181. Sức mạnh của ơn Chúa
Ơn Chúa mạnh mẽ vô cùng!
Saolê cứng lòng và nghịch đạo hết sức, thế mà ơn Chúa đã biến đổi ông thành một vị tông đồ đầy tâm huyết.
Mađalêna đầy tội lỗi, thế mà ơn Chúa đã làm cho cô trở nên một vị thánh lớn.
Mathêô sống nghề thu thuế, bị mọi người xa lánh, thế mà ơn Chúa biến ông thànhh một thánh sử.
Phêrô quá yếu hèn và sợ hải, thế mà ơn Chúa đã làm cho ông trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên.
Một tên trộm cướp đầy thành tích bất hảo, thế mà ơn chúa đã đưa anh ta vào nước thiên đàng trong số những vị thánh trước hết.
Nhờ ơn Chúa, có muôn vàn đấng anh hùng tử đạo, có rất nhiều thanh niên nam nữ tận hiến đời mình để lo cho các linh hồn, có biết bao nhiêu trẻ thơ vẫn cương quyết giữ mình sạch tội và tuyên xưng đức Tin.
Vậy bạn đừng ngã lòng. Bạn hãy đứng lên! Bạn hãy tin mạnh vào ơn Chúa.
Với thiện chí của bạn, ơn Chúa sẽ thay đổi hẳn cuộc đời của bạn.
182. Tướng La Morcière nămg đi rước lễ
Tướng La Morcière có một cô con gái. Em nầy năng đi rước lễ. Ông dạy con:
- “Con đi rứoc Chúa hằng ngày như vậy là không được.”
- “Thưa cha, được lắm vì cha sở dạy con như vậy.”
Hai cha con đến tìm cha sở. Tướng La Morcière trình bày đủ các lý do để nói rằng không nên đi rước Chúa nhiều quá. Cha sở cười và trả lời một câu:
- “Không ai trong chúng ta xứng đáng đi rước Chúa đâu. Dầu vậy, tất cả chúng ta đều rất cần Chúa. Phép Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho các nhân đức, song là để giúp chúng ta tập các nhân đức.”
Tướng La Morcière phục lý. Từ đó, vị tướng nầy rất năng đi rước lễ.
183. Đây là những thương tích!
Ngày kia, một người lính già khẩn khoản xin tướng Caesar đi dự một cuộc xét xử của mình. Tướng Caesar mượn người khác đi thay ông vì ông nói mình đang bận việc.
Người lính già liền cởi áo mình ra:
- “Thưa ngài Caesar, khi tôi thấy ngài gặp những nguy hiểm to lớn giữa trận mạc, tôi không mượn ai đi thế tôi để bảo vệ ngài, nhưng chính tôi đã đánh trận để che chở ngài. Đây là những thương tích tôi đã lãnh lấy vì ngài.”
Tướng Caesar vừa cảm động, vừa hổ thẹn. Ông đích thân đến dự buổi xét xử đó và bênh vực người lính già trung tín của mình.
Từ trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy những vết thương và phán:
- “Đây là những vết thương Ta đã chịu vì con. Lẽ nào con lại không làm gì cho Ta sao?”
184. Không xin được ơn bế mạc Công Đồng Vatican II
Công Đồng Vatican II là một mùa xuân làm rực rỡ Giáo Hội, một Lễ Hiện Xuống mới, làm cho Giáo Hội được tăng sức phi thường.
Người có công lớn nhất trong việc nầy, là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đấng đã khai mạc Công Đồng vĩ đại nầy.
Khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII sắp qua đời, Đức Cha Thư ký xin ngài làm sao cầu Chúa ban cho ơn bế mạc Công Đồng Vatican II một cách long trọng như thể ngài đã khai mạc long trọng Công Đồng nầy vào ngày 11/10/1962. Đức Thánh Cha bình tĩnh trả lời:
“Nêu Chúa nói với cha: Hãy xin ơn đó và Ta sẽ ban, thì cha sẽ thưa: “Lạy Chúa, con đã khai mạc Công Đồng, nhưng con không xin bế mạc. Xin Chúa cho con trung thành với giáo lý Kinh lạy Cha mà Chúa đã dạy con phải sống theo suốt đời: “Vâng theo ý Cha” mà Chúa đã thực hiện từ Bêlem đến Núi Sọ”.
185. Quên tên Mẹ của Chúa nên chưa được vào nước thiên đàng.
Một ông già tân tòng, người Phi Châu, 95 tuổi, nói với cha truyền giáo:
- “Con sắp chết. Cha nói cha có thể làm cho con chết hạnh phúc. Vậy xin cha cho con chết hạnh phúc gấp đi.”
- “Được, nhưng trước hết, con hãy chịu phép Rửa Tội”.
Ông già sung sướng, xin cha dạy. Cha dạy gấp một vài ngày, rồi rửa tội.
Sau khi được rửa tội vài ngày, ông già xin gặp cha. Ông kể:
- “Thưa cha, đêm nay con mơ con đến cửa thiên đàng, nhưng khi bị hỏi: “Mẹ Chúa tên gì”, thì con nói: “Cha chưa dạy tên đó.” Vì thế, cửa thiên đàng chưa mở ra cho con vào.”
Cha liền dạy ông già: MA RI A. Cha bắt ông lặp đi lặp lại hàng trăm lần cho nhớ.
Mai lại, ông già đòi gặp cha.
- “Thưa cha, hôm nay con mơ thấy con đến cửa thiên đàng. Con vừa đọc tên Maria thì cửa thiên đàng mở ra, nhưng Chúa cho con về lại trần gian vài ngày để dọn mình chết lành.”
Vài ngày sau, ông già qua đời. Nhưng trong những ngày đó, ông luôn lặp đi lặp lại Maria.
186. Thánh Lễ đối với linh mục
Thánh lễ là công việc quan trọng nhất của đời sống linh mục.
Làm linh mục, trước hết là để "làm lễ”. Chúa Giêsu truyền cho các linh mục: "Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19), trước khi truyền các ngài: "Hãy ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho mọi người.” (Mc 16,15).
Nếu không làm gì được vì những lý do ngoài ý muốn của mình, mà chỉ "làm lễ” được, thì linh mục đã đạt được lý tưởng linh mục của mình rồi.
Trại tập trung Dachau ở Baviera, Đức, trong kỳ Đệ nhị Thế chiến, được mệnh danh là "Địa ngục trần gian”. Lúc bấy giờ, trại nầy giam giữ 2.529 linh mục thuộc 144 giáo phận của các nước đồng minh.
Trong trại tập trung kinh khủng nầy, có diễn ra một thánh lễ phong chức linh mục, và tân linh mục nầy chỉ dâng được một thánh lễ, rồi chết.
Số là:
Thầy Sáu Carlo Leisner, tù binh trong trại, sắp qua đời vì bệnh lao phổi nặng. Thầy ao ước được chết trong chức linh mục. Đức Cha Gabriel Picquet, cũng là tù binh, bằng lòng phong chức linh mục cho thầy. Các linh mục trong trại tập trung rỉ tai nhau tổ chức một lễ phong chức linh mục trong trại, như trong Hang Toại Đạo.
Chiếc gậy Giám Mục bằng gỗ được khắc chữ: "Victor in vinculis” (Chiến Thắng Trong Gông Cùm).
Chịu chức xong, cha Carlo Leisner quá yếu, nằm liệt mê man hai tuần lễ.
Khi được hồi sức đôi chút, cha được giúp để kín đáo dâng Thánh Lễ mở tay, Thánh Lễ đầu đời và cũng là Thánh Lễ cuối đời của cha.
Thế mới hay: Thánh Lễ vô cùng cao sang!
Thánh Lễ vô cùng quý giá!
Thánh Lễ quá tuyệt vời!
Trong một số nhà thờ , người ta còn có thể đọc câu sau đây ở trên bàn thờ dọn đồ lễ:
- "Hỡi các linh mục đáng kính, các ngài hãy dâng Thánh Lễ nầy
như thể là Thánh Lễ đầu tiên,
như thể là Thánh Lễ cuối cùng,
như thể là Thánh Lễ độc nhất!”
187. Sợ Thánh Giá là nỗi khổ nhất của chúng ta.
Thánh Vianê nói rằng sự sợ Thánh Giá là nỗi khổ nhất của chúng ta. Ngài nói như sau:
“Trên con đường của Thánh Giá, chỉ có bước đầu mới gay go. Sợ Thánh Giá là nỗi khổ nhất của chúng ta. Phần đông loài người từ chối Thánh Giá và tìm cách chạy trốn. Nhưng họ càng chạy trốn thì Thánh Giá càng đuổi theo họ, càng tấn công họ, càng đè nặng trên mình họ, … Vậy chúng ta hãy tiến lên để đón lấy Thánh Giá như thánh Anrê khi thấy cây Thánh Giá quân lý hình đang dựng lên trước mặt: “Kính chào Thánh Giá đáng yêu, đáng chuộng! Chớ gì Thánh Giá hãy đón nhận tôi và trao tôi về với Thầy tôi là Đấng sẽ dùng Thánh Giá để cứu chuộc tôi.”
188. “Bao lâu đại tá còn đứng đây thì con cũng đứng đây với đại tá.”
Đại tá Cesare d’ Azeglio kể câu chuyện cảm động về ông sau đây.
Trong một trận chiến, đại tá thua trận và bị bắt làm tù binh.
Nhìn lui, đại tá thấy quân sĩ mình bỏ chạy hết, chỉ còn một người lính trẻ đang đánh trống. Đại tá hỏi:
- “Con làm chi đây?”
Người lính trẻ đánh trống trả lời:
- “Thưa đại tá, bao lâu đại tá còn đứng đầy thì con cũng đứng đây với đại tá.”
189. “Tôi là đầy tớ của mọi đầy tớ!”
Khi Đức Giám mục thành Constantinople ở Phương Đông, vì kiêu ngạo muốn hơn Đức Giáo Hoàng ở Rôma, đã gởi thư cho Đức Giáo Hoàng Grêgôriô và ký tên: “Ta là Giám Mục của toàn thế giới.”, thì Đức Giáo Hoàng Grêgôriô viết thư trả lời lại và ký tên: “Tôi là đầy tớ của mọi đầy tớ.”
190. Cách ăn nết ở hơn lời nói
Cha sở một giáo xứ bên Italia kể câu truyện sau đây.
“Trong họ tôi, người ta sống rất lã lơi, nhất là giới thanh niên nam nữ. Tôi liền mời một cha dòng Capucino đến giảng tuần đại phúc.
Trước khi tới nghe giảng đêm khai mạc, thanh niên nam nữ đã cười bảo nhau: - - “Thế nào ông cha dòng nầy cũng lên án xinê, khiêu vũ, thể thao, …”
Nhưng họ bỡ ngỡ: điềm đạm và đoan trang, cha dòng giảng về tình yêu, về ơn nghĩa thánh, về các chân lý Đức Tin, không đả động gì đến những vấn đề ấy cả.
Họ bảo nhau:
- “Chắc là mai, ông sẽ nói đến.”
Mai lại, vẫn không.
Rồi ngày mai lại nữa, cũng vẫn không. Cho đến khi bế mạc.
Khi bế mạc tuần đại phúc xong, một nhóm thanh niên nam nữ đến tìm tôi và nói:
- “Bây giờ chúng con hiểu thế nào là phải đoan trang, đằm thắm, trong sạch nhờ thấy sự dịu dàng, đoan trang của cha dòng đã giảng cấm phòng, và chúng con biết thế nào là sự đoan trang làm đẹp lòng Chúa.”
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
(sưu tầm, trích dẫn, phóng tác từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau / sáng tác
với mục đích Dạy Giáo Lý – Giáo Dục)
Đăng nhận xét