Đi Tìm Xứ Đạo Đầu Tiên Giáo Phận Vinh 1627 - 2003 : Phần phụ bản | GIÁO XỨ LỘC THỦY
12 Thánh tông đồ Audio suy niệm Audio truyện Công giáo Âm nhạc Bài Giảng mp3 Bạn có biết bạn trẻ xa nhà Bảo vệ sự sống Blog tips Ca kịch công giáo Các bài giáo lý của ĐTC Phanxicô Các hội đoàn Các mục chính Các Thánh Các thánh địa Công giáo Các thánh khác Các Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ Các vấn nạn xã hội Cắm hoa nghệ thuật Câu chuyện Giáng Sinh Châm ngôn công giáo Chiêm ngắm Chúa Chuyện phiếm đạo đời Chuyện về Giáo Lý và Giáo Dục Công Giáo đó đây Cửu Nhật Kinh Nguyện Danh Danh bạ website các giáo xứ - giáo họ việt nam Danh bạ website công giáo Di sản thế giới Du Lịch Đẹp + Để sống đạo hôm nay Đôi nét về Giáo xứ Đời sống cầu nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Đức Mẹ Lama Đức Thánh Cha phanxico Đức Tin và Khoa Học Đường Hy Vọng Gia đình Giải đáp thắc mắc cuộc đời Giao hat Vang Mai Giáo hạt Vàng Mai Giáo Hội Đông Phương Giáo lý - dân ca Giáo lý - kinh thánh Giáo sử Giáo xứ Media góc học tập Góc khám phá Góc nghệ thuật Góc thư giãn Góp nhặt Hạt Giống Lời Chúa Hình ảnh cổ xưa Hình ảnh Giáo xứ Lộc Thủy học tiếng anh Hướng dẫn sử dụng webblog Kết nối websites Kiến thức phổ thông Kính Đức Mẹ Kinh thánh tiếng anh Lẽ sống Lịch sử các Dòng tu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam Lịch sử hình thành Giáo xứ Lộc Thủy Lòng Thương xót Chúa Lộc Thủy Lời Chúa qua bài hát Lời chúa theo chủ đề Lời chúc xuân Mùa Vọng - Advent Năm thánh Lòng Thương Xót Nghe và suy gẫm Nghệ thuật Công Giáo Nghệ thuật sống Ơn gọi-tận hiến Phim công giáo Quỳnh lưu Radio Công Giáo Sách Công giáo sách tháng đức bà Sắc màu cuộc sống Sổ tay sinh hoạt suy gẫm Suy gẫm và Cầu nguyện Suy niệm Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mùa Phục Sinh Suy niệm Lời Chúa mùa TN A Suy niệm Lời Chúa năm A Suy niệm mùa chay Sức khỏe - ẩm thực Tài liệu Công Giáo tổng hợp Tài liệu dạy Giáo Lý Tài liệu Tuần Thánh Thánh ca Thánh ca cầu nguyện Thánh Ca Hoàng Diệp Thánh Mẫu học Thánh Mẫu La vang Thế giới Công Giáo Thơ - Truyện Công Giáo Thơ Công Giáo Thơ và cuộc sống Thủ thuật blog Thủ thuật facebook Thủ thuật google + Thư Viện Công Giáo Tiếng anh qua Lời Chúa Tiêu điểm Tìm hiểu phụng vụ Tin Công Giáo Tin Giáo xứ Tin tức Giáo xứ Lộc Thủy Tin Việt Nam và Thế Giới Tổ chức kỳ thi Giáo lý Tông huấn Giáo hội Công giáo Trang Trí Giáng Sinh Trắc nghiệm Giáo lý Trắc nghiệm Kinh Thánh Trắc nghiệm năm đức tin Truyện Công Giáo Truyện về Mẹ Tư liệu Giáo hội Công giáo việt nam Tư liệu Giáo phận Vinh Tư liệu Giáo xứ Lộc Thủy Từ vựng công giáo Anh-việt Tv Công giáo TVs và Radios khắp nơi Vấn đáp đức tin công giáo Videos Đặc Sắc Vietnamese English Prayers Vinh Quang Đức Maria Website Công Giáo bổ ích Xứ đạo đầu tiên

Đi Tìm Xứ Đạo Đầu Tiên Giáo Phận Vinh 1627 - 2003 : Phần phụ bản

PHẦN PHỤ BẢN


1. SUY NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ
PHÂN CHIA GIÁO PHẬN VINH
BẮC VIỆT NAM
2001 - 2003

TP. HCM, 08/8/2001

Kính gửi:

Thầy Phạm Minh Thanh

Quí vị trong Hội Ái Hữu Vinh, Bắc California, USA.

1.    Mỗi năm đến ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tất cả chúng ta lại hướng về giáo phận Mẹ quê hương Vinh Nghệ - Tĩnh - Bình. Đối với riêng tôi và Quí vị, điều đó càng làm chúng ta nhớ đến một biến cố lịch sử khó quên, ngày 15/8/1996, ngày khai sinh cuốn Lịch Sử Giáo Phận.

Cuốn sách tuy thô sơ, nhiều thiếu sót chủ quan, khách quan nhưng lại là một công trình không nhỏ của bao công sức, trong đó phải đặt lên hàng đầu là linh mục Trần Minh Công, cụ Phạm Viết Hùng, ông Trần Hiếu, thầy Phạm Minh Thanh, Quí vị trong Hội Ái Hữu Vinh Bắc California, USA và tất cả Quí ân nhân.

2.    Nhắc lại chi tiết này, một tuần trước khi vào Đại Lễ đầu tiên mừng Mẹ của thế kỷ XXI, tự nhiên tôi cảm động đến chảy nước mắt.

Lý do khởi đi từ một ý nghĩ riêng tư, thầm kín cá nhân, biết một mà không biết mười, nhưng sức mạnh Gió Thánh Thần đã thổi nó đi và đến phương trời xa lạ, không hề được dự tính để trở thành một cái gì đó cho quê hương. Vậy mà nhìn đi nhìn lại, tính từ điểm xuất phát sơ khai trước 1945, điểm thành hình có tính cục bộ 1975, và điểm ra mắt công khai 1996, nó trở thành một đầu máy hơi nước thô sơ kéo thêm một số sáng kiến của các giáo phận:

- Lịch Sử Giáo Phận Hà Nội, 1994.

- Lịch Sử Giáo Phận Lạng Sơn, (?).

- Lịch Sử 25 Giáo Phận, 1995…

- Lịch Sử Giáo Phận Bùi Chu, 2000.

- Lịch Sử Giáo Phận Huế, 2000.

- Tổ chức học bổng Trần Hữu Đức - Nguyễn Trường Tộ, 1996.

Tất nhiên, không ai trong chúng ta dám tự cao tự đại, nhưng tin vào sức mạnh Thánh Thần không một việc gì của ai làm ra mà vô ích và cũng không việc nào anh em mình đổ mồ hôi, công sức, tiền bạc làm mà trở thành vô nghĩa được.

Riêng tôi, trong những ngày cuối đời, tuy không còn làm được gì nữa nhưng vẫn tin vào sự cố gắng giúp đỡ của anh em thiện chí bên đó sẽ tận dụng mọi cơ hội thuận hay không thuận, để làm thêm chút ích gì cho giáo phận Mẹ quê nhà.

3.    Tôi đang băn khoăn, trăn trở về chương trình của Hội Thánh muốn phân chia giáo phận Vinh ra làm hai, một riêng Nghệ An và một Hà Tĩnh - Quảng Bình. Đã đành là con cái Hội Thánh, chắc chắn không ai trong chúng ta dám có dự tính gì ngược lại. Nhưng nếu được phép thì có biết bao suy nghĩ lớn nhỏ vây quanh vấn đề to lớn như vậy.

Thử hỏi, chia để làm gì, chia như vậy đã ổn, đã hợp tình hợp lý hoặc đã hợp lý mà chưa hợp tình hay ngược lại?

4.    Có người suy diễn từ lời nói của Tiên sinh Nguyễn Trường Tộ về một nước Trung Hoa vĩ đại cả địa lý, cả dân số, vậy mà người ta chỉ giữ lại có hơn chục tỉnh hành chánh, trong khi Việt Nam chưa bằng một tỉnh nhỏ của họ mà chia ra 63 tỉnh thành và giáo phận Vinh chia thành hai.

Vấn đề đặt ra là đã thêm việc thì phải thêm người, thêm cơ sở, thêm tiện nghi, trong khi cả giáo phận nói là lớn nhất miền Bắc hôm nay nhưng cứ kiểm điểm lại xem có bao nhiêu chất lượng trong đó?

Việc phân chia giáo phận nguyên nó là đúng, nhưng chỉ đúng trong một thời kỳ, một hoàn cảnh nhất định nào đó. Chẳng hạn hồi trước 1945, hay sau 1975, khi mọi việc từ trên xuống dưới gây khó khăn, nhất là phương tiện giao thông liên lạc giữa các miền liên hệ.

Còn bây giờ, ở thế kỷ XXI, từ mặt đất người ta có dư phương tiện để quan sát các thiên thạch, các mẫu đất đá từ xa nhiều năm ánh sáng, thì công việc chia đôi giáo phận Vinh là một việc làm xem ra không đúng mà còn làm lãng phí, thiếu thực tế chăng?

5.    Ngày xưa chỉ với chiếc ghe ọp ẹp, linh mục Đắc-lộ là người đầu tiên và các nhà Truyền Giáo dòng Tên, các Vị Thừa Sai kế tiếp đã đi hầu như khắp ba tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các Ngài đã đi, đi không kể ngày, tháng, năm và đã làm nên bao nhiêu công việc.

Ngày nay, nhất là ở thời điểm đường nhựa bóng loáng, cầu cống hiện đại, điện thoại bàn, điện thoại di động, ti vi, vi tính, hệ thống mạng internet v.v.. chỉ cần bấm nút là có tất cả, chỉ cần bấm con chuột, gõ bàn phím là biết, là liên lạc đến tất cả các hang cùng ngõ hẻm xứ họ trong giáo phận.

Cụ thể nhất là chuyện mới xảy ra đầu tháng 5/2003. Hôm đó giáo xứ Gia Hưng, Quảng Bình tổ chức lễ khánh thành nhà thờ giáo họ Hà Thanh, một họ giáo thuộc địa bàn hạng cuối địa phận. Vậy mà Đức Giám mục giáo phận cho biết, 5 giờ kém 15 phút lên xe nhà ở Xã Đoài và đến bến đò Mệ Nhiệm, sông Son, Bố Trạch, Quảng Bình lúc 8 giờ rưỡi hơn, nghĩa là chỉ đi mất 4 giờ đồng hồ, để cử hành thánh lễ như chương trình đã định lúc 9 giờ cùng ngày 01/5/2003.

Hoặc mới hơn, sáng 05/6 nghĩa là sau 1 tháng, cũng với thời gian ấy ngại lại trở vào xứ Gia Hưng, tại họ giáo Hội Nghĩa, cách Hà Thanh 5 cây số, cách cầu Xuân Sơn - Phong Nha 1 cây số để cử hành thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ họ này.

Như vậy việc chia giáo phận còn cần thiết nữa hay không? Cho nên cũng một việc làm mà có người làm hay, người làm dở, có lúc làm đúng, có lúc chẳng đem lại lợi ích gì.

Đó là chưa nói đến việc chia Nghệ An đứng riêng ra một giáo phận và giáo phận thứ hai là Hà Tĩnh và Quảng Bình với đèo Ngang nằm giữa. Đối với người xa lạ, không biết tình hình thì việc chia như thế hay hơn kém như thế chẳng thấy gì trở ngại. Còn đối với người trong cuộc thì ngược lại, sự chia cắt ấy là điều hơi thiếu tâm lý.

Xét về nguồn gốc Nghệ An, Hà Tĩnh cả hai là một đất đai, một sông núi, một tiếng nói, một tính tình, một cách sống, nhất là một ý chí quật cường thiên phú. Bởi mỗi khi nghe nói đến Dân Nghệ Tĩnh, thì tất nhiên đã hàm chứa một ý nghĩa gì trong đó rồi. Cũng như khi mới nghe nói đến hai chữ “cá gỗ”, “dân cá gỗ”, sự so sánh tuy thô sơ hơi thiếu tế nhị, nhưng đó là sự thật khiến nói ra hay không nói ra Nghệ An, Hà Tĩnh là một khối thuộc đất Hoan Châu.

Hơn nữa, xét về đất đai thổ nhưỡng, trừ phần Trường Sơn cố hữu gồ ghề, khúc khuỷu, quanh co chỗ nào cũng có, nhưng riêng Nghệ An, Hà Tĩnh Tạo Hóa vẫn dành cho một phần đồng bằng khá đẹp chạy dài từ giáp ranh Thanh Hóa vào đến Kỳ Anh. Vùng đất khá lý tưởng ấy bây giờ đem cắt ráp vào một phần đất cũng là anh em từ 375 năm, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, đúng hơn từ hồi linh mục Đắc-lộ đến 1629.

6.    Thực ra việc Hội Thánh quyết định có tính bắt buộc mọi người phải nghe, nhưng phải nghe không đồng nghĩa với nghe một cách thoải mái, hợp lý hợp tình. Điều không xuôi chèo mát mái là chia làm sao mà còn để Đèo Ngang dài 20 cây số hơn kém nằm vắt ở giữa, gây khó khăn, lãng phí khi phân chia giáo phận Quy Nhơn - Nha Trang phải tránh đèo Cả và khi phân chia giáo phận Huế - Đà Nẵng phải tránh đèo Hải Vân.

Bây giờ đây cũng thế, sự phân chia hợp lý nhất vùng này thiết tưởng phải dành hoàn toàn đèo Ngang cho Quảng Bình và nội dung cao điểm là Quảng Bình Bắc và Quảng Bình Nam là một giáo phận.

Sự phân chia ấy xét với hôm nay, lúc này có phần khó khăn về nhiều phương diện, nhưng lại là một giải pháp ổn định đem lại nhiều hứa hẹn về sau. Còn nói về một khó khăn, trước mắt là nhân sự, không quan trọng lắm vì tin vào sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa là yếu tố quyết định. Kinh nghiệm cho hay khắp cả Giáo Hội hoàn cầu, nơi nào cũng có bước đi đầu tiên yếu ớt, xiêu vẹo như vậy trước khi tiến lên mức độ khả quan.

Đó là chưa nói đến mô hình chia cắt, thứ nhất làm cho Nghệ An quá nhỏ, dân số ít hơn một nửa, đường hoạt động theo chiều dài chỉ còn lại khoảng 150 cây số từ giáo xứ Gia Hòa trở ra giáo xứ Hoàng Mai. Trong khi Hà Tĩnh, Quảng Bình lại có đến 220 ngàn giáo dân, với chiều dài khoảng 250 cây số kể từ ranh giới Nghệ An vào đến ranh giới Quảng Trị. Nếu cứ để Nghệ An - Hà Tĩnh nguyên một giáo phận, Quảng Bình riêng một giáo phận thì sẽ tránh được Đèo Ngang. Đàng khác, quý hơn là bảo toàn được tính đồng nhất, về chính trị, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là tính gia phả tôn giáo do chính công lao của linh mục Đắc-lộ bằng chiếc thuyền nhỏ thô sơ đã vào ra, ra vào các cửa biển như: cửa Gianh, cửa Khẩu, cửa Sót, cửa Hội, cửa Lò, và đã đặt nền tảng cho 195 giáo điểm đầu tiên, hồi 1676 trong đó còn các giáo xứ trọng điểm ngày nay.

Vì tính keo sơn gắn bó 375 năm như vậy, cho nên đối với người hiểu chuyện, thì sự chia cắt Nghệ An - Hà Tĩnh nói trên, đang gây nên một điều đáng tiếc vô cùng đáng tiếc.

Đối với Quảng Bình Bắc, đáng lẽ cũng không nên làm như thế. Vì cả ba nơi, ba chữ Nghệ - Tĩnh - Bình suốt 155 năm, kẻ từ năm 1846 đến nay đã trở thành ba cột đồng trụ chống đỡ cho giáo phận có tên xưa là Nam Bắc Kỳ.

Bây giờ hoàn cảnh mới, người con gái dù muốn dù không, trước sau cũng phải đi theo quy luật Tạo Hóa, bỏ nhà cửa cha mẹ theo chồng lập thành một gia đình mới, cụ thể là giáo phận Quảng Bình Bắc, Quảng Bình Nam hợp thành giáo phận Quảng Bình.

Việc này có thể gây ngạc nhiên nơi người nghe, nơi người đọc và dễ bị hiểu nhầm, nhưng nếu ai chịu khó đọc kỹ hai cuốn “Lịch Sử Đàng Ngoài” và “Hành Trình và Truyền Giáo” của linh mục Đắc-lộ sẽ thấy:

Ngài tryền giáo lần thứ nhất, ở Đàng Trong cuối tháng 12/1624 đến tháng 7/1626 (30 tháng), và ở Đàng Ngoài từ 19/3/1627 đến tháng 5/1630. Từ đó ngài đi truyền giáo ở Macao, Trung Quốc từ tháng 5/1630 đến đầu năm 1640. Sau đó trở lại truyền giáo ở Đàng Trong từ:

- Tháng 01/1642 đến tháng 7/1643 (19 tháng)

- Tháng 12/1640 đến tháng 7/1614 (08 tháng)

- Tháng 3/1641 đến tháng 7/1645 (17 tháng)

Chính trong thời gian 17 tháng cuối cùng này, Ngài đã đích thân đến truyền giáo tại thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và làm việc ở đó 17 tháng. Chính tại đây, ngài đã gặp được phái đoàn 10 giáo dân Bắc Quảng Bình do ngài đích thân rửa tội cách 16 năm trước vào thăm và bắt liên lạc, hứa hẹn nhiều lần gặp gỡ khác, tuy lịch sử không thấy nói đến một cách công khai.

Dầu vậy mọi người đều có quyền nghĩ đến một cách tích cực và như đó đây có lần đã nói, sự kiện này đã vô tình trở thành con đường hầm tiềm ẩn, đưa Quảng Bình lên địa vị một giáo phận, xứng đáng với công trình của linh mục Đắc-lộ như: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn là những nơi ngài đã từng đến và đã đặt nền móng. Hy vọng suy này không phải là giấc mơ, mà là sự thật không cho hôm nay, năm 2003 mà sau năm 2005, 2010…


Thầy Phạm Minh Thanh

Quí vị trong Hội Ái Hữu Vinh kính mến!

7.    Đọc xong lá thư, chắc Thầy và Quí vị sẽ không đến nỗi cho đó là dài dòng, lẩm cẩm của một con người mang nhiều hoài cổ, sắp đi vào dĩ vãng.

Được lắm, không sao cả, miễn là Quí vị không bõ công, uổng thời giờ để tìm ra trong đó có ít nhật một vài phần trăm sự thật, bởi vì với bản tính cố hữu, nông dân chất phác, ăn chắc mặc bền, có sao nói vậy, không dám thuyết phục ai, nhưng rất muốn nghe hết mọi người.

Cuối cùng xin kính chúc Thầy và Quí vị trong Hội Ái Hữu Vinh, Quí Ân Nhân được mọi ơn lành của Chúa và Đức Mẹ.

                                                       Nhớ nhau!

                                        LM. JB. CAO VĨNH PHAN


LỜI CUỐI

Trên đây là mấy nét phác họa một công trình lớn của người đi tìm xứ đạo đầu tiên ở giáo phận Vinh gồm hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và một nửa tỉnh Quảng Bình.

Riêng về Nghệ An, bao gồm cả Hà Tĩnh, vào thời 1676 có ít nhất 195 giáo điểm. Một số không còn thấy tên, một số khác đổi tên, số khác nhỏ nhập vào số lớn hơn và dần dần phát triển thành những giáo xứ có tên tuổi, có tiếng tăm đã và đang làm nòng cốt cho cơ cấu hữu hình của Giáo hội Chúa tại phần đất này.

Với tiêu đề “Đi Tìm Xứ Đạo Đầu Tiên Giáo Phận Vinh”, chúng tôi muốn tiếp nối dòng tư tưởng của vị linh mục thừa sai Sajot Hậu để nhắc nhở bất cứ ai từ trên xuống dưới trong giáo phận này phải tìm cho ra vị trí của người và của mình hầu sống xứng đáng vai trò của người thừa kế và là người chứng nhân:

“… Nhưng dầu thế nào đi nữa, đối với giáo phận Vinh, việc cần thiết là phải tìm trong những cửa biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Chính có những họ giáo nào cổ xưa nhất của giáo phận. Nhiều nơi cũng tự hào là đã được thành lập từ hồi giáo sĩ Đắc-lộ…”[1]

Chúng tôi không có tham vọng nhiều và cũng không dám tự phụ mình đã tìm ra gốc ngọn của từng xứ đạo, hoặc đúng hơn quá trình phát triển của từng giáo điểm. Đây chỉ là một đóng góp có tính gợi ý để các nhà giáo sử uyên thâm tiếp tục tìm cho ra manh mối, ngọn nguồn tất cả các giáo điểm đầu tiên của giáo phận Vinh.

Các khó khăn như chúng tôi đã trình bày là phần nhiều các địa danh cũ do vô tình hay hữu ý đã được đổi ra tên mới. Vả lại, tuy chúng tôi cũng là con cái của giáo phận Vinh, nhưng sinh ra tại miền cực Nam của giáo phận, chỉ hân hạnh sống ở Nghệ An một thời gian ngắn rồi đi xa quê hương. Do đó không nắm địa lý rộng lớn của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nên chắc chắn các phỏng đoán trong tập này không thể tránh khỏi khiếm khuyết hoặc sai sót.

Tuy nhiên phần nào chúng tôi đã đạt được mong muốn là bất cứ giá nào không thể để cho hai công trình vĩ đại của linh mục Đắc-lộ và linh mục Emmanuel Ferreyra bị quên lãng, bị coi thường, bị bỏ vào xó tủ và tệ hơn bị quăng vào giỏ rác. Điều làm chúng tôi trăn trở và phải cố gắng đến mức tối đa là để khỏi trở thành người vô ơn, “uống nức” mà không “nhớ nguồn”, “ăn quả” mà không nhớ “kẻ trồng cây”, cũng không biết để thực hiện lời “ăn cây nào rào cây ấy”.

Đã một lần, nhờ biết ý thức và cảnh giác trước nên dịp Lễ Phục Sinh 15.4.1999, toàn giáo hạt Bình Chính đã long trọng tổ chức cuộc Đại hội kỷ niệm mừng 370 năm linh mục Đắc-lộ đến truyền giáo tại vùng này. Lễ kỷ niệm qui tụ trên mười ngàn giáo dân của 26 giáo xứ tập trung về nhà thờ giáo hạt ở giáo xứ Hướng Phương với hàng ngũ chỉnh tề. Hai Đức Giám mục chánh phó giáo phận là Phêrô Trần Xuân Hạp và Paulô Cao Đình Thuyên cùng trên 40 linh mục đã long trọng cử hành thánh lễ đồng tế tạ ơn.

Sở dĩ có được biến cố lịch sử ấy là vì nhớ đến những giai đoạn phát triển của vùng này bắt đầu từ tháng 4 năm 1629, linh mục Đắc-lộ đã rửa tội cho 25 tân tòng và đặt cơ sở nền mong cho họ đạo đầu tiên tại vùng đất có tên Ke Hoa (Kẻ Hòa), thuộc xã Trung Hòa, nơi mà ngày nay có giáo xứ Mỹ Hòa hay Tân Mỹ của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Để rôi năm 1645, nhóm này được trưởng thành nhờ sự dìu dắt của ông cử thông nho Simon, người được chính linh mục Đắc-lộ rửa tội và đặt làm trùm trưởng coi sóc cộng đoàn nhỏ bé cách 16 năm trước. Chính ông đã giúp cho cả làng Kẻ Hòa, Trung Hòa trên một ngàn người trở lại mặc dầu không có một linh mục, không có một thầy giảng nào.

Năm 1676, nghĩa là 31 năm sau, con số này được tăng lên thành 30 giáo điểm với trên 4 ngàn giáo dân như được thấy nói đến trong phúc trình linh mục Emmanuel Ferreyra.

Năm 1999, giáo đoàn này phát triển đến mức độ trưởng thành là 26 giáo xứ với trên 80 ngàn giáo dân, nghĩa là gấp đôi giáo phận Huế hôm nay.

Năm 2000, mấy giáo xứ của Nam Quảng Bình, trực thuộc giáo phận Huế cũng được Tòa Thánh cho sát nhập vào giáo phận Vinh trong đó có những giáo xứ đang xây dựng nhà thờ như: Hà Lời, Thanh Hải (Thanh Bồ). Đặc biệt hai giáo xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng đang cùng nhau xây dựng chung một ngôi thánh đường 14x36m. Chính Đức Giám mục Cao Đình Thuyên với 10 linh mục giáo phận đã chủ sự thánh lễ khởi công xây dựng đầu năm 2003 và sẽ khánh thành vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15.8.2003. Cùng với Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình, phần đất này đã được Tòa Thánh quyết định lập thành giáo phận mới, giáo phận Tĩnh Bình, biệt lập với giáo phận Vinh chỉ gồm nguyên tỉnh Nghệ An mà thôi.

Phần chúng tôi, tuy biết công việc còn dang dở, chưa đạt cả trăm phần ước nguyện nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó, một đứa cháu chắt nào đó hay quí hơn một người thiện chí nào đó bắt nhịp được vấn đề và khai triển thành sự thật hoàn hảo. Nếu được như vậy thì không những riêng cá nhân mà cả tập thể giáo phận Vinh đồng vui mừng vì ai cũng nhận thức được trách nhiệm của mình là “kẻ đi sau” phải tiếp nối công việc của “người đi trước”.

Chúng tôi càng hy vọng gấp bội vì nhiều lần trước đây, chúng tôi đã xin Tòa Giám Mục Xã Đoài cung cấp một số tư liệu và một số hình ảnh nhà thờ xứ họ, đến nay việc ấy đã thành hình. Trong sách “ALBUM GIÁO PHẬN VINH”, 1999, người đồng hương được thấy và biết thêm nhiều nhà thờ khác trong giáo xứ, giáo hạt của giáo phận.

Có những giáo điểm đã tìm được tên tuổi của mình và được xếp hạng cao về giá trị, địa lý, lịch sử cũng như nhân sự tài năng đóng góp cho sự trưởng thành của Đạo Chúa đồng thời cho nền văn hóa các địa phương lớn nhỏ.

Điều đáng tiếc là một số cơ sở kiến trúc đáng được bảo tồn để minh chứng giá trị lịch sử lâu đời của mình thì không may đã bị đập phá tan tành để xây lại bằng những ngôi nhà mới toanh làm cho khách thập phương tưởng rằng giáo phận Vinh mới được xây dựng khoảng vài chục năm chứ không phải đã được xây dựng trên 150 năm thời các vị thừa sai Paris Pháp. Và càng không phải là một quá trình dài 375 năm kể từ khi linh mục Đắc-lộ vào cửa Bạng, Thanh Hóa và đặt chân đến vùng đất Vàng Mai, Hoàng Mai, Nghệ An, nơi giáp ranh với Thanh Hóa. Chẳng hạn, ngôi nhà thờ quí vào hạng nhất nhì giáo phận là họ Trường Cửu, xứ Cầm Trường được xây dựng năm 1735, gần 300 tuổi, đã bị đập bỏ một cách oan uổng năm 1998. Giả sử ngôi nhà này còn nguyên trạng thì chắc chắn Bộ Văn Hóa phải ghi vào danh sách, những di tích văn hóa phải được bảo tồn.

Điều đáng tiếc thứ hai là một số người nào đó đã vô ý thức đổi tên tùy tiện, không giải thích lý do làm cho công việc sưu tầm gặp nhiều khó khăn phức tạp. Dầu vậy với sức cố gắng kiên trì đến nay chúng tôi đã hình thành được tập tư liệu nghiên cứu kể từ bản thảo sơ khởi đầu tiên chỉ có mấy trang nháp thô sơ, vội vã và những lá thư tham khảo gửi đó đây mà không một ai trả lời.

Nói tóm lại khi làm việc này, vô tình hay hữu ý tất cả chúng ta, người viết cũng như người đọc đã đạt được một số chỉ tiêu là tìm lại được phần nào lịch sử của cha ông, nói lên được lời tri ân cảm mến đối với các nhà truyền giáo mọi thời và nhất là học được bài học cao giá của linh mục Đắc-lộ.

Do đó nếu có ai chịu khó suy nghĩ một chút để so sánh hai phong cách làm việc xưa và nay: một của linh mục Đắc-lộ, vị tông đồ lừng danh và một của hàng Giám mục, Giáo sĩ Việt Nam nói chung hôm nay thì sẽ thấy kết quả hoàn toàn ngược lại.

Nói rõ hơn, về phía linh mục Đắc-lộ, ngài chưa vội dựng nhà thờ, chưa vội dâng thánh lễ… và cả không có nhà để trú trọ ngoài một chiếc ghe ọp ẹp nay đây mai đó để làm cơ sở giáo dục đào tạo, làm nền tảng cho việc giảng truyền đạo Chúa tại vùng này.

Cho nên những ai quan niệm rằng làm linh mục xứ chỉ biết dâng thánh lễ sáng trưa chiều tối, xây dựng nhà thờ, nhà xứ, rước kiệu, ca hát mà coi thường việc dạy giáo lý và trực tiếp đi truyền giáo là điều không thể chấp nhận.

Nói cách khác, linh mục Đắc-lộ đã đi, hoàn toàn đi bộ hoặc chỉ đi đò ghe chút ít trong 8 tháng, đúng hơn 6 tháng rưỡi mà ngài đã đặt chân lên hầu hết các vùng đất quan trọng trong giáo phận Vinh.

Thời gian ngài đi và ở chỉ có bằng ấy nhưng kết quả, với Ơn Chúa, không thể lường được đối với giáo phận Vinh nói riêng và của cả đất nước Việt Nam thân thương nói chung. Đường lối làm việc của ngài là truyền giáo, nhiệm vụ ưu tiên của một tông đồ. Thứ đến làm mở mang văn hóa như công trình chữ QUỐC NGỮ VIỆT NAM chúng ta hôm nay đã và đang chứng minh những lời nói, những việc làm vĩ đại của ngài.

Nói tóm lại, với tiêu đề đi tìm xứ đạo đầu tiên, cơ bản chúng ta đã thấy được lộ trình thành lập các giáo xứ đầu tiên ở giáo phận Vinh:

- Thứ nhất xứ đạo Vàng Mai (Hoàng Mai, Yên Hòa).

- Thứ hai xứ đạo cửa Chúa (cửa Lò, Lộc Mỹ, Tân Lộc).

- Thứ ba xứ đạo Ke Hoa (Kẻ Hòa, Mỹ Hòa, Quảng Bình).

- Thứ tư xứ đạo Kẻ Sót (cửa Sót, Kim Đôi, Trung Nghĩa).

- Thứ năm xứ đạo Rum, Cua Rum (cửa Rùm, Cầu Rầm, thành phố Vinh).

- Thứ sáu Ke En (Làng Ấn, Làng Ênh).

- Thứ bảy đồng hạng là những xứ đạo được nói đến trong phúc trình 1676 của linh mục E. Ferreyra và còn giữ nguyên tên của mình cho đến bây giờ hoặc thay đổi chữ trước sau như:

·  PHỦ DIỄN CHÂU: Kẻ Mành (Mành Sơn), Vạn Phần, Kẻ Lân (Đức Lân), Kẻ Dừa, Kẻ Sò (Phú Linh).

·  PHỦ ANH ĐÔ: Kẻ Ngói (Bùi Ngọa - do tiếng Hán NgọaNgói), Trang Nứa, Mỹ Dụ, Kẻ Hòu (Nhân Hòa), Kẻ Nhuôm (La Nham), Kẻ Đòn (Qui Chính), Đô Lương (Bột Đà), Văn Lang (Quan Lãng + Lãng Điền).

·  PHỦ ĐỨC QUANG: Trang Cảnh, Cương Gián (Kim Lân), Kẻ Phuống (Chợ Phuống - Văn Thành), Kẻ Mui, Kẻ Thượng (Nghĩa Yên + Thọ Ninh), Làng Thou (Làng Truông), Kẻ Hạ (Giáp Hạ), Kẻ Bảo (Tri Bản), Thổ Hoàng, Trại Cày (Nam Huân - Tân Thành), Vức Mu (Thọ Vực), Vạn Tác (Đông Tràng).

·  PHỦ HÀ HOA: Trai Vo (Tiếp Võ), Kẻ Bàng (Kẻ Vang), Kẻ Khoai (Kẻ Khẩu - Cửa Khẩu, Quí Hòa), An Nghiên (An Nhiên), Kẻ Nhím (Văn Hạnh), Kẻ Cường (Hòa Thắng), Kẻ Mùng (Kẻ Mắt - Tràng Lưu), Dinh Cao (Dinh Cầu - Kỳ Anh).

Xứ đạo chính tòa Xã Đoài, tuy mới được chiêu mộ trong thời các vua chúa bắt đạo năm 1833 nhưng cũng được xếp vào danh sách các giáo xứ đồng hạng thứ bảy này vì có hai họ giáo kỳ cựu là Phúc Chu (Bùi Chu) và Trang Gốm (Kẻ Gốm, Trung Hậu).

Rồi mới đến các xứ đạo được nêu tên trong thời gian còn lệ thuộc vào giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) và những nơi khác trong bản tổng sắp thời Đức Giám mục Gauthier Ngô Gia Hậu năm 1846 như Thuận Nghĩa, Đông Tháp, Bảo Nham, Bột Đà, Tân Lộc, Trại Lê, Nhượng Bạn…

chân dung linh mục Cao Vĩnh Phan



[1] Lịch Sử Giáo Phận Vinh, 1996, Cao Vĩnh Phan, sđd tra. 44, chú thích 39.

Đi Tìm Xứ Đạo Đầu Tiên Giáo Phận Vinh 1627 - 2003 : Phần phụ bản

Đăng nhận xét

[blogger][facebook][disqus]

Author Name

{picture#https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgr3JIeR3kk_h-xB5gPYp7rDm9RC56LumWJPjoTfBoC4n_mW0jWN9_5wSQzelzwE0nO_iVa7R2Cx5Orj04fxiIJnwcz7j0nwqkZoDbz-E7RdldZhQuxUP9bDt4ANZSunmKSXBvI6trFmZG7/s1600/Ch%25C6%25B0a+%25C4%2591%25E1%25BA%25B7t+t%25C3%25AAn-1.png} {facebook#https://www.facebook.com/giaoxulocthuygpvinh} {twitter#https://twitter.com/giaoxulocthuy} {youtube#https://www.youtube.com/@giaoxulocthuy}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.