Thời kỳ sơ khai của Giáo xứ Yên Hòa - Quỳnh Lưu - Nghệ An, theo báo cáo của Thừa sai Constant CUDREY
Về thời kỳ sơ khai của Giáo xứ Yên Hòa – Quỳnh Lưu – Nghệ An, Thừa sai coi sóc huyện Quỳnh Lưu - Constant CUDREY (1850 – 1919) trình thuật như sau:
![]() |
Thừa sai Constant CUDREY |
Trước hết, về phía bắc, là huyện Quỳnh Lưu do Thừa sai Gudrey coi sóc với sự hỗ trợ của Thừa sai Geoffroy.
Huyện này bao gồm hai giáo xứ: Cẩm Trường ở
trung tâm, với 8.000 tín hữu; và Yên Hòa – nơi giáp ranh với vùng truyền giáo
ven biển Bắc kỳ […].
Ngôi nhà nguyện [của Yên Hòa] mới được xây dựng, nằm cách Cẩm Trường khá xa. Do hoàn cảnh xa xôi, nhất là khi các tín hữu qua đời, thường chưa kịp lãnh nhận các Bí tích sau cùng, nên việc biến nơi đây thành một thủ phủ Giáo xứ mới là cần thiết. "Ngay từ khi tôi còn phụ trách Yên Hòa, các tân tòng đã trình lên tôi một yêu cầu muốn xây dựng ngôi làng thành một Giáo xứ. Tôi đã trình yêu cầu này đến Đức Cha Croc [Hòa], người tiền nhiệm đáng kính của tôi, nhưng dự án không thể thực hiện được.
Năm 1889, tôi bổ nhiệm Phaolô Nguyễn Hoằng, một linh mục bản xứ, được biết đến khắp xứ chúng tôi và thậm chí ở các xứ lân cận, vì vai trò quan trọng của ngài, làm linh mục đầu tiên của giáo xứ mới. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1868 bởi Đức Giám mục Croc; sau đó thi hành sứ vụ Linh mục tại Xã Đoài được khoảng hai tháng trước khi được vua Tự Đức gọi về kinh đô để làm gia sư cho các hoàng tử trẻ.
Cha Hoằng không muốn sống trong bầu không khí
hoàn toàn ngoại giáo. Mặt khác, vị đại diện tông tòa, Đức Cha Gauthier nhận thấy
Cha Hoằng là một Linh mục trẻ có nhiều khả năng và đầy lòng nhiệt thành; đồng
thời Đức Cha lo sợ rằng Cha Hoằng sẽ gặp những nguy hiểm mà tòa án có thể gây
ra, nên không muốn để Cha Hoằng vào Huế. Vì vậy, Đức Cha đã tìm mọi cách để giữ
Cha Hoằng lại và yêu cầu đức vua xem xét rằng Cha Hoằng là một linh mục, không
thể đảm nhiệm chức năng làm gia sư cho các hoàng tử. Nhưng, mọi thứ đều vô ích: "Nếu ông ta
là linh mục của ngài," Tự Đức trả lời một cách khô khan, "ông
ta là thần dân của tôi; Tôi yêu cầu ông ấy phải đến Huế ngay lập tức.”
Trước lệnh như vậy của vua, Cha Hoằng chỉ còn
cách phải tuân theo. Vì vậy, Ngài đã rời đi và dành mười năm ở thủ đô [Huế], cống
hiến cho nhà vua, cho nước Pháp và cho sứ vụ Linh mục mà Ngài chưa bao giờ quên.
Giám mục Sohier và Giám mục Caspar đều nhất trí khẳng định rằng ngài [Cha Hoằng]
luôn có hành vi xây dựng; và cứ tám hoặc mười lăm ngày ngài lại đến giáo phận để
xưng tội.
Thay vì giao dịch với nhà vua thông qua các quan lại – những kẻ thường giải thích các vấn đề một cách không chính xác, người Pháp từ lâu đã mong muốn được giao dịch trực tiếp với vua; nhưng không ai trong triều đình dám bày tỏ mong muốn này với Tự Đức […]. Cha Hoàng đã liều lĩnh làm như vậy: hành động đó đã khiến Ngài suýt mất mạng.
Ngay khi biết được yêu cầu của Cha Hoằng, Tự Đức
đã vô cùng tức giận: "Nếu ta có thể quên được những việc ngươi đã làm
cho ta," ông nói, "ta sẽ chặt đầu ngươi ngay lập tức." Và
ông ta ra lệnh đưa Cha Hoằng ra khỏi kinh đô, hộ tống Cha Hoằng trở về thị trấn
chính của tỉnh nơi Ngài sinh ra và giam giữ Ngài ở đó. Vì phó vương của tỉnh
này có mối quan hệ rất tốt với Đức Cha Croc, nên Đức Cha đã sắp xếp cho Cha Hoằng
cư trú tại một cộng đồng Kitô giáo nhỏ gần thành trì.
Chính tại đây, sau khi Tự Đức mất, hai vị nhiếp chính của vương quốc là Tôn Thất Tuyết và Nguyễn Văn Tường đã cho mời Cha Hoằng đến để phục hồi lại các chức vụ trước đây của mình. May mắn cho Cha Hoằng là khi cuộc phục kích ngày 5 tháng 7 năm 1885 xảy ra, Ngài đang được nghỉ phép ở quê nhà.
Cha Hoằng lại được vua Đồng Khánh triệu hồi về kinh đô và được phép tiếp kiến. Nhưng vào năm 1886, khi Paul Bert đến Huế, ông đã cấm nhà vua giữ một linh mục trong triều đình của mình. Sau đó, Cha Hoằng trở lại chức vụ mà ngài đã đảm nhiệm trước đó [coi sóc Yên Hòa như dự tính ban đầu].
Tôi gọi Cha Hoằng về bên tôi vào năm 1889, và vào ngày 6 tháng 10 cùng năm, tôi cử Ngài đi coi sóc giáo xứ mới – Yên Hòa, giáo xứ xa xôi nhất trong vùng truyền giáo của chúng tôi. Lúc đầu, Đức Cha nhân từ có vẻ khá ngạc nhiên khi biết về sự thay đổi của tôi, nhưng khi hiểu rằng lý do tôi chọn ngài là vì lòng tin tưởng của tôi, Đức Cha đã vui vẻ chấp nhận trao cho Cha Hoằng chức vụ [mà tôi trao phó cho Ngài].
Khi đến Yên Hòa, Cha Hoằng quyết tâm bắt tay vào việc. Trong một thời gian rất ngắn, Ngài đã xây dựng được một nơi cư trú và một nhà thờ tuyệt đẹp. Sau đó, Ngài quan tâm đến việc gia tăng số lượng tín hữu nhỏ của mình mới chỉ có 30 người (khi Ngài tiếp quản chức vụ này) lên gần 600 tín hữu, được chia thành năm giáo điểm, mỗi giáo điểm có nhà thờ riêng.
Trong chuyến viếng thăm Quỳnh Lưu vào tháng 1 năm 1906, tôi đã làm phép ngôi nhà thờ cuối cùng do Cha Hoàng xây dựng. Trong năm qua [năm 1905], vị linh mục nhiệt thành này, mặc dù đã bảy mươi lăm tuổi, đã tái sinh 16 Kitô hữu mới trong nước rửa tội; đồng thời rửa tội thêm cho 7 trẻ em ngoại giáo.
[Như vậy] Năm nay [1906], huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện 20 lễ rửa tội cho người lớn và 71 lễ rửa tội [trong các trường hợp nguy tử] cho trẻ em ngoại giáo.
Đăng nhận xét