HIỆP THÔNG NHÂN VỊ và QUẢN LÝ TẠO VẬT
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa
Ghi chú mào đầu
“Sự thật về con người—điều mà nhân loại hôm nay thấy thực sự khó hiểu—đó là: chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh và giống hệt như Thiên Chúa; và chỉ nguyên sự kiện này thôi, chưa cần nói đến bất kỳ điều gì khác, cũng đủ cho thấy phẩm giá bất khả tha hóa của mỗi hữu thể nhân loại…Hãy nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để thấy chúng ta thực sự là ai trong ánh mắt của Thiên Chúa.” Đây là lời Đức Thánh Cha (ĐTC) Gioan Phaolô II nhắn nhủ các bạn trẻ trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế tại Manila năm 1995. Khi nói như thế, chắc hẳn ĐTC đã nhìn thấy trước viễn ảnh nhân loại đang cuốn hút vào trong trào lưu trần tục và nhân bản không Thiên Chúa. Chính ĐTC Bênêđictô XVI, trong những ngày chuẩn bị Giáng Sinh vừa qua đã lên tiếng cảnh báo về nếp sống buông thả theo chiều hướng tiêu thụ duy khoái lạc đang rất thịnh hành hiện nay (x. ĐTC Bênêđictô XVI: Lễ Giáng Sinh là một dịp để suy niệm về ý nghĩa và giá trị của cuộc đời chúng ta VietCatholic News (18 Dec 2008 01:24).. Con người như không còn muốn sống như con người nữa, bởi vì đã cố tình quên đi bản chất căn cốt của mình là được “tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.”
Có thể chúng ta đã quá quen với mệnh đề kinh thánh “con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” nên không cảm nhận được trọn vẹn tầm mức và ý nghĩa sâu xa của mệnh đề đó, cũng như có thể đã không xác tín đầy đủ rằng khi thực sự ý thức được tầm vóc siêu linh này của hữu thể con người theo ý định muôn thuở của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy không thể không thay đổi nếp suy nghĩ cũng như kiểu sống hằng ngày của mình để làm sao xứng đáng với sự ưu ái Thiên Chúa đã dành riêng cho chúng ta ngay từ thuở tạo dựng nên con người.
Chính vì ý nghĩa và tầm mức quan trọng như thế, cho nên chủ đề “con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” đã được trao phó cho Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (UBTHQT) nghiên cứu. Việc chuẩn bị cho việc nghiên cứu này lại được trao cho một tiểu ban gồm các thành viên phần lớn là Linh Mục (LM) sau đây: Augustine Di Noia O.P., Jean-Louis Bruguès, Đức Ông Anton Strukelj, Tanios Bou Mansour O.L.M., Adolpe Gesché, Willem Jacobus Eijk, Fadel Sidarouss S.J., và Shunichi Takayanagi S.J.
Trong bước hình thành bản văn, nhiều phiên thảo luận của tiểu ban và nhiều phiên họp của toàn UBTHQT đã được triệu tập tại Rôma trong khoảng từ năm 2000-2002. Bản văn ta hiện có trong tay đã được chuẩn nhận ‘in forma specifica’ bằng cuộc đầu phiếu qua văn bản của UBTHQT. Tiếp đó, bản văn được đệ trình lên Chủ Tịch Ủy Ban, khi đó là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, và ngài đã cho phép ấn hành.
Xin cống hiến bạn đọc bản lược dịch toàn thể bản văn quan trọng này với các phần chính sau đây:
DẪN NHẬP
CHƯƠNG MỘT:
CON NGƯỜI ĐƯỢC TẠO DỰNG THEO HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA
1. ‘Imago Dei’ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền
2. Cách phê phán mới về nền thần học ‘Imago Dei’
3. ‘Imago Dei’ trong Công Đồng (CĐ) Vaticanô II và nền thần học hiện đại
CHƯƠNG HAI:
THEO HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA: HIỆP THÔNG NHÂN VỊ
1. Xác và hồn
2. Nam và nữ
3. Nhân vị và cộng đồng
4. Tội lỗi và cứu độ
5. ‘Imago Dei’ (hình ảnh Thiên Chúa) và ‘Imago Christi’ (hình ảnh Chúa Kitô)
CHƯƠNG BA:
THEO HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA: NGƯỜI QUẢN LÝ CÁC TẠO VẬT HỮU HÌNH
1. Khoa học và việc quản lý tri thức
2. Trách nhiệm đối với thế giới tạo vật
3. Trách nhiệm đối với tính liêm khiết sinh học của con người
KẾT LUẬN
—————————————————————————–
DẪN NHẬP
1. Sự bùng nổ kiến thức khoa học và khả năng kỹ thuật trong thời đại mới đã đem lại nhiều ích lợi cho toàn thể nhân loại, nhưng cũng khơi lên những thách đố nghiêm trọng. Sự hiểu biết của chúng ta về tính vô biên cũng như tuổi tác của vũ trụ khiến cho vị trí và ý nghĩa của con người như thấy nhỏ bé hơn và kém an toàn hơn. Các tiến bộ kỹ thuật đã làm cho chúng ta tăng thêm khả năng kiểm soát và điều khiển các năng lực thiên nhiên, thế nhưng nó cũng đồng thời gây ảnh hưởng bất ngờ và khôn lường trên môi sinh và ngay cả trên chính bản thân chúng ta.
2. Đứng trước các thách đố này, UBTHQT muốn cống hiến suy tư thần học sau đây dựa trên học thuyết ‘imago Dei’ nhằm điều hướng suy tư chúng ta về ý nghĩ hiện hữu con người. Cùng lúc ấy chúng tôi muốn trình bầy chính cái nhãn quan tích cực về nhân vị giữa lòng vũ trụ lấy từ chủ đề tín lý vừa mới được tái khám phá này.
3. Nhất là từ sau CĐ Vaticanô II, học thuyết về ‘imago Dei’ đã bước lên một tầm cao mới trong Giáo Huấn của Giáo hội (Huấn quyền) và trong nghiên cứu thần học. Trước đây có nhiều yếu tố khiến cho một số triết gia và thần học gia thời đại Tây phương lơ là về nền thần học ‘imago Dei.’ Trong triết học, chính khái niệm về ‘hình ảnh’ đã là đề tài chỉ trích nặng nề từ các lý thuyết tri thức hoặc muốn đề cao vai trò của “ý tưởng” vượt trên hình ành (=chủ nghĩa duy lý) hoặc muốn cảm nghiệm tiêu chuẩn tối hậu của chân lý mà không hề đả động gì đến vai trò của hình ảnh (=chủ nghĩa duy nghiệm). Thêm vào đó, các yếu tố văn hoá, tỉ như ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân bản trần tục, hoặc gần đây hơn nữa, truyền thông tung ra tràn lan các hình ảnh, khiến cho thật khó xác định được một bên là xu hướng con người hướng về Thiên Chúa, và một bên là điểm quy chiếu hữu thể học của hình ảnh vốn là điểm cốt yếu của moị nền thần học về ‘imago Dei.’ Ngoài việc nền thần học phương Tây lơ là đối với chủ đề, còn có các lối giải thích thánh kinh quá nhấn mạnh đến hiệu lực tính vĩnh viễn của huấn thị đối nghịch lại với hình ảnh (xem Xuất Hành 20:3-4) hoặc áp đặt một thứ ảnh hưởng của nền văn hoá cổ Hy Lạp trên cách nẩy ra chủ đề trong thánh kinh.
4. Chỉ mãi đến khi sắp khai mạc CĐ Vaticanô II, các thần học gia mới bắt đầu khám phá ra lại nét phong phú của đề tài này trong việc thấu hiểu và phát biểu các mầu nhiệm của niềm tin Kitô giáo. Qủa vậy, các văn kiện CĐ vừa diễn đạt lại vừa xác nhận sự phát triển có ý nghĩa này trong nền thần học thế kỷ 20. Tiếp nối công trình đào sâu chủ đề ‘imago Dei’ khởi đi từ CĐ Vaticanô II, trong các trang sau đây, UBTHQT muốn tái xác nhận cái chân lý về việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để có thể hưởng nhận việc hiệp thông cá nhân với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và hiệp thông với nhau trong các Ngài, cũng như để nhân danh Thiên Chúa thực thi trách nhiệm quản lý thế giới tạo vật. Trong ánh sáng chân lý này, trần gian xuất hiện không phải như một thứ gì to lớn nhưng vô nghĩa, mà là một nơi chốn được tạo dựng nhằm vào việc hiệp thông nhân vị.
5. Như sẽ chứng minh trong những chương sắp tới, các chân lý sâu xa này không hề mất đi tính thích đáng và cường lực của nó. Sau khi lược duyệt nền tảng thánh kinh và thánh truyền của ‘imago Dei’ trong Chương Một, ta sẽ xét đến hai chủ đề lớn của nền thần học về ‘imago Dei’: trong Chương Hai, ‘imago Dei’ được xét đến như là nền tảng của sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và giữa các nhân vị, và trong Chương Ba, ‘imago Dei’ được xét như là nền tảng của việc thông phần với Thiên Chúa để cai quản thế giới hữu hình. Các suy tư này gom lại các yếu tố chính của khoa nhân học Kitô giáo cũng như một vài yếu tố của khoa thần học luân lý và đạo đức học trong ánh sáng của nền thần học về ‘imago Dei.’ Ý thức được tầm mức rộng rãi của các vấn đề, chúng tôi vẫn xin cống hiến các suy tư này nhằm nhắc nhở chính mình và quý độc giả về năng lực lý giải bao quát của khoa thần học về ‘imago Dei’ chỉ nhằm mục đích tái xác nhận chân lý thần linh về vũ trụ và về ý nghĩa đời sống con người.
CHƯƠNG MỘT
CON NGƯỜI ĐƯỢC TẠO DỰNG THEO HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA
6. Như lời chứng của Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền minh xác, sự thật về việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa nằm ở chính trọng tâm của mạc khải Kitô giáo. Sự thật này được nhìn nhận, và các Giáo phụ cũng như các thần học gia lỗi lạc đã khai triển hàm ý bao quát của nó. Như ta sẽ ghi nhận sau đây, mặc dù một số tư tưởng gia thời mới và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đã nêu lên những thách đố về sự thật này, tuy nhiên các học giả kinh thánh và các thần học gia ngày nay đang về phe với Huấn Quyền để tái lập và xác nhận học thuyết về ‘imago Dei’ (hình ảnh Thiên Chúa).
I. ‘Imago Dei’ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền
7. Phần lớn các nhà chú giải ngày nay, cho dù có một vài ngoại lệ, đều xác nhận rằng chủ đề ‘imago Dei’ là trọng tâm của mạc khải kinh thánh (x. Gen 1:26f; 5:1-3; 9:6). Chủ đề này được coi như chìa khóa để có được sự thấu hiểu về bản tính con người theo Thánh Kinh, cũng như để đạt được các xác nhận về khoa nhân học kinh thánh trong cả Cựu Ưóc lẫn Tân Ước. Với Thánh Kinh, ‘imago Dei’ được coi gần như là một định nghĩa về con người: không thể hiểu mầu nhiệm con người tách rời khỏi mầu nhiệm Thiên Chúa.
8. Lối hiểu của Cựu Ước về con người được tạo dựng theo ‘imago Dei’ phần nào phản ảnh tư tưởng Cận Đông cổ về đức vua vốn được coi như hình ảnh Thiên Chúa trên cõi trần ai. Tuy nhiên, lối hiểu theo Thánh Kinh lại có nét đặc biệt là dùng khái niệm hình ảnh Thiên Chúa để bao quát tất cả mọi người. Một điểm đối lập khác nữa với tư tưởng Cận Đông cổ là Thánh Kinh cho thấy trước tiên, con người không được điều hướng để làm việc thờ phượng các thần linh, mà là để vun trồng trái đất (x. Gen 2:15). Khi nối kết việc phượng tự với việc vun trồng, Thánh Kinh đã thừa nhận rằng sinh hoạt của con người sáu ngày trong tuần là để quy hướng về ngày Sabbath, là ngày của phúc lành và thánh hóa.
9. Hai chủ đề hội lại với nhau để hình thành nhãn quan kinh thánh. Trước hết, toàn thể nhân loại được coi như tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Nhãn quan này loại trừ lối giải thích giới hạn ‘imago Dei’ vào trong một hay hai khía cạnh nơi bản chất con người, (tỉ như dáng thẳng đứng hay trí năng) hoặc vào một hay hai phẩm chất hoặc chức năng của con người, (tỉ như bản chất phái tính, hoặc việc thống lĩnh mặt đất). Không rơi vào chủ nghĩa nhất nguyên hay nhị nguyên, Thánh Kinh trình bầy một cái nhìn về con người trong đó khía cạnh tâm linh được coi như một trong các chiều kích nơi con người, bên cạnh chiều kích thể lý, xã hội và lịch sử.
10. Tiếp đến, trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế cho thấy rõ rằng con người không hề được tạo dựng như một cá nhân cô độc: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (Gen 1:27). Thiên Chúa đặt hai con người đầu tiên trong mối tương quan với nhau, mỗi người có kẻ đối ngẫu khác phái. Thánh Kinh xác nhận rằng con người sống trong mối giao hảo với nhau, với Thiên Chúa, với thế giới, và với chính bản thân mình. Theo quan niệm này, con người không hề là một cá nhân đơn độc, mà là một nhân vị–một hữu thể tự trong bản chất đã mang tính tương giao. Không hề bao hàm một chủ nghĩa duy hoạt rồi ra sẽ phủ nhận thực trạng hữu thể thường hằng của mình, tính tương giao căn cơ này nơi ‘imago Dei’ tự hình thành cái cơ cấu hữu thể học, cũng như dựng thành cái nền tảng cho việc thực thi sự tự do và trách nhiệm của mình.
11. Theo Tân Ước, hình ảnh được tạo dựng mà Cựu Ước đã xác nhận thì phải được hoàn tất trong ‘imago Christi’ (hình ảnh Chúa Kitô). Trong việc Tân Ước khai triển chủ đề này, có hai yếu tố bỗng nẩy sinh, đó là (1) tính chất Kitô học và Tam Vị của ‘imago Dei’ và (2) vai trò trung gian bí tích trong việc hình thành ‘imago Christi.’
12. Do bởi Chúa Kitô chính là hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa (2 Cor 4:4; Col 1:15; Heb 1:3), vì thế con người phải đồng hình đồng dạng với Ngài (Rom 8:29) để có thể trở thành con của Cha qua quyền năng Thánh Thần (Rom 8:23). Quả vậy, để “trở thành” hình ảnh Thiên Chúa, con người cần phải tích cực tham dự vào cuộc biến cải của Ngài theo cách thức hình ảnh Chúa Con (Col 3:10) là đấng biểu tỏ bản chất của mình qua dòng lịch sử từ cuộc nhập thể cho đến bước vinh quang. Theo cách thức mà Chúa Con đã vạch ra, thì hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người được cấu thành qua chính bước đi lịch sử của mình từ cuộc tạo dựng, qua việc cải hoá khỏi tội lỗi, đi tới ơn Cứu Độ và viên thành. Cũng như Chúa Kitô đã biểu lộ quyền của Chúa trên tội lỗi và sự chết qua việc Ngài chịu khổ nạn và phục sinh, thế nên mỗi người cần đạt được quyền của Chúa qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần—không chỉ thống trị trái đất và loài vật (như Cựu Ước xác nhận)—mà chính yếu là vượt thắng tội lỗi và sự chết.
13. Theo Tân Ước, sự biến cải thành hình ảnh Thiên Chúa nói trên được hoàn tất qua các Bí Tích, trước hết như hiệu quả của sứ điệp Chúa Kitô sáng soi (2Cor 3:18-4:6) và của Phép Rửa (1Cor 12:13). Sự hiệp thông với Chúa Kitô chính là kết quả của niềm tin vào Ngài, và Phép Rửa qua đó ta chết đi cho con người cũ nhờ Chúa Kitô (Gal 3:26-28) để mặc vào con người mới (Gal 3: 27; Rom 13:14). Bí Tích Cáo Giải, Thánh Thể, và các Bí Tích khác cùng xác nhận và kiện cường chúng ta trong sự biến cải triệt để này theo phương cách cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Chúa Kitô. Do được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kiện toàn trong hình ảnh Chúa Kitô do quyền uy Chúa Thánh Thần nơi các Bí Tích, cho nên chúng ta đều được Chúa Cha yêu thương ôm ấp.
14. Quan điểm kinh thánh về hình ảnh Thiên Chúa tiếp tục chiếm cứ một vị trí nổi bật sau này, mãi cho đến buổi hừng đông của tư tưởng thời mới. Có thể tìm thấy chỉ dấu về vị trí trọng tâm của chủ đề nơi các Kitô hữu tiên khởi khi họ nỗ lực giải thích việc Thánh Kinh cấm đoán các biểu trưng nghệ thuật về Thiên Chúa (x. Ex 20:2f; Dt 27:15) dưới ánh sáng cuộc nhập thể, bởi lẽ mầu nhiệm nhập thể minh chứng tính khả hữu của việc biểu tỏ Thiên-Chúa-làm-người trong thực tế nhân bản và lịch sử. Việc bảo vệ biểu trưng nghệ thuật về Ngôi Lời Nhập Thể và về các biến cố cứu độ trong cuộc tranh chấp đả phá thánh tượng thời thế kỷ thứ 7 và thứ 8 được đặt trên căn bản một hiểu biết sâu xa về ngôi hiệp, theo đó, trong “hình ảnh,” cái thuộc về Thiên Chúa không thể tách khỏi cái thuộc về loài người.
15. Nền thần học thời giáo phụ và thời trung cổ có một số điểm tách rời khỏi khoa nhân học kinh thánh nhưng lại khai triển một số điểm khác dựa trên khoa nhân học này. Tỉ dụ như phần lớn các vị đại diện cho Thánh Truyền không hoàn toàn ủng hộ quan điểm kinh thánh vốn coi hình ảnh là toàn thể con người. Một bước khai triển đầy ý nghĩa về trình thuật thánh kinh chính là phân biệt hình ảnh với sự tương đồng. Theo Thánh Hiêrônimô, người khai sáng lập trường này, thì “hình ảnh” chính là “methexis” (sự thông phần hữu thể học), còn “tương đồng” (mimesis) chính là một biến cải luân lý (Adv. Haer.V, 6, 1; V, 8, 1; V, 16, 2). Theo Tertullianô, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và thổi hơi sự sống vào làm cho nó giống như (= tương đồng) với Ngài. Trong khi hình ảnh không bao giờ huỷ hoại được thì sự “giống như Chúa” (hoặc “tương đồng” với Ngài) có thể bị tội lỗi làm tan biến mất (Bapt. 5, 6. 7). Thánh Augustinô không hề chủ trương sự phân biệt này, nhưng ngài lại trình bầy một quan điểm về ‘imago Dei’ mang tính chất nhân vị, tâm lý và hiện sinh hơn. Theo ngài, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người mang một cấu trúc Tam Vị, phản ảnh cái thế ‘tam tài’ nơi phần hồn của con người (tinh thần, ý thức tự kỷ, và tình yêu) hoặc ba khía cạnh của tâm thần (ký ức, trí thông minh, và ý chí). Theo thánh Augustinô, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người hướng dẫn con người tìm về với Thiên Chúa qua kinh nguyện, tri thức và tình yêu (Tự Thú I, 1, 1).
16. Với Thánh Tôma Aquinô, ‘imago Dei’ mang một tính chất lịch sử, bởi vì nó trải qua ba giai đoạn: imago creationis (naturae), imago recreationis (gratiae), imago similitudinis (gratiae)–hình ảnh tạo dựng (bản tính), hình ảnh tái tạo (ơn sủng) và hình ảnh tương đồng (vinh quang) (S.Th. I q. 93 a. 4). Với Aquinas, ‘imago Dei’ chính là căn bản của việc thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa được thể hiện chính yếu trong hành vi chiêm ngưỡng của trí năng (S.Th. I q. 93 a. 4 và 7). Quan niệm này rõ ràng khác với quan niệm của thánh Bonaventura là người cho rằng hình ảnh được thể hiện chính yếu qua ý chí, trong hành vi tôn giáo của con người (Sent. II d. 16a. 2 q. 3). Cũng trong một nhãn quan thần bí tương tự, nhưng còn táo bạo hơn nữa, Meister Echkart đã linh hóa ‘imago Dei’ khi đặt nó ở chóp đỉnh của linh hồn, hoàn toàn thoát khỏi thể xác (Quint. I, 5, 5-7; V, 6. 9s).
17. Các cuộc tranh cãi trong thời cải cách chứng tỏ rằng nền thần học về ‘imago Dei’ vẫn giữ vững tầm mức quan trọng cho cả phía Tin Lành lẫn Công Giáo. Các nhà Cải Cách tố cáo phía Công Giáo là đã giản lược hình ảnh Thiên Chúa vào một thứ ‘imago naturae’ tức là một quan niệm tĩnh về bản tính con người, cũng như đã cổ võ cho tội nhân có thái độ ‘bình chân như vại’ trước mặt Chúa. Ngược lại, phía Công Giáo thì chỉ trích các nhà Cải Cách là đã chối bỏ thực tại hữu thể học của hình ảnh Thiên Chúa và giản lược nó trở thành một thứ tương giao thuần túy. Thêm nữa, phía Tin Lành luôn nhấn mạnh rằng hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội lỗi làm băng hoại, trong khi các thần học gia Công Giáo thì coi tội lỗi như làm tổn thương hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.
II. Thời Mới phê phán nền thần học về ‘Imago Dei’
18. Nền thần học về ‘imago Dei’ vẫn giữ được vị trí trọng tâm trong khoa nhân học thần học mãi cho tới buổi hừng đông của thời mới. Suốt dòng lịch sử tư tưởng Kitô giáo, trọng lực và sự hấp dẫn của chủ đề này vững chãi cho đến độ nó có thể trơ gan trước những phê phán lẻ tẻ (tỉ như trong chủ trương bài trừ thánh tượng) cho rằng tính chất nhân hình của nó đã đưa đến việc tôn thờ ngẫu tượng. Thế nhưng, trong thời đại mới, nền thần học về ‘imago Dei’ đã gặp phải những chỉ trích nặng ký hơn và có hệ thống hơn.
19. Vũ trụ quan mà khoa học tân thời ủng hộ đã làm thay đổi ý niệm cổ điển về một vũ trụ được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa, và vì thế, cũng làm rung chuyển một phần quan trọng cái khung quan niệm vốn hỗ trợ cho nền thần học về ‘imago Dei.’ Thế là chủ đề này bị các nhà thực nghiệm coi là không phù hợp với kinh nghiệm, còn các nhà duy lý lại cho là hàm hồ. Thế nhưng, đáng sợ hơn nữa là quan niệm cho rằng con người chính là một chủ thể tự lập, tự tại, không hề có tương quan gì với Thiên Chúa cả. Do đó, khái niệm về ‘imago Dei’ không thể nào chấp nhận được. Chỉ còn một bước nhỏ nữa là người ta sẽ đi đến chỗ lật ngược lại khoa nhân học kinh thánh, dưới nhiều dạng thức khác nhau, như kiểu tư duy của Ludwig Feuerbach, Karl Marx và Sigmund Freud: không phải con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mà ngược lại, chính Thiên Chúa mới là hình ảnh do con nguời dọi phóng ra. Rốt cuộc, chủ nghĩa vô thần tất nhiên phải nẩy sinh nếu con người muốn tự lập tự tại.
20. Thoạt tiên, bầu khí của nền thần học phương Tây trong thế kỷ hai mươi chẳng hề mang lại chút thuận lợi nào cho chủ đề ‘imago Dei.’ Với những tư tưởng đã manh nha từ thời thế kỷ 19 như vừa nói, có thể nói rằng không thể tránh được một vài hình thức thần học biện chứng, coi chủ đề này như là cách biểu tỏ tính tự phụ của con người khi so sánh và đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chính vì nhấn mạnh đến biến cố gặp gỡ Thiên Chúa, nền thần học hiện sinh đã làm xói mòn khái niệm về mối tương giao vững bền và vĩnh viễn với Thiên Chúa, vốn là kết quả của khoa đạo lý về ‘imago Dei.’ Nền thần học tục hóa thì phi bác khái niệm về một điểm quy chiếu khách quan trong thế giới vốn xác nhận việc con người được định vị trong tương quan với Thiên Chúa. “Vị Thiên Chúa vô phẩm tính” hay nói khác đi, một Thượng Đế vô ngã vị do một vài nhánh thần học tiêu cực tạo ra không bao giờ có thể được coi là kiểu mẫu con người được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Trong khoa thần học chính trị, vốn chú trọng đến trực tác, thì chủ đề ‘imago Dei’ bị đẩy lùi vào quên lãng. Sau cùng, các phê phán dù mang tính tục hóa hay thần học đều chỉ trích nền thần học về ‘imago Dei’ là đã khinh miệt thiên nhiên và lợI ích của loài vật.
III. ‘Imago Dei’ thời CĐ Vaticanô II và khoa thần học hiện đại
21. Cho dù chạm phải những trào lưu thiếu thuận lợi như vừa nói, nền thần học về ‘imago Dei’ vẫn dần dần được quan tâm hồi phục trong suốt khoảng giữa thế kỷ hai mươi. Việc nghiên cứu công phu về Thánh Kinh, các Giáo Phụ cũng như các thần học gia lớn đã gây được một ý thức canh tân về tính phổ thông và tầm quan trọng của chủ đề về ‘imago Dei.’ Sự khôi phục này có thể thấy được nơi các thần học gia Công giáo trước CĐ Vaticanô II. CĐ đã đưa ra một đòn bẩy mới cho nền thần học về ‘imago Dei,’ nhất là trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, ‘Gaudium et Spes’ (GS).
22. Khi gợi lại chủ đề hình ảnh Thiên Chúa, GS đoạn 12 đã xác nhận phẩm giá của con người như đã nói trong Sáng Thế 1:26 và Thánh Vịnh 8:6. Trong cái nhìn của Vaticanô II, ‘imago Dei’ chính là xu hướng căn bản của con người hướng về Thiên Chúa, điều làm nền tảng cho phẩm giá cũng như các quyền bất khả nhượng của con người. Mỗi con người, nếu đã là hình ảnh Thiên Chúa, thì không thể làm đầy tớ phục vụ cho bất kỳ một hệ thống hay mục tiêu trần thế nào. Quyền vượt trổi trên toàn vũ trụ, khả năng sống hợp quần trong xã hội, cùng sự hiểu biết và yêu mến Tạo Hoá, tất cả đều đâm rễ sâu trong hữu thể con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Căn bản giáo huấn của CĐ chính là khía cạnh Kitô học của hình ảnh: chính Chúa Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình (Col 1:15) (GS 10). Chúa Con chính là Con Người hoàn hảo, đã phục hồi sự tương đồng với Thiên Chúa nơi những con cái Ađam vốn đã bị tội nguyên tổ làm thương tổn (GS 22). Được mạc khải bởi Thiên Chúa là đấng tạo dựng con người theo hình ảnh mình, chính Chúa Con đã vạch cho con người thấy các câu trả lời cho các vấn nạn về ý nghĩa sự sống và sự chết (GS 41).
23. CĐ còn nhấn mạnh đến cơ cấu tam vị của hình ảnh: khi sống hòa hợp với Chúa Kitô (Rm 8:29) và nhờ các ân huệ Chúa Thánh Thần (Rm 8:23), một con người mới được tạo thành, có khả năng làm tròn giới răn mới (GS 22). Các bậc thánh nhân là những vị đã được hoàn toàn cải hoá trong hình ảnh Thiên Chúa (x. 2 Cor 3:18); chính nơi các ngài mà Thiên Chúa đã tỏ lộ sự hiện diện và ân sủng của mình như là dấu chỉ của nước Chúa (GS 24). Dựa trên căn bản đạo lý về hình ảnh Thiên Chúa, CĐ dậy rằng sinh hoạt của con người thì phản ảnh tính sáng tạo của Thiên Chúa xét như mẫu mực (GS 34), và phải được quy hướng về công bình cũng như tình tương thân của con người ngõ hầu xây dựng nên một gia đình trong đó tất cả đều là anh chị em với nhau (GS 24).
24. Sự quan tâm phục hồi nền thần học ‘imago Dei’ vốn đươc khai sinh từ CĐ Vaticanô II được phản ảnh trong nền thần học hiện đại, nơi đó có thể ghi nhận nhiều bước phát triển trong các lãnh vực khác nhau. Trước hết, các thần học gia đang nỗ lực chứng minh rằng nền thần học về ‘imago Dei’ đã soi sáng như thế nào cho mối quan hệ giữa khoa nhân học với khoa Kitô học. Không những không hề chối bỏ ân sủng độc đáo đã đến với con người qua cuộc nhập thể, các thần học gia còn muốn nhìn nhận giá trị nội tại của việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Các khả thể mà Chúa Kitô mở ra cho con người không hề bao hàm việc tiêu diệt thực tại con người trong tạo vật tính của nó, mà bao hàm sự cải hóa và hiện thực hóa theo hình ảnh hoàn hảo của Chúa Con. Hơn nữa, chính sự canh tân hiểu biết về mối dây liên kết giữa khoa Kitô học và khoa nhân học đã đem đến sự thấu hiểu sâu xa hơn về tính năng động của ‘imago Dei.’ Không hề chối bỏ ân huệ con người được đặc biệt tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, các thần học gia còn muốn nhìn nhận chân lý này: trong ánh sáng lịch sử con người cũng như sự tiến hóa của văn hóa loài người, có thể nói rằng ‘imago Dei’ thực sự vẫn ở trong tiến trình hình thành. Hơn thế nữa, nền thần học về ‘imago Dei’ còn liên kết khoa nhân học với khoa thần học luân lý, bằng cách chứng minh rằng, tự nơi hữu thể mình, con người đã sở hữu sẵn sự thông phần vào quy luật của Thiên Chúa. Luật tự nhiên này hướng dẫn con người đi tìm sự thiện hảo trong hành động của mình. Sau cùng, ‘imago Dei’ còn mang một chiều kích hữu đích và cánh chung nói lên khía cạnh lữ hành của con người (homo viator), hướng về ngày thế mạt (parousia) cũng như ngày hoàn thành kế hoạch mà Thiên Chúa đặt định cho vũ trụ như được thể hiện trong lịch sử ân sủng nơi cuộc đời mỗi người cũng như trong lịch sử của toàn thể nhân loại.
CHƯƠNG HAI
Theo Hình Ảnh Thiên Chúa: Hiệp Thông Ngôi Vị
25. Hiệp thông và quản lý là hai sợi chỉ dệt thành đạo lý về ‘imago Dei.’ Sợi thứ nhất—điều ta sẽ nói đến trong chương này—có thể tóm tắt thế này: Thiên Chúa Ba Ngôi đã mạc khải kế hoạch của mình là chia sẻ sự thông hiệp đời sống với các nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Quả vậy, chính vì sự thông hiệp Ba Ngôi này mà con người mới được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Chính mối tương đồng căn cốt với Thiên Chúa Ba Ngôi này đã là nền tảng làm nẩy sinh sự thông hiệp giữa một bên là các hữu thể được tạo thành và bên kia là các Ngôi Vị không được tạo thành (tức là Tam Vị). Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người tự bản chất có xác có hồn, có nam có nữ, người này được tạo thành cho người kia, là những ngôi vị hướng ngả về tình hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, nhưng lại bị tội lỗi làm thương tổn, do đó cần phải được cứu độ, cũng như được định đọat để sống phù hợp với Chúa Kitô vốn là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, trong quyền năng Thánh Thần.
I. Xác và Hồn
26. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là những nhân vị được kêu gọi đến vui hưởng và thực hành quyền quản lý vũ trụ vật chất. Các sinh họat này, vì thấm nhuần tình hiệp thông liên chủ thể cũng như tinh thần trách nhiệm, nên mặc dù bao hàm các khả năng tâm linh—trí năng và tình cảm—vẫn không hề bỏ rơi phần xác thân của con người. Nền thần học Công giáo về ‘imago Dei’ đã mặc nhiên hàm chứa cái chân lý sâu xa này là: thế giới vật chất đã tạo ra những điều kiện để con người có thể tác động lẫn nhau.
27. Tuy vậy, không phải lúc nào chân lý này cũng được lưu tâm đúng mức. Khoa thần học ngày nay đang nỗ lực vượt thắng tầm ảnh hưởng của khoa nhân học nhị nguyên vốn chủ trương định vị ‘imago Dei’ trong tương quan độc nhất với phần tâm linh con người mà thôi. Do ảnh hưởng khoa nhân học nhị nguyên, trước hết của Plato và sau đó của Descartes, mà thần học Kitô giáo có xu hướng đồng hóa ‘imago Dei’ với đặc điểm biệt loại của bản tính con người, đó là trí tuệ hay tinh thần. Chính khoa nhân học thánh kinh và lý thuyết tổng hợp của Thánh Tôma đã góp phần quan trọng đưa đến việc phục hồi yếu tố xác thân này.
28. Cho dù không được chủ đề hóa một cách minh nhiên, quan điểm cho rằng yếu tố xác thân là đều căn cốt nơi bản tính con người vẫn luôn mang tính chất nền tảng trong chứng từ mạc khải Kitô giáo. Khoa nhân học thánh kinh loại bỏ chủ nghĩa nhị nguyên hồn-xác. Con người là một toàn thể. Trong các từ ngữ Hípri mà Cựu Ước dùng chỉ con người, nèfès có nghĩa là sức sống của một con người cụ thể đang còn sống (Gen 9:4; Lev 24:17-18; Prov. 8:35). Thế nhưng, con người không sở hữu nèfès; con người là nèfès (Gen 2:7; Lev 17:10). Basar được dùng để chỉ xác thịt con vật cũng như con người, đôi khi cũng được dùng để chỉ toàn thể thân xác (Lev 4:11; 26:29). Cũng vậy, con người không sở hữu basar, mà chính là basar. Tân Ước dùng từ sarx (xác phàm) để chỉ thể chất tính của con người (2 Cor 12:7), nhưng mặt khác cũng dùng để chỉ toàn thể con người (Rom 8:6). Một từ ngữ Hy Lạp khác, soma (thân xác) được dùng để chỉ toàn thể con người, nhưng nhấn mạnh đến phần biểu hiện bên ngoài. Ở đây cũng thế, con người không sở hữu thân xác, mà chính là thân xác. Khoa nhân học thánh kinh giả định tính duy nhất nơi con người một cách minh bạch, cũng như chủ trương xác thân chính là cái căn cốt nơi con người.
29. Các tín điều trọng tâm của niềm tin Kitô giáo đều hàm ý rằng thân xác chính là một thành phần nội tại của nhân vị, và do đó, thân xác thông phần vào việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Giáo lý về tạo dựng dứt khoát loại bỏ chủ thuyết nhị nguyên dù mang tính siêu hình hay vũ trụ, bởi vì mọi sự trong vũ trụ, dù thiêng liêng hay vật chất, đều được Thiên Chúa tạo dựng và vì thế đều xuất phát từ Đấng Toàn Hảo. Trong khung giáo lý về nhập thể, thân xác cũng xuất hiện như là một thành phần nội tại của nhân vị. Phúc Âm theo thánh Gioan xác nhận rằng “Ngôi Lời đã thành xác phàm (sarx),” có ý nhấn mạnh—ngược với Ảo Thân thuyết—rằng Chúa Giêsu đã có một thân xác thể lý thực sự, chứ không phải một thân-xác-ảo. Hơn nữa, Chúa Giêsu cứu chuộc ta qua từng hành vi động tác của thân xác Ngài. Thân Xác Ngài đã bị phó nộp và Máu Huyết Ngài đã đổ ra cho ta, đó là món quà của chính Ngôi Vị Ngài hiến tặng để cứu độ ta. Công trình cứu chuộc này được tiếp nối trong Giáo Hội, là nhiệm thể Ngài, và qua các bí tích, công trình này trở thành hữu hình và khả giác. Hiệu quả của các bí tích, cho dù tự bản chất mang tính thiêng liêng, nhưng được hoàn thành nhờ các dấu chỉ vật chất vốn chỉ có thể cảm nhận được nơi thân xác và qua thân xác mà thôi. Điều này cho thấy, không chỉ trí tuệ, mà cả thân xác con người, cũng đều được cứu chuộc. Thân xác trở thành đền thờ của Thánh Thần. Sau cùng, sự kiện thân xác là thành phần căn cốt của nhân vị được hàm ngụ trong giáo lý về sự sống lại của thân xác vào ngày tận thế, điều này chứng minh rằng con người tự muôn thuở đã hiện hữu như một nhân vị duy nhất, vừa thể lý, vừa tinh thần.
30. Để duy trì tính duy nhất của hồn và xác đã được truyền dậy rõ ràng trong mạc khải, Huấn Quyền thừa nhận định nghĩa về linh hồn con người xét như forma substantialis—mô thể trọng yếu (x. Công Đồng Vienna và Latêranô V). Ở đây, Huấn Quyền dựa vào khoa nhân học của thánh Tôma, xuất phát từ gốc triết học Aristotle, chủ trương rằng thân xác và linh hồn là nguyên lý thể chất và thiêng liêng của hữu thể con người. Cần ghi nhận rằng chủ trương này không phải là không phù hợp với quan điểm khoa học hiện đại. Khoa tân vật lý đã chứng minh rằng vật chất, từ các phân tử sơ đẳng nhất, chỉ thuần túy mang tính tiềm năng, chứ không hề sở hữu xu hướng cấu tạo. Thế nhưng, cấp độ cấu tạo trong vũ trụ, bao gồm các hình thức cấu tạo cao của các thực thể hữu sinh và vô sinh đều bao gồm sự hiện diện của một thứ “information” (‘phú mô thức’). Lối suy diễn này cho thấy một kiểu loại suy bán phần giữa khái niệm của Aristotle về mô thể trọng yếu và ý niệm khoa học về ‘phú mô thức.” Tỉ như, DNA của các nhiễm sắc thể thì hàm chứa cái mô thức cần thiết cho thể chất để có thể cấu tạo theo cái tiêu biểu của một cá thể biệt loại. Một cách loại suy, mô thể trọng yếu cung cấp cho thể chất sơ đẳng cái mô thức cần thiết để cấu tạo theo một cách thức chuyên biệt nào đó. Cần thận trọng trong cách hiểu loại suy này bởi vì các khái niệm siêu hình và thiêng liêng không thể đơn thuần so sánh với các dữ kiện vật chất và sinh vật học được.
31. Những điều minh họa vừa nói, theo kinh thánh, giáo lý cũng như triết học, đều đồng quy ở một điểm là xác nhận rằng thân xác con người thực sự thông phần vào ‘imago Dei.’ Nếu linh hồn, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, tác động như mô thức trên thể chất để cấu thành thân xác con người, thì nhân vị xét như một toàn thể đã mang hình ảnh Thiên Chúa cả trong chiều kích thiêng liêng lẫn xác thể. Kết luận này được xác quyết khi xét đến toàn thể hàm ngụ của khoa Kitô học về hình ảnh Thiên Chúa. “Thực ra, chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời mặc xác phàm mà mầu nhiệm con người mới được soi tỏ…Chúa Kitô mạc khải đầy đủ bản chất con người cho chính nó và soi sáng cho lời gọi cao cả nhất của nó” (GS 22). Xét cả về mặt thiêng liêng lẫn thể lý, hợp nhất với Ngôi Lời nhập thể và được tôn vinh, nhất là trong bí tích Thánh Thể, con người đạt tới định mệnh của mình khi thân xác của nó được sống lại và thông phần vinh quang muôn đời xét như một nhân vị trọn vẹn—tức cả hồn lẫn xác—trong sự thông hiệp với Chúa Ba Ngôi cùng với tất cả cộng đoàn chư thánh trên thiên quốc.
II. Nam và Nữ
32. Trong Tông Huấn về Gia Đình ‘Familiaris Consortio’ (FC), ĐTC Gioan Phaolô II xác nhận rằng: “Là một tinh thần nhập thể, nghĩa là một linh hồn tự biểu lộ qua một thân xác, và một thân xác được phú ban cho một tinh thần bất tử, con người được mời gọi sống yêu thương trong toàn thể duy nhất tính của mình. Tình yêu bao hàm thân xác, và thân xác được tạo dựng để thông chia tình yêu thiêng liêng” (số 11). Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người được mời gọi sống yêu thương và hiệp thông. Lời mời gọi này vì được thể hiện một cách nổi bật qua sự kết hợp mang tính sáng tạo giữa vợ và chồng, thế nên sự dị biệt nam nữ trở thành một yếu tố căn cốt trong việc cấu thành nhân vị, vốn đuợc tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.
33. “Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài; Ngài tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài tạo dựng họ có nam có nữ” (Gen 1:27; x. Gen 5:1-2). Như thế, theo Thánh kinh, ‘imago Dei’ được biểu lộ ra bên ngoài, qua sự dị biệt phái tính. Có thể nói rằng con người chỉ hiện hữu như là nam hay nữ, bởi vì thực tại thân phận con người nằm ngay ở chỗ dị biệt tính và đa tính nam nữ. Do đó, phái tính chính là cấu tố của căn tính con người, chứ không phải là khía cạnh thứ yếu hay tùy phụ của nhân cách. Mỗi người chúng ta đều sở hữu một cách thế hiện diện trong trần gian, từ nhìn xem, nghĩ suy, cảm nhận, cho đến cách nhập cuộc trao đổi hỗ tương với người khác vốn cũng được định tính bằng căn bản phái tính của mình. Theo sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo thì: “Dục tính ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của nhân vị trong duy nhất tính của hồn và xác. Nó đặc biệt tác động trên cảm tính, vốn là khả năng yêu thương cũng như sinh sản, và một cách tổng quát hơn, là khả năng thích ứng để tạo thành những mối dây hiệp thông với người khác” (2332). Các vai trò gán ghép cho nam hay nữ có thể thay đổi tùy theo thời gian và không gian, thế nhưng căn bản phái tính của nhân vị không phải là cấu trúc của văn hóa hay xã hội. Nó thuộc về chính cách thức hiện hữu biệt loại của ‘imago Dei.’
34. Việc Ngôi Lời nhập thể càng xác nhận loại biệt tính này. Chúa Kitô mặc lấy thân phận con người trong toàn thể tính của nó, mang lấy một phái tính, thế nhưng ngài trở thành con người theo cả hai ý nghĩa của từ ngữ: là thành viên của công đoàn nhân loại, và là một nam nhân. Tương quan của mỗi người chúng ta với Chúa Kitô được minh định qua hai cách thức: tùy thuộc vào căn bản phái tính từng người và căn bản phái tính của chính ngài.
35. Hơn nữa, việc nhập thể và phục sinh đã đẩy đưa căn bản phái tính nguyên thủy của ‘imago Dei’ vào tận miền vĩnh cửu. Chúa Kitô phục sinh vẫn là một con người, ngay cả khi ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha. Ta cũng có thể ghi nhận rằng cá vị được thánh hóa và tôn vinh của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, tuy nay đã lên trời cả hồn lẫn xác, vẫn tiếp tục là một người nữ. Trong thư gửi giáo đoàn Galata 3: 28, khi thánh Phaolô loan báo rằng trong Chúa Kitô, tất cả mọi dị biệt—kể cả dị biệt nam nữ–đều phải xoá bỏ, ngài có ý nói rằng không một dị biệt nhân loại nào có thể cản trở ta tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Kitô. Tuy thánh Gregorio Nyssa và một vài giáo phụ khác chủ trương rằng các dị biệt phái tính nam nữ sẽ bị triệt tiêu khi xác người ta sống lại, nhưng Giáo hội vẫn chưa đi theo lập trường này. Các dị biệt nam nữ, cho dù biểu lộ các thuộc tính thể lý, vẫn thực sự siêu vượt cái thuần tuý thể lý, và chạm tới chính cái mầu nhiệm của con người vậy.
36. Thánh Kinh không hề ủng hộ chủ trương cho rằng, một cách tự nhiên, nam vượt trội hơn nữ. Cho dù khác biệt, nam và nữ đều phải được đối xứ công bình một cách cố hữu. Như ĐTC Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Huấn FC: “Trước tiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là phẩm gía và trách nhiệm bình đẳng của nữ với nam. Sự bình đẳng này được thể hiện một cách độc đáo trong sự tự hiến hỗ tương, nam cho nữ và nữ cho nam, cũng như cả hai tự hiến cho con cái trong khung cảnh hôn nhân và gia đình…Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa đã ban cho họ phẩm giá cá nhân bình đẳng, cùng với các quyền lợi và trách nhiệm bất khả nhượng, chỉ riêng con người mới có” (22). Cả nam lẫn nữ đều được tạo dựng bình đẳng theo hình ảnh Thiên Chúa. Cả hai đều là nhân vị có trí tuệ và ý chí, có khả năng sử dụng tự do để điều hướng cuộc sống mình. Nhưng mỗi bên đều làm theo cách thức riêng và phù hợp với căn bản phái tính của mình, đến độ truyền thống Kitô giáo có thể nêu bật lên tính hỗ tương và bổ túc của nam và nữ. Cho dù mới đây đã gây ra chút ít tranh cãi, nhưng các từ ngữ này vẫn hữu dụng để xác nhận rằng nam và nữ cần đến nhau thì mới làm cho đời sống trở thành sung mãn được.
37. Hẳn nhiên, tình bạn nguyên thủy giữa nam và nữ đã bị tội lỗi làm băng hoại một cách sâu xa. Qua phép lạ tại tiệc cưới Cana (Jn 2:1 ff), Chúa Kitô cho thấy rằng ngài đã đến để phục hồi sự hòa hợp mà Thiên Chúa đã có ý định ngay từ khi tạo dựng con người có nam có nữ.
38. Hình ảnh Thiên Chúa, vốn được tìm thấy ngay chính trong bản tính con người, có thể được thể hiện một cách đặc biệt trong sự kết hợp của con người với nhau. Do bởi sự kết hợp này được quy hướng về sự toàn hảo của tình yêu Thiên Chúa, thế nên truyền thống Kitô giáo đã luôn luôn xác nhận giá trị của đức đồng trinh và độc thân bởi vì chính nó nuôi dưỡng một tình bạn thanh khiết giữa con người với nhau, đồng thời nó còn trỏ về sự hoàn tất cánh chung của mọi tình yêu được-tạo-dựng trong tình yêu không-hề-được-tạo- dựng của Chúa Ba Ngôi. Chính vì khía cạnh này mà Công Đồng Vaticanô II đã nói đến một điểm loại suy giữa sự hiệp thông của chính các Ngôi Vị Thiên Chúa với nhau, và đó là điều con người được mời gọi để tạo lập trên trần gian” (GS 24).
39. Tuy đoan chắc rằng sự kết hợp giữa con người với nhau có thể được thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng thần học Công giáo ngày nay còn xác nhận rằng hôn nhân chính là một hình thức cao cả của việc con người hiệp thông với nhau và là hình ảnh loại suy tốt đẹp nhất so sánh với đời sống Tam Vị. Khi một người nam và một người nữ kết hợp thân xác và tinh thần trong một thái độ rộng mở và hoàn toàn tự hiến, họ đã tạo ra một hình ảnh mới của Thiên Chúa. Việc họ nên một thịt một xương không hề chỉ tương ứng với một tất yếu sinh lý, mà còn hướng mở trước ý định của Đấng Tạo Hóa muốn đem họ đến thông chia niềm hạnh phúc là được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Truyền thống Kitô giáo đề cập đến hôn nhân như là một lối nên thánh cao cả. “Thiên Chúa là tình yêu, và nơi chính mình, Ngài sống một mầu nhiệm hiệp thông cá vị đầy yêu thương. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã khắc ghi nơi nhân tính người nam và người nữ một ơn gọi, và từ đó, một khả năng và trách nhiệm để yêu thương và hiệp thông” (Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo 2331). CĐ Vaticanô II cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa sâu xa của hôn nhân: “Nhờ bí tích hôn phối, đôi vợ chồng Kitô hữu biểu tỏ và thông chia mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu trổ sinh hoa trái vốn có giữa Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài (x. Eph 5:32). Nhờ đó, vợ chồng hỗ trợ nhau đạt đến sự thánh thiện của đời sống hôn nhân và qua việc nuôi dậy con cái” (LG 11; x. GS 48).
III. Ngôi Vị và Cộng Đồng
40. Các nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa chính là các hữu thể có xác thân, và căn tính nam và nữ đòi hỏi con người dấn thân vào cuộc hiệp thông đặc biệt với nhau. Như ĐTC Gioan Phaolô II đã dậy, ý nghĩa hôn phối của thân xác được thể hiện trong sự thân mật, và tình yêu nhân loại được phản chiếu qua cuộc thông hiệp của Tam Vị mà tình yêu hỗ tương giữa các Ngài được thấy lan tỏa trong công trình tạo dựng và cứu chuộc. Chân lý này nằm ở ngay trọng tâm khoa nhân học Kitô giáo. Hữu thể con người được tạo dựng theo ‘imago Dei,’ rõ ràng xét như những ngôi vị có khả năng yêu thương và hiểu biết, vừa mang tính cá nhân vừa mang tính liên cá nhân. Chính do yếu tính của ‘imago Dei’mà con người trở thành những hữu thể xã hội và có tính tương giao với nhau, giữa một gia đình nhân loại, mang mối dây hiệp nhất được thể hiện và hình tượng hóa trong Hội Thánh.
41. Nói đến nhân vị là nói đến cả căn tính bất khả giản lược và nội tại tính cấu thành cá thể biệt loại, lẫn mối tương giao căn bản với các nhân vị khác vốn là nền tảng của cộng đồng nhân loại. Trong bối cảnh Kitô giáo, căn tính cá nhân này—vốn hướng mở về tha nhân—đuợc xây dựng chính yếu trên Ngôi Vị của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa không hề là một hữu thể cô độc, mà là một hiệp thông của Ba Ngôi Vị. Dựa trên bản tính Thiên Chúa, căn tính của Chúa Cha chính là Phụ tính của Ngài, mối tương giao của Ngài với Chúa Con và Chúa Thánh Thần; căn tính của Chúa Con chính là mối tương giao Ngài có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; căn tính của Chúa Thánh Thần chính là mối tương quan Ngài có với Chúa Cha và Chúa Con. Mạc khải Kitô giáo đã đưa đến việc phát biểu khái niệm ngôi vị và đặt cho nó một ý nghĩa thần linh, Kitô học và Tam Vị. Quả vậy, không ai cô độc lẻ loi giữa vũ trụ cả, mà luôn được tạo thành cùng với tha nhân, để cùng với họ xây dựng nên một cộng đồng.
42. Kết quả là hữu thể cá biệt cũng là hữu thể xã hội. Hữu thể con người chỉ thực sự là con người khi nó hiện thực hóa cái yếu tố xã hội căn cốt này, xét như một nhân vị giữa lòng một cộng thể gia đình, tôn giáo, dân sự, chức nghiệp, cũng như các cộng thể khác vốn cùng nhau tạo thành xã hội con người. Trong khi xác nhận tính cách xã hội làm nền tảng cho hiện hữu con người, văn minh Kitô giáo đã thừa nhận giá trị tuyệt đối của nhân vị con người cũng như tầm quan trọng của các quyền cá nhân và tính đa nguyên của văn hóa. Trong trật tự tạo vật, luôn luôn có một mối căng thẳng giữa cá nhân và các đòi hỏi của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nơi Ba Ngôi, ta thấy đuợc mối hài hòa tuyệt hảo giữa các Ngôi Vị khi cùng chia sẻ sự hiệp thông đời sống duy nhất của Thiên Chúa.
43. Mỗi cá nhân con người cũng như toàn thể cộng đồng nhân loại đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Trong duy nhất tính nguyên thủy của nó—mà Ađam là biểu tựợng—nhân loại đuợc tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuận theo ý định của Thiên Chúa, nhân loại trải qua những bước thăng trầm suốt dòng lịch sử của mình, trên đường đi tới một hiệp thông toàn hảo, cũng do thánh ý Thiên Chúa an bài, nhưng cần phải được thực hiện trọn vẹn. Theo ý nghĩa này, hữu thể con người chia sẻ tình liên đới của một duy nhất tính, một mặt đã hiện hữu, mặt khác lại còn phải hướng tới. Tuy cùng chia sẻ một bản tính nhân loại được tạo dựng và cùng tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi hằng ngự trị nơi ta, thế nhưng ta vẫn bị tội lỗi xâu xé và hằng trông mong cuộc trở lại vinh thắng của Chúa Kitô, Đấng sẽ phục hồi và tái tạo sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn, qua công trình sau cùng là cứu chuộc tạo vật (x. Rom 8:18-19). Sự hiệp nhất này của gia đình nhân loại cần phải được thể hiện một cách cánh chung. Hội Thánh là bí tích cứu độ và vương quốc của Thiên Chúa: là Công giáo, Hội Thánh quy tụ mọi người lại với nhau dù khác biệt chủng tộc và văn hóa; là duy nhất, Hội Thánh đi tiên phong trong việc hiệp nhất toàn thể cộng đồng nhân loại theo Thánh Ý Chúa; là thánh thiện, Hội Thánh đuợc Chúa Thánh Thần thánh hóa và dùng các bí tích để thánh hóa mọi người; là tông truyền, Hội Thánh tiếp nối sứ mệnh của những người đã được Chúa Kitô tuyển chọn để dần dần hoàn tất sự hiệp nhất toàn thể nhân loại cũng như hoàn thành kế hoạch tạo dựng và cứu chuộc đúng theo Thánh Ý Chúa.
IV. Tội Lỗi và Cứu Độ
44. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là những nhân vị được cấu tạo theo cách thức là có khả năng cưu mang lấy sự hiệp thông này một cách tự do. Tự do chính là món quà đến từ Thiên Chúa, nhờ đó, con người có thể chọn lựa sự hiệp thông mà Chúa Ba Ngôi trao tặng cho mình như là sự thiện hảo tối hậu. Nhưng nếu có tự do thì cũng có thất bại của tự do. Thay vì ôm ẵm sự thiện hảo tối hậu là thông phần đời sống Thiên Chúa, con người có thể–và thực sự đã—quay lưng lại, để thụ hưởng những thứ thiện hảo nhất thời, có khi chỉ là thiện hảo tưởng tượng. Tội lỗi chính là sự thất bại của tự do, chính là quay lưng chối từ lời mời gọi thông hiệp của Thiên Chúa.
45. Nhìn trong bối cảnh ‘imago Dei,’ vốn tự cơ cấu hữu thể học của nó đã mang tính chất căn cốt là đối thoại hoặc tương giao, thì tội lỗi—xét như một gẫy đổ trong tương quan với Thiên Chúa—chính là sự méo mó tạo ra cho ‘imago Dei.’ Ta có thể thấy đuợc các chiều kích của tội lỗi nếu nhìn trong ánh sáng các chiều kích của ‘imago Dei’ vốn bị tội lỗi làm phương hại. Tính chất xa rời Thiên Chúa một cách căn bản này cũng làm băng hoại mối tương giao với người khác (x. 1 Jn 3:17), và thực sự tạo ra nơi con người sự phân hóa xác và hồn, trí năng và ý chí, lý trí và tình cảm (Rom 7:14f). Nó còn ảnh hưởng đến sự hiện hữu thể lý, đem lại khổ đau, bệnh tật và sự chết. Thêm nữa, y như ‘imago Dei,’ tội lỗi cũng mang theo một chiều kích lịch sử. Chứng từ của Thánh Kinh cho ta thấy một nhãn quan về lịch sử tội lỗi, gây ra do việc từ chối lời mời thông hiệp của Thiên Chúa ngay từ buổi hừng đông của lịch sử nhân loại. Sau cùng, tội lỗi còn ảnh hưởng đến chiều kích xã hội của ‘imago Dei,’ khiến ta dễ phân biệt được các ý hệ và cơ cấu vốn là biểu lộ khách quan của tội lỗi và ngăn chận con người thể hiện hình ảnh Thiên Chúa.
46. Các nhà chú giải Kinh thánh Công giáo và Tin Lành ngày nay đều đồng ý rằng ‘imago Dei’ không bao giờ có thể bị tội lỗi hoàn toàn tiêu hủy được, bởi lẽ chính nó định tính cho cả cơ cấu bản tính nhân loại. Phần mình, truyền thống Công giáo luôn luôn nhấn mạnh rằng, cho dù có bị bóp méo hay làm băng hoại, ‘imago Dei’ không bao giờ có thể bị tội lỗi tiêu hủy được. Cơ cấu mang tính đối thoại hoặc tính tương giao của ‘imago Dei’ không bao giờ mất được, nhưng duới chế độ tội lỗi, bước đường đi tới việc thể hiện mang tính Kitô học đã bị chận lại. Hơn nữa, cho dù lịch sử tính có bị tội lỗi gây ảnh hưởng, cơ cấu hữu thể học của ‘imago Dei’ vẫn nguyên tuyền trước các hành vi tác yêu tác quái của tội lỗi. Trong bối cảnh này, như nhiều Giáo Phụ đã xác nhận khi phi bác các lập luận của phái Ngộ Đạo và Manikê, tự do—vốn định tính cho hành vi nhân linh và là nền tảng cơ cấu hữu thể học của ‘imago Dei,’—không thể bị triệt tiêu, ngay cả khi tình huống trong đó tự do được hành xử có bị tác động phần nào bởi hậu quả của tội lỗi. Sau hết, ngược lại với quan điểm cho rằng ‘imago Dei’ hoàn toàn bị tội lỗi làm băng hoại, truyền thống Công giáo luôn nhấn mạnh rằng ân sủng và ơn cứu độ chỉ là ảo tưởng nếu nó thực sự không biến cải được thực tại hiện hữu của bản tính con người, cho dù trĩu nặng tội lỗi đến đâu.
47. Hiểu trong bối cảnh thần học về ‘imago Dei,’ cứu độ chính là việc phục hồi lại hình ảnh Thiên Chúa qua Chúa Kitô, vốn là hình ảnh tuyệt hảo của Chúa Cha. Qua cuộc khổ nạn, cái chết, và phục sinh đem lại ơn cứu độ, Chúa Kitô khiến ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài qua việc ta thông phần vào mầu nhiệm Vượt Qua, để rồi tái tạo ‘imago Dei’ lại trong chiều hướng hiệp thông đời sống của Chúa Ba Ngôi. Trong bối cảnh này, cứu độ không là gì khác ngoài việc biến đổi và chu toàn đời sống cá nhân con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và nay được tái định hướng về việc thông phần thực sự vào đời sống Thiên Chúa, qua ân sủng cuộc nhập thể và ngự trị của Chúa Thánh Thần. Truyền thống Công giáo thật đúng khi nói đến việc hiện thể hóa nhân vị. Bị tội lỗi làm tổn thương đức ái, con người không thể hoàn tất được việc thể hiển chính mình nếu không có tình yêu tuyệt đối và từ ái của Thiên Chúa biểu lộ qua Chúa Giêsu Kitô. Nhờ cuộc biến đổi mang tính cứu độ này, qua Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, mọi sự trong vũ trụ cũng sẽ được biến đổi để rồi có thể chia sẻ vinh quang Thiên Chúa (Rom 8: 21).
48. Theo truyền thống thần học, con người bị tội lỗi làm xiểng liểng nên luôn cần được cứu độ, thế nhưng nó vẫn có niềm ao ước tự nhiên là được nhìn ngắm Chúa—capax Dei—điều này, xét như là hình ảnh Thiên Chúa, tạo thành một năng động tính hướng về Thiên Chúa. Tuy tội lỗi không thể tiêu hủy được, nhưng xu hướng này cũng không thể trở thành hiện thực nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Có nghĩa là tuy gặp phải nhiều trở ngại khi hướng vọng về Chúa, nhưng con người vẫn có khả năng nhận lãnh tác động cứu độ của Ngài. Các định thức truyền thống này vừa xác nhận rằng xu hướng con người hướng ngả về Thiên Chúa thì bất khả hủy hoại, lại vừa cho thấy ơn cứu độ thực sự thiết yếu. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người được truyền khiến—một cách tự nhiên—tiến đến sự vui hưởng tình yêu Thiên Chúa, thế nhưng chỉ duy ân sủng Thiên Chúa mới làm cho sự tự do thong dong hướng đến tình yêu này trở thành khả hữu và kiến hiệu. Như thế, ân sủng không chỉ là một thứ thuốc chữa trị tội lỗi, mà còn là một biến đổi đầy phẩm chất của tự do con người, thứ tự do mà Chúa Kitô làm thành khả hữu, và thứ tự do như được giải phóng để trọn vẹn hướng về sự Thiện Hảo.
49. Thực tại tội lỗi cá nhân cho thấy rằng hình ảnh Thiên Chúa không hề hướng mở về Thiên Chúa theo kiếu tất yếu và không hàm hồ, mà có thể lại khép kín vào chính nơi mình. Cứu độ là dùng thập giá để giải thoát con người ra khỏi cái xu hướng tự xưng tụng này. Khởi sự từ cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, mầu nhiệm vượt qua khiến cho mỗi người có thể thông phần vào cái chết cho tội lỗi, ngõ hầu tiến đến sự sống trong Chúa Kitô. Thập gía không hề là sự hủy hoại cho con người, mà là bước đường đưa đến nguồn sống mới.
50. Với con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì các hiệu quả của cứu độ có thể thủ đắc được qua ân sủng của Chúa Kitô, là Đấng—như một Ađam mới—trở thành đầu của một nhân loại mới và tạo dựng cho con người một tình huống cứu độ mới qua cái chết hy sinh vì tội nhân và qua sự phục sinh của Ngài (x. 1 Cor 15:47-49; 2 Cor 5:2; Rom 5:6ff). Như thế, con người trở thành một tạo vật mới (2 Cor 5:17) có khả năng sống một đời sống tự do mới, tự do thoát khỏi tội lỗi, và tự do hướng về đời sống.
51. Con người được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi lề luật, và khỏi đau khổ cũng như sự chết. Trước hết, cứu độ là giải phóng khỏi tội lỗi, để giao hòa với Thiên Chúa, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cho dù phải liên tục phấn đấu chống lại tội lỗi (x. Eph 6:10-20). Hơn nữa, cứu độ không phải là giải phóng khỏi luật lệ mà là khỏi bất kỳ một chế độ duy luật nào chống lại Thánh Thần (2 Cor 3:6) và đi ngược lại tác động của tình yêu (Rom 13:10). Cứu độ đem lại sự giải phóng khỏi đau khổ và sự chết, trong ý nghĩa mới là sự thông phần mang tính cứu độ qua cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Con. Tiếp đến, theo niềm tin Kitô giáo, giải phóng khỏi tội lỗi là để được thong dong hướng về Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần; giải phóng khỏi lề luật để được tự do yêu mến chân thực; giải phóng khỏi sự chết là để tự do sống đời mới trong Thiên Chúa. Sự thong dong này có thể có được là nhờ Chúa Giêsu Kitô, Ngài là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, Đấng khôi phục lại hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.
V. Imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa) và Imago Christi (hình ảnh Chúa Kitô)
52. “Thực vậy, chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời mặc xác phàm mà mầu nhiệm con người mới thực sự được soi tỏ. Bởi lẽ Ađam, con người thứ nhất, là hình bóng của nhân vật phải đến, tức là Chúa Giêsu. Ngay giữa nguồn mạc khải về Chúa Cha và tình yêu Ngài, Chúa Kitô, vốn là Ađam mới, đã mạc khải trọn vẹn con người cho chính nó, và đã soi sáng cho tiếng gọi cao cả nhất của nó. Chính vì vậy mà tất cả mọi chân lý ta đã đề cập đến đều phải tìm thấy nơi Chúa Kitô nguồn mạch và hiện thân toàn hảo nhất” (GS 22). Đoạn văn thời danh này trích từ Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay thực sự thích hợp để kết luận cho bản tóm tắt các yếu tố chính yếu trong nền thần học về ‘imago Dei.’ Bởi vì chính Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho con người trọn vẹn hữu thể của nó, trong bản chất nguyên thủy, trong định mệnh sau cùng, và trong thực tại hiện thời của nó.
53. Nguồn gốc con người phải được tìm thấy nơi Chúa Kitô: bởi vì nó được tạo dựng “nhờ Ngài và trong Ngài” (Col 1:16), “là Ngôi Lời, cũng là sự sống…và ánh sáng của mỗi một con người đến trong trần gian này” (Jn 1:3-4, 9). Cho dù nói rằng con người được tạo dựng từ hư vô (ex nihilo) thì thật đúng, tuy nhiên, ta vẫn có thể bảo rằng con người được tạo dựng từ sư sung mãn (ex plenitudine) của Chúa Kitô, Ngài vừa là tạo hóa, vừa là trung gian, lại vừa là cùng đích của con người. Chúa Cha đã định liệu cho ta làm con cái Ngài, và “nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rom 8:29). Như thế, ý nghĩa của câu “được tạo dựng theo ‘imago Dei’” chẳng là gì khác ngoài ý nghĩa đã được mạc khải trong ‘imago Christi’. Nơi Ngài, ta nhìn thấy toàn thể sự thụ nhận từ Chúa Cha vốn phải là nét đặc trưng của hiện hữu con người. Cũng nơi Ngài, ta thấy được sự hướng mở về phía tha nhân trong thái độ phục vụ vốn phải là nét đặc trưng của mối tương giao ta có với các anh chị em trong Chúa Kitô. Và cũng chính nơi Ngài, ta cảm được lòng ưu ái và tình yêu thương tha nhân, điều mà Chúa Kitô—với tư cách là hình ảnh Chúa Cha—đã biểu lộ cho ta.
54. Nếu mọi khởi điểm của con người phải được tìm thấy nơi Chúa Kitô, thì cứu cánh của nó cũng vậy. Con người hướng ngả về vương quốc Chúa Kitô như là tương lai tuyệt đối, định mệnh sau cùng của hiện hữu con người. Bởi vì “mọi sự được tạo dựng nhờ Ngài và cho ngài” (Col 1:16), nên chúng tìm được hướng đi và định mệnh nơi Ngài. Chúa Kitô phải là sự sung mãn của con người, điều này chính là ý muốn của Thiên Chúa và được thể hiện vào thời cánh chung. Trong khi chờ Chúa Thánh Thần chu toàn việc thâu tóm tối hậu toàn thể nhân loại về với Chúa Kitô khi kẻ chết sống lại, thì con người đã chia sẻ việc trở nên tương đồng với Chúa Kitô ngay ở nơi đây, trong thời gian và lịch sử. Qua cuộc Nhập Thể, Phục Sinh và ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cái gọi là cánh chung đã có đây rồi; nó được khai mở, giới thiệu cho nhân loại, và cả sự thành toàn sau cùng của nó cũng đã được tiên liệu. Chúa Thánh Thần làm việc một cách nhiệm mầu nơi mọi người thành tâm thiện chí, trong xã hội và trên toàn thế giới, để biến cải và thần hóa con người. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần còn làm việc qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể vốn là hình ảnh tiên báo bữa đại tiêc trên trời, là thông hiệp trọn vẹn trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
55. Nằm ở giữa nguồn cội và tương lai tuyệt đối của con người chính là tình huống hiện sinh của nhân loại mà ý nghĩa tròn đầy của nó cũng chỉ có thể được tìm thấy nơi Chúa Kitô mà thôi. Ta đã thấy rằng chính Chúa Kitô—qua cuộc nhập thể, tử nạn và phục sinh—đã phục hồi lại nguyên trạng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Col 1:20). Dù cuộc sống trĩu nặng tội lỗi, con người vẫn nhận được ơn tha thứ, và nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, con người biết rằng mình được cứu độ và công chính hóa nhờ Chúa Kitô. Con người tăng triển trong việc nên giống Chúa Kitô và hợp tác với Chúa Thánh Thần là Đấng—qua các bí tích—tác tạo con người theo hình ảnh Chúa Kitô. Như thế, cuộc sống hằng ngày của con người phải là một nỗ lực làm cho mình ngày càng trở nên phù hợp hơn với hình ảnh của Chúa Kitô, và phấn đấu để dành chiến thắng cuối cùng cho Ngài trên trần gian.
CHƯƠNG BA:
Tạo Dựng Giống Hình ảnh Thiên Chúa: Quản Lý các tạo vật hữu hình
56. Chủ đề lớn trước tiên trong nền thần học về ‘imago Dei’ liên hệ đến việc thông phần vào đời sống hiệp thông của Thiên Chúa.Như ta đã thấy, khi được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người trở thành các hữu thể chia sẻ thế giới này cùng với các hữu thể khác, cũng mang xác thể nhưng lại nổi bật ở chỗ có trí năng, tình yêu và tự do, và chính vì thế, tự bản chất, con người phải sống hiệp thông với nhau. Bằng chứng hùng hồn đầu tiên của việc thông hiệp này chính là sự kết hiệp có tính sinh sản giữa người nam và người nữ, điều này phản chiếu sự hiệp thông tình yêu sáng tạo của Chúa Ba Ngôi. Chính cuộc khổ nạn, cái chết, và phục sinh của Chúa Kitô đã vượt thắng sự bóp méo hình ảnh Thiên Chúa do tội lỗi gây nên cùng với các hậu quả tác hại trên đời sống cá nhân và liên cá nhân. Ân sủng cứu độ từ việc thông phần vào mầu nhiệm vượt qua phục hồi lại ‘imago Dei’ theo khuôn mẫu của ‘imago Christi.’
57. Trong chương này, ta sẽ đề cập đến chủ đề chính thứ hai trong nền thần học về ‘imago Dei.’ Vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa để chia sẻ cuộc hiệp thông tình yêu của Chúa Ba Ngôi, thế nên, theo ý định của Chúa, con người phải nắm giữ một vị trí độc đáo trong vũ trụ: đó là hưởng đặc ân chia sẻ với Thiên Chúa quyền cai quản tạo vật hữu hình. Đặc ân này được ban cho con người từ bàn tay Tạo Hóa, là Đấng cho phép tạo vật được dựng nên giống hình ảnh mình, hầu có thể thông phần vào công trình của Chúa, đó là ý định tình yêu và cứu độ, cũng chính là thông phần vào việc cai quản vũ trụ. Do bởi vai trò quản cai của con người chính là thông phần vào việc cai quản vũ trụ của Thiên Chúa, cho nên ở đây ta nói đến một hình thức quản lý.
58. Theo ‘Gaudium et Spes’: “Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện; và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, nó qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (34). Ý niệm con người quản cai hoặc thống trị (địa cầu) đóng một vai trò quan trọng trong thần học Kitô giáo. Thiên Chúa chỉ định con người làm việc quản lý theo cung cách người chủ trong các dụ ngôn của Tin Mừng (x. Luke 19:12). Chỉ duy một loài thụ tạo được chính Thiên Chúa minh nhiên ưng thuận mới chiếm lĩnh được vị trí độc hữu trên chóp đỉnh tạo vật hữu hình (Gen 1:26; 2:20; Tv 8:6-7; Kn 9:2-3).
59. Thần học Kitô giáo dùng cả hai hình ảnh thông thường và vương đế để mô tả vai trò độc đáo này. Với hình ảnh vương đế, con người được kêu mời cai trị theo nghĩa nắm quyền thống lĩnh toàn thể thế giới hữu hình, y như phong cách của một hoàng đế. Thế nhưng ý nghĩa sâu kín bên trong của tư cách đế vương này, như Chúa Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ, chính là phục vụ: bởi lẽ, chính vì tự nguyện chịu đau khổ như một nạn nhân hy sinh mà Chúa Kitô đã trở thành vua vũ trụ, với thập giá là ngai vàng. Với hình ảnh thông thường, thần học Kitô giáo đề cập đến con người như là người quản gia được Thiên Chúa tín cẩn trao phó cho việc trông coi nhà cửa (x. Mt 24:45). Con người có thể xử dụng toàn thể của cải tài nguyên có trong vũ trụ hữu hình tùy sở thích, và hành xử quyền thống trị này trên vũ trụ qua khoa học, kỹ thuật, và nghệ thuật.
60. Ở trên, và ở tận trong cõi thân mật của lương tâm mình, con người khám phá ra sự hiện hữu của một thứ luật mà truyền thống gọi là “luật tự nhiên.” Luật này phát xuất từ Thiên Chúa, và chính cái ý thức của con người về thứ luật này đã là sự thông phần vào lề luật của Thiên Chúa. Nó quy chiếu con người về các nguồn gốc chân thật của vũ trụ cũng như của chính nó (‘Veritatis Splendor’ số 20). Luật tự nhiên này thúc bách tạo vật có lý trí tìm về sự thật và điều thiện hảo trong khi thống lĩnh vũ trụ. Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người hành xử quyền thống lĩnh tạo vật hữu hình này chỉ nhờ ở đặc ân Thiên Chúa ban cho. Nó noi theo luật Chúa, nhưng không thể thay đổi luật ấy được. Thánh Kinh đã từng cảnh báo về thứ tội danh tiếm quyền Thiên Chúa. Là một sai lầm nghiêm trọng về mặt luân lý khi con người quản cai vũ trụ hữu hình này mà lại tách mình khỏi lề luật cao cả của Chúa. Họ hành động như là quản gia thay quyền gia chủ (x. Mt 25:14 ff) để tự do và dùng sáng kiến táo bạo hầu đem những nén bạc gia chủ giao cho mà sinh lợi.
61. Người quản gia phải tính sổ về cách quản lý của mình, và Thiên Chúa trong vai gia chủ sẽ phán định các hành động của người quản gia này. Cách thức người quản gia sử dụng các phương tiện có hợp luật và kiến hiệu về mặt luân lý hay không chính là tiêu chuẩn cho việc phán định này. Khoa học cũng như kỹ thuật tự chúng đều không phải là cùng đích; cái khả hữu xét về mặt kỹ thuật không nhất thiết sẽ trở thành hữu lý hay hợp với đạo đức. Khoa học và kỹ thuật phải dùng để phục vụ kế hoạch Thiên Chúa đã an bài cho toàn thể công trình tạo dựng và cho hết mọi tạo vật. Kế hoạch này đem lại ý nghĩa cho vũ trụ và cho các công trình của con người nữa. Việc con người quản lý vũ trụ này chính là cách cai quản bằng thông phần vào quyền cai trị của Chúa, và lúc nào cũng phải phụ thuộc quyền này. Con người hành xử việc quản lý này bằng cách thủ đắc kiến thức khoa học về vũ trụ, bằng cách dùng tinh thần trách nhiệm mà chăm lo cho thế giới tự nhiên này (bao gồm cả thú vật và môi sinh), và bằng cách bảo vệ tính liêm khiết sinh học của chúng.
I. Khoa Học và Quyền Quản Lý Tri Thức
62. Nỗ lực thấu hiểu vũ trụ đã đánh dấu nét văn hóa của con người mọi thời và trong mọi xã hội. Trong bối cảnh niềm tin Kitô giáo, nỗ lực này chính là một bằng chứng quyền quản lý mà con người thực hành theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa. Không hề tuân theo chủ nghĩa thỏa hiệp bất tín, các Kitô hữu có trách nhiệm định vị tri thức khoa học về vũ trụ trong bối cảnh của nền thần học tạo dựng. Vị trí của con người trong lịch sử vũ trụ tiến hoá này, như khoa học tân thời phác họa, chỉ có thể được nhìn thấy một cách toàn vẹn trong ánh sáng đức tin, như là một lịch sử cá biệt của việc Thiên Chúa Ba Ngôi can thiệp vào thế giới con người.
63. Theo lý thuyết khoa học đã được công nhận rộng rãi, vũ trụ này được khai sinh cách đây 15 tỉ năm từ một cơn bùng nổ gọi là “vụ Nổ Lớn” (Big Bang) khiến nó phồng giãn ra rồi nguội lại. Sau đó dần dần nẩy ra các điều kiện cần thiết tạo thành các nguyên tử, rồi kết tụ lại thành các giải ngân hà và tinh tú, để rồi khoảng 10 tỉ năm sau tạo thành các hành tinh. Trong thái dương hệ và quả đất chúng ta (thành hình khoảng 4.5 tỉ năm trước đây), các điều kiện thuận lợi đã làm nẩy sinh sự sống. Cho dù các khoa học gia ít đồng ý về cách lý giải nguồn gốc của mầm sống đầu tiên xẩy đến như thế nào, nhưng đại đa số đều đồng ý rằng sinh vật đầu tiên xuất hiện trên hành tinh này vào khoảng 3.5 đến 4 tỉ năm trước đây. Khoa học đã minh chứng rằng mọi sinh vật trên địa cầu, xét về mặt di truyền học, đều có tương quan với nhau, do đó, hiển nhiên là mọi sinh vật đều phát xuất từ sinh vật đầu tiên này. Nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu trong khoa vật lý và sinh học đã hỗ trợ cho một vài lý thuyết về tiến hóa xét về mặt phát triển và đa dạng hóa sự sống trên trái đất, cho dù vẫn có tranh cãi về tiến độ và cơ giới tính của tiến hóa. Trong khi vấn đề nguồn gốc con người mang tính phức tạp và cần nhiều nghiên cứu và duyệt xét, thì tổng hợp kết quả của khoa nhân học vật lý và khoa sinh học phân tử đã đem lại các kết luận vững chắc về nguồn gốc nhân loại tại Phi Châu vào khoảng 150 ngàn năm trước đây, trong một tập thể con người mang cùng dòng giống di truyền chung. Tuy nhiên, cần phải giải thích thêm rằng yếu tố quyết định nguồn gốc con người chính là việc kích thước não bộ liên tục tăng triển, đạt cao điểm nơi ‘homo sapiens’ (con người thông thái). Với việc phát triển não bộ, bản chất và mức độ tiến hóa đã vĩnh viễn thay đổi: với việc du nhập các yếu tố nhân bản độc đáo như ý thức, chủ ý tính, tự do và sáng tạo tính, cuộc tiến hóa sinh học đã được đúc kết lại như là cuộc tiến hóa về xã hội và văn hóa.
64. Vài năm trước đây, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan Phaolô II đã nói rằng “tri thức thời mới dẫn đến việc nhìn nhận rằng: lý thuyết tiến hoá có tính chất cao hơn là một giả thuyết. Điều đáng chú ý là lý thuyết này đã dần dần được các nhà nghiên cứu thừa nhận tiếp theo sau một chuỗi những khám phá trong nhiều lãnh vực tri thức khác nhau” (‘Sứ điệp gửi cho Hàn lâm viện khoa học giáo hoàng về Tiến Hoá’ 1996). Nối tiếp giáo huấn của Giáo Hoàng trong thế kỷ 20 về tiến hoá (nhất là Thông Điệp ‘Humani Generis’ của ĐGH Piô XII), sứ điệp của ĐGH Gioan Phaolô II nhìn nhận rằng có “nhiều lý thuyết tiến hoá mang tính duy vật, duy giản lược và duy linh” và do đó, không phù hợp với đức tin Công giáo. Chính vì thế mà ta không thể coi sứ điệp của ĐGH Gioan Phaolô II như là sự tán thành theo kiểu trùm mền trên tất cả mọi lý thuyết về tiến hoá, bao gồm cả chủ nghĩa tân-Darwin vốn minh nhiên chối bỏ sự quan phòng của Thiên Chúa, coi đó không phải là nguyên nhân phát triển sự sống trong vũ trụ. Quan ngại chủ yếu đối với thuyết tiến hoá chính là vì nó có “liên quan đến vấn đề con người,” tuy nhiên, sứ điệp của ĐGH Gioan Phaolô II đã cực lực phê phán lối lý giải duy vật về nguồn gốc con người, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết của khoa triết học và thần học hầu có được một tri thức tương đối đầy đủ về “bước nhẩy vọt hữu thể học” hướng đến con người, vốn không thể nào dùng các từ ngữ thuần túy khoa học mà giải thích được. Mối quan tâm chính của Hội Thánh về thuyết tiến hoá tập chú vào “quan niệm về con người,” là nhân vật đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thành ra “không thể được coi như chỉ là phương tiện hay cách thức nhằm phục vụ chính nòi giống mình hoặc phục vụ xã hội.” Là ngôi vị được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có khả năng thiết lập các mối tương quan hiệp thông với các ngôi vị khác và với Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như hành xử quyền thống lĩnh và quản lý trong vũ trụ. Các nhận định này hàm ý rằng các lý thuyết về tiến hoá và về nguồn gốc vũ trụ đều trĩu nặng nỗi trăn trở của thần học khi chạm đến giáo lý về việc tạo dựng ex nihilo–từ hư vô, và việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa.
65. Ta đã thấy con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa hầu trở thành kẻ thông chia bản tính của Ngài (x. 2 Pet 1:3-4) và nhờ thế, chia sẻ cuộc hiệp thông đời sống Chúa Ba Ngôi cũng như việc Thiên Chúa thống trị trên tạo vật hữu hình. Trọng tâm hành vi sáng tạo của Thiên Chúa chính là thánh ý Ngài muốn dành chỗ cho con người thụ tạo được sống thông hiệp với các Ngôi Vị không-được-tạo-dựng là Chúa Ba Ngôi qua ơn làm nghĩa tử nhờ Chúa Kitô. Hơn thế nữa, việc có chung tổ tiên và tính duy nhất tự nhiên của loài người đã trở thành nền tảng cho sự hiệp nhất trong ân sủng của những con người đã được cứu chuộc dưới quyền thủ lãnh của Adam Mới trong niềm hiệp thông mang tính Hội thánh của các nhân vị hợp nhất với nhau và với các Đấng không-được-tạo-dựng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Món quà đời sống tự nhiên chính là nền tảng của món quà đời sống ân sủng. Chính vì thế, ở đâu có sự thật chính yếu liên quan đến một nhân vị hoạt động tự do, thì ở nơi ấy không thể nói đến tính thiết yếu hoặc quyết lệnh sáng tạo, rốt cuộc là, nếu nói về Tạo Hoá như một quyền lực, hoặc năng động lực, hoặc nền móng thì chẳng hề thích hợp chút nào. Sáng tạo từ hư vô chính là hành động của một tác nhân siêu việt, hoạt động tự do và đầy chủ đích, với cái nhìn hướng về các mục tiêu bao trùm của việc dấn thân cá nhân. Trong truyền thống Công giáo, giáo lý về nguồn gốc con người biểu tỏ chân lý mạc khải về sự hiểu biết Thiên Chúa và con người, một sự hiểu biết tận căn bản đã mang tính tương giao và nhân vị. Việc loại trừ chủ trương phiếm thần và duy xuất phát (emanationism) trong giáo lý về tạo dựng có thể được lý giải như một phương cách để bảo vệ chân lý mạc khải. Giáo lý về việc tạo dựng trực tiếp hay đặc biệt của mỗi linh hồn con người không chỉ nêu lên tính bất liên tục hữu thể học giữa thể chất và tinh thần, mà còn thiết lập nền tảng cho mối dây thân mật xuất phát từ Thiên Chúa phủ trùm lên từng mỗi con người khởi đi từ khoảnh khắc hiện hữu đầu tiên của họ.
66. Giáo lý về ‘creatio ex nihilo’ (tạo dựng từ hư vô) là một xác nhận độc nhất về tính ngã vị của tạo dựng và trật tự của nó hướng về một loài thụ tạo có ngã vị, đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Chính tạo vật có ngã vị ấy đã đáp lại tiếng gọi của một tạo hóa có ngã vị, chứ không phải một thứ nền tảng, quyền lực hay năng lực nào đó. Giáo lý về ‘imago Dei’ và ‘creatio ex nihilo’ dậy ta rằng vũ trụ hiện tại chính là sân khấu được dựng lên cho một tấn bi hùng kịch tự căn rễ mang tính chất ngã vị, trong đó Tam Vị Tạo Hóa kêu gọi con người bước ra từ cõi hư vô để rồi lại được gọi mời bước vào trong tình yêu. Chính nơi đây ta hiểu được ý nghĩa sâu xa đoạn trích từ ‘Gaudium et Spes’: “Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính nó” (số 24). Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đảm trách vai trò làm người quản lý vũ trụ vật chất với tinh thần trách nhiệm. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Quan Phòng, và nhìn nhận tính chất linh thánh của tạo vật hữu hình, loài người tái tạo trật tự tự nhiên, để rồi trở thành tác nhân trong cuộc tiến hóa của chính vũ trụ. Khi thực hành quyền quản lý tri thức, các nhà thần học có trách nhiệm định vị các hiểu biết khoa học thời mới trong nhãn quan Kitô giáo về thế giới tạo vật.
67. Về khía cạnh ‘creatio ex nihilo,’ các thần học gia có thể ghi nhận rằng lý thuyết ‘vụ Nổ Lớn’ không hề mâu thuẫn với giáo lý này trong mức độ có thể nói rằng: việc giả định về một khởi đầu tuyệt đối không phải là không chấp nhận được xét về mặt khoa học. Do bởi lý thuyết ‘vụ Nổ Lớn’ không hề loại bỏ tính khả hữu của một tầng chất thể tiền hữu, nên cần ghi nhận rằng lý thuyết này dường như chỉ gián tiếp ủng hộ giáo lý về ‘creatio ex nihilo,’ vốn tự nó chỉ có thể dùng đức tin mới hiểu thấu được.
68. Về khía cạnh tiến hóa của các điều kiện thuận lợi làm nẩy sinh sự sống, truyền thống Kitô giáo khẳng định rằng Thiên Chúa, vốn là nguyên nhân siêu việt phổ quát, không chỉ là nguyên nhân của hiện hữu, mà còn là nguyên nhân của các nguyên nhân nữa. Hành động của Thiên Chúa không hề thay thế hoạt động của các nguyên nhân thụ tạo, trái lại còn khiến cho chúng tác động theo bản chất của mình, để nhờ đó có thể đạt đến các mục tiêu Ngài đã ấn định. Khi tự ý tạo dựng và bảo tồn vũ trụ, Thiên Chúa muốn tác động và tích cực hỗ trợ tất cả mọi nguyên nhân thứ yếu nhằm góp phần khai mở trật tự tự nhiên mà Ngài đã định liệu. Thông qua hoạt động của các nguyên nhân tự nhiên, Thiên Chúa tác động khai sáng các điều kiện cần có để làm nẩy sinh và hỗ trợ các sinh vật, cũng như việc sinh sản và phân hóa của chúng nữa. Mặc dù khoa học còn tranh luận về mức độ của mục đích tính hoặc của thiết kế kiến hiệu và có thể quan sát thực nghiệm trong các bước phát triển này, các khoa học gia đã ‘de facto’ (thực sự) ủng hộ việc làm nẩy sinh và triển nở mầm sống. Đối với các thần học gia công giáo, lối lý luận này hỗ trợ cho sự xác nhận của niềm tin vào cuộc tạo dựng và quan phòng của Thiên Chúa. Trong kế hoạch quan phòng của cuộc tạo dựng, Chúa Ba Ngôi không chỉ dự liệu cho con người có được một nơi ở trên dương thế này, mà còn là, và nhất là, có được một nơi chốn trong dòng sống của chính Ba Ngôi. Hơn nữa, cho dù là nguyên nhân thứ yếu, con người vẫn thực sự góp phần tái tạo và biển đổi vũ trụ.
69. Cuộc tranh luận hiện tại của khoa học về tính cơ giới tác động trong tiến hóa đòi hỏi lời bình của khoa thần học do bởi thường thấy có một hiểu biết sai lạc về bản chất của nguyên nhân đệ nhất–tức là Thiên Chúa. Nhiều khoa học gia thuộc trường phái tân-Darwin, cũng như một vài nhà phê bình của nhóm này, đã đi đến kết luận rằng: nếu tiến hóa là một tiến trình duy vật tự căn bản mang tính bất tất, bị điều động bởi nguyên tắc chọn lọc tự nhiên và biến thái di truyền ngẫu nhiên, thì tiến trình này không có chỗ cho Thiên Chúa đứng làm nguyên nhân. Ngày càng có nhiều phê bình khoa học về chủ thuyết tân-Darwin cho thấy bằng chứng về thiết kế (tỉ như các cơ cấu sinh học biểu tỏ một phức biệt tính nào đó) không thể nào lý giải được xét từ khía cạnh tiến trình thuần túy bất tất, điều mà chủ thuyết tân-Darwin đã không biết đến hoặc đã hiểu sai. Điểm trọng yếu của sự bất đồng rõ rệt hiện nay bao hàm việc quan sát và tổng quát hóa liên quan đến câu hỏi liệu xem các dữ kiện hiện hữu có hỗ trợ cho công thức quy nạp về thiết kế hay chỉ là may rủi, và là điều không thể dùng khoa thần học để dứt điểm được. Tuy nhiên, điểm quan trọng cần ghi nhận là theo cách hiểu của Công giáo về việc Thiên Chúa đứng ra làm nguyên nhân, thì tính bất tất đích thực trong trật tự thụ tạo không hề bất tương hợp với sự quan phòng có chủ đích của Thiên Chúa. Nguyên nhân tính nơi Tạo Hóa và nguyên nhân tính nơi tạo vật khác nhau triệt để về mặt bản chất, chứ không phải chỉ về mặt đẳng cấp. Do đó, ngay cả kết quả của một tiến trình tự nhiên và thực sự bất tất cũng vẫn có thể rơi vào quỹ đạo kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc tạo dựng. Theo thánh Tôma Aquinô thì: “Kết quả quan phòng của Thiên Chúa không chỉ là sự vật phải xẩy đến như thế nào đó, mà còn là chúng phải hiện hữu trong tư thế hoặc là tất yếu hay là bất tất. Do đó, bất cứ điều gì Chúa Quan Phòng định cho phải xẩy đến một cách bất khả sai lầm và tất yếu thì nó phải xẩy ra theo kiểu bất khả sai lầm và tất yếu như thế; còn điều gì xẩy đến một cách bất tất, thì đó là do Thiên Chúa đã định cho nó xẩy ra bất tất như vậy” (Summa theologiae, I, 22, 4 ad 1). Trong bối cảnh Công giáo, các vị nào đi theo chủ thuyết tân-Darwin mà chủ trương rằng biến thái di truyền ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên chính là bằng chứng cho thấy tiến hóa là một tiến trình tuyệt đối không hề được định hướng, thì các vị ấy đã vượt quá điều mà khoa học có thể minh chứng được. Nguyên nhân tính nơi Thiên Chúa vẫn có thể hoạt động tích cực ngay cả trong một tiến trình vừa bất tất lại vừa được định hướng. Bất kỳ một tính cơ giới tiến hóa nào mang tính bất tất thì chỉ có thể là bất tất bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra nó như thế. Một tiến trình tiến hóa vô định hướng—cái rơi ra ngoài quỹ đạo quan phòng của Thiên Chúa—thì đơn thuần là không hiện hữu, bởi vì “nguyên nhân tính nơi Thiên Chúa–vốn là Tác Nhân Tiên Khởi—thì bao trùm trên mọi hữu thể, không chỉ như các nguyên lý cấu thành biệt loại, mà còn như là nguyên lý cá biệt hóa…Kết luận là: tất cả mọi sự, bao lâu còn thông phần hiện hữu, thì cũng phải lệ thuộc vào Chúa Quan Phòng” (Summa theologiae I, 22, 2).
70. Về việc trực tiếp tạo dựng linh hồn con người, thì thần học Công giáo xác nhận rằng các hành động đặc thù của Thiên Chúa đều đem lại hiệu quả siêu vượt khả năng của các nguyên nhân thụ tạo khi chúng hành động theo bản tính của mình. Việc nhờ cậy đến nguyên nhân tính nơi Thiên Chúa để lý giải cho các khoảng trống mang tính nguyên nhân–để phân biệt với các khoảng trống chỉ mang tính giải nghĩa—không thể cài đặt Thiên Chúa như tác nhân hầu có thể khỏa lấp các “khoảng trống” trong tri thức khoa học của con người (do đó mà có câu: “Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống”). Các cấu trúc của vũ trụ có thể coi là mở ngỏ cho hành động không gián đoạn của Thiên Chúa trong các biến cố được trực tiếp tác động trong thế giới. Thần học Công giáo xác nhận rằng việc các nhân vật đầu tiên của loài người xuất hiện—dù là cá nhân hay tập đoàn–đều biểu hiện cho một biến cố không thể giải thích thuần túy tự nhiên được, mà chỉ lý giải được một cách thích hợp khi cho đó là việc Thiên Chúa can thiệp. Tác động gián tiếp qua từng chuỗi nguyên nhân ngay từ bước khởi đầu của lịch sử vũ trụ, Thiên Chúa đã chuẩn bị con đường cho điều mà ĐGH Gioan Phaolô II gọi là “một bước nhẩy vọt hữu thể học…, khoảnh khắc tiếp chuyển vào vùng linh thánh.” Trong khi khoa học có thể nghiên cứu các chuỗi nguyên nhân này, vai trò của thần học là phải định vị công trình đặc biệt tạo dựng linh hồn con người trong lòng kế hoạch bao trùm của Chúa Ba Ngôi, đó là kế họach chia sẻ sự hiệp thông đời sống Tam Vị với những hữu thể nhân vị đã được tạo dựng, từ hư vô, theo đúng hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Các hữu thể nhân vị này—nhân danh Chúa và tuân theo kế hoạch của Ngài–thực hiện quyền quản lý và thống lĩnh vũ trụ vất chất.
II. Trách Nhiệm đối với Thế Giới Tạo Vật
71. Các tiến bộ về khoa học và kỹ thuật trong vòng 150 năm qua đã tạo ra một hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ cho tất cả mọi sinh vật trên hành tinh chúng ta. Cùng với vật chất dồi dào, tiêu chuẩn sống cao hơn, sức khỏe tốt hơn và tuổi thọ cao hơn, thì cũng thấy xẩy ra nạn ô nhiễm không khí và nước uống, chất phế thải độc hại của kỹ nghệ, việc phá họai và đôi khi còn hủy diệt những vùng môi sinh tế nhị. Trong tình huống này, con người đã có được ý thức cao hơn rằng mình gắn liền một cách hữu cơ với các sinh vật khác. Thiên nhiên được coi như một sinh cầu trong đó mọi sinh vật hình thành một mạng lưới sự sống phức tạp nhưng có tổ chức chặt chẽ. Hơn nữa, hiện nay người ta nhận thức được rằng cái gì cũng có giới hạn, từ tài nguyên thiên nhiên cho đến khả năng khôi phục sau khi bị gây tổn hại bởi việc khai thác tài nguyên quá mức.
72. Một khía cạnh bất hạnh trong ý thức mới về mặt sinh thái học này là Kitô giáo bị coi là có trách nhiệm phần nào về cơn khủng hoảng môi trường, do bởi quá coi trọng vị trí của con người vốn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa để cai quản tạo vật hữu hình. Có những nhà phê bình còn đi xa hơn nữa khi bảo rằng truyền thống Kitô giáo thiếu mất nguồn tài nguyên hầu có thể xây dựng một nền đạo đức sinh thái lành mạnh, bởi vì nó coi con người nhất thiết cao quý hơn tất cả mọi loài trên trần gian, và vì thế, cần phải hướng về các tôn giáo Châu Á và có tính truyền thống thì mới phát huy được một nền đạo đức sinh thái cần thiết.
73. Lời phê phán này thực ra là do việc hiểu sai lệch và một cách sâu xa đối với nền thần học Kitô giáo về tạo dựng và về ‘imago Dei.’ Nói đến một cuộc ‘hoán cải sinh thái’, ĐGH Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Quyền thống trị của con người không hề mang tính tuyệt đối, mà chỉ mang ý nghĩa phục vụ, …không phải như sứ mệnh của một chủ nhân tuyệt đối và độc đoán, mà là một quản gia trong nước Chúa” (Diễn từ ngày 17 tháng 1 năm 2001). Việc hiểu sai lạc về giáo lý này có thể đã khiến một số người hành động bất chấp môi trường thiên nhiên, thế nhưng giáo huấn Kitô giáo về tạo dựng và ‘imago Dei,’ không hề mảy may cổ võ cho việc khai thác bừa bãi đi đến chỗ phá hoại tài nguyên trái đất. Lời nhận định của ĐGH Gioan Phaolô II phản ảnh một ưu tư về phía Huấn Quyền ngày càng sâu đậm trước cuộc khủng hoảng sinh thái. Mối ưu tư này bén rễ trong dòng lịch sử lâu dài thấy được trong các thông điệp về xã hội của các ĐGH mới đây. Trong bối cảnh của giáo huấn này, cuộc khủng hoảng sinh thái là một vấn đề của con người và xã hội gắn liền với sự vi phạm nhân quyền và việc khai thác tài nguyên trái đất một cách thiếu đồng đều. ĐGH Gioan Phaolô II đã tóm tắt truyền thống giáo huấn xã hội này khi viết thông điệp Centesimus Annus: “Cũng đáng quan tâm lo lắng là vấn đề sinh thái đi kèm theo và gắn liền với vấn nạn về chủ nghĩa tiêu thụ. Mang khao khát sở hữu và hưởng thụ hơn là hiện hữu và phát triển, con người tiêu dùng các tài nguyên của trái đất cũng như của cuộc sống mình một cách thái quá và bất trật tự. Nằm ở bên dưới sự hủy hoại môi sinh thiên nhiên một cách phi lý, chính là một sai lầm về mặt nhân học hiện đang lan tràn một cách đáng tiếc. Trong khi khám phá ra khả năng biến đổi, và một cách nào đó, tái tạo thế giới qua chính công việc làm của mình, con người quên mất rằng tất cả mọi sự đều là quà tặng trước tiên và nguyên thủy từ Thiên Chúa” (37)
74. Nền thần học Kitô giáo về tạo dựng trực tiếp đóng góp cho việc giải quyết cơn khủng hoảng sinh thái bằng cách xác nhận chân lý căn bản này: tạo vật hữu hình chính là quà tặng từ Thiên Chúa, món “quà nguyên thủy” vốn tạo ra một “vùng không gian” dành cho hiệp thông nhân vị. Quả vậy, ta có thể bảo rằng một nền thần học về sinh thái đúng nghĩa Kitô giáo chính là một áp dụng của nền thần học về tạo dựng vậy. Cần ghi nhận rằng hạn từ ‘ecology’ là do hai từ Hy Lạp ‘oikos’ (nhà) và ‘logos’ (lời) ghép lại, có nghĩa là môi trường hiện hữu thể lý của con người có thể được hiểu như là một ‘mái nhà’ cho con người sinh sống. Nếu đời sống thâm nội của Chúa Ba Ngôi là một cuộc hiệp thông, thì hành vi sáng tạo của Thiên Chúa chính là một tạo tác nhưng không, phát sinh ra những thành viên để chia sẻ niềm hiệp thông này. Theo nghĩa ấy, có thể bảo rằng việc hiệp thông của Thiên Chúa tìm được ‘mái nhà’ nơi vũ trụ được tạo dựng. Do đó, ta có thể nói về vũ trụ như là một môi trường của hiệp thông nhân vị.
75. Kitô học và cánh chung học cùng nhau soi sáng cho chân lý này càng thêm sâu xa hơn nữa. Trong mầu nhiệm ngôi hiệp của Ngôi Con với nhân tính, Thiên Chúa đến trần gian và mặc lấy xác thể mà chính Ngài đã sáng tạo. Trong mầu nhiệm nhập thể, qua Con Một sinh bởi Đức Mẹ Đồng Trinh do quyền năng Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi Thiên Chúa đã khiến cho có thể có được một hiệp thông ngôi vị thân tình với con người. Do lòng từ ái, Thiên Chúa đã muốn cất nhắc con người thụ tạo lên để được thông phần đời sống với Ngài, bởi thế Ngài đã hạ mình xuống ngang hàng với loài thụ tạo. Một vài thần học gia nói đến việc Thiên Chúa khiêm nhường hạ mình như là một cuộc “nhân hóa” qua đó Thiên Chúa thong dong làm cho cuộc “thần hóa” trở thành khả hữu. Thiên Chúa không chỉ biểu lộ vinh quang Ngài trong vũ trụ qua các hành vi hiển linh, mà còn qua việc mặc lấy xác thể nữa. Trong bối cảnh Kitô học này, việc “nhân hóa” của Thiên Chúa chính là một hành vi liên đới, không chỉ với các con người thụ tạo, mà còn với toàn thể thế giới tạo vật cùng định mệnh lịch sử của chúng nữa. Thêm vào đó, trong bối cảnh cánh chung, việc trở lại lần thứ hai của Chúa Kitô có thể được coi như biến cố Thiên Chúa cư ngụ một cách thể lý trong vũ trụ đã được kiện toàn để hoàn thành kế hoạch tạo dựng nguyên thủy.
76. Không những không cổ võ sự khinh miệt một cách thiếu thận trọng đối với môi sinh tự nhiên, một sự khinh miệt do chủ trương đặt con người làm trung tâm, trái lại, nền thần học về ‘imago Dei’ còn xác nhận vai trò trọng yếu của con người khi cùng góp phần hiện thể hóa việc Thiên Chúa cư ngụ trong vũ trụ hoàn chỉnh. Theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa, con người là những tác nhân của sự biến đổi mà toàn thể tạo vật hằng trông ngóng. Tất cả mọi loài, không chỉ riêng con người, mà còn toàn thể tạo vật hữu hình, đều được kêu gọi tham dự vào đời sống Thiên Chúa. “Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rom 8:23). Trong bối cảnh Kitô giáo, trách nhiệm đạo đức của chúng ta đối với môi trường tự nhiên—mái nhà hiện hữu của ta—bén rễ từ trong một hiểu biết thần học sâu xa về thụ tạo hữu hình và về nơi ăn chốn ở của ta trong đó nữa.
77. ĐGH Gioan Phaolô II đã ám chỉ trách nhiệm này trong một đoạn văn quan trọng của Evangelium Vitae: “Như một người được mời gọi trồng tỉa và vun xới mảnh vườn thế giới (x. Gen 2:15), con người đảm nhận một trách nhiệm biệt loại đối với môi sinh của mình, đối với muôn loài thụ tạo được Thiên Chúa đặt định phục vụ cho phẩm gía con người. Từ việc bảo trì các môi sinh tự nhiên của các loài vật và các hình thái khác, cho đến “sinh thái học nhân bản” đúng nghĩa, câu hỏi mang tính sinh thái chính là: ta tìm thấy được trong Thánh Kinh một chiều hướng đạo đức rõ ràng và mãnh liệt, dẫn đến một giải pháp dựa trên việc tôn trọng sự thiện hảo của đời sống, của từng nếp sống…Khi nói đến thế giới tự nhiên, ta không chỉ bị lệ thuộc các quy luật sinh học, mà còn lệ thuộc cả các quy luật luân lý mà nếu vi phạm thì sẽ không thể tránh được sự trừng phạt” (số 42).
78. Cuối cùng, cần ghi nhận rằng tuy thần học không thể cống hiến cho ta một bản liệt kê mang tính kỹ thuật về biện pháp giải quyết cơn khủng hoảng sinh thái, nhưng, như đã thấy, nó có thể giúp ta nhìn môi sinh tự nhiên bằng đôi mắt của Thiên Chúa, như là ‘vùng không gian’ của hiệp thông nhân vị, trong đó, vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải tiến đến hiệp thông với nhau và kiếm tìm sự thành toàn sau hết của vũ trụ hữu hình.
79. Trách nhiệm này trải rộng sang đến thế giới loài vật. Loài vật là thụ tạo của Thiên Chúa, và theo Thánh Kinh, Thiên Chúa hằng quan phòng che chở chúng (Mt 6:26). Con người phải đón nhận chúng trong niềm tri ân, với thái độ tạ ơn đối với từng yếu tố của cuộc tạo thành, cùng cảm tạ Thiên Chúa thay cho chúng. Loài vật muông thú chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính sự hiện diện của chúng. “Chúc tụng Chúa đi, hỡi muôn loài chim chóc. Chúc tụng Chúa đi, hỡi gia súc lẫn thú rừng” (Dn 3:80-81). Thêm nữa, sự hài hòa mà con người phải tạo lập hoặc phục hồi trong toàn thể tạo vật, bao gồm chính mối tương quan của nó với loài vật. Khi Chúa Kitô đến trong vinh quang, Ngài sẽ “thâu tóm” toàn thể tạo vật trong một khoảnh khắc hài hòa mang tính cánh chung và dứt khoát.
80. Tuy nhiên, giữa con người và loài vật, có một khác biệt hữu thể học, bởi vì chỉ duy con người mới được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và được Thiên Chúa ban quyền thống trị trên loài vật (Gen 1:26, 28; Gen 2: 19-20). Suy tư về truyền thống Kitô giáo liên quan đến việc đối xử chính đáng đối với loài vật, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng: “Thiên Chúa giao phó việc trông coi loài vật cho những người Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Do đó, việc dùng loài vật làm thức ăn và áo mặc là điều chính đáng. Chúng có thể được nuôi trong nhà để giúp con người làm việc và giải trí” (số 2417). Đoạn văn này cũng cho thấy sự chính đáng trong việc sử dụng loài vật cho các thí nghiệm y học và khoa học, nhưng luôn phải nhìn nhận rằng “làm cho loài vật phải đau đớn không cần thiết là điều trái với phẩm giá con người” (số 2418). Do đó, bất cứ việc sử dụng loài vật nào cũng phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc vừa nói: đó là quyền thống trị của con người trên loài vật chủ yếu là một sự quản lý mà con người phải tính sổ một cách đúng nghĩa nhất đối với Thiên Chúa là Chúa muôn loài.
III. Trách Nhiệm đối với Việc Bảo Toàn Sinh Học của Con Người
81. Cùng với những tiến triển mới nhất trong lãnh vực sinh hóa và sinh học phân tử, kỹ thuật tân tiến tiếp tục cung cấp cho khoa y học hiện đại các khả năng chẩn đoán và trị liệu tân thời. Các kỹ thuật này không chỉ cống hiến các phương cách chữa bệnh vừa mới mẻ lại vừa hữu hiệu, mà còn đem lại các tiềm năng biến đổi được chính con người. Tính sẵn sàng và tiện lợi của các kỹ thuật này lại nêu lên câu hỏi sau đây một cách khẩn thiết hơn: con người được phép tái tạo chính mình tới mức độ nào? Việc thực thi quyền quản lý có trách nhiệm trong lãnh vực đạo đức sinh học đòi hỏi suy tư luân lý sâu xa về một phạm vi kỹ thuật vốn có thể tạo ảnh hưởng trên việc bảo toàn sinh học của con người. Ở đây, ta chỉ có thể cống hiến một vài chỉ dấu về các thách đố luân lý biệt loại mà nền kỹ thuật mới đặt ra, cũng như một vài nguyên tắc cần áp dụng khi thực hiện quyền quản lý có trách nhiệm về việc bảo toàn sinh học của con người, vốn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.
82. Quyền bố trí trọn vẹn thân xác sẽ hàm ý rằng con người có thể sử dụng thân xác như là một phương tiện đạt đến một cùng đích do mình lựa chọn: nghĩa là, con người có thể thay thế các bộ phận, cải biến hay chấm dứt nó. Nói cách khác, con người có thể xác định cứu cánh tính hay giá trị cứu cánh của thân xác mình. Quyền bố trí một cái gì đó thì áp dụng cho những đồ vật có giá trị dụng cụ thuần túy, chứ không áp dụng cho các đồ vật thiện hảo tự thân, nghĩa là có cứu cánh tự nơi mình. Vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người chính là sự thiện hảo đó. Vấn đề đặt ra, nhất là trong địa hạt đạo đức sinh học, là liệu điều này có thể hay không thể áp dụng cho các cấp độ nơi con người, các cấp độ vốn được phân định rõ, như cấp độ tâm thể lý, cảm xúc và tinh thần.
83. Việc thực hành hằng ngày nơi bệnh xá thường thừa nhận một hình thức bố trí thân xác giới hạn cũng như một vài chức năng tâm thần nhằm để duy trì sự sống, tỉ như trong trường hợp phải cắt bỏ tay chân hay lấy đi một cơ phận nào đó. Các việc này được phép làm do bởi nguyên tắc toàn thể và bảo toàn (còn được goị là nguyên tắc trị liệu). Ý nghĩa của nguyên tắc này là: con người phát triển, chăm lo và bảo trì tất cả mọi chức năng thể lý và tâm thần ngõ hầu (1) các chức năng hạ đẳng không bao giờ bị hy sinh ngoại trừ trường hợp để cho toàn thể con người có thể hoạt động tốt đẹp hơn, và làm như thế với một nỗ lực bù trừ cho cái đã bị hy sinh; và (2) các năng lực căn bản thuộc về con người một cách trọng yếu thì không bao giờ bị hy sinh cả, ngoại trừ khi cần để cứu lấy mạng sống.
84. Các cơ phận và tứ chi vốn cùng nhau tạo thành một thể nhất trí mang tính thể lý, thì hoàn toàn gắn chặt vào, cũng như lệ thuộc thân xác như những thành phần trọng yếu. Tuy vậy, các giá trị hạ đẳng không thể bị hy sinh chỉ vì lợi ích của các giá trị cao đẳng: bởi lẽ các giá trị này cùng nhau cấu thành một nhất thể hữu cơ và lệ thuộc nhau. Do bởi thân xác, xét như một thành phần nội tại của con người, thì tự thân thiện hảo, thế nên các khả năng căn bản của con người chỉ có thể bị hy sinh nhằm để duy trì sự sống mà thôi. Thực vậy, sự sống là một thiện hảo căn bản bao hàm trọn vẹn hữu thể con người. Không có thiện hảo sự sống căn bản này thì các giá trị, tỉ như tự do chẳng hạn, vốn tự chúng có tính cách cao đẳng hơn sự sống, cũng chẳng còn giá trị. Giả như con người, trong thể xác tính của nó, cũng được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thì nó không có toàn quyền bố trí bản chất sinh vật của mình. Chính Thiên Chúa, cũng như hữu thể được tạo dựng giống hình ảnh Ngài, không thể trở thành đối tượng cho hành đợng độc đóan của con người.
85. Khi ứng dụng nguyên lý toàn thể và bảo toàn, thì cần hội đủ các điều kiện sau đây: 1) phải có vấn đề liên quan đến thân xác vốn bị ảnh hưởng hay là nguyên nhân trực tiếp của một tình huống đe dọa mạng sống; 2) không còn một chọn lựa nào khác nhằm duy trì mạng sống; 3) có một cơ may thành công tương ứng so với các hậu quả có thể xẩy đến; 4) nạn nhân phải đồng ý với sự can thiệp. Các hậu quả và hiệu ứng tiêu cực của việc can thiệp có thể biện minh được bằng nguyên tắc song hiệu.
86. Một số người đã cố gắng giải thích giai tầng giá trị này nhằm cho phép việc hy sinh các khả năng hạ đẳng, tỉ như sinh sản, nhằm mưu ích cho các giá trị cao đẳng, như duy trì sức khỏe tâm thần và thăng tiến mối giao hảo với người khác. Tuy nhiên, ở đây, khả năng sinh sản được hy sinh nhằm duy trì các yếu tố trọng yếu đối với con người như là một toàn thể điều hành, chứ không phải như một toàn thể sống động. Thực ra, con người xét như một toàn thể điều hành thì đã bị vi phạm vì đã mất đi khả năng sinh sản, và đúng vào lúc nỗi đe dọa về sức khỏe tâm thần chưa hề cận kề mà còn có thể xoay chuyển sang chiều hướng khác. Hơn nữa, lối giải thích này về nguyên lý toàn diện thì hỗ trợ cho khả năng hy sinh một phần thân xác nhằm mưu cầu lợi ích xã hội. Cũng trên cùng nền tảng suy tư này, việc triệt sản vì lý do ưu sinh có thể biện minh được trên căn bản lợi ích chung.
87. Sự sống con người là kết quả của tình yêu vợ chồng—một món quà hỗ tương, trọn vẹn, dứt khóat, và độc chiếm mà người nam và người nữ cùng hiến tặng cho nhau—điều này phản ảnh món quà tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trao tặng cho nhau, từ đó đơm hoa kết trái trong cuộc tạo dựng, và món quà mà Chúa Kitô hiến tặng cho Hội Thánh Ngài trở thành hoa trái trong việc tái sinh con người. Sự kiện món quà trọn vẹn của con người liên quan đến cả tinh thần lẫn thể xác chính là nền móng của tính bất khả tách rời giữa hai ý nghĩa trong hành vi vợ chồng, đó là (1) sự diễn đạt chân chính của tình yêu vợ chồng trên phương diện sinh lý, và (2) sự thành toàn qua việc sinh sản trong thời kỳ thai nghén của người nữ (Humanae vitae, 12; Familiaris consortio, 32).
88. Món quà người nam và nữ trao tặng nhau trên phương diện thân mật tính dục trở thành bất toàn khi có việc ngừa thai hoặc triệt sản. Hơn nữa, nếu sử dụng một thứ kỹ thuật không nhằm giúp cho hành vi vợ chồng đạt đến mục tiêu, trái lại còn thay thế nó, để rồi đi đến kết quả là đậu thai nhờ sự can thiệp của một đệ tam nhân, thì đứa con sinh ra không xuất phát từ hành vi vợ chồng vốn diễn đạt món quà cha mẹ trao tặng cho nhau.
89. Trong trường hợp ‘nhân bản’—việc sinh ra những cá thể giống hệt nhau về mặt di truyền qua phương pháp cấy phôi hoặc hạch tử–thì đứa con sinh ra sẽ thành phi giới tính và không thể coi là kết quả của món quà tình yêu được. Do đó, ‘nhân bản’—trong trường hợp sinh ra nhiều người từ cùng một người—sẽ gây ra việc vi phạm căn tính con người. Cộng đồng nhân loại—như ta thấy, cũng được coi như hình ảnh Chúa Ba Ngôi—trong tính khác biệt của nó, đã biểu lộ một điều gì đó trong mối tương giao Ba Ngôi với một duy nhất tính đã đánh dấu cho những khác biệt, qua cùng một bản thể.
90. Có thể chấp nhận được việc kiến tạo dòng di truyền thai chủng vì mục đích trị bệnh nơi con người, miễn là không vì sự kiện khó mà tưởng tượng làm sao nó có thể hoàn thành được (a) nếu không có những nguy cơ bất tương xứng, nhất là trong bước thí nghiệm đầu tiên, tỉ như sự tổn thất hàng loạt các phôi thai cũng như việc xẩy ra các rủi ro, và (b) nếu không dùng đến các kỹ thuật sinh sản. Một chọn lựa khác có thể là: sử dụng việc trị liệu di truyền trong các tế bào gốc sản xuất ra tinh trùng người nam, nhờ đó có thể sinh ra dòng dõi khỏe mạnh bằng chính hạt giống của mình qua hành vi vợ chồng.
91. Việc kiến tạo tăng tiến di truyền là nhắm mục đích phát huy một số nét đặc trưng biệt loại. Có thể dùng ý tưởng về con người như là “đồng tạo hóa” với Thiên Chúa nhằm biện minh cho việc điều hành tiến hóa con người qua phương thức kiến tạo di truyền này. Tuy nhiên, như thế là hàm ý con người đã có toàn quyền bố trí bản chất sinh học của mình. Làm thay đổi căn tính di truyền của con người xét như là nhân vị qua việc sản xuất ra một hữu thể con người hạ đẳng là một hành vi triệt để vô luân. Việc thay hình đổi dạng di truyền hầu sản xuất ra một siêu nhân hay một hữu thể có những khả năng tinh thần hoàn toàn mới là một điều không thể quan niệm được, lý do là nguyên lý sự sống tinh thần của con người—tức chất thể được mô thức hóa vào trong thân xác con người—không phải là sản phẩm từ bàn tay con người làm ra, và không hề lệ thuộc vào khoa kiến tạo di truyền. Tính duy nhất của mỗi một nhân vị, một phần được cấu tạo bằng những đặc trưng tính thuộc di truyền sinh học và được phát triển qua nuôi dưỡng và tăng triển, thì thuộc về con người một cách tự nội, chứ không thể được coi như dụng cụ nhằm thăng hoa một vài tính đặc trưng ấy. Một người chỉ có thể thực sự thăng hóa khi thể hiện trọn vẹn hơn hình ảnh Thiên Chúa nơi mình bằng cách kết hợp với Chúa Kitô và noi gương Ngài. Những việc thay đổi vừa nói đều vi phạm tự do của những con người trong tương lai vốn không hề có phần quyết định nào trong việc định đoạt cơ cấu và đặc trưng của thân xác mình một cách có ý nghĩa và một cách không thể đảo ngược được. Việc trị liệu di truyền, trực tiếp nhắm vào việc làm vơi nhẹ những điều kiện bẩm sinh như hội chứng Down, chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến căn tính của người trong cuộc, xét về hình dáng bên ngoài cũng như các khả năng tâm thần, nhưng việc thay đổi này cũng sẽ giúp người ấy hoàn toàn bộc lộ được thực chất của mình, điều đã bị di truyền khiếm khuyết ngăn chận lại.
92. Việc can thiệp mang tính trị liệu giúp phục hồi các chức năng thể lý, tâm lý và tinh thần, đặt con người vào trung tâm và hoàn toàn tôn trọng cứu cánh tính của các cấp độ khác nhau nơi con người. Vì sở hữu tính chất trị liệu, nền y học nào phục vụ con người và thân xác con người như là những mục tiêu tự chính nó, thì tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa trong cả hai. Theo nguyên tắc tương ứng, các phương pháp trị liệu nhằm kéo dài đời sống một cách ngoại thường đều phải được sử dụng khi có một sự tương ứng giữa các kết quả tích cực nhắm tới và sự thiệt hại có thể xẩy ra cho chính bệnh nhân. Thiếu sự tương ứng này, có thể phải loại bỏ việc trị liệu, cho dù như thế sẽ làm cho mau chết hơn. Việc làm cho mau chết trong phương pháp trị liệu giảm đau bằng cách gây mê chính là một hậu quả gián tiếp, giống như các phản ứng phụ trong y học, có thể được đặt trong nguyên tắc song hiệu, miễn là liều lượng được sử dụng là nhằm vào việc làm thuyên giảm các triệu chứng đau đớn, chứ không nhằm dứt khoát kết thúc sự sống.
93. Việc bố trí cái chết thực sự là cách bố trí đời sống triệt để nhất. Trong việc trợ tử, an tử trực tiếp, và trực tiếp phá thai—cho dù tình huống cá nhân có bi đát và phức tạp thế nào chăng nữa—sự sống thể lý được hy sinh vì một cứu cánh tự chọn. Nằm trong cùng trường hợp này là việc biến phôi thai trở thành dụng cụ bằng thí nghiệm phi-trị-liệu trên các phôi thai, cũng như bằng các cách chẩn bệnh trước khi cấy ghép.
94. Thực trạng hữu thể học của con người chúng ta trong tư cách là thụ tạo được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa đặt ra một số giới hạn cho khả năng bố trí bản thân. Quyền thống trị ta đang thụ hưởng thì không phải là vô hạn: ta thực hiện quyền thống trị này trên thế giới tạo vật theo nghĩa thông phần, để rồi rốt cuộc, ta phải tính sổ quản lý với Đấng làm Chúa Tể Vũ Trụ. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng con người không phải là Thiên Chúa.
KẾT LUẬN
95. Qua các suy tư này, chủ đề ‘imago Dei’ đã cho thấy một sức mạnh có tính hệ thống trong việc soi sáng nhiều chân lý của niềm tin Kitô giáo. Nó giúp ta trình bầy một quan niệm về con người, một quan niệm mang tính tương giao và ngã vị. Chính mối tương giao với Thiên Chúa đã xác định căn tính con người và đặt nền cho mối tương giao với các tạo vật khác. Tuy vậy, như đã thấy, mầu nhiệm con người chỉ hoàn toàn được mạc khải trong ánh sáng của Chúa Kitô, Ngài là hình ảnh tuyệt hảo của Chúa Cha, và qua Chúa Thánh Thần, Ngài đưa ta vào thông phần mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính trong sự hiệp thông tình yêu này mà mầu nhiệm của mọi hữu thể–được Thiên Chúa cưu mang—mới tìm được ý nghĩa trọn vẹn nhất. Vừa cao sang, lại vừa khiêm hạ, quan niệm về con người như là hình ảnh Thiên Chúa đã tạo thành một bản hiến chương của các mối tương giao giữa con người với thế giới tạo vật, và một nền tảng để căn cứ vào đó mà thẩm định tính cách chính đáng của các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn có ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống con người và môi sinh. Trong các lãnh vực này, vì là các nhân vị được mời gọi làm chứng cho việc thông phần vào quyền sáng tạo của Thiên Chúa, con người cũng cần phải thừa nhận vị trí của mình như là các tạo vật đã được Thiên Chúa trao phó cho trách nhiệm quý báu là quản lý vũ trụ vật chất này.
Source: Communion and Stewardship: Human Persons Created in the Image of God, by International Theological Commission,http://www.catholicculture.org
Nguyễn Kim Ngân
Nguồn: vietcatholic.org
Đăng nhận xét