KHI
TÌNH NGƯỜI MẤT – BẠO LỰC LÊN NGÔI
Lm.Jos
Tạ Duy Tuyền
Mỗi ngày chỉ cần lướt qua vài trang báo là có thể
thấy vô số tin “tức” về hành vi bạo lực trong xã
hội, mà nguyên nhân đâu có gì to tát: va quệt xe cộ
ngòai đường, lời qua tiếng lại trong quán cà phê… thế
là đánh nhau; một cái “nhìn đểu” cũng đủ là nguyên
nhân giết người. Không thể không tự hỏi: vì sao bây
giờ người ta nhục mạ nhau, đánh nhau, giết nhau… dễ
dàng đến thế?
Dư luận Việt Nam thời gian qua rất phẫn nộ khi đọc
được những dòng tin trên Facebook của một người có
nick name “Kẹo Mút Chơi Bời” khoe khoang rằng: “Chúng
tôi vừa đâm một ông già gần 60 tuổi... khả năng
chết.”
Sau đó lại thêm: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương
tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe
máy đã củ tỏi hồi 17g07 ngày 02.11. Anh em phang lô đề
nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953.”
Trước hiện trạng này, có người cho rằng một số
thanh niên Việt Nam hiện nay không hề thấy lương tâm cắn
rứt khi làm thiệt hại đến vật chất lẫn tinh thần
của người khác, trái lại còn tỏ ra vui mừng, đặc
biệt trong trường hợp này. Tin từ
Công an TP Yên Bái cho biết người có nickname "Kẹo
mút chơi bời" trên Facebook đã tới trình diện cơ
quan công an ngày 10/11 theo giấy triệu tập để làm rõ
hành vi gây phẫn nộ "lên Facebook khoe tông xe chết
người”. Đúng như xác minh của Cơ quan Công an TP Yên
Bái, người có nickname "Kẹo mút chơi bời" trên
Facebook tên thật là Nguyễn Văn Linh (SN 1991, thị trấn
Phong Hải, huyện Bảo Thắng – Lào Cai)
Theo Luật Sư Phạm Thanh Bình của công ty luật Hồng Hà
thì “Kẹo Mút Chơi Bời” dù không phải là thủ phạm
gây tai nạn (là người ngồi sau người gây tai nạn),
nhưng không chịu đưa nạn nhân đi cấp cứu gây nên cái
chết của ông này thì có thể bị xem xét trách nhiệm
hình sự. Trong trường hợp này, tội danh dành cho người
đồng phạm đó là “không cứu giúp người đang trong
tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.”
Phải chăng xã hội ngày hôm nay đang đánh mất tình đồng
loại bằng thái độ dửng dưng, thiếu trách nhiệm và vô
cảm trước những bất hạnh của tha nhân? Có lẽ chủ
nghĩa “Mackeno” đã ăn sâu vào tâm thức người trẻ
hôm nay. Họ không còn tính nghĩa hiệp. Họ không còn nghĩ
đến việc phải ra tay giúp đỡ tha nhân khi cần. Họ
thích sống cho riêng mình và tìm tư lợi cho cá nhân hơn
là dám sống cho lợi ích tha nhân. Họ không còn dám sống
“mình vì mọi người” mà
chỉ còn đòi người khác “mọi
người vì mình” mà thôi.
Xã hội hôm nay dường như đã mất tình liên đới nên
thiếu những nghĩa cử cao đẹp của tình người như: “lá
lành đùm lá rách” hay “chị ngã em nâng”.
Ngày xưa cha ông ta đã tìm được sự nâng đỡ của đồng
bào, dẫu rằng nước có mất nhà có tan, nhưng vẫn tìm
được niềm vui nhờ sự yêu thương đùm bọc của tình
làng nghĩa xóm như câu ca dao xưa đã nói:
“Nhiễu
điều phủ lấy giá gương
Người
trong một nước phải thương nhau cùng”.
Ngày nay điều đó đã thay vào bằng sự vô cảm như lời
tâm sự của chị Ngô Lan Chi thổ
lộ trên trang facebook cá nhân:
“Xã hội ngày càng phát triển, những giá trị đạo đức
tốt đẹp đang bị các bạn trẻ dẫm nát bằng những
phát ngôn gây sốc, bằng những việc làm mà không ai có
thể tượng tượng ra. Tôi nghĩ lối sống vô cảm của
một bộ phận bạn trẻ đang ngày càng biến tướng và
có xu hướng lan rộng đối với những người trẻ xung
quanh”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải
sống tình liên đới với tha nhân, không chỉ vì có chung
một Cha trên trời nên “tứ
hải giai huynh đệ”, mà còn
vì con người là “hình ảnh
Thiên Chúa”. Chính Chúa đã
tự đồng hoá mình với những mảnh đời bất hạnh lầm
than. Chúa mời gọi chúng ta: ai tiếp rước họ là tiếp
rước chính Chúa. Ai giúp đỡ họ là giúp đỡ chính
Chúa. Ngược lại, Chúa cũng sẽ luận phạt vì chúng ta
đã từng khước từ thi ân cho những con người cùng khổ
đó.
Thực vậy, trong ngày phán xét, Chúa
không hỏi về bằng cấp của chúng ta cao hay thấp. Chúa
không xét duyệt chúng ta dựa trên địa vị trần thế
của chúng ta. Chúa phán xét theo tinh thần bác ái mà chúng
ta đã dành cho tha nhân. Vâng, chúng ta đều phải trả lẽ
trước mặt Chúa về tất cả những hành vi của mình.
Nhưng công hay tội tuỳ thuộc vào lòng bác ái chúng ta có
hay không trong những lời nói và việc làm của mình. Chúa
đã từng chê trách thái độ vô cảm của những biệt
phái, và của những thầy tư tế khi để mặc người bị
nạn trên đường đến Giê-ri-cô. Chúa cũng từng dùng dụ
ngôn để răn dạy thái độ dửng dưng trước bất hạnh
của đồng loại qua dụ ngôn “người
phú hộ và Lagiaro”. Chúa cũng
sẽ luận tội nếu chúng ta cũng thiếu trách nhiệm và
sống thiếu tình liên đới qua đời sống yêu thương và
phục vụ tha nhân.
Chúa Giê-su là Vua, nhưng Ngài đã cúi
mình phục vụ tha nhân. Ngài tự hoà nhập với con người.
Ngài đồng hành với con người. Ngài chia sẻ phận người
nổi trôi với con người. Ngài đã đến để phục vụ
và hiến mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Ngài còn mời
gọi chúng ta “ai muốn làm
lớn hãy cúi mình phục vụ anh em”.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống
cao đẹp cho dẫu có thiệt thòi vì đi ngược lại với
lối sống của thế gian. Xin cho chúng ta luôn can đảm làm
chứng cho tình yêu bất diệt của Chúa là dám “thí
mạng sống mình vì người mình yêu”
và biết yêu thương tha nhân như chính mình. Amen
Lm.
Jos Tạ Duy Tuyền