Vinh Quang Đức Mẹ
Năm 1750, sau 17 năm trong nghề cầm bút, Thánh Anphongsô cho xuất bản tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria. Tác phẩm này phản kháng lại trào lưu "Chống-Giáo-Sĩ" và "Duy-lý" rất phổ biến vào thời đó, bởi vì những người thuộc những trào lưu này mỉa mai, chế diễu những ai sùng kính Ðức Maria. Họ cho việc tôn sùng Ðức Mẹ là chuyện mê tín dị đoan. Vì vậy, tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria ra đời mang theo một sứ mạng đặc biệt, đó là bài bác những thách đố của một sử gia thời đó - ông Ludovico Muratori, một sản phẩm của những trào lưu nói trên. Ông là một người kịch liệt lên án việc tôn sùng Ðức Mẹ Maria.
Thánh Anphongsô chia tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria này thành hai phần. Phần đầu là những lời bình chúa Kinh Lạy Nữ Vương. Sau mỗi câu kinh, Thánh Anphongsô có lời phân tích và chú giải. Phần hai gồm có một số giải thích về các nhân đức của Ðức Mẹ và các bài giảng quanh năm cho những dịp lễ kính Ðức Mẹ Maria.
Thánh Anphongsô dựa vào kinh nghiệm thừa sai chuyên nghiệp và các sự kiện về Ðức Maria được ghi trong Kinh Thánh để vạch ra và nhấn mạnh tầm quan trọng của Ðức Mẹ trong đời sống Kitô hữu. Thánh Anphongsô còn bổ túc thêm vào đó những kết quả của bao năm dày công tìm tòi, khảo cứu của ngài: đó là những lời vàng ngọc của các đấng giáo phụ và các thánh nói về vai trò Ðức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria này được rất nhiều độc giả thời Thánh Anphongsô hưởng ứng, tán dương. Ngay tại thành Nêapôli, kể từ lúc ra mắt, quyển sách này đã được tái bản đến 9 lần trong vòng 25 năm. Từ lần xuất bản đầu tiên đến nay, quyển sách này được dịch ra trên 60 thứ tiếng khác nhau và in ra hơn 1000 lần ở khắp nơi trên thế giới.
Ðể nhấn mạnh tầm quan trọng của Ðức Maria trong đời sống Kitô hữu, nhất là đối với ơn cứu độ của mỗi người, Thánh Anphongsô đã dùng những mẩu chuyện phép lạ có liên quan đến Ðức Mẹ trong tác phẩm của ngài hầu khuyến khích tín hữu tin tưởng, phó thác và kêu cầu Mẹ Maria thường xuyên hơn. Nhiều nhà trí thức cho rằng những mẩu chuyện này là điển hình cụ thể về sự mê tín dị đoan của một tác giả người xứ Nêapôli. Tuy nhiên, cũng có nhiều độc giả chia sẻ cùng một quan điểm với nhà sử gia Ý, Giuseppe De Luca (1962), khi ông phê bình tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria rằng: "Ðây là một tác phẩm vĩ đại cuối cùng của Âu Châu được sáng tác để tôn vinh Ðức Maria."
Đăng nhận xét