Mặt Trái Tối Tăm của Internet
Liệu Internet có an toàn lắm không....?Nhân dịp Đức Thánh Cha công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông Năm 2012, chúng tôi xin điểm hầu quý vị và các bạn một số những suy tư về những khía cạnh tích cực và tiêu cực của Internet.Ngay từ những ngày đầu của kỹ thuật Internet, Giáo Hội đã thấy ở đây những cơ hội thật bất ngờ và lớn lao. Nó cho phép người ta trực tiếp và tức khắc tiếp cận những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng - những thư viện khổng lồ, những nhà bảo tàng và những nơi thờ phượng, những văn kiện giáo huấn của Huấn Quyền, những bài viết của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh và kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng cách và sự cô lập, giúp con người có thể tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, những người gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo (virtual communities of faith) để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau. Giáo Hội có thể thực thi một sự phục vụ quan trọng cho người Công Giáo cũng như không Công Giáo bằng sự lựa chọn và truyền đi những dữ liệu hữu ích qua phương tiện truyền thông này.
Chúng ta có thể nói như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Chúa đang đặt vào tay chúng ta một phương tiện truyền bá sứ điệp của Đức Kitô vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta”.
Tuy nhiên, đồng tiền có hai mặt. Phương tiện truyền thông mới này trong khi có thể được dùng cho lợi ích của cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và Giáo Hội thì chính nó cũng có thể được dùng để khai thác, gây ảnh hưởng, thống trị và làm băng hoại. Mặt trái tối tăm của đồng tiền này là những tác hại khôn lường cho mỗi người trong chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho Giáo Hội và xã hội. Một trong những vấn đề trầm trọng nhất là những hình ảnh dâm dục trên Internet Ngay những ngày đầu của Internet, người ta đã thấy trước hiểm họa này. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng ngăn chặn đều tỏ ra vô hiệu, phần lớn vì thái độ không quyết tâm của chính quyền các nước. Quyền tự do phát biểu đã được các chính quyền nại ra để tránh né phải đối đầu với những thế lực tư bản khổng lồ trong kỹ nghệ hình khiêu dâm trên Net. Hiện tượng hình ảnh, sách báo dâm dục là một thực trạng kinh hoàng. Các hình ảnh khiêu dâm đã tràn lan hơn bao giờ trong lịch sử loài người. Trong thư Mục Vụ nhan đề “Giá phải trả: Những hình ảnh khiêu dâm và cuộc tấn công vào Đền Thờ Sống Động của Thiên Chúa”, Đức Cha Paul Loverde, Giám Mục giáo phận Virginia, Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động về thực trạng kinh hoàng đang hoành hành như một trận dịch khổng lồ cướp đi linh hồn người ta và tàn phá hôn nhân gia đình.
Đức Cha Loverde nhận định: “Ngày nay có lẽ hơn bao giờ, người ta thấy hồng ân thị giác của mình và qua đó là viễn ảnh về Thiên Chúa bị bóp méo bởi những hình ảnh dâm dục tội lỗi. Chúng cản trở và hủy hoại khả năng con người nhìn thấy tha nhân như những biểu hiện độc đáo và đẹp đẽ của kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Thay vào đó chúng làm tối tăm tầm nhìn của họ, khiến họ nhìn người khác như những thứ để lợi dụng và lèo lái”. Lo ngại của Đức Cha Loverde hoàn toàn có căn cứ. Thật vậy, trong số ra ngày 28/5/2006, tờ Independent tại Anh công bố một kết quả nghiên cứu về việc truy nhập vào các trang chuyên cung cấp các hình ảnh khiêu dâm trên Net. Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Nielsen NetRatings cho thấy hơn 40% người nam tại Anh đã truy nhập vào các trang dâm dục trong năm 2005.
Cuộc nghiên cứu cũng ghi nhận hơn 50% trẻ em tại Anh đã vào các trang dâm dục trong khi “đang tìm kiếm những thứ khác”. Một khi computer đã nối vào Internet thì việc truy cập vào các trang dâm dục là vô cùng dễ dàng, nếu người sử dụng chủ ý muốn truy cập vào các trang đó. Điều đáng quan ngại là trong nhiều trường hợp, người dùng không chủ ý vào các trang này nhưng các chương trình tìm kiếm trên Internet cũng vẫn trình bày ra những hình ảnh khiêu dâm hay những nối kết (links) dẫn vào các trang dâm dục.Trong số ra ngày 10/11/2006 tờ Colorado Catholic Herald ghi nhận rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục trên Net thường nhanh chóng trở thành nghiện ngập. Ông Dan Spadaro của Trung Tâm Tư Vấn Imago Dei Counseling ở Colorado Springs cho biết thêm: “Khi tình trạng nghiện ngập này đạt đến một mức độ nào đó, tính dục thay vì hướng đến một quan hệ yêu thương, nó chỉ còn đơn thuần như một cảm giác”, và khi đó người ta có khuynh hướng “tìm những cảm giác lạ hơn”.
Thật vậy, tại Úc Châu, tờ The Age ở Melbourne, trong số ra ngày 4/6/2006 cảnh cáo rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục cũng thường là những kẻ “săn tình trên Net”, và những “mối tình trên Internet này” đang làm gẫy đổ hạnh phúc của nhiều gia đình. Bà Simone Buzwell, giáo sư môn Tâm Lý tại Đại Học Swinburne cho biết “nhiều mối quan hệ hôn nhân bị tan nát bởi những mối tình bí mật trên mạng, trong khi các luật sư cho biết ngày càng có sự gia tăng những vụ li dị có liên quan đến Internet”.
Trong báo cáo nhan đề "Finding Love Online" (Tìm Tình Trên Mạng), bà Simone Buzwell đã phỏng vấn hơn 1000 người có dính líu đến những mối tình trên Net và ghi nhận rằng hơn một nửa số người được phỏng vấn nhìn nhận đã đi xa đến mức có quan hệ tính dục với người “bạn tình” trên Net.
Trong số ra ngày 16/8/2006 tờ Christian Science Monitor tại Hoa Kỳ ghi nhận rằng những hình ảnh khiêu dâm trên Net đang làm thay đổi nhân cách nhiều người theo chiều hướng xấu đi và bạo lực. Corydon Hammond, đồng giám đốc của Trung Tâm Tính Dục và Hôn Nhân tại Đại Học Utah cho biết: “Tôi chưa từng thấy một kẻ tấn công tính dục nào lại không có dính líu đến những hình ảnh dâm ô”.
Tờ Colorado Catholic Herald cho biết đối với những kẻ nghiện hình dâm ô, tất cả các mối quan hệ quan trọng đều bị dẹp qua một bên. Những kẻ nghiện thường có khuynh hướng phủ nhận các vấn nạn hay đổ lỗi cho người khác. Ông Dan Spadaro ghi nhận những kẻ nghiện này thường phải chống đỡ với những u uất.
Dan Spadaro cũng lưu ý rằng việc những người chồng truy nhập vào những trang dâm ô gây ra một ảnh hưởng tiêu cực nơi người vợ. Với những người chồng công khai xem những hình ảnh này, người vợ cảm thấy lo ngại mình không đủ hấp lực để giữ nổi hạnh phúc gia đình. Trong khi với những người chồng lén lút truy nhập vào các trang dâm ô, người vợ cảm thấy bị phản bội hay là nạn nhân của những lời dối trá.
Một chuyên gia tâm lý khác, ông Rob Jackson, nói với tờ Colorado Catholic Herald rằng những bà vợ của những ông chồng nghiện hình ảnh dâm ô thường có “những biểu hiện phức tạp về cảm xúc bao gồm giận dữ, buồn phiền và u uất”.
Văn hóa của thế giới ngày nay thường coi vấn đề hình ảnh dâm ô chỉ là một sự yếu đuối cá nhân, người ta thường tình; hay ngay cả một thú vui hợp pháp. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh với ông bà và anh chị em rằng việc nhìn ngắm những hình ảnh dâm ô này là một tội trọng, một lỗi hết sức nghiêm trọng, như đã được nêu trong sách Giáo Lý Công Giáo câu 2354.
Tính chất vô luân của hành vi này là ở chỗ nó xuyên tạc sự thật về tính dục của con người. Và do đó, điều đáng lẽ là biểu hiệu sự kết hiệp thân mật của đôi lứa trong cuộc sống và trong tình yêu thì giờ đây bị giản lược thành một thứ giải trí tầm thường hay ngay cả một thứ lợi ích cho những kẻ khác.
Đức Cha Loverde cảnh cáo rằng các hình ảnh dâm ô phương hại đức khiết tịnh vì nó dẫn đến những ý nghĩ dơ bẩn trong trí người nhìn nó và thường dẫn đến các hành vi đồi bại như thủ dâm hay ngoại tình.
Các hình ảnh dâm ô cũng vi phạm công lý. Vì chúng gây ra các thương tổn nghiêm trọng cho phẩm giá những người dự phần, mỗi người trong đó trở thành vật mua vui hay thứ dùng để đem lại lợi nhuận cho kẻ khác.
Các hình ảnh dâm ô dìm tất cả những kẻ dự phần vào trong một thế giới đầy ảo tưởng, trong đó con người hướng chú ý và tình cảm của mình khỏi người phối ngẫu của mình. Chúng làm cho những người nam nữ ngày nay khó lòng sống trung tín với nhau hơn bao giờ.
Nguồn VietCatholic Network, Ngày 18/2/2012
Đăng nhận xét