Diễn
văn phát biểu của đồng chí Hồ Ngọc Dũng, PCT UBND huyện tại Lễ đón nhận di
tích lịch sử đền Thần, xã Quỳnh Đôi (13/03/2014 02:48 PM)
|
DIỄN VĂN BUỔI LỄ ĐÓN
NHẬN DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA
ĐỀN THẦN, XÃ QUỲNH ĐÔI
---------------
Kính
thưa: - Các bậc cao niên, các
Quý vị đại biểu;
- Thưa toàn thể cán bộ, nhân dân; các thầy cô giáo;
- Các em học sinh yêu quý.
Hôm nay, UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND xã Quỳnh
Đôi long trọng tổ chức Lễ đón bằng Di tích cấp Quốc gia - Di tích lịch sử
Đền Thần, xã Quỳnh Đôi. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là
niềm vinh dự của Đảng bộ, nhân dân huyện Quỳnh Lưu nói chung; cán bộ, đảng
viên, nhân dân xã Quỳnh Đôi nói riêng; thể hiện lòng thành kính, tri ân tưởng nhớ công lao to lớn của thiên
thần, các bậc tiền bối, tiền nhân suốt 4000 ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng
nước, giữ nước; sự ngưỡng mộ một công trình lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cổ
kính, tôn nghiêm, đã làm rạng danh trang vàng lịch sử truyền thống văn hóa,
cách mạng của một quê hương Quỳnh Đôi, xã anh hùng của huyện.
Thay mặt Huyện uỷ, HĐND, UBND, MTTQ và các
ban ngành, đoàn thể cấp huyện, tôi trân trọng cảm ơn, gửi lời chào trân trọng
và kính chúc các Quý vị đại biểu, bà con nhân dân, con em Quỳnh Đôi xa quê,
các thầy cô giáo, các em học sinh an khang, hạnh phúc, thành đạt.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể
nhân dân.
Quỳnh Lưu, là một trong những cái nôi của
người Việt cổ. Di chỉ Trại Ổi (Quỳnh Hồng), đền Thần (Quỳnh Hậu), núi Vin
(Quỳnh Giang) đã nói lên rằng cư dân ở đây có sự liên kết giữa cư dân của lưu
vực sông Hồng và sông Lam khoảng 3500 năm về trước. Tên gọi Quỳnh Lưu xuất
hiện lần đầu vào năm 1430 dưới thời nhà Lê.
Quỳnh Lưu, vùng đất địa linh nhân kiệt, quê
hương của nhiều bậc nhân, danh sĩ nổi tiếng, với nhiều di tích - danh thắng
có giá trị lịch sử văn hoá và cách mạng. Toàn huyện có 12 di tích cấp Quốc
gia, 11 di tích cấp tỉnh đã được công nhận; nhiều đình, đền chùa, lăng mộ còn
lưu giữ những giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật độc đáo như:
Đền Cửa Gan (Quỳnh Hoa), Đền Cồng (Quỳnh Hưng), Đền Voi (Quỳnh Hồng), đền
Thượng (Quỳnh Nghĩa), đình Tám Mái (Quỳnh Thuận), đình Làng (Quỳnh Đôi)...
Thổ đôi trang xưa có từ cuối đời nhà Trần
năm thứ 2 Trần Phế Đế -1378.
Ngược lại dòng lịch sử: Thổ đôi trang là một
xóm nhỏ, một trang trại trên khoảng đất khá cao ráo, trong một vùng nước pha
mặn đang bồi tự trong quá trình ngọt hóa. Thổ đôi trang nằm trong địa bàn của thôn
Kim Lâu, xã Hoàn Hậu thuộc lộ Diễn Châu bao gồm các huyện phía Bắc tỉnh Nghệ
An, thuộc đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Năm 1528, cách đây 486
năm, ông Hồ Nhân Hy, một võ quan thời Lê - Mạc, tước Bao Vĩnh Hầu về hưu đổi
tên Thổ đôi thành Quỳnh Đôi (chữ Quỳnh được dịch nghĩa là viên ngọc màu đỏ
tươi).
Thổ Đôi trang gắn tên
tuổi 3 cụ tổ Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh khai cơ, lập ấp.
Cụ Hồ Hồng, sinh năm 1358 là con
của cụ Hồ Kha, cháu chắt nhiều đời của trạng nguyên Hồ Hưng Dật, quan thái
thú Châu Diễn từ thời Hán - Ngũ Quý (thế kỷ thứ 10) được coi là thủy tổ họ Hồ
ở Việt Nam. Cụ Hồ Hồng đã từng là chánh đội trưởng ở Diễn châu lộ, về sau
từng cầm quân đi bảo vệ biên cương vùng Quảng Bình - Thuận Hóa và hy sinh tại
đó.
Cụ Nguyễn Thạc, là hậu duệ nhiều đời
của Quận công Nguyễn Bậc, trung thần của vua Đinh Tiên Hoàng. Cụ vốn quê Nam
Sách, Hải dương, từng tham gia các cuộc khởi nghĩa chống nhà Trần. Khi vào
Quỳnh Lưu, trước khi đến Thổ đôi trang, cụ sống ở vùng Bãi ngang-Hiền Lương
thuộc huyện ta làm nghề cày ruộng, đánh cá, lấy biệt danh là An Tâm Cư Sĩ.
Cụ Hoàng Khánh sinh năm 1358, là hậu duệ của Chàng Lái- Sát Hải Đại tướng quân Hoàng Tá
Thốn, người đã cùng tướng Yết Kiêu đục thuyền, tiêu diệt Ô Mã Nhi trong chiến
tranh chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1289. Là thủy tổ họ Hoàng ở vùng
Nghệ Tĩnh. Cụ Hoàng Khánh lãnh chức quan Hành khiến, quản thủ Diễn châu lộ từ
đời Trần Duệ Tông (1375-1377). Trước khi đến Thổ đôi trang, cụ từng ở vũng
bãi ngang Hiên Lương, thân gần với cụ Nguyễn Thạc.
Đền Thành Hoàng, Quỳnh
Đôi thờ một vị thiên thần mà theo tài liệu: Quỳnh Đôi cổ kim sự tích Hương
biên có ghi: Nổi tiếng linh thiêng, từng phụ hộ, độ trì dân làng ta qua những
cơn đại hạn, sâu bệnh được suy tôn là: Mộc Lôi linh ứng. Đền được chính thức
xây dựng vào năm 1757 và được tôn tạo qua các năm 1805, 1856. Năm 1803, 3 cụ
tổ được suy tôn là thần khai cơ làng, được rước vào phối tế tại đền Thành
hoàng làng. Năm 1805 được vua Tự Đức phong sắc: Dực bảo trung hưng, linh phù
tôn thần.
Đền Thần, Quỳnh Đôi,
đền thờ Thiên thần và nhân thần. Đền có quy mô không lớn, tọa trên diện tích
gần 5000 mét vuông, bao gồm các hạng mục: Cổng đền, sân vườn, Bái đường, hậu
cung. Trải qua bao biến cố thăng trầm, thiên tai khắc nghiệt, chiến tranh
tàn phá, đền được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn dự được những nét kiến
trúc đốc đáo. Đền gồm các hạng mục công trình: Cổng, sân vườn, bái
đường, hậu cung; khuôn viên đền được bố trí phù hợp cảnh quan gắn vùng đất
trũng xa xưa màu mỡ và tại đây còn nhiều di tích, di sản như câu đối, long
ngai, tượng đá có niên đại hàng ngàn năm, cực kỳ quý gắn với các giai
đoạn thăng trầm của lịch sử.
Phải chăng, mộc lôi
linh ứng, nhân linh, để vùng đất màu mỡ, từ xã xưa, đã nổi tiếng nghề
Dệt lụa, làm bún, bánh, hương trầm. Mảnh đất văn vật, dày truyền
thống cách mạng, hiếu học và khoa bảng. Ca dao có câu: Đô Lương dệt gấm
thêu hoa; Quỳnh Đôi tơ lụa, thủ khoa 3 đời. Dân gian truyền tụng từ ngàn đời:
Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi do có nhiều người đỗ
đạt, thành danh và nổi tiếng. Tính từ năm 1444 đến năm 1725, Quỳnh Đôi
có 707 người đỗ từ đầu xứ đến tam giáp, nhị giáp, tiến sĩ. Trong số đó có
nhiều đại thần, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, sử học mà cả
nước biết đến. Đó là tiến sĩ - đông các đại học sĩ Hồ Sĩ Dương; tiến sĩ -
hoàng giáp Hồ Phi Tích; tiến sĩ - hoàng giáp Hồ Sĩ Đống... Rồi giải nguyên Hồ
Sĩ Tôn, tiến sĩ Hồ Sĩ Tân... Sau này có Hồng lô tự khanh Phạm Đình Toái đã
hoàn thiện tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca. Chỉ tính riêng từ 1449 đến
1919, có đến 539 người đỗ Tú tài, 203 cử nhân. 6 Phó bảng, 6 Tiến
sĩ, 2 Hoàng giáp, 1 Thám hoa, 1 Bảng nhãn.
Từ sau cách mạng
tháng 8/1945 đến nay, 1 xã nông thôn như Quỳnh Đôi, có đến 3 Viện sĩ,
5 Giáo sư, 8 Phó giáo sư, 30 Tiến sỹ, 48 Thạc sĩ và hơn 1000 cử
nhân.
Là mảnh đất giàu
truyền thống cách mạng và bất cứ thời điểm nào của lịch sử,
Quỳnh Đôi đều xuất hiện các danh sĩ, chí sí tham gia cứu quốc,
giúp dân. Tiêu biểu như: Văn Đức Giai, Hồ Bá Ôn, Trần Thị Trâm, Hồ
Ngọc Lãm. Cụ Hồ Tùng Mẫu, nhà cách mạng lỗi lạc, bạn chí thân
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mảnh đất này gắn tên tuổi anh hùng quân
đội Cù Chính Lan, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. 5 người tham gia BCH Trung
ương Đảng các thời kỳ, nhiều người tham gia đại biểu Quốc hội; lãnh đạo cao
nhất các Bộ, ngành, vụ, viện, quân đội; 5 người con Làng Quỳnh được phong
cấp tướng, 1 anh hùng lao động, 8 bà mẹ Việt nam anh hùng, 226 liệt
sĩ.
Trên địa bàn xã, có
7 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh và nhiều di sản
văn hóa khác. Là xã đầu tiên của Quỳnh Lưu, Quỳnh Đôi được công nhận
danh hiệu Làng văn hóa vào năm 1998 và
năm 1996, Quỳnh Đôi vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hàng năm, vào dịp đầu xuân, trước đây, vào
ngày 12/02 âm lịch, nay vào dịp đầu xuân có lễ rước kiệu thần từ Đền ra đình
Làng để toàn dân cúng tế. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, con cháu, bà con
nhân dân, du khách thập phương về đây thắp nén hương, tỏ lòng thành kính, tri
ân tưởng nhớ, thể hiện tình cảm, sự ngưỡng vọng, biết ơn sâu sắc công lao các
thiên thần, các bậc tiền nhân, tiền bối đã có công phù hộ, độ trì, dựng xây
quê hương, đất nước.
Đền Thần được cấp Bằng công nhận di tích
lịch sử cấp Quốc gia, là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát
huy giá trị của di tích. Đây không chỉ là niềm vinh dự của nhân dân xã Quỳnh
Đôi mà là niềm tự hào của nhân dân huyện Quỳnh Lưu và toàn tỉnh Nghệ An nói
chung.
Trong niềm vui lớn hôm
nay, thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các ban ngành, đoàn thể cấp
huyện xin được tri ân các thiên thần, các bậc tiền bối, tiền nhân, cảm ơn
chính quyền địa phương, bà con nhân dân, các dòng họ, con em xa quê đã dày
công vun đắp, bảo quản, gìn giữ để phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa
bản xã xưa và nay.
Tôi mong muốn và tin
tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Đôi, con em xa quê và du khách thập
phương luôn hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp
tục đầu tư, tôn tảo, bảo quản, quản lý các di tích văn hóa, di tích cách mạng
nhằm phát huy hơn nữa giá trị của di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật, văn
hóa, góp phần làm thắm hơn trang sử truyền thống văn hóa, cách mạng của quê
hương, xây dựng Quỳnh Đôi trở thành xã giàu mạnh, văn minh, đi đầu trong
Phong trào Xây dựng Nông thôn mới, xứng đáng với danh hiệu
xã anh hùng, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển văn hóa, du lịch của
Quỳnh Đôi và huyện nhà.
Xin chân thành cảm ơn
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Nghệ An, con em Quỳnh Đôi xa quê đã
giúp đỡ Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Đôi trong quá trình xếp hạng di tích. Trân trọng
cảm ơn lãnh đạo các cấp về dự Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử Quốc gia đền
Thần xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Chúc mừng Đảng bộ, nhân
dân Quỳnh Đôi có một công trình được công nhận di tích lịch sử Quốc gia của
đất nước.
Kính chúc các bậc cao
niên, quý vị đại biểu, toàn thể nhân dân, con cháu các dòng họ, các em học
sinh an lành, hạnh phúc và thắng lợi.
Xin chân thành cảm
ơn!
|
Nguồn bài viết: http://www.quynhluu.nghean.gov.vn
Đăng nhận xét