Những Quan Điểm Khác Nhau Về Lương Tâm Trải Qua Lịch Sử
Kim Thao
Chúng tôi đã đề cập tới một vấn đề gay go trong thần học luân lý ngày nay, đó là : làm sao dung hòa sự quyết định trách nhiệm của Lương Tâm với những tiêu chuẩn khách quan của luật luân lý? Chúng tôi đã nói sơ qua những quan điểm khác nhau về bản chất của Lương Tâm cũng như của luật lệ.
Trong bài này, chúng tôi muốn bổ túc vấn đề bằng cách trình bày khía cạnh lịch sử của nó : tại sao vấn đề được đặt lên, và những giải pháp nào đã được đề ra ?
Dĩ nhiên, ở đây, khi nói tới luật lệ, thì cần phải hiểu là luật luân lý, chứ không nói là luật của quốc gia. Vấn đề thái độ của người công dân đối với luật quốc gia sẽ được bàn tới khi nghiên cứu học thuyết xã hội của Giáo Hội.
Nói chung, lịch sử của vấn đề Lương Tâm và lề luật gắn liền với lịch sử những học thuyết về bản chất của Lương Tâm. Tiện đây, nên lưu ý rằng tiếng Lương Tâm trong Việt ngữ thường được hiểu như là tương đương với conscience trong các tiếng Âu Mỹ. Thế nhưng, đối lại, "conscience" thì rộng nghĩa hơn nhiều : ở tâm-lý-học, nó có nghĩa là ý thức, nhận thức; còn trong luân lý học, thì ngoài chữ "Lương Tâm", có khi cũng được dịch là lương tri.
1) Theo nguyên tự, "Conscience", với tiếng la-tinh "conscientia" và hy-lạp synèidesis, có nghĩa là "cùng biết". Những triết gia cổ thời của Hy Lạp (Platon, Aristote) hiểu là sự "biết" về tính chất xấu hay là tốt, kèm theo sự "biết" về hành vi mà mình hay người khác đã làm. Như vậy, ngoài sự "biết" về hành vi đã diễn ra, còn có một cái "biết" nữa phê phán về tính chất tốt xấu của nó : "cùng biết", hay "đồng biết" là như thế đó. Hiểu như vậy, ta có thể dịch là "lương tri", xét vì bao hàm sự nhận định của tri thức.
Triết gia Cicéron tiến thêm một bước nữa khi nói rằng cái khả năng phê phán ấy chính là luật luân lý mà Trời phú cho con người : nó không những nhận xét một hành động xấu hay tốt, nhưng nó còn khen thưởng hay trách móc nữa. Mặt khác, Cicéron cũng thêm rằng Lương Tâm có thể là xấu hay tốt, không phải tự nó, nhưng là tại con người sống theo Lương Tâm hay không; cái mối nguy của người quen hành động trái với Lương Tâm là dần dần họ sẽ làm hoen ố nó, đến nỗi có thể bịt mắt nó luôn.
2) Trong Kinh Thánh Tân Ước, thánh Phao-lô là người dùng tiếng syneidesis (conscientia) nhiều hơn cả, và được hiểu theo nghĩa là luật Chúa khắc trong tâm khảm của con người (Rm 2,14-15). Nói khác đi, nhờ Lương Tâm mà con người biết được ý Chúa, biết phân biệt thị phi, cũng như phán đoán về hành vi của mình (khen thưởng hay trách móc).
Tuy nhiên, thánh Phao-lô bàn đến Lương Tâm trong bối cảnh của lịch sử cứu độ : người Do Thái biết ý định của Chúa qua luật Mô-sê, người ngoại biết luật Chúa qua Lương Tâm, nhưng cả hai đều không có khả năng chu toàn; luật và Lương Tâm cho con người thấy sự thiếu sót nhưng không mang lại ơn cứu độ; chỉ có đức tin nơi Đức Ki-tô mới đem lại ơn cứu độ.
Thánh Phao-lô cũng nói tới việc tôn trọng Lương Tâm của tha nhân khi bàn đến vấn đề ăn đồ kiêng đồ cúng trong thư gửi Rôma chương 14, và thư thứ nhất gửi Cô-rin-tô chương 8. Nhân tiện, tưởng cũng nên biết là khi nói tới cái mà chúng ta gọi là Lương Tâm, Kinh Thánh còn dùng một từ khác nữa, đó là "con tim, hay tấm lòng, tâm hồn: leb (hi bá) kardia (hy lạp), cor (latinh).
Qua thời các giáo phụ, ngoài tiếng "syneidesis" (cùng biết), lại xuất hiện thêm tiếng "synteresis, hay synderesis", (có nghĩa là: giữ gìn, duy trì). Lương Tâm được coi như là "tia lửa" (scintilla animae) được Thiên Chúa nhóm lên trong lòng con người, để duy trì lẽ thiện, hướng dẫn con người về điều ngay. Không thiếu giáo phụ đồng hóa nó với tiếng nói của Chúa Thánh Thần.
3) Qua thời Trung cổ, thần học kinh viện quan niệm Lương Tâm với hai chức năng chính:
a) một đàng là nhận biết điều gì là tốt, điều gì phải làm;
b) đàng khác, nó phê phán: khen thưởng hay trách móc.
Chức năng nhận biết được gọi là synderesis, nhận thức những giá trị phổ quát tốt xấu; chức năng phê phán thì được gọi là "conscien-tia", áp dụng sự nhận thức phổ quát vào trường hợp cụ thể, cũng như phê phán hành vi đã làm.
Tuy nhiên cần lưu ý là có sự khác biệt giữa Thánh Tô-ma và Bô-na-ven-tu-ra về quan điểm của synderesis: Tô-ma cho nó thuộc về lý trí thực tiễn (habitus intellectus), còn Bô-na-ven-tu-ra thì coi nó thuộc về ý chí (potentia affectiva).
Theo một số học giả đây là khởi đầu của cuộc tranh luận giữa hai quan niệm thiên lý trí (intellectualisme) hay thiên ý chí (volonta-risme).
Có điều là từ thế kỷ 16-17 trở đi, các nhà thần học luân lý dần dần bỏ qua vai trò của synderesis, mà chỉ chú trọng tới "conscientia", tức là lúc quyết định hành động, làm sao duyệt chính biện minh cho hành động. Từ đó nảy ra cái gọi là các "hệ thống luân lý" (sytèmes), tỉ như an toàn (tutiorismus), cái nhiên (probabilismus), lỏng lẻo (laxis-mus) .....
4) Trong thời hiện đại, phải nói là luân lý chịu ảnh hưởng của Emmanuel Kant rất nhiều. Theo Kant, Lương Tâm được đồng hóa với nghĩa vụ (sự bắt buộc) mà lý trí đặt ra khi hành động, dựa trên các "mệnh lệnh nhất quyết" (impératif catégorique). Duy có điều là hợp với toàn bộ tri thức luận của mình, Kant cắt đứt mọi mối tương quan giữa những mệnh lệnh ấy với sự thực khách thể.
Vì thế, một đàng Lương Tâm được nhìn dưới khía cạnh bắt buộc; đàng khác, sự bắt buộc ấy không có tiêu chuẩn khách thể. Ta có thể coi nguồn gốc tranh chấp giữa tự do và luật lệ bắt nguồn từ đây, xét vì Kant quá nhấn mạnh đến nghĩa vụ, đến sự tuân phục mệnh lệnh, nhưng không có những tiêu chuẩn nào khách quan để kiểm soát những mệnh lệnh ấy hết. Từ đó mà cá nhân cảm thấy sự xung đột, bởi vì mình phải tuân theo những mệnh lệnh nói được là mù quáng, độc đoán.
5) Dù sao đi nữa, vào thời hiện đại, mỗi lần nói đến Lương Tâm thì người ta nghĩ ngay đến những nghĩa vụ và bổn phận luân lý. Vấn đề chính là tìm ra nguồn gốc của những nghĩa vụ ấy : Tại sao mà mình phải theo nó? Dựa theo những tiêu chuẩn nào mà quyết định nên theo hay không nên theo? Dựa theo tiêu chuẩn nào mà một hành vi được gọi là tốt hay xấu? Đã có rất nhiều câu trả lời.
a) Có người muốn tìm tiêu chuẩn ngay trong chủ thể hành động;
b) người khác thì tìm tiêu chuẩn bên ngoài chủ thể:
+ cái gì lợi, cái gì sướng (thuyết thực tiễn);
+ các giá trị của nhân loại;
+ hoặc đi lên cao hơn nữa: luật của Chúa.
Nhưng nói gì thì nói, vấn đề cứ xoay quanh khó khăn sau đây: nếu tìm tiêu chuẩn bên ngoài chủ thể, thì còn gì là giá trị của tự do?; còn nếu lấy chính tự do làm tiêu chuẩn, thì sao tránh được sự chủ quan?
Chúng tôi đã nói qua vài tác giả, trong số đó có Karol Wojtyla, đã cố gắng tìm đường lối chiết trung để ra khỏi song quan luận (dilem-ma) ấy. Nhưng cũng có tác giả muốn xét lại toàn diện vấn đề, nghĩa là cách đặt vấn đề. Họ cho rằng vấn đề được đặt ra ở thời đại hiện nay vì chịu ảnh hưởng của Kant, coi luân lý như là sự tuân theo một số luật lệ, và những luật lệ ấy tùy thuộc ý chí, không thể biện minh được.
Cần phải sửa đổi lại quan điểm về Lương Tâm, trở lại quan điểm của thánh Tô-ma, gồm cả synderesis và conscientia. Dù sao đi nữa, cần phải nhìn nhận cho lý trí có khả năng nhận thức sự thực khách quan, chứ không phải chỉ giới hạn vào những phạm trù chủ quan. Chính lý trí nhận chân ra sự thực và sự thiện, và chấp nhận nó, hấp thụ nó, coi như thuộc về mình; vì vậy mà không thể coi rằng sự thực khách quan tương phản với tự do của chủ thể.
Dĩ nhiên, trong việc khám phá ra sự thực, con người, đặc biệt là người Ki-tô hữu, không bị bỏ rơi một mình: con người có thể học hỏi kinh nghiệm, dựa vào giáo huấn của Lời Chúa hay của Giáo Hội. Dù sao, công cuộc huấn luyện và đào tạo Lương Tâm không bao giờ ngừng.
Trong Thời sự Thần học, chúng tôi không muốn đi sâu vào những giải đáp khác, nhưng chỉ muốn gợi lên những vấn đề. Trong vấn đề tương quan giữa Lương Tâm với Luật lệ, thiết tưởng cũng nên nhắc đến hai trường hợp khúc mắc đã và còn đang tranh luận:
1) Trường hợp Lương Tâm sai lầm (conscientia erronea) : nếu một người biết rằng Lương Tâm mình sai lạc, thì có buộc theo hay không ? Nói chung, các tác giả phân biệt hai trường hợp sai lầm, tùy theo mức độ trách nhiệm gây ra nó : nếu sự sai lầm có tính cách bất khả kháng (invincibilis, không thể thắng được, tỉ như không có phương thế học hỏi) và chắc chắn, thì buộc phải theo Lương Tâm. Còn nếu sự sai lầm là khả kháng và hoài nghi, thì phải đình hoãn phán đoán và hành động cho đến khi phán đoán trở thành chắc chắn.
Tại sao có quyền và bổn phận phải hành động theo Lương Tâm tuy sai lầm, khi nó có tính cách chắc chắn ? Các tác giả cổ truyền trả lời rằng : cần phải nhấn mạnh rằng con người phải hành động theo Lương Tâm dưới khía cạnh của sự thâm tín (đương sự phán đoán chắc chắn rằng đây là sự thực), chứ không phải dưới khía cạnh sự sai lầm (không ai được phép hành động theo sai lầm hết).
2) Trường hợp xung khắc giữa Lương Tâm với giáo huấn của Hội Thánh: người tín hữu theo Lương Tâm hay phải theo Giáo Hội ? Đây là vấn đề vấn nạn Lương Tâm (objection de conscience). Nhiều trường hợp vấn nạn Lương Tâm đã được nhiều pháp chế dân chủ hiện đại chấp nhận, tỉ như bác sĩ từ chối phá thai, thanh niên từ chối nghĩa vụ quân sự. Thế nhưng khi áp dụng vào những giáo huấn của Giáo Hội về đức tin và phong hóa, có thể chấp nhận thái độ vấn nạn Lương Tâm hay không ?
Theo TSTH Số 2/1994
Nguồn: http://daminhvn.net
Đăng nhận xét