đã trở thành triệu
phú, có ngôi biệt thự lớn nhất xã Hoàng Diệu, thành
phố Thái Bình (năm 2005).
Cả
ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều mời gọi chúng ta có
trái tim
vâng phục Thiên Chúa như Đức Maria.
Bài
đọc 1, sách 2Sm mời gọi
mọi người sống tâm tình của người con luôn tùng phục
Thiên Chúa: “Ngươi mà xây nhà
cho Ta ở sao ? … Đối với
nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.”
Bài
đọc 2,
thánh Phao lô xác tín với giáo đoàn Rôma: “Theo
lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu
nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ
tin mà
vâng phục Thiên Chúa.
Chỉ mình Thiên Chúa là
Đấng khôn ngoan thượng trí”.
Bài
Tin Mừng, bằng vài nét
chấm phá, thánh sử Luca phác họa chân dung Đức Maria: là
người thôn nữ bình thường như mọi thôn nữ khác (c
27), là người nữ “đầy ơn sủng” và được “Đức
Chúa ở cùng” (c 28), là người được Thiên Chúa chọn
làm mẹ Đấng Messia Con Thiên Chúa (c 30-33)… Tuy nhiên câu
kết của Tin Mừng đã làm bừng sáng cả bức chân dung
Đức Mẹ là một con người bình thường nhưng thật
vĩ đại vì trái
tim đã vâng phục Thiên
Chúa cách triệt để: "Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi
như lời sứ thần nói."
Chiêm ngắm cuộc đời Đức Mẹ, chúng ta không chỉ thấy
Trái tim Đức Mẹ thốt lên hai tiếng “xin vâng” trong
biến cố Truyền tin, khi chứng diện trước Sứ thần của
Thiên Chúa; mà cả cuộc đời Đức Mẹ, trái tim vẫn
luôn rung nhịp vâng theo thánh ý Thiên Chúa giữa bao nghịch
cảnh. Mẹ vâng phục Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc,
mọi biến cố, mọi phút giây. Trong biến cố hạ sinh con
nơi hang bò lừa giữa cánh đồng hoang vu đêm khuya gió
rét, biến cố trốn sang Ai Cập, dâng con trong Đền thờ,
ẩn cư tại Nazareth … ở mọi thời khắc Đức Mẹ đều
thinh lặng, nhưng con tim ghi nhớ và suy niệm (x. Lc 2,19).
Cả biến cố dưới chân thánh giá, Mẹ chứng diện trước
cái chết của người con dấu yêu. Có nỗi đau nào sánh
ví! Thế mà Mẹ vẫn thinh lặng, vâng phục và phó thác,
trao phó con tim mình cho Thiên Chúa.
Ngay từ thời xa xưa, các Giáo phụ và những
vị đại thánh đã ca ngợi Trái Tim Đức Mẹ:
- Thánh Giêrônimô: Không trí khôn thụ tạo nào, không trái tim thụ tạo nào, không sức lực nhân loại nào có thể biết được Trái Tim Mẹ Maria yêu mến Chúa chúng ta đến mức nào.
- Thánh Bênađô: Tình Chúa yêu thương chiếm trọn Trái Tim Mẹ Maria, đến nỗi Trái Tim Mẹ đầy tràn tình yêu, vì Thiên Chúa không làm bùng lên tình yêu trong trái tim nào khác như trong Trái Tim Rất Thánh Nữ Trinh. Và vì Mẹ thoát khỏi mọi dính bén thế tục để Mẹ lãnh nhận được ngọn lửa thánh này.
- Thánh Bênađinô: Đức Nữ Trinh hiển vinh không lặp lại những tác động yêu mến như các thánh, vì trọn cuộc đời Mẹ là một tác động yêu mến liên lỉ do một đặc ân Mẹ luôn luôn yêu mến Thiên Chúa.
- Thánh Phanxicô Salêsiô: Mẹ Maria trung thành yêu mến Thiên Chúa trong những giờ phút đen tối nhất và tuyệt vọng nhất, đặc biệt trên đồi Canvê. Mẹ tới một mức độ yêu mến hoàn hảo nhất, cao cả nhất. Điểm căn bản là tâm hồn Mẹ tan hòa kết hợp với Chúa và chỉ yêu mến duy một Thiên Chúa trong mọi sự và mọi nơi.
- Thánh Gioan Maria Vianney: Chúa Con có đức công bình của Người, Mẹ không có gì, chỉ có tình yêu là Trái tim của Người. Không có ơn nào từ trời xuống mà không qua tay Mẹ.
- Thánh Eymard: Ai muốn hiểu biết những bí nhiệm thẳm sâu tình yêu Thiên Chúa, và những nhân đức kín nhiệm Thiên tính Chúa Giêsu, thì phải học trong tấm gương trong suốt Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
Lời
mời gọi của thánh Eymard, cũng là lời mời gọi của
Lời Chúa hôm nay: Hãy
nên giống trái tim Đức Mẹ.
Có
lẽ chúng ta sẽ bảo rằng: thật khó để thanh luyện
trái tim mình nên giống Trái tim Đức Mẹ. Quả là khó
chứ không phải là điều không thể. Điều quan trọng là
tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa có tinh tuyền và mãnh
liệt như Đức Mẹ hay không. Nếu có tình yêu thì chúng
ta sẽ làm được tất cả, vượt qua tất cả mọi gian
nan hay đam mê lôi cuốn. Cha ông ta đã từng bảo: “yêu
nhau mấy núi cũng trèo”
mà!
Chính
trái tim yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn và mãnh liệt
đã làm nên một Maria vâng phục thánh ý Thiên Chúa suốt
cả đời. Cũng thế, nếu
trái tim chúng ta luôn thao thức qui hướng về Thiên Chúa,
rung nhịp với Tin Mừng tình yêu vĩnh cửu của Ngài thì
mỗi người chúng ta cũng có thể vượt qua tất cả mọi
trở ngại để vâng phục Thiên Chúa cách hoàn toàn và
suốt cả đời như Đức Mẹ. Các Vịnh gia từng thốt
lên: “Tim
thét gào thì miệng phải rống lên”
(Tv 38,9) (xem bài diễn giải
rất hay của thánh Augustinô về câu Thánh vịnh này
ở Bài đọc 2 Kinh Sách, thứ 6 tuần 3 mùa vọng).
Nếu
chúng ta không thanh luyện trái tim mình nên giống trái tim
Đức Mẹ, tức để cho tim mình rung nhịp theo những xúc
cảm tầm thường, nhất thời, thì trái tim chúng ta không
chóng thì chày cũng dễ bị lạc nhịp theo những xu hướng
của thế tục, của sự ích kỷ vụ lợi cá nhân.
Ước
mong Lời Chúa hôm nay soi dẫn, mỗi người chúng ta
thanh luyện chính mình để trái tim chúng ta máng cỏ
yêu thương nơi Hài Nhi Giêsu ngự trị và để chúng
ta có thể mang Chúa đến cho tha nhân.
Phó
tế Thomas Nguyễn Văn Hiệp
XIN
VÂNG
Chúa
Nhật IV – MVB – (Lc 1, 26 – 38)
Tình
yêu đáp trả một tình yêu,
Trinh
Nữ đơn sơ phút đăm chiêu.
Bình
dị phân vân, đời vắng vẻ,
khiêm
nhường ứng xử, cảnh cô liêu.
Xin
vâng Thánh Ý, tin yêu sự,
từ
bỏ ý riêng, phó thác điều.
Ân
sủng tuôn tràn, nguồn thánh đức,
Chương
Trình Cứu
Chuộc tỏa huyền siêu.
16/12/2011
Hạt
Nắng
NHIỆM
MẦU XIN VÂNG
Chúa
Nhật IV – MVB – (Lc 1, 26 – 38)
Có
không gian nào, nhiệm mầu tràn ơn thánh,
lúc
Chúa sai sứ thần đề nghị cùng Nữ Trinh.
Trong
sáng uy linh, thiên cung đợi chờ,
trần
thế ươm mơ, đất trời ngưng thở.
Tiếng
xin vâng ngọt ngào, nồng nàn, lòng khiêm tốn,
Thánh
Ý Cha thiện toàn, khai mạc ơn tái sinh.
Ánh
sáng quang minh, bóng đêm lui tàn,
trần
hoàn hoan ca, đất trời nở hoa.
Bầu
trời bừng sáng, mặt đất tung hô,
Trinh
Nữ đơn sơ, trái tim vô bờ,
đáp
lời Thiên Chúa, từ bỏ ý riêng,
đất
trời giao duyên, mối tình linh thánh.
Nhiệm
mầu tỏa sáng, hai tiếng “Xin Vâng”,
nối
kết thiên cung, phút giây tương phùng,
giao
hòa trần thế, bóng tối xua tan,
đất
trời ca vang, khúc hát an bình.
Tiếng
yêu thương ngọt ngào, nồng nàn, lời AI ngỏ?
hiến
thân là nhịp cầu, loan truyền ơn tái sinh.
Kết
nối nhân sinh, sống trong ân tình,
hoàn
vũ hoan ca, đất trời nở hoa.
16/12/2011
M.
Madalena Hoa Ngâu
HỘI
NGỘ
Chúa
Nhật IV – MVB – (Lc 1, 26 – 38)
Thời
khắc đến, Ngôi Lời Nhập Thể,
thỏa
mối tình cứu thế hoài mong.
Thu
hẹp khoảng cách mênh mông,
nối
liền trời đất tình nồng se duyên.
Lòng
khiêm nhượng, nên duyên hội ngộn
lời
đổi trao, tỏ lộ tâm tình.
Thánh
Ý thể hiện phân minh,
hồng
ân Cứu Chuộc chương trình khai hoa.
Lòng
trung tín vượt qua gian khó,
lời
xin vâng, phó thác cậy trông.
Tin
yêu tình Chúa quan phòng,
tình
yêu nở giữa bão giông cuộc đời.
Chúa
vẫn đến gọi mời nhân thế,
mở
con tim để đón nhận Ngài.
Đi
vào thế giới hôm nay,
xua
tan nghịch cảnh, đong đầy bình an.
Ơn
Chúa vượt thắng gian nan,
quyền
năng thần khí trên đàng chứng nhân.
Cùng
Chúa sống giữa nhân trần …
16/12/2011
Bâng
Khuâng Chiều Tím
MẸ
ĐẦY ƠN PHÚC
Lc
1, 26 - 38
Học
nơi Mẹ hỡi người lữ khách !
Dẫu
vô vàn thử thách sẵn sàng
Khiêm
nhu êm ái dịu dàng
Lòng
tin cậy mến vững vàng tăng thêm
Ơn
Cứu Độ ngày đêm khao khát
Chúa
quan phòng xếp đặt đã lâu
Lòng
thương xót qúa nhiệm mầu
Từ
nay đến mãi đời sau ngập tràn
Tròn
trách nhiệm chu toàn phó thác
Rất
nồng nàn sâu sắc đậm đà
Tin
yêu gắn bó thiết tha
Tâm
tình cảm tạ bao la hồng ân
Lời
chúc tụng Sứ Thần kính mến
Chút
bồi hồi xao xuyến lâng lâng
Cuồn
cuộn như sóng trào dâng
Khấn
cầu vui nhận “ xin vâng” trọn đời
Mẹ
đầy phúc rạng ngời chất ngất
Sáng
đẹp tươi nổi bật Thiên Tòa
Vinh
quang rực rỡ chói lòa
Uy
quyền Thiên Chua chan hòa nơi nơi
Mong
chờ Chúa thay dời biến đổi
Hãy
quyết tâm sám hối thật nhanh
Trở
về với Đấng nhân lành
Phục
hồi kiếp sống mong manh thế trần./
Lm.
Khuất Dũng sss
MẦU
NHIỆM THÁNH GIA THẤT
Chúa
Ba Ngôi đầy lòng thương xót
Lên
kế hoạch cứu vớt loài người.
Ngôi
Cha ngỏ ý: Tức thời
Ngôi
Con lên tiếng với lời “xin
vâng”
Ngôi
Ba Chúa động lòng phấn khởi
Sai
sứ thần hướng lối trần gian,
Truyền
tin trinh nữ cưu mang
Ngôi
Lời xuống thế cứu hàng chúng sinh.
Ma
ri a giật mình bỡ ngỡ,
Nhờ
trấn an, Mẹ mở lòng tin.
“Xin
vâng” từ đáy con tim,
Hiến
dâng trọn vẹn một niềm hy sinh
Mang
gánh nặng một mình sao nổi.
Chúa
quan phòng kêu gọi Giu se.
Thánh
nhân nghi ngại e dè,
Nhưng
theo ý Chúa, mọi bề “xin
vâng”
***
Thánh
gia mầu nhiệm sáng vô cùng.
Ba
đấng nêu gương tự hiến dâng.
Mạnh
khỏe an vui luôn cảm tạ.
Gian
nan, thử thách mãi “xin vâng”.
Thế
Kiên Dominic
XIN
VÂNG!
CÚI
mình Trinh Nữ "xin vâng"
MÌNH
mang THIÊN TỬ phó dâng tâm hồn
MẸ
đầy Thần Khí ơn khôn
NÓI lời
dâng hiến kính tôn Chúa Trời
XIN
vâng mang lấy Ngôi Lời
VÂNG
đây! tôi tớ phận người nhỏ nhen
ĐỒNG
Công cứu chuộc phận hèn
CÔNG
này trần thế tạ khen đời đời
CỨU
con Chúa xuống làm người
CHUỘC
về những kẻ biếng lười hư thân
PHÓ
mình cứu lấy muôn dân
DÂNG
lên Thiên Chúa triệu lần ngợi khen
CUỘC
đời suy gẫm phận hèn
ĐỜI
con hạt bụi nhuộm đen ơn Ngài
TÂM
tư mờ mịt tương lai
HỒN
con phó thác trong tay của Ngài
TRINH nguyên
Thiên Chúa an bài
NỮ
tỳ tôi tớ gẫm hoài trong tâm
BỒI
hồi hai tiếng "Xin Vâng"
HỒI chuông
thánh mãi vọng ngân đời đời
NHẤT
tâm khiêm hạ vâng lời
TÂM
hồn tận hiến "Con Trời" riêng mang
MANG ơn
lành xuống thế gian
LẤY nguồn ân
sủng tuôn tràn khắp nơi
NGÔI
cao Thiên Tử xuống đời
LỜI
"Xin vâng" Mẹ cứu người phàm nhân
GIÁNG sinh
vang vọng xa gần
SINH
ơn giải thoát thế trần hân hoan.
Thanh
Sơn 16.12.2011
NGÔI
LỜI NHẬP THỂ
Tuần
4 Vọng B
“Vâng!
Tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
Xin
Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ Thần nói” (Lc 1, 26-38)
Địa
đàng lời hứa xa mơ
Bao
năm trông vọng một giờ hiển linh
Hôm
nay Gió thoảng đưa tình
Lời
theo nhiệm ý hạ mình giáng lâm
Xảy
ra trong một cô thôn
Có
người Trinh nữ chuyên chăm giữ Lời
Nàng
xinh đẹp! Nàng tuyệt vời!
Dẫu
theo lề luật vâng lời đính hôn
Thánh
thiêng ở tận tâm hồn
Chiêm
suy Lời Chúa ôn tồn lắng nghe
Chung
quanh lặng vắng tư bề
Có
Thiên Sứ Chúa hiện về truyền tin
Ngập
ngừng, bối rối, xét mình
Làm
sao cho xứng ân tình Trời cao
Mới
vừa nghe một lời chào
Nữ
lưu phận mọn dám đâu đáp tình
“
Này đây! Đức Nữ Đồng Trinh
Nhờ
quyền năng Chúa Thánh Linh phủ đầy
Bà
diễm phúc, sẽ mang thai
Con
Bà: Đấng Thánh nhân loài đợi trông”
Một
giây xao xuyến tấc lòng
“Này
là tỳ nữ XIN VÂNG như lời
Xin
Ngôi Cứu Chuộc trần đời
Yêu
thương nhập thể thành người trong tôi”
Nữ
tỳ của Đức Chúa Trời
Mang
ơn giáng thế cho đời hiển linh
Ngôi
Lời Thiên Chúa giáng sinh
Hỏi
rằng: Tôi đã dọn mình…. cho nên???
23-11-2011
Mic.
Cao Danh Viện
QUYỀN
NĂNG
THIÊN CHÚA
Trinh
nữ tên Ma-ri-a
Thành
hôn với một người là Giu-se.
Sinh
sống miền Ga-li-lê
Dòng
dõi Đa-vít , thuộc về hoàng gia.
Sứ
thần chân bước vào nhà
Lên
tiếng ca ngợi : Chào Bà phúc vinh!
Tràn
đầy ơn sủng Thánh Linh
Thụ
thai và sẽ hạ sinh Con Trời.
Trị
vì thiên hạ muôn đời
Quyền
năng, dũng lực rạng ngời thiên thu.
Ma-ri-a
rất khiêm nhu :
Những
lời chào ấy… mịt mù, ý chi?
Làm
sao sinh được hài nhi
Trong
khi tôi chẳng biết gì… đàn ông?
Xin
Ngài tỏ rõ vuông tròn
Vì
tôi đã hứa lòng son giữ gìn!
Sứ
thần dẫn việc làm tin:
I-sa-ve
lục thập niên- đã già.
Có
thai sáu tháng , không ngoa!
Quyền
phép Thiên Chúa, xin Bà hiểu cho!
Cũng
đừng suy nghĩ, lắng lo…
Ma-ri-a
đáp: “ Xin cho như lời…
Tôi
là tôi tá của Người
Xin
vâng theo ý Chúa Trời quyền năng.”
Đỗ
Văn
ƠN
TRUYỀN TIN
Mừng
vui lên, ơi Bà đầy ơn sủng
Chúa
ở cùng, Bà có phúc biết bao!
Chuyện
trinh thai Con Thiên Chúa ngày nào
Để
muôn đời thế trần ca tụng mãi.
Bà
diễm phúc nơi cung lòng từ ái
Chứa
cả trời huyền nhiệm cõi vô biên
Chứa
tình yêu thánh khiết Chúa nhân hiền
Nôi
êm ấm chở che đời Thánh Tử.
Lời
xin vâng đơn sơ thành Thiên sử
Cho
cuộc đời ngây ngất điệu tình ca
Đấng-Tối-Cao
che rợp bóng trên Bà
Và
con cháu muôn đời khen tuyệt lạ.
Ơn
truyền tin cho Bà ơn phước cả
Che
con dòng cháu giống bước tha hương
Bà
mẫu gương sáng láng phúc lạ dường
Và
con cháu muôn đời khen tuyệt lạ.
Giuse
Nguyễn Văn
Sướng
MỪNG
VUI LÊN
Mừng
vui lên hỡi Đấng đầy ơn phúc
Ngày
hôm nay Đức Chúa ở cùng bà
Kính
chào bà Trinh Nữ Maria
Lời
sứ thần Gabriel chúc tụng
Maria
kính xin bà đừng sợ
Bà
đẹp lòng Thiên Chúa ngự trên ngai
Bà
thụ thai hạ sinh một con trai
Tên
Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa
Ngài
vinh quang sẽ trở nên cao trọng
Sẽ
trị vì nhà Gia cóp muôn đời
Triều
đại Ngài trải rộng khắp muôn nơi
Ngài
nhận lãnh ngai vàng vua Đavít
Là
nữ tỳ xin vâng lời Thần Sứ
Tiếng
xin vâng con Chúa ngự cung lòng
Phép
Thánh Thần xác Mẹ vẫn trinh trong
Mẹ
cao cả vượt trên người phụ nữ
Tiếng
xin vâng một lần như tất cả
Một
kiếp người Mẹ phó thác tuân theo
Lúc
bình an hay những lúc khó nghèo
Trong
đau khổ bước chân theo thập gía
Lậy
Mẹ thương cứu hồn con gỗ đá
Biết
vâng lời tuân phục Chúa trao ban
Để
hoàn thành sứ mạng dẫu gian nan
Mừng
vui lên xin vâng ngàn thử thách.
Vincent
Khánh Trần
KÍNH
CHÀO BÀ ĐẦY ƠN PHÚC
Chủ
Nhật IV Mùa Vọng (Lc. 1, 26-38)
Đất
hiền hòa xứ Ga-li-lê,
biển
cả, núi đồi nhiều cảnh quê,
ngươi
được phúc gì sinh tớ nữ,
khiến
ngươi hãnh diện mãnh sơn khê.
Sứ
thần quỳ gối “Kính chào Bà”,
Bà
rất đẹp lòng Thiên Chúa Cha,
bởi
Thánh Thần Ngôi Hai nhập thể,
danh
Người là Đấng Mê-si-a.
Diễm
phúc thay Bà sẽ thụ thai
và
Bà sẽ hạ sinh con trai,
nhờ
Người nhân loại được tha thứ,
lời
Chúa hứa từ xưa chẳng phai.
Ê-li-sa-bét
Chúa thương ban,
tuổi
đã già nhưng vẫn cứu mang,
con
trẻ sẽ là Gioan Tẩy Giả,
ông
là đặc sứ Chúa thiên đàng.
Lạy
Chúa là Thiên Chúa của con,
ngày
đêm thân xác con hao mòn,
tinh
thần bạc nhược và suy sụp,
đến
cứu xác hồn con mỏng giòn.
Paul
Nguyễn Minh Thông
MẸ
XIN VÂNG
(Lc
1,26-38)
Tin
Mừng mở hội Tình yêu
Từ
ngàn năm trước thiên triều ngất ngây
Chúa
sai Thiên sứ tỏ bày
Cùng
cô trinh nữ mới vừa đính hôn
Này
đây Đấng Thánh Chí tôn
Nhớ
lời đã hứa với con dân Ngài
Thời
viên mãn, Đấng Thiên Sai
Là
Chiên Thiên Chúa, Ngôi Hai giáng trần
Tin
lời Chúa, Mẹ “Xin vâng”
Niềm
tin tỏa sáng trong ngần Mẹ ơi
Trong
như tia sáng từ trời
Chiếu
qua tim Mẹ rạng ngời phúc ân
Vầng
tim rợp bóng Thánh Thần
Dìu
đưa nhân loại xa vòng tội khiên
Maria,
Mẹ dịu hiền
Truyền
Tin hy vọng, muộn phiền Can Vê
Mẹ
luôn hiệp nhất mọi bề
Với
Con của Mẹ dâng về Chúa Cha
Phút
giây hiện diện bên Cha
Là
nơi huyền nhiệm giao thoa đất trời
Nghe
như tiếng Chúa gọi mời
Chính
Ta là Đấng Ngôi Lời hồng ân
Lòng
con bất xứng muôn phần
Chứa
chan tội lỗi xin dâng lên Ngài
Dương
gian bao kẻ miệt mài
Sống
không cần Chúa như loài cỏ cây
Theo
Mẹ phận nhỏ dựng xây
Một
trời đất mới với lời “Xin vâng”
Để
cho hoàn vũ thế nhân
Tin
nơi Con Chúa giáng trần vì yêu.
Nt
Bích Ngọc
HỒNG
ÂN XIN VÂNG
(Lc
1,26-38)
Mừng
vui hỡi Đấng Đầy Ân Sủng
Thiên
Chúa Bà thờ phụng ở cùng
Ma-ri-a
đẹp chân dung
Ngàn
năm giao ước thành trung khởi đầu.
Ơn
cứu độ nhiệm mầu khả kính
Đấng
Tự Do nguyện thỉnh ý Bà
Xin
vâng Trời Đất nở hoa
Vương
triều Đa-vít thái hòa lên ngôi.
Thác
ân sủng tinh khôi tuôn chảy
Phận
nữ tì tim nhạy đức tin
Thánh
Thần phủ Đấng đồng trinh
Giê-su
hoàn tất chương trình cứu dân.
Cảm
ơn Mẹ lời vâng định mệnh
Mẹ
chuyên chăm y lệnh Chúa truyền
Mang
Lời trong dạ trinh nguyên
Nghe
Lời suy gẫm trung kiên thực hành.
Đường
thiên lý khúc quanh diệu vợi
Vững
niềm tin Mẹ tới đỉnh cao
Giu-se
Thiên sứ đổi trao
Ngai
Vua máng cỏ ánh sao nối Trời.
Ân
sủng Chúa gọi mời nhân loại
Vâng
khiêm cung xoải cánh tình yêu
Giáng
Sinh Con Chúa mỹ miều
Phúc
vinh đón Chúa cao siêu ở cùng.
Cát
Vàng- 14-12-2011
TRUYỀN
TIN
Một
vùng quê êm ả
Ở
miền Ga li lê
Một
thiếu nữ chân quê
Tháng
ngày say duyên thánh.
Làm
bạn người công chính
Vẫn
giữ mình đồng trinh
Chỉ
mơ cõi thiên đình
Hiến
dâng tình trời cao
Như
ánh sáng ngàn sao
Ở
giữa nơi trần thế
Nàng
đẹp lòng Gia vê
Đời
không hề vương vấn.
Một
đời say ơn thánh
Như
khóm huệ trắng tinh
Tha
thiết trong lời kinh
Êm
như sợi tơ trời
Lặng
lẽ giữa đất trời
Khi
bóng đổ chiều hôm
…Rồi
một sáng bình yên
Bên
hiên nhà rộn rã
Góc
trời quê êm ả
Rộn
ràng lời Ngôn sứ
Băn
khoăn phút suy tư
Bàng
hoàng câu chào nói
Bối
rối nàng tự hỏi
Lời
chào có nghĩa gì?
Lời
Ngôn sứ thầm thì
Nàng
đẹp lòng Thiên Chúa
Từ
cung lòng diễm phúc
Cưu
mang con Chúa Trời
Nhập
thể xuống làm người
Cứu
nhân trần tội lỗi
Nhiệm
mầu ơn cứu rỗi
Trời
và đất gặp nhau
Một
niềm tin thẳm sâu
Trong
lòng người thiếu nữ
Đáp
lại lời Ngôn sứ
Nàng
chỉ tiếng “xin vâng”
Khiêm
hạ nàng phó dâng
Để
làm tròn Thánh ý.
16/12/2011
Song
Lam
DƯ
ÂM
(CN4
MVB)
Dư
âm đẹp của mùa kỷ niệm
Phúc
vô cùng mầu nhiệm truyền tin
Giữa
bao tuyệt nữ thắm xinh
Maria
giản dị đẹp lòng Thiên nhan
Muôn
lời, vạn ý tràn nhân thế
Có
một từ diễm lệ “xin vâng”
Khiêm
nhu tựa huệ trắng ngần
Thơm
như hơi thở thiên vân quyện hòa
Lòng
yêu thương nở hoa kinh ngát
Lời
ban sơ mộc mạc tâm tình
Tinh
tuyền từ thưở bình minh
Để
Ngôi Lời hóa thân mình thánh thiêng
Nàng
Sion hồn nhiên thơ mộng
Mang
trong mình mầm sống khiêm cung
Vui
vượt gió núi mịt mùng
Mẹ,
con Thánh thể đi cùng viếng thăm
Mẹ
đem con vào lòng nhân loại
Vui
phục vụ không ngại khó khăn
Yêu
từ ân sủng ươm mầm
Hai
tâm hồn nguyện xin vâng trọn tình
Chúa
yêu người quên mình khiêm hạ
Chọn
làm Mẹ Chúa cả vũ hoàn
Lời
Magnificat cất vang
Hai
ngàn năm vẫn chứa chan tình nồng
Hai
ngàn năm dư âm còn vọng
Nhớ
tình yêu ơn sủng giáng sinh
Nhớ
truyền tin phút tâm tình
Nhớ
lời kinh vọng thiên đình tỏa hương.
16-12-2011
Thanh
Hương
NGỎ
Ý
Chúa
Nhật IV – MVB – (Lc 1, 26 – 38)
***
“Con
người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm
nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (TV
8, 5)
Từ
trời cao, Chúa đến gõ cửa lòng con,
lời
nỉ non, đề nghị con,
cho
Ngài đi vào thế giới, đến mọi nơi.
Tình
khiêm cung, Chúa vẫn nhẫn nại chờ con,
chờ
đợi con, lời tình son,
Chúa
vẫn nhẫn nại đợi chờ.
Lòng
ngổn ngang, toan tính những chuyện trần gian,
vòng
hào quang, chuyện giàu sang,
con
đường thế trần rộng mở, ôm mộng mơ.
Đường
công danh, phú quí réo gọi mời con,
lời
xin vâng, còn xa xăm,
con
vẫn lạnh nhạt, hững hờ.
Ôi!
Chúa ơi, con người là chi, mà Chúa cần tìm,
phàm
nhân là gì, Chúa phải nhớ đến, Chúa phải bận tâm?
Để
rồi hôm nay, từ trời cao thẳm,
lặng
lẽ âm thầm, tự hạ khiêm cung,
nơi
lòng Trinh Nữ, sống giữa cuộc đời,
nối
kết tình người, để cho đất trời giao duyên.
Lòng
khiêm nhu, Trinh Nữ đáp lại tình yêu,
tình
huyền siêu, quyện hòa dâng,
khai
màn Chương Trình Cứu Rỗi, trời đất mới.
Lời
xin vâng, Chúa vẫn nhẫn nại chờ con,
lời
vàng son, lòng thành dâng,
con
quyết đáp lại tình Ngài.
16/12/2011
Nắng
Sài Gòn
NHIỆM
MẦU HAI TIẾNG “XIN VÂNG”
Chúa Nhật IV Mùa Vọng -
Năm B – (Lc
1,26-38)
Nazaret!
Một khung cảnh âm thầm, nhỏ bé,
bí
mật Nước Trời được mạc khải giao duyên.
Tương
quan tình yêu thật trang trọng diệu huyền,
tình
thiên quốc ngỏ lời cùng nhân nhế.
Ôi!
Ơn Cứu Độ làm sao có thể,
nếu
không có một tình yêu đáp lễ một tình yêu.
Mòn
mỏi, đợi trông chiêm ngắm Đấng Cao Siêu,
dung
mạo Thiên Chúa, Đấng Messia ngự đến.
Thắc
mắc, phân vân, khiêm cung lòng sốt mến,
phận
nữ tỳ phó thác trong tay Chúa từ nhân.
Xóa
bỏ kế hoạch riêng hầu cộng tác, thông phần,
toàn
tâm toàn ý, xin Ý Cha nên trọn.
Maria
một tâm hồn hèn mọn,
luôn
tin tưởng trung thành dù đời lắm bể dâu.
Cung
kính thân thưa,
để
kế hoạch cứu độ được khởi đầu,
lời
ngọc đáp hai tiếng “XIN
VÂNG” huyền nhiệm.
Lạy
Mẹ Maria! Tình yêu hằng trải nghiệm,
xin
giúp con vững chí trước gian nan.
Tự
hủy ý riêng dẫu nghịch cảnh bẽ bàng,
học
đòi tiếng “Xin Vâng” của Mẹ
để
Con Thiên Chúa
lại
được đầu thai vào giữa lòng thế giới.
Ngày
Chúa đến đất trời thay áo mới,
nhạc
khúc thiên đàng cùng trần thế hòa vang.
AP.
Mặc Trầm Cung.