Bảy điều cần biết về cuộc bầu chọn Đức Tân Giáo Hoàng
Lm. Nguyễn Hữu Thy
Bảy điều cần biết về cuộc bầu chọn Đức Tân Giáo Hoàng
Thứ ba, ngày 12.3.2013, 115 vị Hồng Y đã từ khắp nơi trên thế giới trở về Roma sẽ chính thức nhóm họp ở Nhà Nguyện Sixtine tại Vatican để bầu chọn vị Tân Giáo Hoàng, Đấng Kế Vị Đức Bênêđíctô XVI, mà người ta gọi là Cơ Mật Viện, tiếng Latinh là „Conclave“. Đây là một biến cố thời sự trọng đại bậc nhất trong những ngày này, đã thu hút không những sự quan tâm, hồi hộp lẫn lo âu của các tín hữu Công Giáo mà còn của cả thế giới nữa.
Nhưng thiết tưởng có bảy điều về cuộc bầu chọn Giáo Hoàng này chúng ta biết, đó là:
1) Conclave nghĩa là gì? „Conclave“ (tiếng Latinh) có nghĩa là căn phòng khóa kín. Từ Conclave được ghép lại bởi hai từ “cum” và “clave”: “Cum clave” và có nghĩa là “với chìa khoá”, tức căn phòng tại Nhà Nguyện Sixtine, nơi các vị Hồng Y nhóm họp để bầu Đức Tân Giáo Hoàng sẽ được khóa lại bằng chìa khóa trong suốt thời gian bầu chọn này. Tất cả mọi liên lạc với thế giới bên ngoài hoàn toàn bị cấm ngặt, ai sai phạm sẽ bị phạt dứt phép thông công, tức bị loại ra khỏi Giáo Hội Công Giáo.
2) Tất cả các Hồng Y sẽ trọ ở đâu trong suốt cuộc bầu chọn này? Các vị Hồng Y sẽ trọ tại nhà nghỉ Santa Marta trong khuôn viên Vatican. Các phòng ngủ của nhà nghỉ Santa Marta chỉ được trang bị các tiện nghi vừa đủ và không đồng đều, và các vị Hồng Y sẽ không được tự chọn hay được phân chia phòng nghỉ cho mình, nhưng sẽ được bắt thăm: ai trúng phòng nào thì nhận phòng ấy.
3) Cuộc bầu chọn Đức Tân Giáo Hoàng sẽ diễn ra như thế nào? Cuộc bầu chọn Đức Tân Giáo Hoàng sẽ được bắt đầu bằng Thánh Lễ tại đền thờ Thánh Phêrô. Sau đó vào lúc 16 giờ 30 các Đức Hồng Y sẽ đi tới Nhà Nguyện Sixtine để bắt đầu cuộc bầu chọn Đức Tân Giáo Hoàng, và các ngài chỉ được liên lạc với thế giới bên ngoài sau khi đã bầu chọn được vị Tân Giáo Hoàng mà thôi. Cuộc bầu chọn được diễn ra bằng cách bỏ phiếu kín và không được phép bỏ phiếu trắng. Sau 13 lần bỏ phiếu mà không vị nào hội đủ hai phần ba số phiếu của các Hồng Y hiện diện để trở thành Tân Giáo Hoàng, thì cuộc bầu chọn sẽ dừng lại một ngày để các Hồng Y cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng.
4) Làn khói trắng bốc lên ở ống khói Nhà Nguyện Sixtine có ý nghĩa gì? Mỗi ngày các vị Hồng Y sẽ bỏ phiếu hai lần. Người ta sẽ sử dụng chất hóa học để pha màu khi đốt các lá phiếu mà các vị Hồng Y đã bầu: Khi từ ống khói Nhà Nguyện Sixtine bốc lên màu trắng thì báo hiệu cho biết là đã bầu được Đức Tân Giáo Hoàng, còn nếu là khói đen thì cuộc bầu chọn còn phải tiếp tục.
5) Người ta có thể dự đoán khi nào thì có kết quả? Theo cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, thì kết quả cuộc bầu chọn Tân Giáo Hoàng lần này sẽ nhanh chóng, có thể vào ngày thứ 5 hay ngày thứ 6 tuần này sẽ có Đức Tân Giáo Hoàng.
6) Ai là người chịu trách nhiệm về việc tổ chức cuộc bầu chọn này? Đức Hồng Y Tarcisio Bertoni, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Niên Trưởng Hồng Y đoàn, sẽ chịu trách nhiệm về công việc tổ chức và điều khiển Cơ Mật Viện bầu Đức Tân Giáo Hoàng.
7) “Căn phòng nước mắt” là gì? Bên cạnh Nhà Nguyện Sixtine có một phòng nhỏ để vị Hồng Y vừa được bầu chọn làm Tân Giáo Hoàng thay phẩm phục đỏ Hồng Y và mặc áo trắng Giáo Hoàng. Tại đây, khi ý thức được trách nhiệm vô cùng nặng nề làm đại diện cho Đức Kitô ở trần gian này để lèo lái con thuyền Giáo Hội mà Thiên Chúa đã đặt lên vai mình qua sự bầu chọn của các vị Hồng Y, Đức Tân Giáo Hoàng sẽ vô cùng bồi hồi, lo lắng và sợ hãi, khiến nhiều vị đã phải rơi lệ, có vị còn bị ngất xỉu như trường hợp Đức Piô XII.
Các Kitô hữu Công Giáo chúng ta không chỉ hồi hộp và tò mò chờ đợi ai sẽ là Tân Giáo Hoàng sắp tới, nhưng chúng ta hãy sốt sắng thêm lời cầu nguyện cho Giáo Hội, cho các vị Hồng Y đang tham sự Cơ Mật Viện bầu chọn Đức Tân Giáo Hoàng, để Đức Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn các ngài bầu chọn cho Giáo Hội một Vị Cha Chung hoàn toàn thuận theo với thánh ý Chúa.
Nguồn: Vietcatholic New
Đăng nhận xét