Giám mục Đinh Đức Đạo vừa công bố rằng Vatican
và chính quyền Việt Nam đang xúc tiến công việc trong mùa xuân này và sẽ mở cửa
Đại học Thần học Công giáo vào mùa thu
Với người Công giáo Việt Nam, mùa xuân này sẽ khá khác những năm
trước. Hai bước mang tính quyết định đang được thực hiện để thành lập học viện
thần học Công giáo tầm mức đại học đầu tiên ở đất nước Đông Nam Á này.
Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, chủ tịch ủy ban giáo dục của hội
đồng giám mục, đang mĩm cười và đầy lạc quan nói rằng dự án này sẽ đánh dấu một
bước chuyển mình trong lịch sử quốc gia. ‘Đại học Công giáo sẽ sớm thành hiện
thực. Chúng tôi đang chờ Thánh Bộ Giáo dục Công giáo phê chuẩn dự án này vào
tháng 5, sau đó các giám mục Việt Nam sẽ xem xét các kế hoạch chi tiết.’
Đức Cha Đinh Đức Đạo |
Nhưng sau đó, là một thời gian tăm tối về mặt văn hóa và tâm
linh. 60 năm chịu đựng, với việc đóng cửa các trường đại học Công giáo, quốc
hữu hóa các trường và học viện của Công giáo, hủy bỏ tự do giảng dạy. Người dân
vẫn còn bị tước đoạt tự do, bất chấp Việt Nam đã bước qua một giai đoạn lịch sử
hoàn toàn mới và bất chấp việc Giáo hội và Chính quyền đã có những bước tiến quan
trọng trong việc xác định rõ hơn quan hệ đôi bên. Các dòng tu Công giáo có thể
mở các trường mẫu giáo, nhưng chỉ thế mà thôi. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi
chính quyền bật đèn xanh cho một Đại học Công giáo.
Với sự điềm tĩnh của một người tín thác vào Chúa Quan Phòng,
giám mục Đạo, người đã có thời gian giảng dạy ở Đại học Giáo hoàng Urban trong
nhiều năm, nói về các bước cần thiết để thực hiện dự án này và lên kế hoạch cho
mọi mặt của một đại học mới mở, bao gồm các giáo sư, chương trình giảng dạy,
các công trình, và thư viện.
Trong giai đoạn đầu này, mối quan hệ thân thiết với Học viện
Công giáo Paris được thành lập năm 1875, sẽ rất đáng giá. Thỏa thuận với đại
học Pháp danh tiếng này là nhờ giám mục Nguyễn Chí Linh có mối quan hệ tốt với
học viện này khi ngài có dịp nghiên cứu ở đây.
Quan trọng nhất, là sự hợp tác này sẽ rất hữu dụng, khi theo kế
hoạch, Giáo hội dự định mở năm học đầu tiên ngay mùa thu năm 2015 này.
Chỉ còn cách đích vài bước nữa mà thôi, và giám mục Đạo giải
thích rằng mục tiêu của học viện sẽ là ‘nâng cao tiêu chuấn giáo dục hàn lâm
cho các giáo sỹ Việt Nam và dân Chúa.’
Giám mục nói rằng, ‘Giáo dục quan trọng, bởi với tín hữu Công
giáo, đức tin sống nhờ vào truyền thống mà thôi thì không đủ. Các thách thức
toàn cầu, các tư tưởng mới, và sự hiện đại đã đặt ra cho các linh mục, tu sỹ và
giáo dân nhu cầu làm sao sống đức tin với sự hiểu biết và suy tư sâu sắc hơn.’
Sự quyết tâm của Giáo hội Việt Nam dành cho đại học này, cũng là
một dấu chỉ quan tâm đến người trẻ, ‘những người có thể bị làn gió thế tục hóa
cuốn bay đi mãi.’ Giáo dục cho các thế hệ mới, là một sứ mạng then chốt, và các
giám mục Việt Nam đã có một kế hoạch toàn diện bao gồm các hành động và khởi
xướng trên tình hình hiện thời khi không thể tự trị điều hành các học viện giáo
dục.
Một khía cạnh then chốt khác là về yếu tố bên ngoài: Giáo hội
với 7 triệu người Công giáo, là đất nước có số người Công giáo đông thứ hai ở
châu Á, sau Phi Luật Tân. Do đó, ‘Việt Nam muốn đối thoại với các đại học Kitô
giáo và không Kitô giáo khác ở châu Á, để mở rộng tầm nhìn’ và đồng thời đóng
một vai trò quan trọng trong các quan hệ liên tôn giáo và liên văn hóa. Ở Việt
Nam, các chủng viện đầy tràn thỉnh sinh, và sẵn sàng gởi các linh mục và nhà
truyền giáo của mình đến mọi nơi khắp lục địa.
Đăng nhận xét