VUA
VŨ TRỤ MONG ĐƯỢC XÓT THƯƠNG…
Lm
Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Ấn
tượng trước hết tôi có khi đọc đoạn Tin Mừng về
‘cuộc phán xét chung’ là theo đạo chẳng có ích gì,
bởi vì khi ‘tập
hợp các dân thiên hạ trước mặt Người, và Người sẽ
tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với
dê’,
thì Vua Vũ Trụ đến trong vinh quang sẽ đâu có áp dụng
tiêu chuẩn tôn giáo, có đạo hay không. ‘Những
kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc
dọn sẵn’
cũng đâu chỉ dành cho những người đã rửa tội, năng
chịu các bí tích. Tiêu chuẩn Người áp dụng xem ra quá
đời thường, quá nhân bản, và có phần nào quá thực
dụng chủ nghĩa nữa là khác, đến độ cả các không
Ki-tô hữu cũng dễ dàng đạt được: sống bác ái, từ
nhân với hết mọi người. Các Phật tử chẳng hạn có
lẽ còn thực thi ‘từ bi xả hỉ’ hơn cả người Công
giáo, các đồng chí đồng đội ngoài chiến trường còn
đùm bọc nhau keo sơn hơn cả các tu sĩ trong cộng đoàn.
Nếu thế thì trở thành Ki-tô hữu, với tất cả các lời
dạy bảo của Phúc Âm, đỡ nâng của Bí Tích, luật lệ
luân lý sẽ ích lợi gì cho tôi trong cuộc xét xử của
Đức Vua?
Ấn
tượng tiếp theo là Đức Vua này quá chủ quan. Người
xét xử không căn cứ theo một bộ luật khách quan được
ban hành, trong đó có cả luật ‘mến Chúa yêu người’
vẫn thường được coi là quan trọng hơn hết. Luật pháp
phải khách quan, nhất là khi xét xử, để cứ theo đó mà
áp dụng công bằng cho mọi người. Đàng này tiêu chuẩn
Đức Vua dùng để xét xử lại qui hướng trực tiếp về
cá nhân Ngài: “vì
xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã
cho uống, Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước, Ta
trần truồng các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu các ngươi
đã thăm viếng, Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi han”.
Khi đặt các lời trên vào miệng Quan Án, hình như đức
Giê-su muốn cho thấy chính Đức Vua vinh quang từ lâu vẫn
hằng chờ mong để mình được mọi người xót thương
và gia ân. Như vậy được chúc phúc hay bị nguyền rủa
đều dựa trên một tiêu chuẩn chung là lòng nhân ái mà
mỗi người có trong tương quan thuận hay nghịch với một
Đức Vua hằng xót thương tha thứ và chờ đợi được
thương xót lại.
Chập
hai điều này lại với nhau, tôi mới thoáng phát hiện ra
nét độc đáo và siêu việt của ơn gọi Ki-tô hữu mà
mình được diễm phúc tiếp nhận. Nhiều người không
phải là Ki-tô hữu, chưa hề biết gì về Đức Vua hằng
thương xót và tha thứ, nhưng vô hình chung lại thường
xuyên đi vào tương quan thuận với ‘Đấng dấu mặt’
hằng chờ đợi được xót thương “Có
bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói, khát, là khách lạ,
trần truồng, đau yếu hay ngồi tù…?”
để mà cho ăn, cho uống, đón tiếp, cho mặc, thăm viếng
hỏi han… Đức Giê-su cho thấy rõ, thế là đã quá đủ
để tạo một tương quan thuận với Thiên Chúa tình yêu
và chỉ đòi hỏi tình yêu. “Ta
bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một
trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi
đã làm cho chính ta vậy”.
Tôi chúc mừng các anh em chưa biết Chúa! Thế nhưng, nếu
chỉ mới giữ có một vế thôi mà đã thế, huống hồ
chi giữ được cả hai. Và Ki-tô hữu là người duy nhất
trên trần gian có khả năng được cả hai vế để tiến
vào tương quan cá vị sâu đậm nhất. Nhờ đức tin mà
ngay từ ngày lãnh phép rửa tội họ đã nhìn nhận Thiên
Chúa là Đấng đầy lòng nhân ái và yêu thương. Trong
suốt quá trình sống đời Ki-tô hữu, nhất là khi lãnh
nhận các Bí Tích, họ có không biết bao nhiêu dịp để
cảm nghiệm được lòng từ ái của Đức Vua. Lời Chúa
hằng thôi thúc họ diễn đạt tương quan với Người
bằng đời sống bác ái, yêu thương và phục vụ. Tiêu
chuẩn sống của họ không còn phải là một điều luật
khách quan ‘kính Chúa yêu người’, mà là một tương
quan nhân vị mới, cho dầu theo cách nói quen thuộc của
người Do Thái đức Giê-su gọi đó là ‘Điều răn mới’,
“là
anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”
(Ga 13,34). Do đó không một Ki-tô hữu nào sẽ còn dám nói
“Có
bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói…”.
Họ có muôn ngàn dịp để nhận ra và cảm nghiệm Đức
Vua yêu thương họ, và họ cũng thừa biết rằng Đức
Vua đó khao khát được họ yêu mến và xót thương lại,
qua hành động nhân hậu đối với các người anh em. Và
khi gặp lại Đức Vua quang lâm, mọi Ki-tô hữu đều
“đứng
thẳng và ngẩng đầu lên!”
(Lc 21,28) vì biết chắc rằng mình sẽ đứng bên phải
trong số các kẻ “được
Cha Ta chúc phúc”.
Lạy
Đức Vua Vũ Trụ, Vua tình yêu và xót thương, cảm tạ
Chúa đã cho con cơ hội tuyệt vời để nhận biết con
được Người xót thương và Người cũng khao khát được
con thương xót lại. Chớ gì chương trình sống Ki-tô của
con chỉ đơn giản là được xót thương để rồi đáp
trả. Xin cho mọi người, không phân biệt lương giáo,
biết cùng nhau ban phát lòng xót thương Chúa hằng khao
khát, nhờ các Ki-tô hữu như con nhận thức ngày càng sâu
sắc hơn: có một Đức Vua yêu mến và xót thương mọi
người. Amen
Lm
Gioan Nguyễn Văn Ty SDB