131.Có ba lần Chúa đến
Chúa đến lần thứ nhất: đến để Nhập Thể làm người. Đây là lần Chúa đến trong sự yếu hèn.
Chúa đến lần thứ hai: đến để ban ơn cho chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta lãnh nhận các Phép Bí Tích, khi chúng ta sống đức yêu người như Chúa dạy.
Chúa đến lần thứ ba: đến trong oai vang để phán xét kẻ sống (người lành) và kẻ chết (người dữ).
132.Phúc Âm và Ngày Tận Thế
Phúc Âm tả rất rõ về Ngày Tận Thế.
Đó là ngày mặt trời sẽ sầm tối lại, mặt trăng không còn chiếu rạng, tinh tú từ trời sa xuống, các ngôi sao trên trời bị lay chuyển (x. Mt 24,29).
Đó là ngày Chúa Giêsu hiện đến trên đám mây đầy quyền năng và vinh quang, làm cho mọi người trên mặt đất khiếp sợ và đấm ngực (x. Mt 24,30).
Đó là ngày Chúa Giêsu sai thiên thần thổi loa cho kẻ chết sống lại, cho mọi người phải tụ họp trước mặt Ngài để Ngài phán xét chung thẩm (x. Mt 24,31).
Đó là ngày Chúa Giêsu thưởng phạt rất công thẳng (x. Mt 16,27).
Đó là ngày Chúa Giêsu phân chia loài người ra làm hai, kẻ lành bên hữu, kẻ dữ bên trái, với hai số phận khác nhau, thiên đàng đời đời và hoả ngục muôn kiếp (x. Mt 25,31-46).
133.Thánh Xyprianô run sợ Chúa phán xét
Thánh Xyprianô, giám mục thành Carthage, bị quan thủ trấn Galêriô bắt xử tử vì Đạo: chặt đầu. Nghe vậy, thánh nhân sung sướng cất lời tạ ơn Chúa.
Nhưng khi ra pháp trường và sắp bị chặt đầu, thánh Xyprianô lại run sợ quá chừng, hai tay ôm mặt lại và than lên: “Khốn cho tôi vì tôi sắp phải ra trước Toà Chúa phán xét!”
Thánh nhân sốt sắng cầu nguyện, mới cảm thấy đủ sức mạnh mà chịu tử đạo.
134.Thánh Hiêrônimô run sợ Phán Xét Chung
Thánh Hiêrônimô tin rằng Thánh Địa là nơi sẽ xảy ra cuộc Phán Xét Chung, vì thế, ngài hy sinh qua ở ngay tại Thánh Địa, đêm ngày ăn chay, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, nhớ đến Ngày Tận Thế, Ngày Chúa phán xét chung, để nhắc nhở mình phải luôn luôn sống trong sự ăn năn thống hối và đền tội.
135.Đó là một tai hại lớn lao!
Người ta thường khen giáo dân xứ nọ họ kia là tốt, khi thấy con chiên có thói quen kính chào vị linh mục, thưa gởi câu truyện cách lễ phép, có thiện cảm, sẵn sàng giúp đỡ ngài, nhưng trên thực tế, phần đông giáo dân lại bỏ xem lễ Chúa Nhựt để đi làm việc xác, không mấy khi chịu các Phép Bí Tích, không chịu khó tìm hiểu giáo lý, đàng khác, lại thích ăn uống chơi bời, nói phạm thượng và ăn ở bê tha.
Thật là đáng tiếc! Những người như thế, không đáng gọi là giáo hữu nữa mới phải! Thế mà người ta lại ca tụng rùm beng!
Hỡi các vị tông đồ, chúng ta phàn nàn than trách vì những kết quả đó, nhưng đáng lẽ chúng ta phải tự trách vì đã không lui tới Trường Cao Đẳng Chúa Cứu Thế đã tổ chức để huấn luyện các nhà truyền giáo.
Chúng ta đã không biết đến múc nước bởi chính nguồn sinh lực là Phép Thánh Thể để học biết Lời Hằng Sống. Vì thế, Thiên Chúa đã không muốn dùng miệng lưỡi chúng ta để nói lên những Lời Hằng Sống. Đó là một tai hại lớn lao! (Hồn Tông Đồ)
136.Đừng lãnh đạm!
Bạn có tinh thần siêu thoát, không bận rộn vì những cuộc tranh đua vật chất. Hay lắm! Nhưng bạn đứng lãnh đạm với người xung quanh.
Téhérence nói: “Không có điều gì ăn thua đến con người mà xa lạ đối với tôi!” Xin bạn hãy khắc tận đáy não nhớ của bạn cho chúng tôi những lời vàng ngọc ấy.
Qua mọi thời gian, ở mọi không gian, con người tự nhiên cho mình là quan trọng, muốn làm cho mình vang hiển, và khi được ai quan tâm đến, thì có cảm tình với người đó ngay.
Bởi kẻ xung quanh ta có thứ tâm lý cố hữu ấy, nên khi ta lãnh đạm, rút vào bản ngã của mình, không kể gì cuộc sinh hoạt của kẻ khác, thì chúng ta bị ác cảm….
Tổng thống Theodore Roosevelt, ngoài những giờ bận về phận sự, hay hỏi thăm, nói chuyện cùng người làm bếp của ông. Người làm bếp của ông quý mến ông như cha ruột.
Thiệt, những vĩ nhân thường thấu đáo tâm lý người đời hơn ai. Có bọn thường nhân như chúng ta, vì không chế ngự tính ích kỷ, nên chỉ biết nghĩ đến mình, không quan tâm đến ai khác. Cuộc đời của chúng ta, vì đó, gặp nhiều giây phút cô độc, sầu buồn, và thiên hạ không tận tâm giúp đỡ ta. (Rèn Nhân Cách)
137.Hãy nắm bắt thời cơ! Hãy nắm lấy cơ hội!
Trong cuộc sống, nắm bắt thời cơ hoàn toàn có thể quyết định bạn có thể thành công hay không. Cho nên, bạn phải nắm lấy cơ hội, cho dù chỉ một phần trăm thành công.
Khi Descartes bị bệnh, phải nằm nghỉ trên giường, ông vô tình nhìn thấy mạng nhện trên trần nhà. Ông đã nảy ra một ý kiến mới mẻ, lập ra một ngành mới trong toán học, - hình học giải tích.
Galileo nhìn thấy đèn treo đung đưa nhẹ theo gió, phát hiện ra quy luật đung đưa theo thờì gian nhất định của đèn treo, từ đó, chế tạo ra đồng hồ.
Đằng sau những cơ duyên may mắn nầy, là nền tảng tri thức vững chắc, tinh thần tìm kiếm không biết mệt mỏi của các nhà khoa học. Tất nhiên, còn có cả thói quen suy nghĩ và khả năng quan sát tinh tế.
Nếu nói rằng đèn treo đung đưa và mạng nhện trên tường ẩn chứa cơ duyên hay cơ hội, thì tại sao các nhà nghiên cứu khoa học khác không phát hiện ra? Có thể nguyên nhân là trí tuệ không nhạy bén bằng. Sở dĩ như vậy là bởi trí thức của họ không vững chắc, thiếu tư duy khoa học nhạy bén và tinh tế, không thật sự chuyên tâm vào những gì liên quan đến ngành nghề mà mình nghiên cứu. Trong khi đó, tất cả kiến thức, khả năng tư duy và sự chuyên tâm vào chuyên môn đều không thể tách rời với sự luyện tập trau dồi trong một thời gian dài.
Có một câu cách ngôn như sau:
- “Thần may mắn quan tâm tới tất cả mọi người trên thế giới. Nhưng nếu Thần phát hiện thấy ai đó không chuẩn bị đón tiếp tốt, Thần sẽ đi vào bằng lối cửa lớn và đi ra bằng lối cửa sổ.” (50 Điều Quan Trọng Làm Thay Đổi Cuộc Đời Bạn)
138.Thành công là kết quả của 99 phần trăm mồ hôi
Edison đã thành công với nhiều phát minh của ông: nào là chế tạo thành công bóng đèn điện, đĩa hát, máy quay phim, … Những phát minh của ông có tầm quan trọng rất lớn trên hành tinh nầt.
Rõ ràng, ai cũng thấy được cái tài của ông, nhưng trên hơn hết, sự tận tâm hết mình và sức làm việc phi thường của ông là yếu tố hết sức quan trọng cho sự thành công của những phát minh của ông.
Và người đời phải lặng người suy gẫm về điều nầy. Edisson cho rằng:
- “Thành công là kết quả của 99 phần trăm mồ hôi và một phần trăm cảm hứng. Không có một phát minh hay một việc có giá trị nào đến với tôi một cách ngẫu hứng, tình cờ, mà đến với tôi qua công việc.” (Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi)
139.Nước Nhật biết phòng ngừa, lo xa!
Nhật Bản nằm trong vùng núi lửa, động đất, sóng thần xảy ra nhiều nhất trên thế giới. Tính đến nay, theo tài liệu đã ghi chép được, ở Nhật Bản đã có hàng chục lần xảy ra động đất trên 7 độ richter.
Đứng trước thực tế luôn luôn bị thiên tai rình rập, người Nhật có ý thức lo xa, cảnh giác cao, bao giờ cũng có các giải pháp và phương án phòng tránh chu đáo.
Nước Nhật có hệ thống dự báo sóng thần và động đất tiên tiến nhất trên thế giới, nhằm bảo đảm đủ thời gian thông báo cho mọi người di chuyển khỏi vùng nguy hiểm trước khi tai hoạ xảy ra.
Trẻ con Nhật Bản đi học, được giáo dục về cách phòng tránh các tai nạn do thiên nhiên gây ra, như sóng thần, động đất, núi lửa, bão, … Một số thành phố ở Nhật, hằng năm, đều tổ chức diễn tập phòng tránh động đất.
Các nhà cửa và công trình xây dựng ở Nhật Bản hầu hết phải xử lý phòng tránh động đất một cách nghiêm chỉnh, thiết thực, có thể chịu được các trận động đất mạnh. Do đó, nước Nhật hiện đại chịu nhiều cơn động đất nhưng thiệt hại về người đều giảm bớt nhiều so với ngày trước.
Trong đời sống hằng ngày, người Nhật biết phòng ngừa, lo xa, biết lo liệu trước. Do đó, hiểm hoạ thiên tai ập đến, họ đỡ bị động, lúng túng và hoảng loạn.
Không lo xa, nước đến chân mới nhảy, là đối phó bị động, dễ lúng túng, sai sót. (Trí Tuệ Và Kiên Nhẫn)
140.Nhân viên cao cấp ở phòng rất thấp bé và hẹp
Ở các công ty lớn của Nhật, phòng làm việc của các nhân viên hành chính cao cấp rất thấp bé và hẹp.
Có lẽ bạn sẽ nghỉ rằng đó là do giá đất ở Tôkiô đắt đỏ.
Bạn nhầm rồi. Đó là họ cố ý làm như vậy, mục đích là làm cho các nhân viên hành chính cao cấp, không vì lý do yên ổn, dễ chịu thoải mái mà ở lâu trong phòng làm việc, nhưng cần phải thỉnh thoảng bước ra khỏi phòng làm việc, đi lại quan sát các bộ phận trong công ty, tiếp xúc với nhân viên và khách hàng, giúp họ hiểu cụ thể tình hình công ty hơn một chút. (Nhìn Thấu Lòng Người)
Đăng nhận xét