Tôi thực sự hãnh diện vì đã được sinh ra và lớn lên trong một đất nước giàu truyền thống. Những truyền thống ấy không những đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cho tôi thêm sức mạnh và sự bình an, mà còn dạy tôi lòng biết ơn, sự chân thành, lòng hiếu thảo...và nhất là lòng nhân ái. Câu tục ngữ "lá lành đùm lá rách" vẫn hoài ghi khắc trong tim tôi, nó vừa gợi lên trong tôi một niềm tự hào, lại vừa gọi lên trong tôi những nỗi băn khoăn!. Tự hào vì tôi đã được thừa hưởng phần nào những nét đẹp cao quý của dân tộc; băn khoăn vì tôi nhận thấy rằng dường như những giá trị cao quý của lòng yêu thương người đang mất dần đi theo nhịp sống của thời đại.
Nếu có ai hỏi : điều gì khiến tôi tự hào về dân tộc mình nhất, tôi sẽ nói rằng đó là tinh thần tương thân tương ái. Quả thật, người Việt từ xa xưa đã không ngừng đề cao và sống tinh thần ấy. Đọc những câu ca dao, tục ngữ và những cau chuyện kể trong dân gian ta sẽ thấy được tinh thần khao khát và sự đề cao lòng nhân ái của người Việt (Dẫu rằng đôi lúc những câu truyện ấy thật giản dị và mang tính hư cấu). Đi xa hơn việc đề cao tinh thần tương thân tương ái, người Việt đã sống tinh thần ấy một cách tuyệt vời.
Chắc ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần được chứng kiến những hành động cao đẹp của người khác dành cho hàng xóm láng giềng của họ, hoặc có khi chính bản thân chúng ta là những người đã nhận được sự giúp đỡ đùm bọc của người khác. Quay ngược thời gian về quá khứ, ta sẽ thấy được lòng tương thân tương ái của người Việt một cách cụ thể hơn qua những mẫu gương của các bậc tiền bối, họ luôn hết lòng vì người khác: Có những người thầy sẵn sàng bỏ việc tư để dạy học cho trẻ em nghèo, mà không màng đến việc đền đáp; cũng không thiếu những người sẵn sàng cho hàng xóm mượn cả gia tài của mình hầu giúp họ vượt qua cơn bệnh hoạn, khó khăn....và còn biết bao trường hợp khác nữa. Đó là những hình ảnh mà ai ai cũng có thể thấy được. Cũng qua đó ta mới thấy một dân tộc Việt Nam thật đẹp với tinh thần "lá lành đùm lá rách". Đó là niềm tự hào của mỗi con dân nước Việt.
Tuy nhiên, đứng trước những biến động của thời đại, niềm tự hào đó vẫn còn những âu lo. Trong những năm gần đây, cuộc sống người Việt không ngừng được nâng cao. Người người bận rộn với công việc làm ăn, buôn bán. Cuộc sống cứ dần đổi thay, văn minh hơn, hiện đại hơn...Nhưng lạ thay; càng văn minh, càng hiện đại đến đâu thì hình ảnh "sớm tối tắt đèn có nhau" của người Việt ngày càng trở nên hiếm thấy hơn. Thay vào những hình ảnh, hay nói đúng hơn là tình nhân ái, người ta dường như đang đi ngược lại với tinh thần ấy. Sự thay đổi đáng sợ này được thể hiện rõ nét qua những nguồn tin tức, những luồng sự kiện xảy ra hằng ngày: Người này lợi dụng người kia, kẻ này mưu hại người nọ; người có tiền thì o ép kẻ khó khăn; kẻ có quyền thì bóc lột người túng thiếu...Tại sao vậy!?...Phải chăng tiền và danh vọng đã làm cho người ta quên đi tình người!? Hay là tình người không còn giá trị trong cuộc sống hiện đại nữa!? Đó là những câu hỏi lớn đặt ra cho bạn, cho tôi, cho mọi người Việt trước những băn khoăn về những giá trị cao quý nơi tinh thần "tương thân tương ái" rất Việt đang ngày càng mờ nhạt và xuống dốc trầm trọng đó...
Ý thức được giá trị cao quý của tinh thần "lá lành đùm lá rách", mỗi con dân nước Việt không nên chỉ dừng lại ở những gì khiến mình tự hào, nhưng hãy dừng lại nơi chính cuộc sống của mình trước nhịp sống của thời đại-một nhịp sống dễ làm cho người ta quên đi giá trị nhân đạo, để từ đó mà ra sức cùng nhau xây dựng, giữ gìn tình người nơi những tâm hồn Việt.
KIẾN CON
Đăng nhận xét